Nằm gần thị trấn Santillana del Mar, tỉnh Cantabria, Tây Ban Nha, hang động Altamira tiết lộ nhiều thông tin quý giá về cuộc sống thời kỳ đồ đá cũ. Những công cụ bằng đá, tác phẩm khắc xương động vật, các bức bích họa được tìm thấy bên trong hang động đã đem lại cho các nhà khảo cổ học một cái nhìn rõ nét hơn về đời sống sinh hoạt thời kỳ đồ đá. Altamira được tổ chức UNESCO công nhận là một di sản thế giới, được biết đến rộng rãi nhất với các bức bích họa bí ẩn trên vách hang động.
Được phát hiện vào thế kỷ 19 (bởi trước đó, lối vào của hang động bị chặn sau một trận sạt lở), những bức họa bên trong hang động đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn của chúng ta về nghệ thuật thời kỳ tiền sử. Các bức tranh với chủ họa động vật, bàn tay, bên cạnh những ký hiệu đặc biệt là một minh chứng rõ nét cho văn hóa đặc sắc thời kỳ đồ đá.
Sau đây, hãy cùng khám phá 6 sự thật đáng kinh ngạc về tranh vẽ tại hang động Altamira
CÁC BỨC HỌA BÊN TRONG HANG ĐỘNG ĐƯỢC PHÁT HIỆN BỞI MỘT BÉ GÁI 8 TUỔI
Loạt tác phẩm bích họa lần đầu được tìm thấy vào năm 1868 bởi một thợ săn địa phương có tên gọi Modest Cubillas. Người thợ săn sau đó đã nói với chủ sở hữu hang động, ông Marcelino Sanz de Sautola về phát hiện của mình, tuy nhiên, ông Sanza de Sautola đã lờ đi cho tới năm 1876. Vậy nhưng, ban đầu, ông này không thực sự ấn tượng với loạt họa phẩm mà ông cho rằng chỉ là những hình ảnh vô nghĩa. Tuy nhiên, sau một chuyến thăm quan Triển lãm thế giới năm 1878, nơi ông nhìn thấy những tác phẩm khắc xương tương tự tại hang động, ông đã nhận ra giá trị của chúng.
Sau đó, Sanza de Sautola phối hợp cùng Juan Vilanova y Piera, nhà khảo cổ học của trường đại học Madrid tiến hành khai quật vào năm 1879. Ban đầu, họ tìm thấy xương động vật và những công cụ nhỏ. Một lần, Sanza de Sautola đưa con gái 8 tuổi của mình cùng đến khai quật và ngạc nhiên thay, chính cô bé đã phát hiện ra bức tranh vẽ bò rừng bên trong hang động.
Một thời gian sau, khám phá của họ được công bố trong cuốn “Giới thiệu sơ lược về di vật tiền sử ở tỉnh Santander” nhưng lại vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ nhiều học giả. Họ chỉ trích Sautola là kẻ lừa đảo và nghi ngờ các bức họa ấy là ngụy tạo. Phải tới thế kỷ 20, khi mà những bức họa tương tự được tìm thấy tại nhiều di chỉ hang động trong cùng khu vực mà người nguyên thủy đã từng cư trú thì các bức bích họa bên trong hang động Altamira mới được công nhận bởi giới chuyên môn.
CÁC BỨC BÍCH HỌA BÊN TRONG HANG ĐỘNG ALTAMIRA ĐƯỢC SÁNG TẠO TRONG HƠN 20.000 NĂM
Mặc dù hang động Altamira đã được xác định là địa điểm sinh hoạt của người nguyên thủy trong hàng thiên niên kỷ của thời kỳ đồ đá, các khoa học vẫn miệt mài nghiên cứu để xác định được khung thời gian ra đời chính xác của loạt bích họa bên trong hang động.
Dựa vào những cổ vật được khai quật, các nhà khảo cổ học tin rằng hang động Altamira đánh dấu văn minh Solutrean (khoảng 21.000 – 17.000 năm về trước) và Magdalenian (khoảng 11,000 – 17,000 năm về trước). Cả hai nền văn minh trên là giai đoạn đỉnh cao của thời kỳ đồ đá thượng (Upper Paleolithic), nổi tiếng với thành tựu chế tác công cụ và nghệ thuật. Phần lớn các bức họa bên trong hang động Altamira nhiều khả năng được ra đời vào giai đoạn này.
Đến năm 2008, nhờ kỹ thuật xác định niên đại bằng tia phóng xạ uranium-thorium dating, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các bức họa có khả năng được thực hiện trong suốt 20.000 năm. Một cuộc nghiên cứu vào năm 2012 cũng chỉ ra rằng các bức bích họa được thực hiện rải rác trong ít nhất 10.000 năm.
CÁC BỨC HỌA ĐƯỢC THỰC HIỆN TRONG MỘT KHÔNG GIAN HẸP
Hang động Altamira kéo dài 295.96 mét, và mặc dù khi đó, người nguyên thủy chỉ sinh sống ở phần ngoài của hang động, các bức họa được trải dài theo chiều dài của hang động. Bởi vậy, các vách tường hang động xuất hiện dày đặc hình vẽ, có thể ví như một bản thảo nghệ thuật.
Hầu hết các hình vẽ được tìm thấy trên trần hang động. Đây cũng là một chi tiết gây kinh ngạc bởi các khoang bên trong hang động đều có độ cao từ 1.16 – 2.65 mét, điều này đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ nguyên thủy luôn phải cúi gập người xuống để vẽ.
Phần lớn các tác phẩm đều có sự kết hợp giữa hội họa và chạm trổ. Hầu hết các nhân vật đều được chạm khắc trên đá sau đó được tô màu đen, đỏ, hoặc tím. Các tác phẩm phức tạp và chân thật nhất đều được thực hiện ở giai đoạn Magdalenian.
CHỦ ĐỀ ĐỘNG VẬT XUẤT HIỆN XUYÊN SUỐT CÁC TÁC PHẨM BÊN TRONG HANG ĐỘNG
Xuyên suốt một thời kỳ dài hàng thiên niên kỷ, không quá ngạc nhiên khi các bức họa trong hang động đa dạng cả về chủ đề và kỹ thuật. Tuy vậy, các bức họa nổi tiếng nhất bao gồm 25 tác phẩm màu khắc họa hình ảnh bò rừng, hươu, và ngựa trên nóc hang động. Ấn tượng nhất là bức họa hươu cái dài gần 2 mét. Về phần chất liệu, nghệ sĩ nguyên thủy sử dụng những nguyên liệu tự nhiên như than hay khoáng chất Hematit để cho ra màu đen và đỏ.
Các bức họa cổ hơn chủ yếu khắc họa hình ảnh bàn tay, loài hươu, và những “chiếc mặt nạ” trên những phần lồi trên vách đá. Người họa sỹ tài hoa đã lợi dụng triệt để đặc trưng mấp mô lồi lõm của nham thạch để phản ánh sự thay đổi cơ thịt và bộ xương của động vật. Đây cũng chính là phương pháp được áp dụng cho các bức họa xuyên suốt các giai đoạn lịch sử của hang động.
ALTAMIRA GIỮ MỘT VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG LỊCH SỬ HỘI HỌA
Nhờ có loạt tranh vẽ bên trong hang động, con người có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống thời kỳ đồ đá. Về khía cạnh hội họa, các hình vẽ bên trong hang động đóng một vai trò vô cùng quan trọng, đem lại cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc hơn về hội họa thời kỳ đồ đá. Có thể khẳng định, tác phẩm hội họa quan trọng nhất của người Magdalenian nằm bên trong hang động Altamira.
Mặc dù các hình vẽ bên trong không có sự liên kết hay kết cấu nhất định, chúng đều được đánh giá cao bởi quy mô, biểu cảm, cùng phối cảnh xét về nghệ thuật đồ đá.
Mặc dù nguồn gốc của các bức bích họa trên vẫn còn là một bí ẩn, các nhà nghiên cứu tin rằng các bức họa trên ra đời trong một thời kỳ phồn thịnh. Ngoài ra, họ cho rằng các bức bích họa tại hang động Altamira có thể phục vụ mục đích tâm linh, trong đó, một pháp sư sẽ tiến hành nghi lễ lên đồng.
MAI ANH/DESIGNS.VN
(Nguồn : designs.vn)
Thảo luận
Không có bình luận