Đọc lại bài Văn Tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du trong tiết tháng bảy, mà thương những u hồn còn vất vưởng cõi trần, nhất là sau cơn binh lửa, kẻ sống từng:
Kìa những kẻ bài binh bố trận
Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung
Gió mưa sấm sét đùng đùng
Phơi thây trăm họ nên công một người.
Rồi cuối cùng lâm vào cảnh:
Khi thất thế tên rơi đạn lạc
Bãi sa trường thịt nát máu rơi
Mênh mông góc bể chân trời
Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào?
Trời thăm thẳm mưa gào gió thét
Khí âm huyền mờ mịt trước sau
Ngàn mây nội cỏ rầu rầu,
Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường ?
Đó chính là hoàn cảnh của một sĩ quan Pháp từng nổi danh về trận mạc khi Pháp xâm chiếm Nam Kỳ (1858-1867). Nhân vật này là đại úy thủy quân lục chiến pháp Nicolas Barbé. Barbé tuy chỉ là đại úy nhưng khi thực dân mở cuộc cướp nước ta, thì những tay chiến binh nổi danh không phải hạng tướng lãnh kiêm chính trị gia khét tiếng giảo quyệt, như Amiral Courbet, Rigault de Genouilly…mà là những hung thần thực dân như Francis Garnier, Henri Rivière và Nicolas Barbé…
Biết bao thực dân bỏ mạng hoặc ở Hà Thành hoặc ở Sài Thành nhưng không nghe thấy truyền tụng hồn ma của kẻ viễn chinh từng phơi thây nơi chiến địa Lạc Hồng, còn quanh quẩn nơi dương gian trừ Barbé.
Barbé nổi tiếng khi sống với mối tình của một phụ nữ Việt nam và khi chết bị cắt cụt đầu, tứ chi bị cắt lìa nên khi mai táng, người ta phải vùi một phần tử thi của hắn ở đất Thánh Tây (Massiges or European Cemetery hay Cimetière Européen) mà sau này gọi là Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi trước khi bị san bằng và biến thành một công viên sau 1975.
Barbé là một trong những tay thực dân bị giết vào đầu cuộc xâm lăng và mộ của hắn cũng là một trong những ngôi mộ đầu tiên được chôn ở Đất Thánh Tây (dựng vào năm 1859) lúc đó còn có tên là nghĩa trang hải quân, trên phố cũ có tên là Rue Nationale (sau này là Hai Bà Trưng). Vào 1885, nghĩa trang này đã là nơi mồ chôn của 239 lính Tây.
Cái chết của Barbé được thực dân Pháp ngày ấy ca tụng như một anh hùng hy sinh vì tổ quốc, nên ngôi chùa hắn bị hạ sát trước có tên là Khải Tường được đổi tên là chùa Barbé và con đường gần nghĩa trang được đặt tên là Rue Barbé.
Ai có dịp thăm viếng nghĩa trang Mạc đĩnh Chi hay Đất Thánh Tây trước 1975 đều tò mò trước một ngôi mộ hoang liêu. Nơi đây đa số mộ bia đề bằng tiếng Pháp, ngay cả mộ của người Việt cũng không thoát ngoại lệ.
Một số mộ có ghi thêm chữ Hán và gần như tất cả đều được săn sóc và quét dọn, sửa sang, tô bồi mỗi năm và có nhiều ngôi chẳng mấy khi vắng bóng hoa tươi gửi người dưới mộ. Nhưng trong khung cảnh hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng ấy có một ngôi mộ bề thế ở góc trái cách cửa chính không xa, ngay dưới gốc một cây phượng, lại có vẻ hoang phế hình như đã lâu không có ai lai vãng, chẳng hề có một cánh hoa héo, một vết giày quanh quẩn và rêu đã mọc, mộ đã nghiêng, chữ trên bia đã mờ. Mùa thu, mùa đông chỉ có lá rụng cành khô phủ và mùa xuân chỉ có mấy đóa hoa mười giờ cố vươn từ đám cỏ gà um tùm và nở những cánh hoa chung thủy. Khách tò mò đọc kỹ mộ chí. Đúng là mộ của một sĩ quan ngươi Pháp với những chữ chỗ trắng chỗ đen như sau : Ci-git Barbé, Capitaine d’Infanterie de Marine, tué dans une embuscade, le 7 Décembre 1860. Souvenir de ses camarades”
“Đây là nơi yên giấc ngàn thu của Barbé. Đại úy Thủy quân Lục chiến hy sinh trong một cuộc phục kích đêm 7-12-1860. Các bạn hữu lập mộ”
Mộ của một sĩ quan người Pháp trong nghĩa trang Đất Thánh Tây thì không có gì là lạ vì trong nghĩa trang này có hàng mấy chục ngôi mộ của người Pháp, kể cả những nhân vật uy tín hơn, cấp bực cao hơn Barbé. Nhưng có lẽ chưa có tấm bia nào lại bề thế như vậy, cao tới hơn 2 mét. Đúng là đá xứ Quảng, dày bền, đồ sộ. Một đại úy quân viễn chinh chết giữa những năm người Pháp mới đặt chân chiếm Đông tam tỉnh Nam Kỳ sao lại được lập bằng một cái bia ngàn năm không mòn như thế ?
Người tò mò càng thêm tò mò vì trên bia lại ghi đầy chữ Hán. Nét chữ đã mờ nhưng cố gắng đọc vẫn có thể hiểu đó là một tấm bia ca tụng công đức của một vị công thần. Bia của công thần nào của nhà Nguyễn đã bị một anh thực dân tiếm dụng làm nơi ghi địa chỉ an nghỉ cuối cùng của mình ? Khách dùng khăn lau bớt bụi bậm trên bia có thể thấy người lập bia là hai nhân vật nổi danh trong lịch sử Việt Nam cận đại:
Hiệp biện đại học sĩ lãnh Lễ bộ thượng thư (thần) Phan Thanh Giản, Hình bộ thượng thư (thần) Trương Quốc Dụng phụng chỉ.
Có nghĩa là: Chúng thần là Phan Thanh Giản, Hiệp biện đại học sĩ lãnh Lễ bộ thượng thư và Trương Quốc Dụng, Hình bộ thượng thư phụng mệnh viết bi văn.
Từ đó mới biết đây nguyên là tấm bia ca ngợi công đức của công thần Phạm Đăng Hưng. Cụ Phạm Đăng Hưng là thân phụ của Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu (Bà Từ Dụ,) vợ vua Thiệu Trị. Thì ra tấm bia do vua Tự Đức ra lệnh cho các danh thần Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng viết bia văn vào năm Tự Đức thứ mười (1858) và được chở từ Huế vào Gò công để dựng trước mộ cụ Phạm Đăng Hưng. Nào ngờ hải quân Pháp chặn ghe bắt được và dùng ngay vào việc lập bia cho Barbé vì Barbé mới chết dù đã chôn nhưng còn thiếu cái bia tươm tất. Lính Pháp lúc đó chẳng hiểu bia của ai và nếu trong đám cộng tác có ai biết cũng chẳng ai mở miệng trước cơn dao động lịch sử quá nhanh: Pháp lúc đó đang tung quân lấy Đông tam tỉnh rồi Tây tam tỉnh Nam Kỳ từ 1862 cho tới 1867. Ai cũng nghĩ cả nước còn có nguy cơ mất, có làm chi tấm bia đá!
Nhưng chỉ là một tấm bia thì câu chuyện không lạ. Lạ ở chỗ là Barbé vì tình mà chết chứ không chết trên chiến trường trước nghĩa quân Trương Định. Lạ hơn nữa là người yêu của Barbé lại là một cô gái Việt Nam thuộc dòng trâm anh thế phiệt và cuộc tình của họ khá đẹp và kết thúc vô cùng bi đát. Barbé chết và yên nghỉ nơi mồ sâu nhưng cô gái Việt từ đó biến thành ma vì “hận tình chưa trả cho ai, khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.”
Hai cây viết người Pháp Le Vedier và De Maubryan đã thuật lại thiên tình sử này trong “Scènes De La Vie Annamite – Ky Hoa” (Cảnh đời An nam ở Kỳ Hòa nxb P. Ollendorff, Paris 1884).
Bi kịch tình ái được kể lại như sau:
“Một ngày kia, trong lúc đi săn, Đại úy Barbé tìm thấy ở giữa sông Sài Gòn một chiếc bè trôi lềnh bềnh, trên bè hình như có người. Trôi theo bè có hai bầy cá sấu. Barbé kéo bè vào bờ, nhìn thấy một người đàn ông và một người đàn bà bị cột lại với nhau theo lối trừng phạt những kẻ thông dâm. Người đàn ông đã chết, chân trái đã bị cá sấu cắn đứt ngang, còn người đàn bà thì đang hấp hối. Barbé vội lấy dao cắt dây cột rồi vác người đàn bà lên vai đem về đồn. Người đàn bà này rất xinh và lập tức khiến trái tim Barbé xúc động. Nạn nhân về đồn bị đau và nằm luôn trên giường bệnh hai tháng và nhờ có bác sĩ Girrayd và Barbé chăm sóc thuốc thang tận tình nên lần lần hồi phục. Sau ba tháng được điều dưỡng tại đồn, người đàn bà đã khỏe nên xin phép Barbé được ra khỏi đồn để đi thăm thân nhân và hứa sẽ quay trở lại đồn với Barbé.
Rồi một đêm nọ, có một người Việt đến đồn tìm Barbé và cho hắn biết Thị Ba, người đã chiếm trái tim của Barbé, đang lâm bệnh sắp chết và hiện đang nằm tại một ngôi chùa cách đồn của Barbé không xa. Được tin này Barbé lập tức nhảy lên ngựa đi tìm nàng, nhưng chỉ ra khỏi đồn được một quãng thì trúng đạn phục kích. Trong đồn, bọn thân binh biết có chuyện chẳng lành, liền kéo ra tiếp cứu. Nhưng đã muộn, chỉ chừng 30 m, họ đã thấy Barbé nằm chết sóng sượt dưới đất bên xác ngựa, thân thể bị chém nát.
Theo người ta cho biết thì Thị Ba thuộc gia đình quyền quý, nhưng bị cưỡng ép lấy ông lãnh binh Nguyễn văn Sất. Nàng phải tản cư về làng Bình Lý vì đất Gia Định lúc đó đang ở trong vòng khói lửa. Ở Bình Lý, giữa những đồng ruộng mênh mông, Thị Ba gặp lại người quen từ thuở nhỏ tên là Nguyễn Văn Tri, hắn cũng là một võ quan trong hàng ngũ nghĩa quân. Giữa Tri và Thị Ba nối lại mối tình đậm đà. Trong khi đó viên phụ tá của Nguyễn Văn Tri là đội Dinh cũng rung động trước sắc đẹp của Thị Ba, nhưng Thị Ba không thèm ngó tới và tỏ ra khinh rẻ. Đội Dinh lấy làm tức tối và xấu hổ nên y bèn lập mưu gài bẫy Nguyễn Văn Tri và Thị Ba. Do đó cả hai đã bị lãnh binh Sất bắt trói và thả trôi sông cho chết.
Đến khi nghe Barbé đã cứu Thị Ba, lãnh binh Sất tức giận điên ruột đã quyết một phen sống chết với Barbé để chiếm lại Thị Ba. Và trong đêm ngày 3 rạng 4 tháng 7 năm 1860, lãnh binh Sất chỉ huy một đạo quân ồ ạt tấn công đồn Khải Tường. Lúc đó trong đồn nầy có 100 quân I-Pha-Nho và 60 lính Pháp đã chống cự và đẩy lùi được quân của lãnh binh Sất.
Căm thù vì không lấy được đồn Khải Tường để giết Barbé, nên lãnh binh Sất đã nghĩ ra mưu khác. Chờ cho Thị Ba ra khỏi chùa Khải Tường, lãnh binh Sất cho lính bắt Thị Ba đem nhốt chung với bọn đĩ điếm. Rồi mấy ngày sau lãnh binh Sất lập mưu phục kích đại úy Barbé khi ra khỏi đồn và sẽ bắt tình địch chặt đầu đem về cho Thị Ba nhìn thấy, rồi sau đó sẽ hành hình Thị Ba cho hả giận. Nhưng mưu kế này chỉ thực hiện được một nửa, Barbé bị hạ sát vì đang lúc Sất thực hiện giai đoạn tiếp thì quân Pháp tấn công. Lúc đó giữa Thị Ba và lãnh binh Sất lại xảy ra một cuộc cãi vã lớn, đi đến xô xát và cả hai đều chết vì trúng đạn.
Barbé chết không toàn thây và ban đầu, lúc chiến tranh đang ác liệt, cũng khó kiếm ngay một bia đá dựng lên cho kẻ đa tình nên quân Pháp lúc đó phải cướp một tấm bia của một nhân vật lịch sử Việt nam để làm bia cho Barbé. Thực là bi thảm cho một vong hồn chiến binh! Và cũng là thảm kịch cho chúng ta khi đất nước rơi vào tay ngoại bang!
Nhiều người thời đó và cả thế hệ sau này đều kể lại nhiều hiện tượng kỳ lạ về bóng ma đất Thánh Tây. Sau khi lãnh binh Sất và Thị Ba được mồ yên mả đẹp rồi, nhưng vong hồn Thị Ba vẫn còn hiện lên lởn vởn ở trước cửa đồn Chí Hòa đến đất Thánh Tây để tìm mộ kẻ tình chung đã chết vì chung tình. Còn u hồn Barbé vẫn lang thang vào những đêm mưa gió hay sương mù phủ thành phố, ở quanh khu Hai Bà Trưng và Lê Quý Đôn gõ cửa nhiều nhà gọi tên Thị Ba bằng giọng trọ trẹ của người ngoại quốc nói không sõi tiếng Việt!
Hy vọng qua cuộc biển dâu 1975, nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi không còn, u hồn Barbé sẽ có cơ hội bám theo thuyền tàu của người tị nạn trở về chính quốc!
Chu Nguyễn
(Nguồn : cafevannghe.wordpress)
Thảo luận
Không có bình luận