Thuật theo bài báo “An Atmospheric Trick May Have Helped A Ukrainian Missile Battery Find And Sink The Russian Cruiser ‘Moskva’” của David Axe, đăng trên trang mạng của tạp chí Forbes, số ra ngày 13.12.2022. Tác giả tự giới thiệu ở đầu bài : “Tôi chuyên viết về tàu thủy, máy bay, xe tăng, hỏa tiễn và vệ tinh. Tôi là một phóng viên, nhà văn và nhà làm phim, hiện đóng đô ở Columbia, South Carolina.”
Vào những ngày, những tuần, sau khi thế giới nghe tin một pháo đội hỏa tiễn chống tàu chiến của hải quân Ukraine đánh chìm chiếc tuần dương hạm Moskva vào hôm 13 tháng Tư, 2022. Rất nhiều giả thuyết, tin đồn được luân lưu.
Nhiều người cố diễn giải làm thế nào hải quân một đất nước nhỏ không có chiến thuyền lớn lẫn máy bay lại có thể đánh bại một lực lượng hải quân vốn sở hữu vô số tàu thuyền và máy bay cỡ bự, trang bị vũ khí hùng hậu. Một số cứ đeo bám luận điểm rằng Ukraine đã cầu xin sự giúp đỡ của nước ngoài để biết được tọa độ của chiếc soái hạm Hạm đội Hắc Hải.
Phải chăng Ukraine sử dụng chiếc máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo, lén bay đến gần chiếc Moskva đang nằm trên Hắc Hải, cách thành phố cảng Odesa 80 dặm về hướng Nam, báo tọa độ về cho pháo đội hỏa tiễn Neptune biết ? Hay có thể là một chiếc phi cơ tuần thám Boeing P-8 của Hải quân Hoa Kỳ bay ở cao độ đã truyền lại những tọa độ quan trọng cho người Ukraine ?
Rõ ràng là cả hai đều trật lất !!
Theo một bài viết làm ai đọc cũng phải cau mày, mới đăng trên nhật báo Ukrainska Pravda (Sự Thật), rằng pháo đội hỏa tiễn Neptune tự chính họ tìm thấy địa điểm chiếc tàu chỉ huy hạm đội của Nga và tấn công.
Sự giúp đỡ mà pháo đội nhận được … đến từ thiên nhiên.
Một hiện tượng không khí gọi là “temperature inversion,” tức nhiệt độ đảo nghịch, tạo thành một kênh cho sóng radar, cho phép chúng truyền đi qua đường cong chân trời rồi quay trở về.
Phóng viên Roman Romaniuk viết : “Thiên nhiên tự nó đã bất ngờ giúp đỡ cho xứ sở Ukraine vào hôm 13 tháng Tư. Các thủy thủ điều khiển dàn hỏa tiễn Neptune lẽ ra không thể trông thấy chiếc Moskva với radar thông thường, nhưng mà ở đây nó lại xảy ra.”
Vào chiều ngày 13 tháng Tư, chuyên viên điều hành radar thuộc pháo đội hỏa tiễn Neptune ghi nhận được trên màn hình của mình một đốm sáng lớn nằm ở phía nam của Odesa.
Romaniuk viết : “Vật thể duy nhất có hình dáng như vậy nằm ở khoảng này của Biển Đen ắt hẳn là chiếc soái hạm Hạm đội Hắc Hải của Liên Bang Nga, chiếc tuần dương hạm Moskva,”
Romaniuk nêu thắc mắc : “Nhưng làm sao một dàn radar thường, có thể thấy được mục tiêu nằm bên kia chân trời ở một khoảng cách xa như vậy ? Trong khi các kỹ sư điều khiển hỏa tiễn của Ukraine vững tin không chút nghi ngờ rằng thiên nhiên nghiêng về phe tự vệ.”
Không khí nghịch đảo (atmospheric inversion) là một lớp phân cách trong không khí nơi mà theo nguyên tắc nhiệt động học, khí ấm nằm dưới, lạnh nằm trên, nay nghịch đảo lẫn nhau. Bên trên lớp này, không khí ấm hơn không khí nằm dưới lớp nghịch đảo.
Hiện tượng nghịch đảo có thể xảy ra trên không cách bề mặt dưới đất vài trăm hoặc vài ngàn bộ Anh và lớp này rất dày. Vài trăm hoặc vài ngàn bộ cao hơn, không khí chuyển về bình thường của phép nhiệt động học : lạnh hơn nằm trên.
Hãy tưởng tượng lớp nghịch đảo giống như một cái trần vô hình. Vật chất các thứ có khuynh hướng tụ lại ở độ cao nơi nhiệt độ đột ngột thay đổi. Mây và các chất ô nhiễm là một ví dụ. Các sóng điện từ trường cũng vậy.
Một radar vốn chỉ thấy đến chân trời, xa chừng 30, 40, hoặc 50 dặm, tùy theo radar nằm chỗ cao thấp khác nhau. Khi thời tiết xảy ra đúng y bon như thế và hiện tượng nghịch đảo hình thành ở đúng nơi đúng độ cao, radar bỗng nhiên thấy được bên kia chân trời. Đó là vì các sóng radar được kênh truyền vòng qua đường cong Trái Đất nhờ phép nghịch đảo mà giới khoa học gọi tên là “ducting,” tức ống dẫn.
Thật khó đoán trước được khi nào những điều kiện như thế xảy ra. Không lạ gì người chuyên viên radar khá bối rối khi thấy chiếc Moskva hiện ra trên màn hình của mình.
Nhưng không lâu đâu, phóng viên Romaniuk giải thích. “Sau vài phút đắn đo và tham khảo ý kiến, người chuyên viên đưa ra lệnh ‘khai hỏa’ – và hai hỏa tiễn bay về phía chiếc tuần dương hạm.”
(Nguồn : forbes.com)
Thảo luận
Không có bình luận