Trích cuốn “Những chuyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta,“ do Nguyễn Đông Ngạc biên soạn. Sóng xuất bản năm 1973.
Nguyễn Đông Ngạc sinh ngày 10.9.1939 tại Phúc Yên (Bắc Việt), cựu học sinh Chu Văn An. có đăng thơ và truyện trên Thái Độ, Văn Học, Đất Nước, Hành Trình, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Tìm Hiểu. Đa số các bài viết đều lấy chất liệu từ đời sống thực tế, nhất là cuộc chiến tranh hiện tại có từ đời cha ông còn kéo dài cho tới bây giờ. Các bài đăng thường bị cắt xén. Chưa có tác phẩm nào được xuất bản.
Giáo sư trường Trung Học Cộng Đồng Quận 6, Saigon, và chủ trương Nhà Xuất Bản Sóng.
QUAN NIỆM VỀ TRUYỆN NGẮN
Về nội dung: Bất cứ đề tài nào của thơ, của truyện dài cũng có thể là đề tài của truyện ngắn. Nhưng vì là truyện ngắn nên tình tiết, ý tưởng phải thật chọn lọc và có tính cách quyết định hơn. Truyện ngắn gần giống như thơ Đường ở nội dung.
Về hình thức: Phần này theo tôi là phần quyết định sự thành công hay thất bại của truyện ngắn (nhất là loại truyện ngắn không có cốt truyện) và là phần xác định sắc thái của mỗi tác giả, phần khám phá và làm mới truyện của mỗi ngòi viết, còn Nghĩ và Viết như thế nào là sự lựa chọn của mỗi người, và dĩ nhiên truyện ngắn hay phải là truyện làm cho người đọc thích và chịu được sự thử thách của thời gian. Hiện nay, tôi quan niệm: quá khứ, hiện tại, tương lai là một giây chuỗi không thể tách rời và tôi đã chọn cách diễn tả không phân biệt rõ ràng từng thời gian. Người đọc sẽ thấy cả ba thời gian lẫn lộn kể cả không gian nữa. Một người trong cùng một lúc có thể sống nhờ ý nghĩ, nhờ trí tưởng tượng, nhờ kinh nghiệm ở mọi nơi và mọi thời gian.
Phần lớn truyện của tôi đều có bút pháp của truyện Đỉnh Cao Sương Mù.
Về Truyện Ngắn “ĐỈNH CAO SƯƠNG MÙ”
Đỉnh Cao Sương Mù là một truyện viết với mối ám ảnh của chính tôi về chiến tranh và là truyện duy nhất tôi nghĩ có thể qua được kiểm duyệt.
Nguyễn muốn ném cả cốc cà-phê vào mặt hai thằng mập như heo bàn góc trái đang nham nhở với một con điếm ngồi đợi khách bàn bên, hay ít ra cũng một trong năm thằng đang uốn trẹo cái mồm nói tiếng Mỹ giọng bồi ngồi ở giữa quán. Nhưng Nguyễn chợt nghĩ để làm gì và một nỗi buồn chán dâng lên. Nguyễn thở dài ngả lưng vào thành ghế, chân duỗi dài ra, thu ngắn cái nhìn trong một khoảng cảnh cũng vừa đủ. Cặp giò đứa con gái xoay đi xoay lại, Nguyễn ngó chăm chú, tối om chẳng thấy gì. Của em có gì lạ không anh? có chứ, anh thích nằm hút thuốc lá ngắm nhìn em như thế, khói thuốc len lỏi mơn man, thật gợi cảm và súc tích, Anh kỳ quá, chúng mình yêu nhau mà và em làm sao cảm được như anh mùa thu sương mù trên mắt, trên môi, trên ngực em, trên đùi em, Anh này, người ta bảo con gái Bình Định, Qui Nhơn lạ lắm phải không? Ừ. Tại sao hả anh? Nguyễn phì cười. Thằng bé đánh giày mời đánh giầy thầy. Nguyễn xua tay. Thêm một người Mỹ dắt tay một con nhân tình người Việt đã về già má trát đầy phấn, mắt vẽ đen như con sâu róm vào ngôi cạnh Nguyễn. Anh chàng Mỹ còn trẻ khom lưng kéo ghế, con đĩ ngồi xuống gọi: bồi, bồi. Thằng đàn ông Việt hấp tấp chạy lại. Tim Nguyễn đau nhói. Ý nghĩ phải ném cả ly cà-phê vào mặt một đứa ngồi trong quán lại đến ám ảnh.
Nguyễn vẫy gọi thằng bé bán báo cho nó năm đồng nhờ mua thêm thuốc lá. Nguyễn nói với người yêu anh chán bộ binh lắm rồi, lính đi bộ vài tháng đánh vài trận, ở rừng ở xó người nó cùn đi. Nghe Nguyễn nói Hằng chỉ khóc. Nguyễn hôn lên mắt người yêu, tóc Hằng buồn buồn ở cổ, nước mắt ấm da thịt. Nguyễn chợt thấy thương Hằng nhiều, ôm chặt người Hằng và để nàng khóc. Nguyễn cảm thấy mệt mỏi. Đầu Hằng rung trên ngực Nguyễn cùng với tiếng nấc. Hai người lính bỏ về đá đổ mấy chai bia gây tiếng động, mọi người quay lại nhìn, đầy một bàn vỏ chai. Nguyễn nhìn theo, người bỗng lạnh toát, một người dáng đi giống hệt thằng bạn mới chết trận của hắn. Hắn đi giống hệt thằng bạn nối khố của anh Hằng ơi. Hai đứa chở nhau bằng xe đạp từ nhà ra tận Nghi Tàm tắm rồi trèo lên cây hái trộm ổi, ngày nào cũng chiều tối mới về nhà, lắm hôm anh bị ông bác đánh đòn đít sưng vù. Nhưng hôm sau hắn đến anh vẫn không thể chống lại được sự cám dỗ của nó. Ngày anh yêu em hắn khóc hoài, hắn ghen với em và anh cũng khổ sở lắm. Mẹ chết chính hắn với anh đã lo việc chôn cất. Hai đứa như hình với bóng, đi chơi, học, ăn, ngủ.
Nguyễn rít mạnh điếu thuốc ngó mông lung vào khoảng không, trước mắt Nguyễn không gian là một khối đặc mù không một chướng ngại, hình ảnh thằng bạn chập chờn, đằng sau cái hình ảnh ấy mẹ Nguyễn mắt buồn thăm thẳm, rồi cha, em Nguyễn cùng hiện ra. Một người khách đi qua, Nguyễn co chân lại, cặp giò đứa con gái mở rộng vô tình hướng về phía Nguyễn, Nguyễn chớp mắt: đùi con bé trắng và đẹp. Nguyễn ngửng đầu lên, lúc đó Nguyễn mới nhận ra nó là đứa con gái mới vào, khá xinh và gay cấn, đứa con gái trước đã về từ lúc nào. Bóng người lính mất vào đám đông. Nguyễn ngẩn ngơ. Nó chết thật phi lý, đang hành quân bị một viên đạn xuyên qua đầu. Của một tên lính Việt Cộng già hay trẻ? Ông già nó khóc vai rung chuyển như lên kinh. Thằng con trai lớn độc nhất. Tội nghiệp. Còn Nguyễn đi trận liên miên, phép lạ nào đã cứu hắn, chung quanh đạn như mưa rào, Nguyễn vẫn trơ trơ. Nhưng có thể như thế mãi được không? Một ngày nào đó định mệnh sẽ đến, hắn sẽ nằm xuống như bao người lính khác. Thật giản dị. Nguyễn rùng mình. Có thể như thế được không. Nguyễn là người chót. Nguyễn phải sống. Nếu Nguyễn chết mọi chuyện sẽ rơi vào quên lãng.
Những hình ảnh đã quá mờ, những hình ảnh còn chập chờn, con đường làng, cái ao hình chữ nhật, cây đa đầu làng Nguyễn vẫn trèo lên nằm ngủ, bờ đê, cánh đồng nơi Nguyễn và em Nguyễn vẫn đùa nghịch với trẻ con, họ mạc, Ông Nội, Ông Ngoại, binh nhì Hai đã hy sinh cho Nguyễn sống, những người lính Nguyễn nhớ lẫn tên, lẫn mặt chết dưới chân. Nhất là gia đình Nguyễn, Nguyễn còn nhớ rõ từng chi tiết, một thảm kịch như thảm kịch quê hương, cha, mẹ, em Nguyễn, cái tiểu gia đình đã trôi nổi từ làng này đến làng kia ra tỉnh, vào Nam. Mỗi lần di chuyển là mỗi lần Nguyễn mất một người thân. Cha Nguyễn theo kháng chiến bị mất tích không biết đã chết hay bị Tây bắt cầm tù ở đâu, em Nguyễn ở lại Bắc với họ hàng cũng chẳng nhận được tin tức gì. Mẹ chết. Nguyễn coi như người sống sót cuối cùng. Chính cái thảm kịch gia đình này đã làm cho Nguyễn trên con đường tiến dần tới cõi chết bỏ rơi dần những quen thuộc của thời thơ ấu hay chỉ còn nhớ mù mờ về những thứ đó, quê hương, họ mạc, đồng đội như chỉ còn lẩn khuất trong một vùng sương mù len lỏi giữa những khuôn mặt cha mẹ, em hắn. Những khuôn mặt ấy như tự chiếu tỏa ánh sáng, thứ ánh sáng vừa đủ, nổi bật trong vùng sương mù của ký ức. Hai người Nguyễn được nói chuyện, một người Nguyễn chỉ được nghe kể lại đã tạo nên những màu sắc, khoảng cách khác nhau của ký ức, người cha như một quá khứ đã xa trườn ẩn sau cái quá khứ gần là người mẹ và đứa em. Họ, những người đã chết không còn được ai nhắc đến ngoại trừ Nguyễn, họ đã sống trong tâm tưởng Nguyễn, và Nguyễn từng giây, từng phút sống với họ, chiến đấu với thời gian, giết chết từng sự quên lãng để cho họ sống. Nhưng nếu Nguyễn chết, mọi hình ảnh, kỷ niệm sẽ chết theo. Không thể như thế được, Nguyễn cần phải sống. Nguyễn nghe rất rõ âm vang những lời nhắc nhớ của mẹ về người cha làm cách mạng đã làm khổ bà suốt đời.
Đời cha Nguyễn, Nguyễn chỉ biết qua lời kể của mẹ. Người cha đó bây giờ sống tùy thuộc trí tưởng tượng của Nguyễn. Bức ảnh độc nhất ông để lại nhỏ bằng nửa bàn tay, nhìn không rõ nét, chụp ông cưỡi ngựa đeo súng. Mộng của Nguyễn là học luật sư theo đuổi con đường cha hắn đã đi. Nhưng lịch sử đã bẻ cong đời Nguyễn. Nguyễn phải bỏ ngang việc học. Những ngày trước khi nhập ngũ Nguyễn đã có ý nghĩ họ sẽ sót tên. Nguyễn sẽ không nhập ngũ và nói cho họ hiểu lý do Nguyễn phải sống. Nguyễn sẽ đứng trước tòa cãi… Bây giờ thì mọi chuyện đã xong. Nguyễn đã nhập ngũ, vào cuộc với một thái độ chia xẻ những bi thảm của chiến tranh, quê hương phải gánh chịu như tất cả những người trẻ tuổi khác, chỉ cần một viên đạn là đủ kết liễu đời Nguyễn, kết liễu luôn cái thảm kịch đang quay cuồng trong óc Nguyễn, xóa mờ tất cả. Nguyễn chua chát tự hỏi, nếu em Nguyễn vào Nam, nếu mẹ Nguyễn bỏ Nguyễn lại. Sự lựa chọn đã xong. Bên này giòng sông là bạn, bên kia giòng sông là thù. Từ đó khởi đầu cuộc chém giết càng ngày càng không thể cứu vãn được. Nguyễn nghĩ nhiều tới gia đình và tương lai. Nếu Nguyễn chết. Nếu tên Nguyễn văn Nguyễn chết? Có gì thay đổi không?
Em, anh luôn bị cuốn hút vào những bí mật của thiên nhiên. Ngày xưa anh còn nhớ nữa thực nửa không thực đã nhiều lần vú bế anh từ nhà quê ra tỉnh đi bằng xe hỏa ban ngày qua những ruộng lúa, mồ mả, ban đêm đi trên con đường đầy cây, đèn điện lập lòe, chim kêu, vú dọa anh ma cà rồng. Tiếng xe lửa, âm thanh của rừng. Anh ngủ gật rồi xe ngừng lúc nào anh không biết. Tỉnh dậy anh đã nằm trong một căn nhà sóng biển đánh chung quanh. Anh nhìn qua cửa sổ, biển đen ngòm kỳ bí. Anh sợ hãi hoang mang. Đến bây giờ những lo sợ hoang mang từ thuở nhỏ vẫn mơ hồ xuất hiện. Anh cố quên nhưng không được, cố giải thích nhưng vô hiệu. Nó vẫn tới. Từ đó lớn lên anh sống có vẻ vu vơ làm sao, chưa hẳn chỉ là mơ mộng. Em, em có nghe anh đang nói gì không. Em hãy nhìn lên đỉnh cao sương mù kia. Nơi ấy là một hốc đá ngày xưa anh thường ngồi trên đó nhìn xuống thung lũng, cỏ xanh thắp thoảng, ẩn hiện trong sương mù. Anh nằm nhìn trời, nhìn mây, nhìn đất như thế gần hai năm trường. Anh yêu, em đã hiểu vì sao nhiều lúc trông anh ngơ ngác như người mất hồn, anh trở nên bí mật và em thấy anh đẹp một cách hoang đường. Những lúc đó em đã thấy gì trong mắt anh, em có thấy sương mù trên mặt anh không. Em, anh thèm hơi lạnh của đỉnh cao, hay chúng ta trèo lên trên kia đi em. Em lười di chuyển lắm anh. em mở cửa sổ cho gió lạnh thổi vào nhé, nằm quay đầu lại trên chiếc giường kia anh có thể nhìn được đỉnh cao. Em thấy sương mù đang tan dần, trời hơi có nắng. Tuyệt đẹp anh ơi. Thiên nhiên đang chuyển động, sương mù bay, di chuyển, em sợ chúng mình sẽ không còn yên tĩnh để thưởng thức cảnh này. Em yêu, anh muốn chúng mình cùng lên ngồi trên đó nhìn xuống thung lũng, thành phố và hôn nhau. Lần này cảm giác chắc lạ lắm. Anh thấy trong anh như có gì đang thay đổi sau những ngày chiến đấu nguy hiểm trở về nằm yên nghỉ bên cạnh người yêu. Anh mới từ thế giới của những người chết trở về. Anh còn như ngửi thấy mùi khét lẹt tanh hôi quanh đây, anh vẫn còn sống phải không em. Em nghe anh, anh ơi, em sẽ ở thật lâu trên đó với anh, ôm chắc trong tay thân thể nóng của anh, dù biết chắc rằng anh còn sống và không còn phải lo sợ vẩn vơ. Nhưng anh phải kể chuyện cho em nghe, phải hôn em đến khi nào em chết lịm vì ngộp thở và môi em nóng lên làm tan giá lạnh của trời thu Đà Lạt. Và tuyệt đối không được kể chuyện chiến tranh đó anh. Em không muốn nghe và nghĩ anh có thể chết, ít ra là lúc nằm bên cạnh anh. Em thích nghe những dự định tương lai của anh, những chuyện anh nói về một thế giới nào đó khác ngoài cái thế giới đang có này, nói về ngày xưa hay nói về hư vô chẳng hạn. Lúc đó anh vẫn ở gần em mà như xa em. Em sợ hãi tưởng như mất anh, nhưng anh vẫn trong tay em cùng hơi ấm. Em càng yêu anh nhiều hơn. Anh lạ lắm. Anh nhớ mang theo gói thuốc. Em thích mùi thuốc lá trong hơi thở anh. Hôn em và dìu em đi hỡi người yêu điên dại của em. Vũ trụ đang tan quanh chúng ta. Anh hãy ôm chặt em hơn nữa anh. Em đang nhìn thấy sương mù trên mặt anh mỗi lúc một dày hơn. Em chết trên tay anh chẳng còn thấy gì.
Một sự tình cờ nào chiếc máy bay Nguyễn đi đã trở về mang theo lá thư và cuốn nhật ký chàng gửi cho Hằng: “Hằng yêu của anh, đây là tất cả những bí ẩn của cuộc đời anh. Cuốn sách này sẽ làm em hiểu rõ tâm hồn anh hơn, nỗi câm nín chịu đựng và tính lạnh lùng của anh. Bấy lâu đời anh là một thảm kịch chỉ tại anh không đủ can đảm và tàn nhẫn giết họ thêm một lần. Anh ích kỷ và thành thật xin em tha tội, hiểu cho anh về sự đối xử tàn nhẫn của anh với em khi từ khước lời đề nghị hôn nhân của em. Lấy em, nếu anh không quên được họ anh sẽ chỉ làm khổ em thôi, mà như em đã biết anh sống không phải đời sống của riêng anh mà là đời sống của nhiều người đã chết. Anh hiểu em đã kiên nhẫn hy sinh nhiều trong lúc yêu anh với hy vọng sẽ thay đổi được anh. Nhưng sự thật không thể như vậy được, anh càng ngày càng sống gần họ hơn. Những sự xích mích xảy ra giữa chúng mình chỉ do một nguyên nhân giản dị, những người chết không chấp nhận sự có mặt của em trong đời sống anh và họ đã thắng. Anh bất lực như thế nên dù rất yêu em anh cũng chẳng biết phải giải quyết ra sao. Anh không thể xa họ và cũng không muốn làm phiền em.
Họ và em chống đối nhau. Em không chịu nhượng bộ và hiểu rằng yêu anh là em phải chấp nhận sự có mặt của họ. Anh đã cắt nghĩa cho em nhiều lần là hơn thua với họ sẽ chỉ làm cho anh khổ sở thêm, anh là nạn nhân và tình trạng cũng chẳng hơn gì, chúng mình vẫn không thể xóa được sự có mặt của họ trong đời sống. Riêng anh những lúc không nghĩ tới họ, anh thấy yêu em điên cuồng, không thể sống thiếu em và anh chẳng muốn đòi hỏi gì ở em ngoài tình yêu. Anh tự thấy vô lý tại sao cứ phải nghĩ tới họ. Anh đã tự làm khổ anh và khổ lây cả em. Tại sao anh đã không duy trì đời sống của họ bằng cách viết lại xong rồi không thắc mắc nghĩ ngợi gì về họ nữa. Biết như thế nhưng anh vẫn không thể thoát được sức chi phối của họ. Anh chỉ có thể quên được họ nếu anh tiêu diệt được ý thức của anh nghĩa là anh có thể làm cho sự suy nghĩ ngừng lại hay là có thể chắt lọc nó mà như em biết anh đã bất lực nên anh vẫn phải tiếp tục sống trong thảm kịch và làm cho em buồn khổ. Chắc em đã nhận ra tâm tính anh thay đổi bất thường vì sao và anh đã yêu em nhiều như thế nào. Anh cầu khẩn mong em tha thứ những lầm lỗi của anh với em. Anh cũng thành khẩn mong sẽ có ngày em chịu chấp nhận và chịu làm vợ anh.
Hiện tại tương lai anh đang bế tắc, anh cũng không hiểu anh có thể thoát qua được trận chiến này hay không. Anh phải làm sao bây giờ dù đã tìm đủ mọi cách để giải quyết vẫn chẳng hơn gì. Anh lại không thể tìm sự yên thân bằng cách đào ngũ. Anh chỉ còn biết cố gắng đương đầu với Định Mệnh.
Cuộc chiến đấu của anh hoàn toàn lần mò vì anh cũng chẳng biết Định Mệnh muốn bắt tương lai anh phải như thế nào, định lựa chọn gì ở anh. Đó cũng là lý do khiến anh trở nên tuyệt vọng, càng đau khổ hơn cho anh là sự tuyệt vọng này lại rất sáng suốt. Anh đang sống cái thảm kịch gia đình anh vì thế anh là hai lần thảm kịch khi cố gắng làm cho những cuộc đời ấy hồi sinh. Anh có quyền thù ghét cái chiến cuộc này không em. Nếu anh chết em biết rồi sẽ ra sao. Tất cả sẽ chết theo. Đấy là lý do anh đã viết nhật ký và đấy cũng là lý do anh muốn cuốn nhật ký này đến tay em. Em hãy đọc thật kỹ em sẽ dễ dàng nhận diện ra từng khuôn mặt trong gia đình anh. Người cha, người mẹ, đứa em qua những giòng đối thoại của anh với họ. Quyển sách sẽ được in ra, sẽ được viết thành tiểu thuyết, hay thành kịch do chính em, người thân, đồng loại, con em, hay sẽ bị bỏ quên, nhất nhất đều liên quan đến sự sống còn của toàn gia đình anh. Anh tự hỏi thảm kịch này sẽ còn kéo dài đến bao giờ, hết đời anh, đời em thôi hay còn mãi. Tùy chiến tranh, tùy sự sống chết của anh và tùy em. Trước khi dừng lời viết cho em anh phải thú thật em là người đàn bà duy nhất anh yêu và thành thật muốn cưới làm vợ. Thật buồn phải không em vì anh không tin anh sẽ qua khỏi được cuộc chiến tàn khốc này để cưới em.
Con đường bỗng tối lại hỡi anh. Em đang đi giữa những hàng cây và vẫn không thể nào ra thoát được sự bủa vây tình cảm. Nơi đâu cũng có hình ảnh anh. Từ trên cao em thấy sương mù bay dưới chân. Em đi trên sương mù. Ước gì em có thể bay đến với anh bằng con đường sương khói này. Nắng đã bắt đầu yếu ớt, cảnh vật dần chìm trong sương tạnh. Dày đặc. Em đang ở giữa những tiếng reo thầm thì của rừng thông và âm thanh tình ái. Lời buồn của anh. Những hôm trời có nắng anh thường trèo lên đỉnh cao. Từ đó anh có thể nhìn thấy con suối nước chảy êm đềm, sườn đồi cỏ xanh, đàn bò gặm cỏ nhởn nhơ. Nhiều hôm quên cả giờ về ăn cơm. Mẹ anh đi kiếm, hai mẹ con ngồi nhìn giòng nước. Mẹ kể cho anh nghe về đời cha anh, chống Pháp rồi mất tích. Cuối cùng cả hai cùng khóc. Mẹ ôm anh vào lòng. Lời anh như ru bên tai em ngọt ngào. Em im lặng nghe anh tả. Nhìn vào mắt anh vời vợi sâu hút em bỗng sợ hãi lo lắng vì liên tưởng tới những nguy hiểm chết chóc. Em không muốn khóc nhưng tự nhiên nước mắt vẫn ứa ra. Gió vẫn thổi vi vu. Dưới mắt em nhà cửa thấp thoáng, xe cộ trôi trên những con đường. Em thầm ao ước có anh bên cạnh lúc này. Em sẽ nằm dài trên cỏ nghe anh nói những lời yêu đương. Hiện tại quanh em chỉ có trống vẳng và tiếng rền rĩ thầm lặng của đồi núi ngập chìm trong sương lạnh trắng xóa mầu sữa.
Hằng lịm dần trong vùng trí nhớ của chính nàng. Tình yêu đã làm cho nàng đê mê. Trong khi đó Nguyễn người yêu của nàng, đã thực sự bay trên những ngọn cỏ lá cây. Chàng đã chết thật nhẹ nhàng. Một viên đạn đồng vô tình. Ngày qua đi, cỏ bắt đầu mọc và sẽ xanh mờ, gió sẽ thổi về hát cho chàng nghe như chính chàng hằng mơ ước. Nhưng suốt đời chàng sẽ không còn được nhìn lại người yêu, quê hương, sương mù… Một ngày nào đó Hằng sẽ biết là chàng đã chết, Cuốn nhật ký, những gì còn lại cuối cùng của đời chàng. Chiến tranh vẫn tiếp diễn đều đặn như nhịp sống. Trên hốc đá gió vẫn thổi làm bật lên những âm thanh buồn. Sương mù cũng vẫn lơ lửng bay đẹp như ngày nào của tình yêu. Và Hằng vẫn thầm thì trong óc những lời yêu đương. Anh là kẻ duy nhất nhận lời trăn trối của mẹ. Tìm cho ra tông tích cha và phải bằng mọi cách chôn bà cạnh ông nơi quê hương anh. Đến bao giờ đất nước mới thanh bình để anh làm vừa lòng mẹ anh anh cũng chẳng biết dù anh đang tham dự chiến tranh. Vì thế em hãy tin anh không thể nào chết được. Anh phải sống bằng mọi giá. Anh đã thử thách với Định Mệnh lao mình trong những nguy hiểm và em thấy không, anh vẫn sống nhăn răng.
NGUYỄN ĐÔNG NGẠC
(Nguồn : vietmessenger.com)
Thảo luận
Không có bình luận