//
you're reading...
góp nhặt cát đá, Hoài Niệm, Tùy Bút

Mẹ tui Đồng Khánh ngày xưa – Nơi ấy còn ở lại

Nguyễn Hoàng Anh Thư

Mẹ tôi kể lại rằng, thời xưa ai được vào học trường Đồng Khánh là một điều hãnh diện ghê gớm lắm. Mẹ tôi may mắn được học cả hai cấp học nơi đây, từ lớp đệ thất đến lớp đệ nhất (1956 đến 1962). Cha và mấy anh em tôi đều học Quốc Học, nhưng duyên phận, tôi lại được về giảng dạy ngôi trường mà mẹ tôi đã gắn bó cả lứa tuổi thiếu nữ của mình. Bao điều nghĩ ngợi, bao điều bâng khuâng bất chợt ùa về. Tôi lại hình dung hình dáng mẹ tôi, dì tôi ngày ấy tha thướt áo dài dạo quanh nơi đây.

“ Mẹ tôi Đồng Khánh ngày xưa

Dáng người xưa ấy vẫn ngồi đâu đây”

Tường rêu phủ, mộng mỵ những tháng năm đã bạc màu trên bao mái tóc. Mẹ tôi bây giờ, mẹ tôi ngày ấy, chợt bùi ngùi trong lời bài hát thật thiết tha:

“ Sông Hương chảy ngược bên trời

Mẹ tôi Đồng Khánh mới vừa qua thôi”

Những năm tháng đầu tiên được về giảng dạy ở ngôi trường này tôi còn quá trẻ, nhưng sự thân thiện, tình cảm của quý cô thầy đã giúp tôi vững vàng hơn, thấy mình chững chạc lớn hơn nhiều lắm. Tôi nhớ thầy hiệu trưởng đầu tiên khi tôi được về ngôi trường này, Thầy Lê Huy Linh, một người thầy mà nhìn vẻ bề ngoài có vẻ khó tánh lắm, nhưng khi được trò chuyện với thầy mới biết được là một thầy giáo thẳng thắng, tốt bụng và vui vẻ nữa. Những ngày tháng ấy, trừ những ngày mưa to, giáo viên phải mặc trang phục áo dài, lỡ mà buổi sáng trời mưa, giữa trưa trời nắng mà không mặc áo dài, vô tình bị thầy thấy là sợ lắm. Thi thoảng, tôi lại thấy chậu bông giấy ở cạnh phòng truyền thống trường nở đầy bông. Những cánh hoa trắng hồng mỏng mảnh như tờ giấy poluya mà ngày xưa thường hay dùng để viết những cánh thư e ấp. Cái gì nơi đây cũng gợi nhớ đến sự đài các, sang trọng mặc dù tháng năm đã phủ lên những lớp rêu mờ. Tôi lại nhớ những chiều mưa nơi này, khi học trò đã tan học, mấy cô thầy tranh thủ dùng sân chơi của học trò để chơi cầu lông, đó là những năm 2000, khi trường chưa có nhà thi đấu như bây giờ. Có những ngày trời mưa gió, vẫn đông đủ, vẫn rộn rã vợt cầu, rồi những trận cười cứ thế, theo cánh gió mà phiêu phiêu cho đến tận bây giờ.

Tôi nhớ những gương mặt thầy cô lớn tuổi của ngôi trường này ngày ấy, những nụ cười phúc hậu, rạng rỡ. Tôi nhớ những đồng nghiệp đồng lứa ngày ấy, thân thiện, vui vẻ bên nhau.

Tôi nhớ những lứa học trò đầu tiên, những gương mặt ngây ngô trong sáng.

Tôi nhớ hàng ghế đá cũ kỹ, những gốc cây trong những năm tháng đầu tiên mình đặt chân đến ngôi trường này. Những gốc cây xà cừ thật to, tán lá xòa rộng che bóng từng góc sân trường. Có một lần, đi ngang qua lối giữa sân trường, tôi đã giật mình, bởi có một điều gì đó thiêu thiếu, trống vắng trong đôi mắt của tôi: một cây xà cừ nghiêng nghiêng không còn đứng ở đấy nữa, cả gốc cũng không còn. Những người thợ xây đang khỏa lại đám đất bị bung lên để lát lại vỉa hè bằng gạch đỏ. Tôi đoán, một mảng gạch màu đỏ sẽ nối tiếp đường gạch màu xanh rêu kia. Nó vẫn còn trong trí nhớ của tôi, tôi tin nó sẽ còn nằm ở đấy trong chừng vài năm nữa, hoặc có thể đến khi trí nhớ của tôi bị lão hóa trong những năm về già. Bình thường tôi ít chú ý đến nó, hôm trước đi ngang đã thấy một dải băng rôn màu đỏ cùng chùm xác bong bóng vỡ đã vắt ngang lại. Chùm bong bóng thả lên trong ngày khai giảng đã bị vướng lại bởi những cành cây chìa ra thật cao. Anh bảo vệ cũng đang ngước nhìn lên. Anh nói: “mai người ta cho chặt cây này, nó nghiêng dữ quá”. Đúng là nó đang nghiêng. Những chiếc rễ nó đang bung khỏi nền gạch hành lang trên sân trường. Huế đã vào mùa mưa, bắt đầu từ tháng mười. Hình như tôi nghe tiếng bục đang vỡ nát từ đất. Đất bất lực vì mưa. Mềm. Tất cả chỉ có vậy. Như muốn níu kéo một điều gì, không biết nữa, nhưng kể từ đó tôi hay nhìn vào khoảng đất trống mỗi lần đi ngang qua.

Tôi hỏi: cây đó được trồng từ bao giờ nhỉ? có lẽ hơn 50 năm. Nó to đến thế cơ à. Sự tưởng tượng tò mò chạy trên từng đường vân gỗ khi người ta bắt đầu cưa. Thật ra tôi có ở đấy đâu. Người ta đã cưa nó trong những ngày nghỉ. Bây giờ mọi sự đã thật gọn gàng, chóng vánh đã khoanh lại một vòng tròn trong ý niệm của tôi. Một gốc cây. Một gốc cây thì có gì mà ghê gớm thế. Tôi cố nhớ lại, hình dung nó đang nghiêng, những cành lá la đà trên cao. Những chiếc ghế đá vẫn còn nguyên vẹn ở đó. Nó không xê dịch điều gì. Tôi muốn nghĩ ra đều gì đó, chẳng biết, cứ lòng vòng mãi trong đầu.

Hôm nay trời lại mưa, những chiếc lồng đèn màu vàng – quà tặng của trường Quốc Học đang đẫm ướt ngoài sân trường như gợi nhớ bao mùa thu cũ. Đồng Khánh – thoắt cái đã trăm năm. Đôi khi con người chẳng nhớ được cụ thể điều gì ngoài cả đống lá rụng bên thềm và cái lạnh rùng mình khi vừa bước ra khỏi nhà vào sáng sớm. Ồ, cuộc sống đúng như vậy. Có điều gì đó làm ta ngỡ ngàng, làm ta chú ý mới lưu lại trong kí ức. Sân trường vẫn màu xanh lá. Hàng cây vẫn đứng mãi nơi đây. Có điều gì làm tôi ngộ ra, nỗi nhớ về những điều thật đặc biệt ngày xưa chỉ còn lưu lại đôi chút. Dù sao nó vẫn sống mãi trong đầu. Tôi nhớ những người đã từng gặp nhau, từng là bạn, hoặc từng là đồng nghiệp đã đi qua. Cây cũng đến thì, lẽ sinh diệt đang bước qua từng ngày. Nhưng nơi ấy vẫn còn ở lại. Mãi mãi.

Tháng 2.2017/N.H.A.T

(Nguồn : Đồng Hương Kontum)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: