//
you're reading...
Chiến Tranh, góp nhặt cát đá, Putin's War, Thời Sự

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì ? Trưng cầu dân ý gia nhập Nga, tuyệt chiêu của Moscow ?

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ông sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ Nga, làm dấy lên lo ngại rằng ông có thể dùng vũ khí hạt nhân nhỏ hoặc “chiến thuật” ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo Putin rằng nếu ông ta làm vậy, đây sẽ là hành động leo thang quân sự nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là các đầu đạn hạt nhân nhỏ và hệ thống phóng, được thiết kế để dùng trên chiến trường hoặc cho một cuộc tấn công có giới hạn.

Chúng được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu của đối phương trong một khu vực cụ thể mà không gây ra các tác động phóng xạ trên diện rộng.

Các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ nhất có thể có trọng lượng một kiloton hoặc ít hơn (tương đương với một nghìn tấn thuốc nổ TNT). Những vũ khí hạt nhân chiến thuật lớn nhất có thể lớn tới 100 kiloton.

Vũ khí hạt nhân chiến lược loại lớn hơn (lên đến 1.000 kiloton) và được phóng từ tầm xa hơn.

Để so sánh, quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945 là 15 kiloton.

Nga có vũ khí hạt nhân chiến thuật nào?

Theo tình báo Mỹ, Nga có khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Đầu đạn hạt nhân chiến thuật của các vũ khí này có thể được đặt trên các loại tên lửa khác nhau thường được sử dụng để phóng các thiết bị nổ thông thường, chẳng hạn như tên lửa hành trình và đạn pháo.

Các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng có thể được bắn từ máy bay và tàu – như tên lửa chống hạm, ngư lôi và bom chìm.

Lực lượng Nga có thể bắn đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ bằng pháo thông thường, chẳng hạn như pháo tự hành “Malka”. (Getty Images)

Mỹ cho biết gần đây Nga đang đầu tư rất nhiều vào các loại vũ khí này để cải thiện tầm bắn và độ chính xác.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật từng được dùng trước đây?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật chưa từng được sử dụng trong giao tranh.

Các cường quốc hạt nhân như Mỹ và Nga nhận thấy việc tiêu diệt các mục tiêu trên chiến trường bằng cách sử dụng các loại vũ khí thông thường hiện đại cũng hiệu quả không kém.

Ngoài ra, cho đến nay chưa có quốc gia có vũ khí hạt nhân nào sẵn sàng mạo hiểm phát động chiến tranh hạt nhân toàn diện bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tuy nhiên, Nga có thể sẵn sàng sử dụng vũ khí chiến thuật nhỏ thay vì tên lửa chiến thuật lớn hơn.

Tiến sĩ Patricia Lewis, lãnh đạo chương trình an ninh quốc tế tại Chatham House, cho biết: “Họ có thể không coi việc này là ‘vượt rào’ như với vũ khí hạt nhân lớn.

“Họ có thể coi đó là một phần trong các hoạt động quân sự thông thường của mình.”

Đe dọa hạt nhân của Putin có đáng lo ngại?

Tháng 2/2022, ngay trước khi xâm lược Ukraine, Tổng thống Putin đã đặt lực lượng hạt nhân của Nga ở trạng thái “sẵn sàng chiến đấu đặc biệt” và tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân cấp cao.

Gần đây hơn, ông nói: “Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng tôi. Đây không phải là một trò bịp.”

Nga đang có kế hoạch sáp nhập các khu vực phía nam và đông Ukraine mà Nga đã chiếm đóng. Nga có kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý để tạo ra các “nước cộng hòa nhân dân” ly khai và Tổng thống Putin nói rằng ông sẵn sàng bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của các khu vực “bằng mọi cách.”

Tình báo Mỹ coi việc không giúp Ukraine cố gắng chiếm lại các vùng lãnh thổ này là một mối đe dọa đối với phương Tây, hơn là một dấu hiệu cho thấy Putin đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Nhưng các nước khác lo ngại rằng Nga, nếu chịu thất bại nhiều hơn, có thể sẽ dùng một vũ khí chiến thuật nhỏ hơn ở Ukraine như một “nhân tố làm thay đổi cục diện”, để phá vỡ thế bế tắc hoặc tránh thất bại.

James Acton, một chuyên gia về hạt nhân tại Carnegie Endowment for International Pace ở Washington DC, nói: “Tôi tương đối lo ngại rằng trong hoàn cảnh đó, Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân – rất có thể trên bộ, ở Ukraine, để khiến mọi người khiếp sợ, và dấn tới. Chúng ta vẫn chưa ở vào thời điểm đó.”

Mỹ phản ứng như thế nào?

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với CBS News, ông Biden nói rằng hành động như vậy sẽ “thay đổi cục diện chiến tranh không giống bất cứ điều gì kể từ Thế chiến thứ hai”.

Khó có thể đoán trước được việc Mỹ và Nato sẽ phản ứng như thế nào đối với bất kỳ việc sử dụng loại hạt nhân nào. Họ có thể không muốn tình hình leo thang hơn nữa, không muốn mạo hiểm để xảy ra chiến tranh hạt nhân toàn diện, nhưng họ cũng có thể muốn vạch ra một ranh giới.

Tuy nhiên, Nga cũng có thể bị một cường quốc khác – Trung Quốc – ngăn cản việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tiến sĩ Heather Williams, chuyên gia hạt nhân tại Kings College London, nói: “Nga phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của Trung Quốc.

“Nhưng Trung Quốc có học thuyết hạt nhân: ‘không sử dụng trước’. Vì vậy, nếu Putin dùng chúng, sẽ khó để có sự ủng hộ từ Trung Quốc.

“Nếu ông ta sử dụng chúng, ông ta có thể sẽ mất Trung Quốc.”

‘Trưng cầu dân ý gia nhập Nga’ : Tuyệt vọng hay tuyệt chiêu của Moscow ?

Phe ly khai chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý ở Luhansk thuộc Ukraine. (Epa-Efe/Rex)

Các quan chức do Nga hậu thuẫn tại 4 khu vực bị chiếm đóng của Ukraine đang tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga ngày 23/9. 

Bị Ukraine và phương Tây tố cáo là bất hợp pháp và giả tạo, những cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong 5 ngày. 

Việc sáp nhập có thể dẫn đến tuyên bố của Nga rằng lãnh thổ của họ đang bị tấn công. 

Điều này có thể khiến chiến tranh leo thang hơn nữa.

Bảy tháng sau khi cuộc xâm lược của Nga, Tổng thống Vladimir Putin đang đau đầu vì cuộc phản công của Ukraine đã chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ bị Nga chiếm giữ. 

Giờ đây, bằng cách sáp nhập thêm 15% lãnh thổ Ukraine, Nga sẽ có thể tuyên bố lãnh thổ của mình đang bị tấn công bởi vũ khí do NATO và các nước phương Tây khác cung cấp cho Ukraine.

Bằng cách gọi thêm 300.000 quân, Nga có thể bảo vệ một chiến tuyến dài 1.000 km (620 dặm).

Điện Kremlin cũng đã hình sự hóa việc đào ngũ, đầu hàng. 

Khi ra lệnh cho quân đội chiếm Crimea vào năm 2014, Putin đã hợp thức hóa bằng một cuộc bỏ phiếu bị cộng đồng quốc tế bác bỏ là một sự giả tạo. 

Sự kiện mới nhất này cũng đã bị nhiều nước phương Tây tố cáo là bất hợp pháp, bao gồm cả nhóm giám sát quốc tế, OSCE.

Nhưng truyền thông Nga đã nói rằng một cuộc bỏ phiếu với kết quả Đồng ý là không thể nghi ngờ.

Trưng cầu đang diễn ra trong 5 ngày tại hai khu vực ly khai tại Luhansk và Donetsk ở phía đông, và ở các khu vực bị chiếm đóng ở Kherson và Zaporizhzhia ở phía nam.

Chúng ta đã thấy Crimea bị Nga sáp nhập như thế nào vào năm 2014. Tuy Điện Kremlin tuyên bố tỉ lệ bỏ phiếu ủng hộ là 96,7%, một báo cáo bị rò rỉ từ Hội đồng Nhân quyền Nga cho biết chỉ có khoảng 30% đã bỏ phiếu và chỉ một nửa ủng hộ việc sáp nhập. 

Không có một phát súng nào được bắn ở Crimea, nhưng trong trường hợp mới nhất này, cuộc bỏ phiếu ​​sẽ diễn ra giữa một cuộc chiến. 

Bốn khu vực liên quan đều bị chiếm đóng một phần hoặc hoàn toàn. 

Ở phía nam, thành phố Kherson lúc này không phải là một nơi an toàn, khi các binh sĩ Nga đang phải vật lộn để kìm hãm một cuộc phản công lớn của Ukraine. Tòa nhà hành chính trung tâm đã bị trúng một loạt tên lửa chỉ trong tuần trước. 

Một cuộc bỏ phiếu an toàn là không thể, nhưng các quan chức nói 750.000 người đã đăng ký và có kế hoạch kết hợp các phần bị chiếm đóng của một khu vực Ukraine khác, Mykolayiv, vào khu vực sáp nhập. 

Phe ly khai chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý ở Luhansk thuộc Ukraine. (Epa-Efe/Rex)

Truyền thông Nga đưa tin các quan chức bầu cử sẽ đi từ nhà này sang nhà khác với các thùng phiếu di động từ thứ Sáu đến thứ Hai. 

Các điểm bỏ phiếu sẽ chỉ hoạt động vào ngày thứ năm, 27 tháng 9, vì các quan chức viện lý do an ninh. 

Hàng trăm phòng phiếu dự kiến ​​sẽ mở cửa vào ngày hôm đó, các cử tri cũng có thể bỏ phiếu ở các khu vực bên ngoài nơi họ sống – và những người tị nạn cũng có thể bỏ phiếu ở các khu vực bên trong nước Nga. 

Thủ phủ của Zaporizhzhia vẫn nằm trong tay người Ukraine, vì vậy bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào để sáp nhập khu vực đó cũng không có ý nghĩa gì.

Tỉnh Donetsk ở phía đông chỉ bị Nga chiếm khoảng 60% và là trung tâm của cuộc xung đột. 

Nga đang kiểm soát hầu hết Luhansk ở phía đông bắc.

Truyền thông Nga đăng hình các tờ rơi được phát với tựa đề “Nước Nga là tương lai”. 

Phần lớn dân số trước chiến tranh đã chạy trốn khỏi cuộc xung đột. Người đứng đầu cơ quan ủy quyền của Nga ở Donetsk, Denis Pushilin, đã ra lệnh sơ tán hàng loạt vài ngày trước cuộc xâm lược. 

Các nhà lãnh đạo do Nga hậu thuẫn đã quan tâm đến việc bỏ phiếu trong vài tháng, nhưng quyết định tổ chức cuộc bỏ phiếu chỉ được đưa ra trước ba ngày và thể hiện sự tuyệt vọng. 

Sẽ không có quan sát viên độc lập. Phần lớn các cuộc bỏ phiếu sẽ được thực hiện trực tuyến, mặc dù các quan chức đã hứa sẽ tăng cường bảo mật tại các điểm bỏ phiếu.

Điều gì sẽ thay đổi?

Kyiv nói rằng sẽ không có gì thay đổi và lực lượng của họ sẽ tiếp tục giải phóng các vùng lãnh thổ. 

Nhà phân tích về Nga Alexander Baunov cho biết hy vọng của Điện Kremlin là phương Tây sẽ chùn bước nếu vũ khí của họ được bắn vào vùng đất mà Moscow tuyên bố là của Nga. 

Đáng báo động là Tổng thống Putin đã nói về việc sử dụng mọi biện pháp theo ý mình để “bảo vệ nước Nga”.

Phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga, Dmitry Medvedev, nói rõ rằng vũ khí hạt nhân cũng có thể được sử dụng để bảo vệ các vùng lãnh thổ bị sáp nhập. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói về một “sự leo thang nguy hiểm”, nhưng tái khẳng định quan điểm của Washington rằng không có yêu sách nào của Nga có thể tước đi quyền tự vệ của Ukraine. 

Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã tìm cách đóng vai trò trung gian, cũng đã coi cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp.

(Nguồn : bbc.com/vietnamese)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: