(Trích đoạn “Mộng Kinh Sư” của nhà văn Phan Du)
Khả liên nhi bách niên cơ nghiệp
Bất cập sơn tăng nhất mộng trường.
Hai trăm năm xót cơ đồ,
Không bằng giấc mộng thầy chùa trên non!
GIẢN CHI (dịch và viết)
Sóng lớp phế hưng nghe đã rộn,
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau…
LINH MỤ TỰ VÀ DÒNG HỌ CHÂN CHỦ PHƯƠNG NAM
Khắp cả một vùng Hương Ngự non thanh, nước đẹp, thắng cảnh thực chẳng hiếm gì và chùa chiền không phải là ít ỏi. Trong số trên tám mươi đền chùa có tên tuổi tọa lạc đó đây trong toàn tỉnh, vẫn còn có nhiều danh lam có thể chinh phục được lòng ái mộ và tình lưu luyến của du khách hoặc bằng cảnh trí đặc sắc, hoặc với lối kiến trúc quy mô hay với những kỳ tích về nguồn gốc, chứ không riêng gì Linh Mụ tự. Nhưng dù sao, Linh Mụ tự vẫn chiếm được cái ưu thế trội vượt hơn hết, không những vì cái cảnh trí thơ mộng nơi này, nhưng còn vì một đặc điểm mà các danh lam khác không làm sao có được. Đó là những yếu tố phong thủy của cuộc đất nó chiếm cứ, yếu tố đã tạo nên một liên hệ thiêng liêng, mật thiết và bền bỉ, giữa ngôi chùa với dòng họ chân chủ phương Nam.
Số là xưa kia, Tiên Chúa Nguyễn Hoàng, tức Thái Tổ Gia Dũ Hoàng đế (1558 -1613) 1 sau khi vào trấn đất Thuận Hóa – bắt đầu từ tháng Mười năm Mậu Ngọ, tức năm Chính Trị nguyên niên thời Lê (1558), với niềm tin tưởng vững chắc ở sức bảo trợ huyền nhiệm của một dãy Hoành Sơn hùng tráng theo lời truyền bảo của Bạch Vân cư sĩ – tuy lập Dinh ở làng Ái Tử, thuộc huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong (nay thuộc tỉnh Quảng Trị), nhưng cặp mắt yêu chuộng phong thủy của Tiên Chúa lại thường soi rọi địa hình, địa vật khắp cả một vùng Thuận Hóa 2 . Chẳng có núi nào, sông nào, chẳng có những cuộc đất lạ nào mà Tiên Chúa không tìm đến, không thăm dò, vì mục đích chiêm ngoạn cái khí tượng vạn thiên của các nơi danh thắng cũng có, mà phần chính là vì cái chủ đích khám phá những địa thế có khí mạch của núi non ngưng kết, cần cho công cuộc khai cơ, hưng nghiệp.
Gót phiếm du của vị chúa phương Nam, một hôm, đã dừng lại trước một ngọn đồi đột khởi giữa một cánh đồng ở thôn Hà Khê, xã An Ninh, huyện Hương Trà 3 .
Đồi có hình rất lạ. Giữa khoảng bình địa, nó hiện ra như một con rồng quay đầu nhìn lại dãy núi chính, nơi nó phát xuất. Phía trước, ngay dưới chân đồi, là một dòng sông uốn khúc uyển chuyển, xinh mềm như vòng tay ngọc nữ, và, phía sau, đồi tiếp giáp với một cái hồ, mặt nước phẳng lặng như tờ. Dưới cái nhìn sành sỏi của các nhà địa lý, cảnh trí có cái đặc tính giai thắng này nhất định phải là nơi từng có linh khí ngưng tụ. Tiên Chúa lại tiến lên đỉnh đồi, nhìn ngắm quanh vùng. Trước mắt là cả một bức tranh sơn thủy vô cùng ngoạn mục, huyền ảo chẳng kém gì cảnh sắc trong tranh thủy mặc trên quạt của Mã Viễn đời Tống hay trên lụa của Ngô Đạo Tử đời Đường. Trông về phương nam, một vòng sông thanh tú, và bên kia sông, một ngọn gò thuộc xã Nguyệt Biều, gò Thọ Khang – về sau này được mang tên là gò Thọ Xương hay Long Thọ Cang 4 – nơi mà những canh gà từng được coi như là một trong những yếu tố đã tạo thành cái nguồn thi vị bàng bạc khắp cả một bầu trời Hương Ngự:
Gió đưa cành trúc la đà.
Tiếng chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Xương. 5
Cùng với gò, một bãi hoang phù sa phô trương cái sức sinh sôi rất mực sung thiệm 6 của loài thảo mộc. Xa hơn là cánh đồng Nguyệt Biều phì nhiêu, êm ả. Trông về phương tây, dòng sông, sau khi vừa rẽ qua một khúc quanh, dàn rộng cõi lòng hầu như mênh mông với mặt nước phẳng lì, bóng bẩy như một bức định kính tráng bằng chất ngọc lưu ly vừa đông lại. Xa xa, án ngữ chân trời, một dãy núi xanh huyền ảo, chạy dài phía sau màn sương thoang thoáng, điểm chuyết, cùng với sông kia, gò nọ, cho cảnh trí nơi này cái vẻ lồng lộng, bao la, sáng lạn và thanh khiết của một cõi trời đã lau sạch bụi trần.
Nhưng có thể cặp mắt của vị chân chủ phương Nam đã phải để ý đến một điểm đặc biệt hơn các thức đẹp kết hợp thành cái toàn bộ cảnh trí thơ mộng này. Đó là một đường hào – đào khá sâu – cắt đứt chân đồi tàn nhẫn như dấu vết lưỡi gươm sắc bén của tên đao phủ thiện nghệ còn lưu lại trên cổ tử tù. Bàn tay thô bạo, ngu xuẩn nào đã vô tình làm cái chuyện rất đáng kiêng kỵ về mặt phong thủy đó? Xén ngang chân đồi thì có khác gì là cắt đứt long mạch, làm phân tán cái khí thế của núi non ngưng tụ! Hoặc giả đã có tay tổ nào trong giới phong thủy bày ra cái trò yểm trừ này chăng?
Chúa phương Nam liền mở cuộc dò la, thăm hỏi đám bô lão, để tìm hiểu và khám phá cho ra nguyên do. Và quả đúng như điều nghi hoặc của Tiên Chúa, hào đào là nhằm mục đích yểm trừ, và tác giả của cái công trình phá hoại này lại không ai khác hơn là tướng Cao Biền, một tay địa lý đại danh từng có chủ trương triệt tiêu tất cả mọi yếu tố phong thủy có thể giúp cho chân mạng đế vương xuất hiện ở phương Nam. 7
Các vị bô lão hiểu chuyện đã tường trình cùng Tiên Chúa rằng: vì biết được tại đồi này có một nữ thần thường hiện ra, lại xem xét kỹ, thì lòng gò có linh khí đáng ngại, nên Cao Biền đã dùng phép thuật yểm trừ và cho đào hào để dứt tuyệt long mạch. Từ đấy, ngọn đồi vắng bóng nữ thần. Dân làng qua lại đồi này, dù vào lúc giữa trưa đứng bóng hay trong đêm vắng canh khuya, cũng chẳng bao giờ còn được mục kích sự hiển hiện của thần linh như trước. Lạ hơn là cái hồ ở phía sau đồi – về sau được mang tên là Bình Hồ – nước cứ ngày càng đỏ ra như máu 8 . Một hồ máu rõ ràng! Phải chăng là máu của Rồng thiêng? Và như thế rất nhiều năm qua, không ai còn nhắc đến chuyện nữ thần, nhưng rồi, một đêm kia, có đám hành giả, nhân đi ngang qua đồi vào khoảng quá giờ Tý, đã tình cờ trông thấy, dưới bóng trăng khuya mới mọc, một bà lão, tóc và chân mày bạc phơ, ngồi ở chân đồi. Áo dài của bà cụ đỏ chói màu ráng pha, nổi bật trên chiếc quần màu lục rất tươi. Ánh trăng tuy còn lơ mơ, nhưng dường như đã được pha lẫn một nguồn ánh sáng huyền diệu nào đó, để soi tỏ được không những y phục, mà cả cái dáng mạo phúc hậu, trang nghiêm của bà cụ, cùng những đường nét thêu trổ tuyệt mỹ trên đôi hài gấm đế trắng và chiếc nón thúng – cũng cùng một màu trắng – có quai lụa hồng. Bà cụ nhìn vào đường hào, nhìn lên đỉnh đồi, rồi nói lớn, như có ý để những lời tiên tri của mình được lọt trọn vẹn vào tai đám hành giả đã tán loạn cả hồn phách vì cuộc gặp gỡ bất thần và đáng hãi hùng này:
“Cao Biền vì ác ý muốn dứt tuyệt long mạch ở phương Nam, nhưng làm sao có thể nghịch lại sự định phận của Thiên Thư. Sơn hà nào có chân chủ nấy. Long mạch tuy bị dứt, nhưng chưa tuyệt. Máu Rồng còn tươi. Một ngày kia chuyện buồn rồi cũng chấm dứt. Bàn tay của chân chủ phương Nam sẽ lấp hào đi để cho linh khí tụ lại, long mạch nối liền. Một con Linh Quy, để được thoát kiếp, sẽ hút sạch máu trong lòng hồ. Nước hồ trong ra, cõi trời Nam càng thêm hưng thịnh, trăm họ vui khúc âu ca.”
Bà cụ nói xong, vụt biến mất. Một vệt hào quang xanh eo éo trườn nhanh ra, bay vút đi trong thanh không như một dải lụa dài, quấy động không khí thành ngọn cuồng phong dữ dội. Nhưng rồi, chỉ trong giây lát, gió lặng, trăng sáng hơn lên. Ngọn đồi lại phục hồi trạng thái đìu hiu, vắng vẻ như chẳng có gì quái dị xảy ra.
Câu chuyện trên đây, nhất là những lời tiên tri của vị nữ thần, làm cho Tiên Chúa rất đỗi đẹp lòng. Người liền đổi buồn làm vui phán bảo:
“Bà lão ấy chính là người của nhà Trời sai xuống để báo trước về nghiệp lớn của ta. Truyền cho hào kia phải sớm được lấp lại và một cảnh chùa phải được xây cất nơi đây.” 9
Theo lệnh Chúa ban truyền, chẳng bao lâu một ngôi chùa đã được dựng lên ngay trên ngọn đồi, vào tháng sáu mùa hè năm Tân Sửu – tức tháng Bảy dương lịch năm 1601. Chùa được mang tên là Thiên Mụ tự, và hai trăm sáu mươi mốt năm sau, dưới thời Dực Tôn Anh Hoàng đế, được đổi tên thành Linh Mụ tự 10 . Hồ phía sau được mệnh danh là Bình Hồ. Theo câu chuyện còn được nhân dân xã An Ninh truyền tụng đến nay, thì quả đúng như lời bà lão nhà Trời đã nói về Linh Quy, sau khi chùa được hoàn thành ít lâu, một con rùa khá lớn, từ đâu dưới lòng sông Hương bò lên đồi, tiến vào vườn chùa, rồi vì khát nước, nó đục thủng thành chùa phía sau, tiến ra tận mép Bình Hồ. Con rùa lạ lùng này uống đến đâu thì nước trong đến đấy. Công việc nó làm dường như cảm động thấu đến lòng Trời, nên giông tố tự dưng đùng đùng nổi dậy. Mây vần, gió giục, cát bụi tung bay mù mịt cả một vùng Hà Khê. Và khi nước hồ vừa trong, thì cả đất trời vụt nhiên rung chuyển trong một tiếng nổ kinh hoàng. Lưỡi búa của Thiên Lôi, trong chớp nhoáng, đã giúp Linh Quy thoát kiếp 11 . Xác nó hóa đá và nằm mãi bên hồ cho đến ngày nay 12 .
Long mạch ở gò Hà Khê chính là sợi dây vô hình đã gắn liền vận mệnh của Linh Mụ tự với vận mệnh của dòng họ chân chủ phương Nam, và đã dành cho nó một sự đãi ngộ hậu hĩ qua các đời chúa cũng như các triều vua nhà Nguyễn.
Tính đến nay, tuổi thọ của Linh Mụ tự đã có trên ba thế kỷ và đã được kết nối bởi biết bao nhiêu vinh, nhục, thăng, trầm. Được khai sinh dưới thời Tiên Chúa, được chăm chút dưới thời Hiền Vương 13 , được rạng tỏa ánh vinh quang, hoa gấm dưới thời Quốc Chúa 14 , được phục hồi phong độ và sủng ái dưới thời Gia Long, sau cảnh ly loạn, can qua, và được vươn lên tột đỉnh thịnh đạt dưới thời Thiệu Trị, Linh Mụ tự quả đã chiếm được một ưu thế vô song trong các chùa chiền ở vùng Hương Ngự. Nhưng rồi có thể nói là kể từ ngày Hiến Tổ Chương Hoàng đế 15 thăng hà trở đi, cơ duyên phát đạt của ngôi cổ tự này ngày càng suy giảm, nhất là về sau này nữa, với sức tàn phá thảm hại của trận bão năm Thìn (1904), với cái ám kế chiếm đoạt của báu, tượng vàng, do bàn tay bí mật của ngoại nhân có đầy đủ uy quyền, thế lực để khiến được Bộ Công phải dâng thang, Bộ Lễ phải nộp chìa khóa của kho tàng Bửu Tháp 16 thì Linh Mụ tự phải được coi như đã qua hẳn một thời oanh liệt, vàng son rồi.
Từ đó đến nay, tuy không rơi chìm vào quên lãng, và mặc dù được trải mấy lần trùng tu, cái phong thể trọng vọng xưa kia thay vì được phục hồi, chỉ tàn tạ thêm, cái cảnh sắc “vừng nhật chiếu đến Thiền quan, bóng xuân triều về Phật tọa” 17 cũng phải nhường cho nơi khác.
Đại hồng chung đã câm tiếng! Hương Nguyện đình chỉ có nền xưa! Khách thập phương ngày càng thưa thớt. Linh Mụ tự giữa những cảnh chùa trẻ trung, tân tiến hiện nay ở Cố đô, tuy vẫn còn hiện diện, vẫn phô trương Bửu Tháp trên đồi Hà Khê, nhưng thực sự thì đã lùi xa vào quá khứ.
Sớm chiều, những chú tiểu yếu ớt, vận dụng hết sức mình vẫn không thể thỉnh chuông cho đủ số một trăm lẻ tám tiếng, mệt mỏi buông tay nửa chừng và qua hơi thở nhọc nhằn, qua những tiếng kinh, tiếng mõ bơ vơ, lạc lõng trong bầu không khí u tịch, buồn rầu lóng nghe 18 những âm ba ngắn ngủi chìm tắt vội vàng, để chạnh lòng nuối tiếc cái sức ngân nga du viễn của Đại hồng chung xưa!
Nhưng nếu tiếng chuông Linh Mụ không còn đủ sức để vươn lên, từ dưới bóng xanh cổ thụ, thấu tận miền Phật cảnh 19 và lan xa tỏa rộng khắp sông Mê, bể Khổ để làm tròn sứ mạng cảnh tỉnh chúng sinh, thì nó lại có đầy đủ thẩm quyền hơn tiếng chuông chùa nào hết, để kể lể và làm sống lại, dưới mắt du khách, bao nhiêu vang bóng của Kinh sư. Đồng thời có quyền nhắc nhở với một niềm kiêu hãnh rằng: công cuộc hình thành kinh đô nhà Nguyễn, tại Phú Xuân, nếu truy nguyên cho tận cùng, phải được coi như là bắt đầu khởi niệm từ ngôi chùa cổ kính này, một ngôi cổ tự từng được Hiến Tổ Chương Hoàng đế liệt vào trong số hai mươi thắng cảnh trội nhất ở Thần kinh.
Là con đầu lòng trong các công trình kiến trúc của họ Nguyễn ở vùng Phú Xuân, Linh Mụ tự, với trên ba trăm rưỡi tuổi, từ ngọn đồi Hà Khê, đã chứng kiến được đầy đủ, từ đầu chí cuối, quá trình hình thành, diễn biến của Kinh sư qua bao nhiêu thăng trầm, dâu bể, để đến nay có thể thu gọn vào cái lắng mau của những hồi chuông triêu mộ, thành một giấc mộng “Kê Vàng” mà trong đó, du khách nặng lòng hoài cổ, mỗi lúc dừng chân dưới mái chùa xưa, giữa cảnh quạ kêu trăng rụng, có thể tìm được, cùng với cái thú truy hồi những vang bóng xa xưa, một mảnh gương kim cổ rất giàu ý nghĩa.
——————————–
1 | Nguyễn Hoàng sinh năm 1525, lên ngôi chúa năm 1558 và mất năm 1613. Trong tác phẩm này, niên đại ghi sau tên các đời vua, chúa là chỉ khoảng thời gian từ khi lên ngôi đến khi mất (hoặc bị phế) chứ không phải năm sinh – năm mất. |
2 | Thuận Hóa: Bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. |
3 | Nay thuộc thành phố Huế. |
4 | Tên cũ là Thọ Khang thượng khố. Đầu niên hiệu Gia Long, đổi thành Thọ Xương. Năm Minh Mạng thứ năm (1824) đối thành Long Thọ cang, trên có dưng đình bát giác gọi là Long Thọ cang đinh và có chạm bi chế để lưu thắng cảnh. (Theo Đại Nam nhất thống chí – Kinh sư: Tự quán. Nha Văn hóa bộ QGGD xuất bản, tập VI, 1960). (TG) |
5 | Hai câu thơ này của cụ Phạm Quỳnh, nhân đi chơi Huế mà mượn câu trên và nửa câu dưới của cụ Dương Khuê. |
6 | Sung thiệm (Hán Việt): Sung túc. |
7 | Đây chỉ là truyền thuyết dân gian chứ không thể xuất hiện trong lịch sử. Bởi vì Thuận Hóa từ năm 1069 mới quy về Việt Nam, trong khi Cao Biền là Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân (xứ An Nam) thời Bắc thuộc từ năm 866 đến 868. |
8 | Theo sự truyền tụng của nhân dân trong vùng. (TG) |
9 | Đây là truyền thuyết Trích Tiên, các phần sau có dùng từ Trích Tiên chính để chỉ cố sự này. |
10 | Vào tháng Giêng năm thứ mười lăm, niên hiệu Tự Đức, tức tháng Hai năm 1862, nhà vua nhân nghiệm thấy chữ Thiên và chữ Địa có tính cách thiêng liêng cao quý, nên ngài truyền tự hậu, để tỏ lòng tôn kính, những chữ này phải được tránh dùng. Những tên đã đặt cho một vài cơ quan có những chữ này, như Khâm thiên giám, Thừa Thiên phủ thì chữ Thiên phải chừa trống. Nhân có lệnh này, Bộ Lễ liền tâu xin cải đổi tên chùa Thiên Mụ thành Tiên Mụ, nhưng nhà vua lại đổi chữ Tiên thành chữ Linh, và từ đấy Thiên Mụ tự được gọi là Linh Mụ tự – (Pagode Thiên mẫu: Description, Légende du Plan général de la Pagode, par A. Bonhomme. B.A.V.H. 1915). (TG) |
11 | Theo Việt Nam khai quốc chí, Đại Nam thực lục tiền biên và Hội điển (trích dẫn trong bài La Pagode Thiên mẫu: Historique – Description. B.A.V.H. 1915). – Đ.N.N.T.C.. Kinh sư: Tự quán: Chùa Thiên Mụ, tr. 88, 89). (TG) |
12 | Có thuyết cho rằng đó là con rùa bằng vôi do Cao Biền cho đắp để yểm trừ long mạch. Óc tưởng tượng của nhân dân trong vùng thực là dồi dào phong phú, ngay như câu chuyện long mạch và nữ thần cũng còn có nhiều điểm rất khác nhau và kỳ thú. |
13 | Hiền Vương: Tức Nguyễn Phước Tần, vị chúa thứ 4 của nhà Nguyễn, được người sau gọi là chúa Hiền. |
14 | Quốc Chúa: Tức Nguyễn Phước Châu, vị chúa thứ 6 của nhà Nguyễn. |
15 | Tức Thiệu Trị. |
16 | Để bảo vệ chu đáo các đồ tự khí quý giá và tượng Phật bằng vàng ở tầng tháp trên cùng, chìa khóa của tháp được giao cho bộ Lễ cất giữ, thang bắc lên các tầng tháp trên cho bộ Công giữ. Chi khi nào có phương việc, cả hai bộ mới phối hợp nhau để mở cửa và bắc thang. |
17 | Trích trong câu đối của Hiển Tôn ban cho chùa Quốc Ân: “Bát bảo xán kim lương, hiểu nhật lâm quan, tiễn hữu nhân hữu cảnh. Ngũ vân sanh ngọc đống, xuân quan triều toả, hỷ bất tức bất ly”. (Đồ bát bảo rực rỡ rường vàng, vừng nhật chiếu đến Thiền quan, mến được có người và có cảnh. Mây ngũ sắc giăng quanh cột ngọc, bóng xuân triều về Phật tọa, vui thay không bức lại không xa.) – Đ.N.N.T.C.. – Thừa Thiên phủ (tập thượng). Tự quán: Chùa Quốc Ân. Tr. 87. (TG) |
18 | Lóng nghe (từ cổ): Lắng nghe. |
19 | Hội điển, bi văn về chùa Thiên Mụ của vua Thiệu Trị (trích dẫn trong La Pagode Thiên Mẫu: Historique. B.A.V.H., 1915 []. (TG) |
(Nguồn : vietmessenger.com)
Thảo luận
Không có bình luận