//
you're reading...
Cao Nguyên Lộc, Chiến Tranh, Dịch Thuật, Kỹ Thuật, Thiết kế

Cuộc đời ngắn ngủi của phi cơ tàng hình Stealth F117

Cao Nguyên Lộc

08.25.2009

Tháng Ba, 2009 vừa rồi, sáu chiếc Nighthawk F-117A cất cánh từ căn cứ không quân Holloman, để rồi hạ cánh lần cuối cùng tại Tonopah Test Range, thuộc căn cứ không quân Nellis, nằm ở xó xỉnh đông bắc tiểu bang Nevada. Tại đây người ta tháo rời cánh chúng ra trước khi đem cất giữ một cách cẩn mật trong các hangar chứa máy bay. Trong khi đối với các loại phi cơ thông thường khác, mỗi khi tới tuổi về hưu, người ta đem xếp chúng vào trong bãi phế thải dành riêng cho máy bay ở Arizona.

Mặc dù thành công rực rỡ trong Cuộc Chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất qua thành tích làm tê liệt hệ thống phòng không của Iraq ở giai đoạn mở màn, và trong nhiều năm Ngũ Giác Đài đã chi ra bộn bạc cho kiểu F-117A này. Tuy nhiên tiếng tăm vô địch của nó chưa giữ được lâu mà đã mất đi vào năm 1999, khi một chiếc bị đội pháo thủ quỉ quyệt người Serb bắn hạ bằng một hỏa tiễn kiểu cũ của Nga.

Hạt mầm khiến nó bị đưa vào quên lãng được gieo từ ý niệm chiến tranh lạnh, cho nên sau thời kỳ này nó trở nên không cần thiết nữa. Nhưng dẫu sao việc sáng chế ra nó là một thành tựu lịch sử, có thể truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Đúng ra chiếc F-117A đã được thai nghén lâu hơn, nếu những hỏa tiễn của Sô Viết ở Ai Cập và Syria hồi chiến tranh Yom Kippur năm 1973 đã không hạ tan tành không lực lão luyện của Do Thái. Mùa hè năm sau, Hội Đồng Khoa Học Quốc Phòng của Ngũ Giác Đài đưa ra một bản lượng định nghe thật nản lòng, “Hệ thống phòng thủ tinh vi của khối Đông Âu khiến cho không quân của Nato khó có thể tấn công được các mục tiêu trên đất.”

Sự lượng định này giúp làm mạnh thêm ý niệm về một loại máy bay khó bị phát hiện hay còn gọi là stealthy fighters, dịch nôm na là chiến đấu cơ tàng hình vì có thể lẻn vào đất địch mà không bị radar phát hiện.

Kết quả là bắt đầu cuộc nghiên cứu sơ khởi vào Tháng Giêng năm 1975. Sau mùa hè đó, các nhà nghiên cứu của các hãng Lockheed Martin và Northrop Grumman gần như đạt được khám phá bất ngờ, mà trước đây người ta vẫn nghĩ là không thể nào thực hiện được, đó là làm giảm đi kích thước một vật thể nhìn thấy được trên màn ảnh radar (RCS, radar cross-section). Các kỹ sư được biết rằng theo lý thuyết, nếu thay đổi với hình dáng và chất liệu thích hợp, một vật thể có thể thấy trên màn ảnh radar trông có vẻ nhỏ hơn. Cái khó là phải tính toán làm sao cho một hình thể phức tạp của một chiếc máy bay phù hợp với tính chất RCS từ mọi góc cạnh, đối với độ dài sóng của radar. Kỹ thuật computers vào thập niên 70 hãy còn quá phôi thai để có thể thực hiện được.

Nhờ nhu liệu điện toán tân kỳ và computers tối tân, các phương trình RCS có thể giải được; cộng thêm với việc vẽ lại hình dáng của phi cơ, phương trình này càng trở nên đơn giản hơn. Bản thiết kế của chiếc phi cơ được thành hình vào năm 1975, phá vỡ quan niệm của mọi phi cơ truyền thống, đó là bề mặt của phi cơ hoàn toàn không có một đường cong nào cả.

Cảm hứng đưa đến hình dáng hoàn toàn mới mẻ của chiếc phi cơ, đến từ sự khám phá tập tài liệu của nhà toán học Nga Pyotr Ufimtsev vào năm 1964; theo đó, sự phản hồi của radar tỉ lệ với sự sắp xếp các góc cạnh chứ không phải kích thước của một vật thể. Toàn thể hình dáng của phi cơ được tạo bởi những tấm phẳng ghép lại, và được phủ bằng một lớp hấp thụ tia radar, một chất tựa như linoleum.

Năm 1978, sau khi cho bay thử chiếc máy bay thử nghiệm có tên Have Blue, hãng Lockheed trúng thầu công việc triển khai cho chiếc phi cơ dưới cái tên được mã hóa Senior Trend. Các nhà lãnh đạo Ngũ Giác Đài nhận rõ được sức mạnh của tính năng tàng hình nên khai mào cuộc tranh luận bí mật là làm sao để tận dụng được nó.

Quyết định sau cùng là cho một chiếc xuất quân càng sớm càng tốt, và được giữ hoàn toàn bí mật. Một chiến đấu cơ tàng hình được thiết kế chủ yếu để thực hiện một sứ mạng, đó là bắn một viên đạn vào đầu não của hệ thống phòng không địch vào giờ phút đầu tiên của cuộc chiến.

Lockheed chế tạo trước năm chiếc trong đợt đặt hàng đầu tiên gồm 20 máy bay. Mục tiêu là làm sao chiếc đầu tiên sẽ bay vào Tháng Bảy 1980. Nhu cầu cho sự thiết kế gấp rút dẫn đến sự ra đời của F-117A. Hình dáng bên ngoài không khác mấy với chiếc phi cơ thử nghiệm Have Blue, trong khi những đặc tính khác phải đạt được mức tương đối có thể chấp nhận được như tầm bay xa, cao độ, và vận tốc hạ cánh.

Vì sự gấp rút, các chi tiết khác của máy bay đều không có đủ thời gian để thiết kế. Hệ thống điều khiển được lấy từ phóng pháo cơ B-52, động cơ phản lực lấy từ chiến đấu cơ F/A 18 Hornet, hệ thống định vị bằng tia hồng ngoại từ hãng Texas Instruments, nói chung là góp nhặt từ các hệ thống khác một nơi một ít. F-16 góp phần cho hệ thống computers và phi hành. Dàn dụng cụ máy móc trang bị ở phòng lái lấy từ phi cơ tuần thám P-3 Orion của Hải Quân.

Cũng như chiếc Have Blue, F-117A được bọc bằng lớp hấp thụ sóng radar, tất cả nặng chừng một tấn. Lớp này gồm từng tấm dẹp được dán chồng lên vỏ phi cơ; nơi các tấm này ghép mí lại với nhau, người ta dùng một loại tựa như mát-tít để lấp các chỗ hở. Ðộng cơ máy bay được che bằng những phên lưới để radar không bắt được, và khí nóng thoát ra từ động cơ được cho phân tán theo những đường chẻ. Ngoài ra để tránh cho radar dưới đất không phát hiện, phi cơ này không trang bị radar.

Tuy vậy, chế tạo chiếc F-117A cũng vẫn rất khó khăn vì các kỹ sư phải thiết kế vội vàng cho kịp thời hạn. Cuối cùng thì phi cơ bắt đầu đi vào hoạt động vào Tháng Mười năm 1983, chậm hơn so với dự kiến. Góc của cánh phi cơ được tính toán theo một góc độ để các sóng radar bị phân tán ra khỏi máy bay, ngăn không cho chúng phản hồi trở lại nguồn, nơi chúng được phóng ra. Tuy nhiên radar vẫn nhìn thấy được phi cơ ở phía hông hơn là ở hướng trực diện.

Tháng Giêng năm 1984, cứ mỗi giờ bay, phi cơ cần 113 giờ bảo trì. Vấn đề lớn vẫn còn với đặc tính tàng hình. Khi một chùm sóng radar rọi vào phi cơ, chúng tạo nên những tia loé khiến radar có thể nhìn thấy nó trên màn ảnh. Chiếc F-117A phải được phủ thêm một lớp hấp thụ sóng radar, nhưng nếu lớp này có vết rạn thì lập tức radar sẽ thấy ngay.

Khi Bill Clinton trúng cử chức vụ tổng thống vào năm 1992, mọi chương trình dành cho loại phi cơ chiến thuật này đều bị hủy bỏ để tập trung vào sự phát triển loại phi cơ mới F-35 Lightning. Con đường dẫn đến một kiểu F-117A tân tiến hơn coi như chấm dứt.

Vào ngày 27 tháng Ba, 1999, một chiếc F-117A sau khi vừa bỏ bom một mục tiêu ở Serbia xong thì bị bắn rơi ở địa điểm cách Belgrade 28 dặm về hướng tây bắc. Oái oăm thay, vũ khí bắn hạ nó lại là một hệ thống phi đạn cũ rích S-125 Neva-M.

Chiếc F-117A sau khi bị bắn rơi ở Serbia năm 1999. (AP)
Từ thù thành bạn : Dale Zelko (trái) phi công chiếc F-117A, và Zoltan Dani, người chỉ huy bắn hạ, trong lần gặp gỡ sau này. (bbc news)

Mãi đến cuối năm 2005 thì chi tiết của vụ này mới được tiết lộ. Chính Ðại Tá Dani Zoltan là người chỉ huy pháo đội với đầu óc chiến thuật bén nhạy và biết cải biến thiết bị nên mới hạ được chiếc phi cơ tàng hình tối tân nhất thế giới. Tuy nhiên tên tuổi ông không được tiết lộ vì ông là một sĩ quan quân Serb nhưng mang tên họ gốc người Hung, mà Hung đã xâm lăng Yugoslavia thời thế chiến Thứ Hai, để lại mối hận trong lòng người Serb. Tên tuổi ông bị dìm vì không muốn được tuyên dương như một anh hùng.

Ðể bảo vệ cho hệ thống radar và các chuyên viên khỏi bị tấn công, Zoltan cho di chuyển thường xuyên. Ông ta đã điều khiển Pháo Ðội 3 của Lữ Ðoàn Phi Ðạn 250 di chuyển tổng cộng 50 ngàn dặm trong suốt chiều dài cuộc chiến 78 ngày.

Chính ông cũng là người đã cải tiến loại radar P-18. Loại radar này khác với mọi radar khác là nó hoạt động ở băng tần VHF như loại ăn-ten trời dùng bắt sóng để coi TV, nó truyền sóng ở tần số thấp hơn nhiều so với các radar khác. Trong khi chiếc F-117A được phủ bằng lớp hấp thụ tia radar thường, ít hữu hiệu đối với radar loại VHF.

Ðể tránh bị phát giác bởi hệ thống radar như loại P-18 đòi hỏi phải có một sự kết hợp của sự phác thảo kế hoạch chu đáo, hoạt động an toàn và có chiến thuật. Pháo đội của Ðại Tá Zoltan vì quá linh động nên đối phương không thể truy tìm để tiêu diệt được. Tình báo người Serb theo dõi sát khi các phi cơ F-117 cất cánh từ căn cứ Aviano ở Ý, vì bị hạn chế không phận nên đêm này qua đêm khác, các chiến đấu cơ này chỉ bay theo một lộ trình nhất định.

Theo lời Ðại Tá Dani, khi chiếc F-117A bay xa được tám dặm (13 cây số) và lên ở cao độ 26 ngàn bộ (6 ngàn mét), thì pháo đội ông bắn ra hai phi đạn. Chúng tìm đến mục tiêu chỉ trong vài giây. Trung Tá Không Lực Hoa Kỳ Darrell Zelko sau này không hề tiết lộ ông có được cảnh báo về sự xuất hiện của phi đạn hay không. Một khía cạnh vẫn còn bảo mật về chiếc F-117 là liệu nó có trang bị radar báo động nào không. Nếu có vì sao không thấy bất cứ tài liệu nào về phi cơ này nhắc nhở đến.

Zelko nhảy dù ra khỏi máy bay và được một trực thăng MH-60 Pave Hawk cứu thoát sáu giờ sau đó.

Mãi đến 2005, lực lượng F-117 chỉ được dùng tập trung vào một số sứ mạng. Một trong những sứ mạng đó là “nhắm đánh ngay vào mục tiêu”. Thông thường, không phi đạn nào có thể bảo đảm rằng mục tiêu đã được bắn trúng, nên việc xác nhận chính xác mục tiêu muốn tiêu diệt đã trúng đích là tối cần thiết.

Một sứ mạng khác mà F-117 phải thực hiện là tiêu diệt mục tiêu nhưng chỉ gây thiệt hại hết sức tối thiểu cho người và nhà cửa chung quanh. F-117 có khả năng thả vào mục tiêu đầu đạn 2000 lbs (gần một tấn) một cách chính xác, và cũng có thể đánh vào các mục tiêu khác gai góc hơn, kiên cố hơn so với các phi đạn khác.

Tiếc thay, quả đấm cuối cùng giáng xuống tương lai của F-117 khi cuộc chiến tốn kém ở hai chiến trường Afghanistan và Iraq bùng nổ. Không Quân Hoa Kỳ vì lo duy trì ngân sách eo hẹp cùng với dự án cho chiếc F-22 nên phải cho về vườn các phóng pháo cơ B-52, máy bay dọ thám U-2 và F-117. Năm 2006, Không Quân công bố F-117 chấm dứt hoạt động vào trước năm 2008.

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: