//
you're reading...
Chiến Tranh, góp nhặt cát đá, Tùy Bút, Truyện ngắn

Mộ tuyết * Nguyễn Quốc Trụ

Trích cuốn “Những chuyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta,“ do Nguyễn Đông Ngạc biên soạn. Sóng xuất bản năm 1973.

(Ảnh : Cao Lĩnh)

Nguyễn Quốc Trụ (còn ký bút hiệu Sơ Dạ Hương, Tuấn Anh) sinh năm 1938 tại Bắc Việt, cựu học sinh Chu Văn An, học Đại Học Văn Khoa và bỏ dở, làm công chức.

Đã xuất bản: Những Ngày Ở Saigon (tập truyện). Ngoài ra, viết những bài phê bình khảo luận đăng rải rác trên Nghệ Thuật, Văn, Vấn Đề, Văn Học…

Củng một số bạn hữu chủ trương Tập San Văn Chương.

QUAN NIỆM VỀ TRUYỆN NGẮN

Đối với cá nhân yêu mến và theo đuổi nghiệp văn, truyện ngắn là giai đoạn chuẩn bị, sửa soạn trước khi sáng tác những truyện dài. Như thế, truyện ngắn là một bài toán nhỏ về bút pháp (exercice de style).

Muốn biết một nhà văn thành công hay không, cứ coi những truyện ngắn đầu tay của người đó. Tuy nhiên, cũng còn có những trường hợp ngoại lệ.

Truyện ngắn giống như những dấu hiệu thay đổi thời tiết trước khi sang mùa. Người đọc phải nhạy cảm một chút mới nhận ra truyện ngắn hay hoặc dở. Giống như những viên ô mai, ăn ít thì còn ngon.

Về Truyện Ngắn “MỘ TUYẾT”

Không có câu trả lời (ghi chú của Nhà Xuất Bản).

Mộ Tuyết

Ba Xuyên, thời gian viếng thăm thành phố hồi bắt đầu đi làm, những năm tập sự đầu tiên của cuộc đời một gã chuyên viên kỹ thuật làm việc ngày hai buổi tại một ty trung ương cơ xưởng chuyên lo sửa chữa, tu bổ những máy móc và đồ dùng kỹ thuật bị hư hỏng từ các nơi gởi về, lâu lâu, tùy theo nhu cầu công vụ, được biệt phái đi các đài địa phương để giúp đỡ mấy người trưởng đài (thường chỉ là những hiệu thính viên, chỉ biết sử dụng nhưng không biết và cũng không có phận sự phải lo sửa chữa máy móc) về một vài trở ngại kỹ thuật cần phải điều chỉnh cấp tốc tại chỗ để tránh những chậm trễ có thể tạo nên những phiền nhiễu, những khiển trách, những trở ngại có tính cách chuyên môn đại loại như là máy nhận tin bỗng nhiên yếu, rè, nhiều nhiễu âm, khi nghe được khi không, hoặc là máy phát tin cháy, phát nổ, ngừng phát tín hiệu… Tất cả những rắc rối tương tự như vậy thường chỉ mất một hai ngày làm, do đó thời gian trù tính cho mỗi chuyến đi thường trong khoảng trên dưới mười ngày, nhiều lắm là tới nửa tháng, trừ những ngày vừa mới tới, bắt tay ngay vào công việc tìm kiếm sửa chữa, những ngày còn lại của chuyến đi được dùng vào công chuyện viếng thăm thành phố một thành phố không có gì đáng nhớ (khi cố gắng muốn nhớ lại) có một người trưởng đài khổ người loắt choắt nhưng tánh tình thật niềm nở, lịch sự, đã lập gia đình, trong những lúc ăn cơm vừa xong hay những khi rảnh rang công chuyện, người chồng (người trưởng đài) ưa kể chuyện cho khách nghe về quãng đời đã qua của ông (những năm còn trẻ, những năm phiêu lưu giang hồ, những mơ ước, những tham vọng hồi đó, những năm phục vụ trong quân đội viễn chinh Pháp, lý do giải ngũ, trường hợp lấy vợ, những mơ ước còn sót lại…) hỏi khách tốt nghiệp đã lâu chưa, hồi còn ở ngoài Bắc quê hương ở vùng nào, khi đã gần hết câu chuyện để nói hay để hỏi, như sực nhớ tới hiện tại, ông khuyên khách đừng nên thuê phòng ngủ tốn tiền, đừng nên đi chơi quá xa vượt ra ngoài phạm vi châu thành, cười cười nói đùa khi thấy người vợ ít nói cùng lũ con lui vào trong nhà trong, ở đây chỉ có những cô Mai Liên, phải nghỉ một lúc lâu khách mới hiểu chủ nhà định nói tới những cô gái nước da ngăm đen ở vùng này.

Hết hai năm tập sự, được đổi sang làm tại một đài chuyên duy trì những đường dây liên lạc viễn ký, viễn ảnh và vô tuyến điện thoại giữa Sàigòn và một số thủ đô các nước, không còn dịp ra khỏi thành phố, quên dần những chuyến đi xa, những cuộc phiêu lưu vặt có hạn kỳ, cuối cùng chỉ còn nhớ mơ hồ về những thành phố đã một hai lần ghé qua, một vài ngày ở lại đó, những nỗi nhớ mơ hồ về một lần đầu tiên trong đời, về một bài học đầu tiên (những tiếp xúc đụng chạm và sau cùng là sự khám phá chiếm đoạt thân thể một người khác phái, ở đâu, bao giờ, trong một trường hợp như thế nào, những tò mò thắc mắc, những tưởng tượng lần đầu tiên đã có một giải đáp thỏa đáng) hay những chi tiết vụn vặt không liên quan, không ăn nhập vào đâu cả về một hình thể, địa thế vị trí của mỗi thành phố, (hình như) cách kiến trúc phảng phất giống nhau, khu trung tâm thành phố thường gồm có một tòa hành chính, một chợ nhỏ được vây bọc bởi một vài khách sạn chệt, một vài quán nước, tiệm cà phê, hủ tiếu, quán bi da, banh bàn, những buổi sáng thứ hai tất cả mọi người đều phải đứng dậy đi chào cờ theo lệnh của những chiếc loa phóng thanh được đặt ở những nơi công cộng (thành phố lúc đó có một bộ mặt trang nghiêm tức cười, những thực khách đang dùng điểm tâm vội vã đứng dậy miệng vẫn còn mẩu bánh mì chưa nuốt kịp, dáng lúng túng của mấy bà già nghễnh ngãng chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra) tiếng hát vọng cổ khoảng chập tối hay trong khi chập chờn ngủ được âm thanh của một cây đàn tây ban cầm phụ họa, từ một đám đông tụ tập trong một quán cà phê trước mặt khách sạn theo gió lọt vào căn phòng ngủ nghe như những thở than tình tự của một linh hồn tỉnh nhỏ, như một lời từ biệt chưa kịp nói của cô gái lúc nãy vội vàng rời khỏi căn phòng, chân đi đất không gây nên một tiếng động, nàng đã lén lút tới, im lặng chỉ cho biết hơi ấm nồng nàn của tỉnh lỵ rồi sau đó lén lút đi khỏi giống như con mèo đen không biết tới nằm trên thành cửa số từ lúc nào, mắt xanh biếc trong đêm tối, tiếng nước nhỏ từng giọt đều đặn ở phòng tắm kế bên hình như một người khách đã vô ý không vặn chặt vòi nước, tiếng còi của những chiếc xe hàng đánh thức giấc ngủ khoảng ban mai, đánh thức luôn cả mùi ẩm mốc hình như toát ra từ bốn căn tường loang lỗ, từ chiếc nệm giường mục nát, vẻ tiều tụy của căn phòng thường gây nên một nỗi trắc ẩn vô duyên cớ, một cảm giác bực bội, buồn bã không đâu…

Trở lại Ba Xuyên khi được tin đứa em trai chết. Tử trận.

Gia đình gồm bốn anh chị em tất cả, một chị, ba anh em trai. Bố làm nghề dạy học. Ông là hiệu trưởng trường tiểu học trong những năm Pháp thuộc và hồi đầu 1945. Nơi sinh của bốn anh em đều khác nhau bởi vi nghề nghiệp của bố không cố định ở một nơi nào. Đứa em trai tử trận sinh tại Gia Khánh, Ninh Bình. Nơi tử trận: một quãng sông nào đó thuộc địa phận xã Trường Khánh, tỉnh Ba Xuyên. Trong báo cáo một quân nhân (CLQ/BP) tử trận (chết) do bộ chỉ huy tiểu đoàn… ngày 23 tháng 11 ghi rõ:

Họ và tên:

Cấp bậc: Chuẩn úy. (CLQ)

Số quân:

Chức vụ: Trung đội trưởng

Ngày và nơi sanh: Gia Khánh (Ninh Bình) năm 1912.

Tên cha: (chết)

Tên mẹ:

Gia cảnh: Độc thân

Ngày chết: 23 tháng 11 năm 1967.

Trường hợp chết: Trong cuộc hành quân… chạm súng với địch tại xã Trường Khánh, quận Long Phú, tỉnh Ba Xuyên, bị trúng đạn, tử thương lúc 10 giờ.

Ngày và nơi mai táng: Được thân nhân xin thi hài về mai táng tại nghĩa trang Quân Đội, Saigon ngày 23.11.1967.

Địa chỉ cấp báo thân nhân:

KBC, ngày 23-11-1967

Đại úy…

Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn…

(Gia Khánh, Trường Khánh, có thể có sự tình cờ giữa hai tên gọi, hai địa danh, một ở miền Bắc, một ở miền Nam, có thể có một mối liên lạc không thể nào giải thích nổi giữa hai địa danh, hai ký hiệu gần như vô nghĩa nhưng lại liên quan đến định mệnh của con người? Có thể như vậy không, hai tên gọi như hai dấu báo của một định mệnh?…)

Bố mất tích đúng ngày ba mươi tết năm 1945, năm bắt đầu của tất cả những biến động. Khi đó ông đang làm hiệu trưởng trường tiểu học Việt Trì, một quận lỵ ở bên kia ngã ba Hạc thuộc sông Hồng Hà, bên này sông là nơi ông sinh ra, lớn lên, học tiểu học trường làng rồi sang học trung học bên kia bờ sông, sau đó thi vô trường sư phạm, tốt nghiệp được bổ làm giáo học, dạy học ở nhiều nơi, nơi sau cùng là Việt Trì. Những mẩu chuyện dính dáng đến sự mất tích của bố hồi đó thật nhiều. Thoạt đầu ông bị nhóm người chiếm giữ quận lỵ hồi đó bắt giam vì không chịu theo phe chúng. Người chỉ huy cuộc bắt bớ này lại là một học trò cũ của ông. Cuối cùng nhóm người chiếm giữ quận lỵ không chống cự nổi với lực lượng tiến đánh của Việt Minh và bỏ chạy. Bố mất tích từ ngày đó. Sau này người thì nói ông được giải thoát và theo bạn hữu qua Tầu theo kháng chiến chống Pháp, người thì nói bị chính người học trò của ông thủ tiêu bằng cách cột đá vào người rồi đem thả xuống sông. Bốn anh em và một người mẹ bắt đầu sống chuỗi ngày khổ cực kể từ ngày bố mất tích đó. Ba mươi tết năm 1945. Năm thứ nhất của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Một ngày nào tự nhiên anh nhớ hay có cảm tưởng sẽ nhớ lại, hiểu được tất cả những chuyện đó và anh sẽ viết, sẽ phải bỏ vào đống gạch ngói vụn nát đầy rong rêu có dại của những năm tháng già nua cũ kỹ đã gần trở nên vô ích mà chúng ta thường quen gọi là ký ức, là kỷ niệm sự quyết tâm không để cho những thú vui vật chất có tính cách nhất thời, những thói hư, tật xấu chi phối (những cờ bạc, rượu chè, chơi bời lêu lỏng, túm năm tụm ba nơi quán nước, nhà hàng, những cơn buồn ngủ và sự lười biếng trốn tránh công việc, trốn tránh sự khổ hạnh cần thiết bằng cách tìm đọc những cuốn sách vớ vẩn, những cuốn truyện trinh thám, kiếm hiệp, gián điệp, vừa đọc vừa tự nhủ thầm, tự an ủi giây phút quan trọng đó chưa tới, cần phải chờ đợi nữa, còn phải sửa soạn trong khi chờ đợi, tương tự như đám người trẻ tuổi, trong khi chờ đợi hạnh phúc đã phải giết thời giờ bằng những đam mê vô ích); sự quyết tâm, sự cố gắng, sự nhẫn nhục chịu đựng, thời giờ và trí tưởng tượng. Bởi vì đối với hạng người như anh, những cá nhân quá coi trọng chữ viết cùng là lời nói, quá coi trọng bởi vì không thể hiểu được tại sao, nguyên nhân huyền bí hay tầm thường giản dị nào đã khiến cho chữ viết mang ý nghĩa này thay vì ý nghĩa khác, quá coi trọng đến nỗi đôi khi bàng hoàng sợ hãi khi phải nghĩ tới, phải đối diện với đám chữ viết (với cô đơn và sự yên lặng); đôi lúc có ý nghĩ kỳ cục biết đâu trong đám chữ viết nặng nề tưởng như vô tri vô giác đó lại chẳng ẩn náu những xôn xao, những ồn ào huyên náo, những âm thanh kỳ dị mà thính giác trong những điều kiện bình thường không thể nghe thấy và hiểu được, quá coi trọng bởi vì coi đó (chữ viết) như là một khí giới độc nhất để chống trả với sức mạnh khủng khiếp của thời gian, của lãng quên và của tuyệt vọng. Khi đó, khi anh định viết những gì anh đã sống, đã trải qua hay những gì tuy anh không thực sự chứng kiến nhưng đã được nghe kể lại (hoặc được nghe kể lại một lần nữa qua sự trung gian của một người thứ ba, hay đã đọc được) nhưng vì giọng nói, nét mặt cùng là dáng điệu của những người kể chuyện, vì sự chân thành cảm động của chính anh khi được nghe kể, khi đọc được; những duyên cớ đó đã khiến cho anh có ý nghĩ chính anh đã sống, đã trải qua những giờ phút khổ sở, nhục nhã, cay đắng, (chiến tranh) đã may mắn sống sót, đã được hưởng một chút hạnh phúc (hay một cái gì từa tựa như vậy) đã hy vọng, đã thất vọng sau khi hy vọng, đã hy vọng vì còn có thể thất vọng, đã tin tưởng, đã mơ mộng (tuổi trẻ) y như vậy. Khi anh định viết, chắc là lúc đó anh đã đứng tuổi, đã lập gia đình, ngoài mẹ già mà nhiều lúc anh phải thầm cảm ơn Trời Phật đã cho anh được dịp phụng dưỡng trong những ngày gần đất xa trời, trong khi bốn người con của người, trong khi bốn anh chị em của anh, đứa chết (tử trận), đứa còn ở lại ngoài Bắc, không biết còn sống hay đã chết, ngoài mẹ già, ngoài người đàn bà già nua, tật bệnh và khốn khổ vì những bất hạnh, suốt đời chỉ được hưởng độ một vài năm sung sướng khi người chồng (khi người cha của anh) chưa mất tích vì tai họa đảng phái hồi đầu cách mạng (hồi bắt đầu những thảm họa), sau đó, sau những ngày tháng chạy ngược chạy xuôi, lặn lội lên vùng thượng du Bắc Việt, đến tận biên giới, hay xuống tận vùng biển, vùng mỏ vì vẫn còn nhen nhúm trong lòng một đôi chút hy vọng người chồng chỉ mất tích nhưng chưa chết, vẫn còn sống và sẽ trở về, những đốm lửa hy vọng chập chờn khi nghe người này người nọ nói (hoặc nói lại sau khi đã nghe một người khác nữa nói) đã gặp một người đúng như thế hoặc tương tự như thế ở đây, ở đó, ở trong hàng ngũ bè bạn hay trong tay những kẻ đã bắt giữ giam cầm rồi bắt buộc phải theo họ, sau khi đã hy vọng đã theo đuổi đã trèo đèo lặn suối vì những tin đồn lành, sau khi đã khổ sở, đã tuyệt vọng vì những tin đồn dữ về người chồng mất tích đúng vào ngày ba mươi tết Nguyên đán năm 1945, 1946 gì đó, những tin đồn dữ đại loại như là ông giáo hiệu trường Việt Trì chồng bà đó đã chết (bị bắn vào một buổi sáng tinh sương, bọn người bắt ông đã bắn ông cùng một vài người khác ở bãi bỏ ngay sân trường tiểu học của quận lỵ, nơi ông dạy học và làm hiệu trưởng; người chỉ huy cuộc xử bắn đó là một học trò cũ của ông trong những năm còn đi học, ông đã kiếm tiền thêm để sắm sửa dụng cụ đồ đạc lặt vặt bằng cách kèm trẻ tư gia, chính một trong những đứa học trò cũ đó đã giết ông (đã sai người giết ông) bởi vì một đố kỵ, một ghen ghét nào đó; bị trói chặt bỏ xuống sông kèm theo một khối đá sau khi đã bị lột hết quần áo, tiền bạc. Mẹ anh sau này kể lại cho anh nghe chính bà đã trông thấy một trong những người đã bắt cha anh mặc bộ đồ của ông) sau đó, sau khi đã hứng chịu một tai họa ghê gớm như vậy, sau khi cố gắng bớt nghĩ đến những ngày tháng thê thảm đó, tự nhủ bây giờ phải lo lắng cho mấy đứa nhỏ, thay vì chạy ngược chạy xuôi để tìm kiếm tung tích bóng dáng người chồng mất tích chắc đã chết trong những ngày đầu của tai họa, nhưng bây giờ phải chạy xuôi chạy ngược để tìm kế sinh nhai, để kiếm tiền nuôi sống chính mình và bốn đứa trẻ, một gái, ba trai, đứa lớn nhất độ mười một mười hai tuổi, đứa nhỏ nhất độ sáu bảy, trong khi chính mình cũng chưa tới ba mươi, vừa nuôi nấng dậy dỗ, yêu thương con, vừa tìm cơ hội để được con yêu thương, cố gắng chống trả không phải với sự già yếu, tật bệnh nhưng mà là sự trẻ trung, cố gắng chống trả lại không phải sự xấu mà là điều tốt (tuổi trẻ, đời sống, những thú vui) cố gắng chống trả sự cám dỗ của đời sống, của những sự đẹp ở ngoài bốn đứa con, ở ngoài bổn phận một góa phụ còn trẻ, còn nhan sắc, cố gắng đừng bước thêm một bước nữa, cố gắng nuôi lũ con trai ăn học thành tài, hy vọng trong những ngày, trong quãng đời về già, trong khoảng trời chiều, bóng xế sẽ có con, có dâu, có cháu nội, cháu ngoại, nhưng định mệnh tàn khốc vẫn chưa chịu ngừng nghỉ, vẫn để ý theo dõi người đàn bà kiên nhẫn, yếu đuối nhưng dẻo dai chịu đựng, người đàn bà ngày còn trẻ đã không tiếc thương tuổi trẻ của mình (đã không tha thứ hay chiều chuộng tuổi trẻ, nhan sắc của mình), đã phải khóc người chồng mất tích khi chưa tới tuổi ba mươi (khi chưa bước qua khỏi quãng đời khó khăn nhất của một người đàn bà), sau đó đã phải khóc người đã sinh thành ra mình (bị đấu tố vì tội địa chủ, bị gán ghép cho những tội ác nhục nhã khác nữa đến nỗi ông già lẩn thẩn, lẫn lộn vì đã gần kề miệng lỗ đã trở nên sáng suốt, đã tìm ra được cách thức hữu hiệu nhất để phản kháng, để chống cự và để rửa sạch những tội ác mà ông suốt đời chưa hề biết tới, những tội ác chồng chất, nhiều đến nỗi dù cho ông sống thêm một đời nữa, ông cũng không có đủ thì giờ để phạm tội, ông già nhân lúc đám đông độc ác lơ đễnh đã bứt được dây trói và nhảy xuống sông tự tử), sau khi đã khóc vì phải bỏ lại miền Bắc hai trong bốn đứa con, đứa con gái lớn vừa có thể nhờ cậy được đã bị lôi cuốn vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đã không còn là con của một người nhưng là con của nhân dân, đã trở nên một dân công, một cán bộ, một nữ chiến sĩ (người chị của anh sau này lấy chồng, một cán bộ thuộc thành phần cốt cán, sinh hạ được hai hay ba đứa con theo như tin của một bà cô của anh hiện đang ở Pháp. Thỉnh thoảng bà cô của anh vẫn nhận thư từ ở phía bên kia bức màn tre, thường là thư xin tiền, xin vật dụng, quần áo, xe đạp, nhất là xe đạp) đứa con trai út ở nhà quê với bà nội, bị nhóm người du kích trong xã đang đêm lội qua sông trở về bắt đứa nhỏ mang đi sau đó trao lại cho người bác của anh, viện cớ đứa nhỏ đã khá lớn, để ở trong làng cổ thì bị Tây bắt hoặc bị chúng dụ dỗ, lợi dụng, hay bị tra tấn bắt chỉ chỗ ẩn núp của anh em du kích (đứa em của anh lúc đó bị đau mắt hột khá nặng, mẹ anh sau này mỗi khi nhớ tới, vẫn lo lắng sợ hãi không hiểu ở ngoài đó thuốc thang ra sao) sau khi đã khóc vì không thể mang tất cả bốn đứa con cùng di cư vào Nam, sau khi đã vất vả, đã làm đủ các nghề kể từ nghề bán bánh cuốn, bán bún riêu, cháo gà, cháo vịt cho đến nghề đi làm chân giữ em cho một gia đình quen thuộc, để kiếm tiền nuôi hai đứa con còn lại (anh và người em trai của anh) đến khi cả hai đã lớn, đã kiếm được tiền nuôi thân, nuôi mẹ, đến lúc đó người đàn bà khốn khổ tưởng đã hết khốn khổ lại phải khóc khi nghe tin đứa con trai ngoan nhất, hiếu thảo nhất, tử trận, (em của anh tử trận sau khi ra trường Thủ Đức được đúng bảy tháng, chưa kịp lãnh lương theo đúng cấp bậc chuẩn úy, chưa có vợ, có con) ngoài người mẹ già khốn khổ vì những bất hạnh chồng chất đó; (khi anh định viết) chắc là anh đã lập gia đình (đã yêu thương một người đàn bà) đã có con (đã có hai con, một trai, một gái) và đúng như một nhận xét (một kinh nghiệm) của một nhà văn mà anh đã đọc một phần lớn tác phẩm của ông ta (đã học và đã kính phục, ngưỡng mộ, W. Faulkner) bởi vì anh cần tiền trang trải nợ nần, hay để mua cho vợ anh một chiếc áo mới, để mua giày dép, quần áo cho con anh nhân dịp năm hết Tết đến, từ những nhu cầu tầm thường đó và anh sẽ viết. Tất cả những nhu cầu nhỏ mọn, chẳng cần thiết gì cho lắm đó đã xui khiến anh viết, đã cho anh thêm một chút can đảm để bỏ một cuộc vui, một cuộc họp mặt cùng với một hai người bạn thân của anh nơi nhà hàng, quán nước, (cái không khí túm năm tụm ba quen thuộc đó vẫn toát ra một vẻ quyến rũ) đã cho thêm anh một chút sức mạnh để chống cự lại những giấc ngủ lết bết, mệt nhọc, chống cự lại sự lười biếng làm tê liệt tất cả mọi dự định của anh: Anh sẽ viết về những gì thật nghiêm trang, đứng đắn (những cái gì từa tựa như là chiến tranh, sự sống, cái chết) chỉ vì những nguyên nhân thật tầm thường giản dị và đem tập bản thảo đó đi gạ bán cho một nhà xuất bản.

NGUYỄN QUỐC TRỤ

(Nguồn : vietmessenger.com)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: