//
you're reading...
góp nhặt cát đá, Truyện ngắn

Cô Là, con gái người liệt sĩ Điện Biên – Phạm Thanh Hoài

(tt) Ga Hàng Cỏ không bán vé ở ghi-sê mà ở nhiều nơi. Lệnh cấm tụ tập đông người cũng chỉ có hiệu lực được vài ngày.

Trước cửa ga người ta đông đúc. Mấy tay tẩm quất, những người bán nước chè xanh xách ấm chạy rong, nhưng chỗ đông người nhất vẫn là chố mấy cô bán nón. Một cái giơ ra, hai cái giơ ra, ba cái giơ ra đội đầu và chào mời nhặng xị. Đèn điện bị che kín, quãng phố tối như ở nông thôn.

Tôi nhìn qua ánh sáng lơ mơ thấy cô gái khoảng mười tám đôi mươi. Tôi cất giọng hỏi :

– Bao nhiêu tiền cái nón, em ?

– Đồng rưỡi anh ạ !

Cô nhoẻn miệng cười trả lời.

– Sao rẻ thế ?

– Anh chê đắc à ?

– Không, tôi muốn mua loại nón năm đồng kia.

Người con gái đi ra khỏi đám đông, có ý như kéo tôi ra một nơi vắng vẻ. Cô úp mấy cái nón vào ngực. Vặn vẹo người, nhìn quanh quan sát, rồi cô nói như thăm dò :

– Anh định mua nón năm đồng thực à ?

– Sao lại không ?

– Ai bảo anh ?

Cô nói rồi nguýt một cái.

– Có người bảo.

Tôi đáp, rồi buông xuống một câu :

– Ra công viên đi !

Nói xong, tôi chậm bước như chờ đợi. Người con gái quay nhanh vào chỗ đám đông rồi đi theo tôi.

Trên đường ra một vườn hoa gần đấy, tôi vừa đi vừa hỏi chuyện để tìm hiểu, để cho thanh niên cờ đỏ khỏi nghi ngờ. Bởi vì thời điểm từ 12 giờ đêm không ai được ở trong công viên, nhất là trai gái.

Chúng tôi ngồi trên ghế đá dưới ánh đèn điện để những người có phận sự hết nghi và để nhìn rõ mặt người con gái xem có đáng giá năm đồng bạc không. Dưới ánh sáng ngọn đèn phòng không vừa yếu vừa bị che đi gần hết mà cô gái vẫn còn muốn giấu mặt. Tôi hỏi :

– Em tên là gì ?

– Em là Là.

– Sao lại là Là ?

– Không, tên em là Lê Thị Là thật mà.

– Tên em hay đấy !

– Tên em xấu chết! Bố em đặt đấy!

Vẫn giọng nói gióng một, tôi hỏi :

– Em được mấy anh em ?

– Em chỉ có hai chị em. Em em là Lượt.

– Quê em ở đâu ?

Cô gái nhìn tôi, e dè hỏi lại :

– Anh là công an mật phải không ?

– Không phải đâu !

– Thế anh làm nghề gì vậy ?

Cô nhìn tôi để cố đoán xem tôi thuộc loại người nào trong xã hội. Lúc ấy tôi mới có dịp nhìn rõ mặt cô: Đôi mắt sáng hiền dịu, có lúm đồng tiền ở hai bên má. Tôi nghĩ bụng cô này có cái gì đáng thương mà lại gợi tình. Tôi rủ :

– Về nhà anh đi !

Cô tỏ ra ngần ngại hỏi lại :

– Nhà anh có xa không ?

– Không xa đâu.

– Có đông người không ?

– Không.

– Em sợ lắm !

Cô ngước mắt nhìn tôi, tay run run vuốt nhẹ mái tóc rối.

Tôi dỗ :

– Em cứ về thử xem.. Nếu không thích thì anh lại đưa em trở lại đây.

Cô đứng dậy, phủi bụi đũng quần, ôm nón vào bụng theo tôi.

Trong căn phòng trống đồ đạc chỉ có một cái giường lớn, nguyên là hai cái giường một của tôi ghép lại. Cô gái liệng mấy cái nón ra giữa nhà, ngồi phịch xuống giường, ngả người chống hai tay ra sau. Cô đưa mắt lướt nhìn rồi hỏi :

– Nhà tập thể à ?

– Không, nhà riêng của tôi đấy.

Tôi vặn nhỏ ngọn đèn dầu cho ánh sáng nhạt mờ đi để người con gái bớt thẹn thùng.

Một lúc sau, ngọn đèn lại được trả lại hết cỡ. Căn phòng sáng trưng.

Thời gian rất ngắn vừa qua đã đủ làm cho cô gái đối với căn phòng này tự nhiên như đã quen biết từ lâu. Nàng đi đi lại lại trong phòng ngắm nhìn mấy khung ảnh treo trên tường. Rồi đột nhiên như phát hiện ra một điều quan trọng, nàng mở to mắt nhìn tôi, khẽ kêu lên :

– Ồ! Anh là bộ đội à ?

Nói xong, nàng im lặng một lát rồi hỏi lại :

– Anh cũng ở đại đoàn Ba? Anh có đánh Điện Biên không?

Tôi nói :

– Em hỏi để làm gì ?

Cô gái tần ngần một tí, hạ giọng nói:

– Anh ở đại đoàn Ba thế nào mà chẳng đánh Điện Biên …

– Đánh Điện Biên thì làm sao ?

– Nếu đánh Điên Biên thì có thể anh biết bố em đấy.

Tôi lơ đãng, mệt mỏi trả lời :

– Đại đoàn đông lắm … Làm sao mà biết được ai vào với ai !

Cô gái nói to :

– Bố em là Lê Văn Lân, tiểu đội trưởng đánh đồi A1.

Lê Văn Lân!

Tôi thầm nhắc lại, sững người và nghĩ :

Chết, con bé này .. Anh Lân ơi !

Lê Văn Lân, trung đội trưởng. Đúng rồi! Tôi biết. Lân Hà Đông, Tiểu đội trưởng đầu cầu, đánh đồi A1.

Vì để giải quyết một trận đánh dứt điểm nên ở đơn vị Quyết Thắng nhiều cán bộ xuống làm đội viên. Lân, trung đội trưởng, xuống phụ trách tiểu đội trưởng mũi nhọn. Những đơn vị này gọi là đặc biệt. Ai được vào đó, coi như một vinh dự lớn.

Trong chiến dịch Điện Biên, tôi là sinh viên xuống làm quân y sĩ ở đơn vị Lân. Anh em sống với nhau con chấy cắn làm đôi. Tính Lân hiền lành, thân hình cao to, đen đủi, nhưng có cặp mắt hết sức đa cảm. Anh hay khóc khi thây bạn tử thương trong chiến đấu hoặc khi những cơn sốt rét rừng hành hạ một đồng đội quá ốm đau.

Nhìn kỹ mặt Là, tôi dần dần nhận ra nhiều nét giống bạn tôi quá. Tôi lúng túng, nhưng cố tình làm ra bình thường, nói:

– Em là con liệt sĩ à ?

– Vâng, bố em là liệt sĩ.

Tôi nói cho có chuyện để lấp đi những nỗi lòng :

– Bây giờ chính sách đối với gia đình liệt sĩ khá lắm phải không ?

– Vâng, khá.

Nàng đáp và nói :

– Địa phương cũng chú ý giúp đỡ lắm anh ạ.

– Mỗi tháng gia đình được trợ cấp bao nhiêu ? Tôi hỏi.

– À tiền .. Theo chính sách, mẹ em được mười đồng, gạo đong theo điều hòa. Mẹ em lại được làm cho cửa hàng ăn ở chợ, tám buổi một tháng, mỗi buổi được một đồng. Ngày nào làm, ăn ở đấy không mất phiếu. Em được vào tổ nón, tiền phụ cấp mỗi tháng tám đồng.

Là im lặng một lúc rồi giải thích thêm :

– Đáng lẽ em không được hưởng nữa đâu, hết tuổi mười tám rồi. Nhưng con Lượt còn phải học năm nữa, mẹ em lại ốm luôn, xã linh động cho em được lĩnh hết năm nay để nuôi em Lượt.

Nàng nhìn tôi như có ý dò hỏi, nói :

– Anh có phiếu vải không ?

– Em buôn tem phiếu à ?

– Không! Cho em một ô để em mua vải đen, may cho con Lượt cái quần. Nó sắp lên trường con em liệt sĩ học rồi.

Rồi nàng vội nói thêm, như giãi bày :

– Ở nhà cũng có phiếu. Nhưng có vải đâu mà mua? Thỉnh thoảng mậu dịch cũng có đem về bán. Nhưng chỉ có cán bộ xã, hoặc những người cân lợn, thừa tiêu chuẩn, mới mua được. Đến dân thì hết tiệt. Anh cho em một phiếu vải thì tốt quá !

– Được anh sẽ lấy cho em một phiếu vải.

Tôi lục tìm ở thùng quần áo và đưa cho nàng một mảnh phiếu cắt mất hai ô. Nàng cầm tấm phiếu ái ngại hỏi :

– Nhỡ chị ấy hỏi đến thì làm sao ?

– Em cứ dùng rồi anh sẽ liệu nói với vợ anh.

Tôi lập cập dọn ấm chén và vớ được ít trà còn sót lại nhưng hơi mốc.

– Nước pha rồi đây này. Uống đi kẻo nguội! Chắc là em khát ?

Nàng uống liền ba bốn chén rồi mới nói :

– Vâng, em khát.

– Em đi thế này lâu chưa ?

Là hơi đỏ mặt. Uống hết chén nước thứ tư nàng nhìn tôi nói :

– Em không làm nghề này đâu! Thề có quỉ thần trời đất hai vai, sợ lắm! Em gặp anh là người thứ hai đấy. Con bạn em nó xui em nên em theo nó có một lần thôi. Cũng là hoàn cảnh cả thôi anh ạ.

Nàng cúi mặt kể :

Lần thứ nhất, mẹ em ốm, nằm trạm xá. Người ta cho đơn đi mua thuốc ở cửa hàng huyện không có. Con Loan, bạn em, nó rủ em ra Hà Nội để nó mua hộ cho. Tiền đâu mà mua thuốc? Thế là con Loan dẫn em vào nhà bạn nó. Hôm ấy em sợ quá!

Nàng im lặng một lúc, chép miệng nói:

– Lần này công việc ở nhà chẳng có, lại sắp phải tiêu mấy việc. Phải may cái quần cho con Lượt. Thế là con Loan lại rủ đi. Em ra Hà Nội bán mấy cái nón và mua cái phiếu vải. Gặp anh, em lạy trời lạy Phật, thấy anh là người hiền lành. Em mới dám đi theo anh, người khác thì chết mất! Thôi, không nói chuyện này nữa, em đi ra ga đây.

Như chợt nhớ ra điều gì, Là hỏi :

– Này, anh có nhiều mì thế này? Để em đổi gạo cho !

– Mì tiêu chuẩn tháng này đấy. Em lấy mấy cân về mà ăn.

– Thôi, để cả cho em chỗ này. Mấy cân thì ai ăn, ai đừng? Hôm nào em mang gạo ra cho. Mì ở đây các anh chán ngấy. Ở quê em mì nấu với cua làm bún riêu ngon lắm. Mấy hôm nữa giỗ bố em.

Giỗ năm nào cũng đông. Bạn hoạt động, Ủy ban, Đảng ủy cũng đến cả. Em bắt ít cua về nấu với nó làm món chủ lực anh ạ. Thịt ở quê dạo này hiếm lắm. Dân thì chịu cứng. Chỉ có Ủy ban là thỉnh thoảng có một tí chút thôi.

Thế là toàn bộ số mì để tôi ăn trong hai chục ngày đã nằm gọn trong bao tải. Tôi không biết nói thế nào, mặt đần ra và nghĩ : “Từ ngày mai trở đi lấy gì mà ăn mà đi làm.”

Tay xách bao mì, Là nhanh nhảu nói :

– Thôi em về, anh nhé!

Tôi im lặng, nàng tự mở hé cửa lách người đi ra.

Tôi đứng ngây người, nghĩ ngợi miên man.

Hình ảnh bạn tôi, tiểu đội trưởng Lân đứng trước hàng quân giờ xuất phát, mặt đầy khí thế, choáng ngập bầu trời.

Thay mặt anh em, Lân đứng ra khỏi hàng đọc quyết tâm thư. Tiếng nói choang choang, giọng cương quyết, tràn đầy hy vọng. Trông người anh lồng lộng..

Sau khi Là xách cả bao mì lách cửa ra đi, tôi lan man nghĩ đến nhiều điều: Thật-giả, đúng-sai trong cuộc sống. Rồi cái trước mắt tôi không quên được và tự hỏi :

Mai ăn ở đâu nhỉ?

Một tia sáng lóe lên. “Yên chí rồi! Ta sẽ đến ăn ở nhà bệnh nhân bán cơm lậu phố Bảo Khánh.”

Bẵng đi hai tuần.

Tôi cũng chẳng còn nghĩ đến mấy cân mì nữa.

Một buổi tối, tôi vừa đi ăn cơm về thì nghe thấy có tiếng gõ cửa. Cánh cửa vừa hé, thấy Là, tôi sửng người.

– Gạo em mang ra cho anh.. mệt quá em không thể xách vào được, còn để cả ngoài kia..

Tôi chạy ra, trố mắt thấy :

Một tải gạo, một quả mít, một con gà mái !

Là đon đả nói :

– Em lo quá! Không biết mấy hôm vừa qua anh lấy gì mà sống? Em phải xin giấy Ủy ban, nói dối là mang gạo ra cho bà thím đẻ không ăn được mì … Giấy chỉ cho phép có năm cân. Em mang cho anh gần một yến đấy! Gạo ngon lắm… Mẹ em bảo mang quả mít ra và biếu anh một con gà. Cái Lượt nó nuôi đấy. Mẹ em còn muốn hôm nào mời anh về chơi. Em nói anh là bộ đội ở đại đoàn Ba, mẹ em quí lắm!.. Những anh ở đại đoàn Ba về chơi luôn đấy. Đơn vị vẫn thường cho người mang tiền về giúp đỡ gia đình..

Người tôi nóng ran, mặt rát, cổ họng nghẹn ngào, hai chân như muốn khuỵu xuống và tôi nói thầm với Lân :

Anh chết rồi, con gái anh đang đứng trước mặt tôi, ngay trước mắt, anh Lân ơi!

Tôi lấy ống tay áo lau đi dòng nước mắt của mình và cố giấu mặt vào bóng tối trước mặt con gái người bạn chiến đấu của tôi.

Tháng 6, 1972.

(Bản quyền của Nguyễn Hữu Hiệu)

(Trích Khởi Hành số 79 – Tháng 5.2003 – Năm thứ VII)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: