Phạm Văn chuyển ngữ
(Chương 25 – Ghost Train to the Eastern Star – On the Tracks of the Great Railway Bazaar (2008, nxb Houghton Mifflin Company, New York, 496 trang)
Trận bão là tin hàng đầu, bốn hôm trước bản đồ khí hậu trên TV có một đốm đen đáng sợ. Bão thổi tới Việt Nam hôm tôi đi: mưa như trút hắt ngang loạn xạ thành những vệt lấp lánh trên thềm lộ thiên của Ga Sài Gòn, kêu lộp độp trên nền xi măng đen đúa cũ kỹ và làm ướt sũng các quầy thức ăn dựng lên bán cho khách du lịch mang theo. Nhưng tôi mỉm cười. Không gì có thể biến một chuyến ra đi tầm thường trở thành đáng nhớ và kịch tính bằng thời tiết xấu.
Ngay cả trong mưa gió và giữa các vũng nước ngập ngụa, nhà ga vẫn trật tự. Thức ăn bán mang theo gồm cơm gà, bánh bao và xúc xích, trái cây, nước chai, bánh kẹo, bia. Tôi mua đầy túi của mình, và thấy có tám tờ nhật báo tiếng Việt, không bóng dáng cảnh sát lộ liễu, không kiểm soát hành lý, không chút phiền nhiễu, không một chút quấy rầy vào sự riêng tư và yên tĩnh của hành khách. Trưởng toa của tôi là một phụ nữ 30 tuổi, lịch sự và đẹp, mặc đồng phục xanh bảnh bao. Người Việt tự tìm thấy sự trật tự, thịnh vượng, và hiệu quả này sau nhiều thập niên chiến tranh, bất chấp chúng ta; chúng ta không thể đòi công trạng gì vào đó.
Đối với một người Mỹ thì đi du lịch Việt Nam là bài học về sự khiêm tốn. Họ mất hai triệu thường dân và một triệu lính, và chúng ta mất hơn 58.000 cả nam lẫn nữ. Họ không nói tới chuyện đó trên góc độ cá nhân, ít ra là họ không trách móc. Họ nói: Không phải anh, mà là chính phủ của anh.
Buồng tôi trong toa giường nệm có hai người độ ngoài hai mươi tuổi đang nói chuyện: anh Phạm Văn Hai tiễn vợ đi. Họ ngồi nắm tay nhau bên giường cô ấy, đối diện với giường tôi.
Anh Phạm nói: “Cô ấy xuống Qui Nhơn. Tôi không đi. Cô ấy đi thăm gia đình.”
Tôi xem trong bản đồ của mình thấy nửa đường tới Huế là Qui Nhơn, thủ phủ của tỉnh Bình Định, nơi trước kia đánh nhau dữ dội. Nhưng anh Phạm không nhắc tới chuyện đó. Anh nói anh lớn lên ở đó, và vì Qui Nhơn ít việc làm, anh và vợ đi tìm việc nơi khác.
“Vì vậy chúng tôi vào Sài Gòn.” Cho tới lúc này tôi chưa gặp ai dùng tên Thành phố Hồ Chí Minh. Anh Phạm nói anh làm về địa ốc. “Chúng tôi bận lắm. Ai cũng đi tìm bất động sản.”
“Chỗ đông đúc mà.”
Anh Phạm nhún vai nói: “Thành phố Sài Gòn không đẹp. Nhưng nó sẽ đẹp. Tôi đã thấy Singapore và Bangkok. Chúng tôi cần thêm đầu tư ngoại quốc, như họ. Nhiều công ty đang tới đây. Chúng tôi sẽ làm thành phố đẹp.”
Anh nói ngành địa ốc đang phất. Nhà chung cư đang lên, cao ốc đáp ứng nhu cầu. Anh cũng tham gia vào xây dựng nên anh biết. Trong lúc anh nói, vợ anh ngồi yên nghe. Cô ta cao và thon. Cô có dáng khoẻ mạnh trong bộ quần áo thể thao ghi chữ Gymnast.
Anh Phạm đưa tôi tấm danh thiếp và nói: “Chúc ông đi bình an.” Anh bước xuống toa lúc còi hụ. Hiển nhiên đây là một trong những chuyện kỳ cục khi đi du lịch bằng xe lửa ở đây và ở nhiều nơi khác, một anh để cô vợ trẻ lại với một khách lạ ngoại quốc trong một buồng nhỏ, rồi vẫy tay tạm biệt khi họ ngồi trên cái giường hẹp như kệ sách của họ, sắp sửa sống chung 12 tiếng trong một chỗ chật chội gần gũi, lắc qua lắc lại, người phụ nữ nhỏ nhắn xinh đẹp với ông ngoại quốc to lớn lông lá; nhưng anh ta có vẻ chẳng bận tâm.
Tên cô là Phương. Cô còn trẻ, e thẹn và rất dịu dàng. Lát sau cô sung sướng kể là cô có thai một tháng và cô về báo tin vui cho gia đình. Lúc xe lửa rời ngoại ô Sài Gòn cô dọn giường, chui vào chăn nằm ngủ trong khi tôi nhìn thành phố trôi qua, các khu chung cư giảm thành nhà trệt rồi thành các căn chòi hướng ra kênh và ruộng lúa. Mưa vẫn rơi, Phương ngủ hơi hé môi, và màu sáp xanh xao quyến rũ trên khuôn mặt người ngủ say. Tôi cố nhìn ra cửa sổ.
Mọi thứ an bình – đồng ruộng xanh, trẻ con chơi quanh cây ăn trái, các ga nhỏ có mái ngói đỏ, đầm lầy và ruộng bắp, bầy heo ủn ỉn, đàn gà khệnh khạng trong vườn cây. Tôi nghĩ: Cảnh điền viên.
Tôi nhớ Sài Gòn căng thẳng và hoang vắng, miền quê mờ xám và cố thủ; hồi đó ít ai gieo trồng thứ gì, nhiều nơi cấm lai vãng. Trong ký ức tôi Việt Nam rất đen tối, hiện hữu trong nỗi sợ mơ hồ – một biển mìn không thể nghĩ chuyện dạo chơi, và nhiều chiếc cầu cài bom chờ lệnh nổ.
Thế giới mờ ảo đó không phải là tôi tưởng tượng. Chiến tranh – sự tạm bợ và khẩn cấp của nó – đã biến toàn miền Nam thành một biển bùn và đường lún vì xe tải chở nặng và xe tăng. Vì thuốc khai quang chúng ta đã đổ xuống không nương tay, nên không cây nào già lắm hay lớn lắm.
Chúng tôi đi ngang Biên Hòa, nơi tôi đã đến, rồi qua vùng quê rộng mở, hàng giờ. Hiện thực Việt Nam là cảnh quan lớn, xanh và trống trải; Sài Gòn là ngoại lệ với dân số đậm đặc, kích thước và tiếng chối tai của nó. Phần lớn vùng quê chỉ là cây chuối, con trâu và nông dân cúi trên đồng lúa.
Tôi đang đọc cuốn Nỗi buồn chiến tranh, của một người Việt, Bảo Ninh, trước kia là lính. Bối cảnh cuốn sách xảy ra ở một vùng tên là Truông Gọi Hồn, gần Kontum, phía đông bắc nơi Phuong đến. Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện tình, nhưng cũng nói về chiến trận, mười người sống sót (Bảo Ninh là một) của một tiểu đoàn 500 người chết sạch, năm 1974 không lâu trước khi Sài Gòn sập. Nói cách khác, trận đánh ấy xảy ra ngay sau khi tôi rời nơi đây lần trước.
Phương thức dậy, ngáp và thấy tôi đang đọc. Cô nói cô không biết cuốn này. Cô nói thêm, như thể đưa lý do, cô cảm thấy không khoẻ vì có thai, và cô về nhà cũng vì vậy.
“Gia đình sẽ lo cho tôi.”
“Cô làm nghề gì ở Sài Gòn?”
Cô nói: “Tôi là kiểm soát viên trong xưởng giày. Chúng tôi may giày da cho phụ nữ.”
Tôi vẽ hình một chiếc giày gót nhọn kiểu cách trên một trang trong cuốn sổ tay của tôi. Cô nhìn nó rồi cười. Cô nói: “Đúng!” Nó được xuất cảng sang Âu châu và Mỹ.
Với sự thẳng thừng quen thuộc của du khách ở một nước như vậy – tôi chưa bao giờ dám hỏi người Mỹ những câu này – tôi hỏi cô kiếm được bao nhiêu và chi tiết việc làm của cô. Cô nói cô và đồng nghiệp kiếm 400 đô la mỗi tháng. Có thật không? Chồng cô kiếm 700 đô một tháng. Mấy con số này quá cao so với lương công nhân cùng nghề mà tôi đã gặp ở Romania và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi trời sụp tối ở Cam Ranh – trước kia tôi cũng đã đến đây, hồi đó bị bao vây – hai ông trung niên vào buồng và lên giường trên. Họ là công nhân; cả hai mang theo mũ lao động. Họ nằm trên giường họ tới khi trưởng toa mặc đồng phục xanh mang thức ăn tối đến: mỗi người chúng tôi nhận một khay nhựa, một hộp cơm, và một hộp dưa muối.
Một trong hai ông hỏi: “Ông nhậu không?” Ông đưa tôi chai rượu chuối nâu nâu, màu trà nhạt. Tôi ngửi và vì lịch sự nhấp một hớp nhỏ có vị như thuốc khử trùng.
Nha Trang, trong ký ức tôi cũng bị bao vây chẳng kém, là điểm dừng kế tiếp.
Phương nói: “Đây là thành phố du lịch.”
Ở đây mưa to, bão cuồn cuộn trên đầu, mưa đập lên vách các căn chòi gần đó. Phương chạy trong mưa rồi vội vàng trở lại buồng với hai trái bắp luộc mập mạp, một trái cô giữ thẳng đứng trên đùi trong bàn tay trắng trẻo. Cô mỉm cười lột vỏ nó cho tôi bằng những ngón tay thon.
“Cô gọi món này là gì?”
Cô nói: “Popcorn.”
Tôi tiếp tục đọc Nỗi buồn chiến tranh, rồi chợp ngủ, thức giấc khi xe lửa đến Qui Nhơn khoảng nửa đêm. Phương bắt tay tôi rồi xuống xe. Một ông to lớn khò khè vào buồng và lập tức chiếm giường cô. Ông ngồi uống bia và đăm đăm nhìn tôi với đôi mắt đục. Tôi lo mất hành lý, vì vậy tôi nhét nó dưới gối và ngủ đến tảng sáng.
Biển động, khuấy lên vì bão, cách đường ray ven bờ chỉ hơn mười mét. Tàn dư cơn bão làm bờ biển ướt sũng. Tôi thức giấc ở Đà Nẵng, trước kia tôi cũng đã đến đây, một thành phố bị bao vây, ở đây một nhân viên hoả xa gan lì đã đưa tôi lên một đầu máy đi ngược lại để chứng minh một việc. Ông ta mỉm cười và có vẻ hơi rồ nói rằng trên đường ray có thể có mìn, nhưng dù vậy “Việt Cộng cũng không thể chặn chúng tôi lại”. Hồi đó tôi thấy như thế rất đáng sợ, nỗi sợ không thể xoá nhoà trong tâm trí tôi. Bây giờ trái lại, gần như thiu thiu ngủ, chúng tôi lăn bánh qua rừng dừa, qua những khu nghỉ mát ven biển thay cho các ụ súng trên từng khúc bờ biển đứt đoạn.
Cây chuối nhỏ nước lỏng tỏng, đụn cát xám ướt đẫm, xuồng ba lá mảnh mai kéo lên quá mực thủy triều, các ô cửa sổ của toa xe nhoà nước mưa. Ông uống bia đã biến mất ở Đà Nẵng. Trưởng toa mang đến cho ba người còn lại chúng tôi mấy tô mì. Tôi bóc quýt mua ở Ga Sài Gòn và mời hai ông kia – họ là thợ xây dựng – lúc này đang ngồi đối diện tôi.
Họ nói được sơ tiếng Anh, nhưng lúc đầu chúng tôi không nói gì nhiều. Oanh, người nhỏ hơn, rắn chắc hơn trong hai người, ăn xong mì và uống rượu chuối bằng cái nắp. Thanh, bạn anh ta, khi ấy làm tôi ngạc nhiên và hơi cảnh giác khi anh quỳ xuống khoá cửa buồng.
Tôi hỏi: “Tại sao anh khoá lại?”
Thanh mỉm cười, đưa một ngón tay lên má theo kiểu tôi-biết-tôi-làm-gì, rồi rút cái gói nhựa trong túi quần ra. Anh ngồi xuống mở gói, tôi thoáng ngửi thấy mùi cần sa sền sệt đậm đà.
Thanh quấn một mẩu giấy báo thành cái ống nhỏ dài khoảng gang tay. Anh nhét đầy cần sa vào ống thành điếu cần sa quen thuộc, rồi châm lửa, rít một hơi, nuốt vào, khò khè trong phổi, mắt lé lại. Rồi Oanh hút một hơi, rít một cách khoái trá. Rồi tới lượt tôi – một đứa ba hoa chích choè rực rỡ lúc bảy giờ sáng.
Khi chúng tôi làm xong nghi lễ đầu ngày này, Thanh đổ chứng cớ ra ngoài cửa sổ và mở khóa cửa.
Tôi hỏi, giọng líu nhíu: “Thứ gì vậy?”
Anh ta nói: “Phiến.”
Họ lặng lẽ mỉm cười, ngồi đê mê trong khi xe lửa chạy dọc theo bờ biển qua các ruộng lúa mưa dầm và cánh đồng lụt lội. Một số nhà cũng bị ngập, hàng hiên chìm dưới nước, nước tràn đầy tầng dưới. Đường ven biển là xa lộ tráng nhựa kỹ có thành chắn và thoát nước tốt, kiên cố và tốt hơn Xa lộ Kamehameha dọc bờ biển ở Oahu chẳng hạn. Đường vắng, trừ vài chiếc ô tô và vài người đi gắn máy đội mũ nhựa lượn theo. Một tấm bảng lớn vui nhộn quảng cáo một loại gạo dựng lên ở đầu cầu xe lửa và cống nước, chỗ trước kia tôi thấy phải là nơi đặt ụ súng.
Tin tức lúc đó nói về Chiến tranh Iraq, vì thế (dù tôi thấy là tin đáng buồn) thật phấn khởi khi thấy sự hài hoà và thanh bình này: cuộc sống sau chiến tranh, không oán hờn, không trách móc, chôn vùi quá khứ, người ta nhìn về tương lai.
Để bỏ bớt sách trong hành lý, tôi chép lại những câu trích trong cuốn tiểu sử Pol Pot vào sổ tay. Nhận ra mặt Pol Pot trên trang bìa, Oanh vỗ lên bìa sách.
Tôi nói: “Pol Pot.”
Anh thốt: “Ác lắm.”
Anh nói vài câu tiếng Việt với Thanh. Thanh nói: “Chúng tôi chiến đấu,” và anh vỗ lên mặt Pol Pot. Anh lấy bút của tôi, viết 1976 và 1978 vào cuốn sổ của tôi, rồi đưa hai ngón tay, nghĩa là hai năm ở Cam Bốt. Anh chỉ Oanh, “Cả nó nữa.”
Vẫn còn vẻ nhăn nhở vì ma túy, Thanh nói với điệu bộ và giọng trệu trạo rằng anh và Oanh đã chiến đấu trong đợt tấn công đầu tiên của Việt Nam để lật đổ Pol Pot và chính quyền Khmer Đỏ. Đây là cuộc chiến tranh gọi là ủy nhiệm của nội các Carter, khi chúng ta đứng ngoài chỉ trích kịch liệt, khuyến khích Trung quốc và hy vọng Việt Nam sẽ suy yếu.
Tôi nói: “Anh cũng chiến đấu ở đây chứ? Là Việt Cộng?”
“Ồ, có chứ. Sáu mươi chín trở đi. Cả nó nữa.”
Cách chấp nhận nghịch cảnh và kiên cường của họ giống với nhiều nhân vật trong tiểu thuyết của Bảo Ninh. Họ nói họ đã vận chuyển lương thực và tiếp liệu xuống Đường mòn Hồ Chí Minh. Cả hai bị máy bay Mỹ dội bom ở một nơi gọi là Dốc Mèo[1]. Họ đã tham chiến hai mươi năm, trước tiên là đánh Mỹ, rồi tới Cam Bốt. Giờ đây họ là công nhân xây dựng ở Hà Nội, xây các cao ốc mới.
Oanh hỏi: “Ông nước nào?”
“Mỹ.”
Câu trả lời làm anh hơi ngạc nhiên và mỉm cười. Anh bắt tay tôi. Chúng tôi bắt tay nhau. Giống như anh Phạm hôm qua, cuộc gặp gỡ này chỉ có tình thân – không giảng đạo đức, không nhăn mặt, không trách mắng. Gần như mọi người Việt tôi gặp đều như vậy – không nhìn về quá khứ rồi lẩm bẩm lời mắng mỏ hận thù “Không bao giờ quên!” mà với tâm hồn thương cảm, xoay sở sống, hy vọng và nhân bản.
Trong Nỗi buồn chiến tranh, nhân vật chính tên Kiên nghe vài anh lính ở Hà Nội kể về chiến thắng ở Cam Bốt. “But he knew it wasn’t true that young Vietnamese loved war. Not true at all. If war came they would fight, and fight courageously. But that didn’t mean they loved fighting. No. The ones who loved war were not the young men, but the others, like the politicians.”[2]
Xe lửa vào Huế. Lần trước tôi ở đây, Huế đầy lính Mỹ giận dữ và sợ hãi, và như địa ngục. Địa ngục chiến tranh – bùn lầy, đổ nát, lửa cháy, và cả thành phố hôi hám tàn tạ – không phải là ẩn dụ vô nghĩa mà là địa ngục thật.
*
Tôi nhớ Huế như một thị trấn bị chiến tranh phá tan tành và hầu như trống vắng, phố xá lầy lội, nhà cửa khép kín, khách sạn Morin Frères, đèn đóm lờ mờ, các đội tuần tiễu của quân lực Việt Nam Cộng hoà chạy xe jeep vội qua các con đường ổ gà, và bọn dắt mối hứa hẹn đê mê trong cuộc chơi ma túy và gái điếm trên chiếc ghe nhỏ thắp đèn lồng trên sông Hương. Gái điếm và lính là tất cả những gì còn lại của một thành phố tan hoang bị tàn phá trong trận tấn công Tết 1968, khi Việt Cộng chiếm giữ và treo cờ của họ trên Thành nội Huế trong 24 ngày. Và lá cờ lại bay trên đó, nhưng là trên một Thành nội và cung điện được xây dựng lại, hồi đó chỉ là nói phóng đại, bây giờ là hiện thực.
Tôi lại ở trong Morin, khách sạn bên sông, nhưng nó được tái sinh. Thành phố đã phục hồi và mở rộng: trước kia Pháp xây toà hành chính và nhà thờ và trường học, còn bên kia sông mang phong cách Trung Hoa, phố buôn bán nhỏ, nhà trệt có sân vườn xây tường bao quanh, các ngõ hẹp, quán rượu và tiệm ăn nhỏ. Nghề xích lô hồi sinh, những chiếc xích lô và cả câu nói liến thoắng: “Massage, sir? You want girl? Nice girl! I take you!”
Điều hấp dẫn tôi nhất về Huế không phải là nó liên hệ với hoàng triều hay vẻ kiêu kỳ Đông Dương hay bất cứ đền đài nào, mà chỉ là những gian bếp thông thống của nó. Vì nóng, mà cũng vì là thành phố lặng lẽ, tôi có thể thấy người ta, thường là phụ nữ, nấu bữa ăn tối, bún trong cái nồi lớn, hay nướng thịt, bánh trong chảo, và gia đình ngồi ăn trên mấy cái ghế thấp bằng gỗ. Không gì thanh bình bằng cảnh người ta từ tốn ăn và có nhiều thức ăn: một phần cuộc sống gia đình diễn ra lộ thiên, các bà cụ và trẻ con ngồi ở ngưỡng cửa, nhìn mưa rơi.
Bếp nhà không khác với hàng quán. Nhà hàng mở toang để vừa là nhà vừa là hàng: phụ nữ nhúng bún trong nồi súp với rau, vừa trò chuyện với bạn, vừa trông nom con cái, và phục vụ khách hàng, tất cả cùng một lúc.
Nhớ lại sự bồn chồn tôi có ở đây trong thời chiến, hồi đó tôi không bao giờ thả bộ đi đâu – tôi được chở đi thật nhanh tới nơi đến – tôi tản bộ qua sông tới bờ phía bắc và chợ Đông Ba để ngắm đống trái cây và rau, đống nồi chảo, sạp nước trà, những lát cá trê và lươn và cá ngừ, tiệm tạp hoá bán gia vị, quầy thuốc nam, tủ rượu rắn (mỗi chai ngâm một con rắn hổ mang cuộn tròn), những đống quần áo. Bên ngoài, sau lưng chợ là sông, một cô gái thướt tha đội nón lá đang chèo chiếc tam bản, đứng phía sau điều khiển mái chèo như lái chiếc ghe đáy bằng. Trên bờ đê, một bà giặt quần áo bên sông, vài ông vác hàng lên sà lan, các gia đình đang lên mấy chiếc tàu lớn đi dọc sông dài để về làng. Tàu bè di chuyển trên sông như những con bọ nước, qua nhà máy bia cũ kỹ, các đền đài tàn tạ, rặng tre hai bên bờ, các nhà thuyền thả neo từng cụm thành ngôi làng nổi.
Tất cả thể hiện sức sống, sự phong phú, và màu sắc Á châu cổ xưa. Nhưng cùng với rượu rắn và gạc nai nghiền thành bột làm thuốc kích dục và các thỏi trà thơm ngát là một Á châu mới với sao chép lậu tài tình: giày Nikes nhái, đồng hồ giả Tag Heuer 15 đô la, áo polo Lacoste, bật lửa Zippo, và hàng núi CD lậu. Và có lẽ là một Á châu mới theo cách nhà buôn Việt Nam liên tục quấy rầy kẻ qua đường, thường quát “Mại dô!” với tôi, giống như phu xích lô réo “Mát-xa!” – dai dẳng tới mức khó chịu. Nhưng ai có thể trách họ được?
Một ông già bán rong nói: “Tôi làm cho Mỹ.” Và một ông xích lô già bảo tôi: “Tôi đi lính với người Mỹ.” Ở Huế tôi thường nghe nói như thế.
Trong một ngõ hẻm, tôi dừng lại nghỉ trong một quán mở toang, ngồi trên chiếc ghế đẩu tránh mưa. Một bà bưng ra tô súp cá và đĩa trứng cút luộc chín. Tôi uống trà, và ngay sau khi đứa con gái vị thành niên của bà đi học về, nó dịch câu hỏi của bà: Ông có vợ không? Ông có con không? Ông thích súp cá không (cô con gái nói là bánh canh cá lóc)? Và ông người nước nào?
À, phải, người Mỹ! Hân hạnh đón ông! Mời ông dùng thêm súp cá!
Một điều làm tôi chú ý hơn bất cứ điều gì ở Huế. Tạm gác qua ký ức của tôi về vẻ thiếu sinh khí và nỗi kinh hoàng, sự kỳ quái của chiến tranh: hoảng loạn phút trước và buồn chán phút sau, bộ máy quan liêu và thủ tục cồng kềnh, tình trạng hồi hộp cũng là một phần của nỗi kinh hoàng. Sự khác biệt lớn tới nỗi gần như xoá nhoà ký ức.
Từ lúc vào Việt Nam tôi đã ý thức điều này, dù không chủ tâm hay không ghi lại trong sổ. Đó là y phục của dân chúng – màu trắng của y phục trắng, cổ áo cứng, áo dài trang nhã, nhiều ông mặc sơ mi hay áo vét, quần áo trẻ con xinh xắn gọn gàng, và không phải vì nó mới mà vì nó sạch, người ta ăn mặc bảnh bao và lịch sự, nói năng tự tin và tự trọng; ngay cả tại các khu lầy lội nhất ở Huế, áo quần cũng được giặt sạch.
Tất cả đều mới đối với tôi, Huế thời bình không giống chút nào với Huế thời chiến. Ổ súng và công sự của Việt Cộng trên tường thành cổ trông như công trình vô ích cũ kỹ hơn là tàn tích của trận đánh. Ngoại trừ Thành nội, Huế không chỉ xây dựng lại hay phục hồi, mà đúng ra là tái sinh, như nhiều nơi khác ở Việt Nam, cả thành phố trỗi lên từ tro bụi chiến tranh.
Tôi khen món súp cá với một ông ở Huế, ông nói: “Ông nên thử súp lươn.”
Đi tìm súp lươn, tôi gặp ông Sơn, tiệm của ông ở góc đông nam thành phố, cũng là gian bếp mở của gia đình, vì nó chỉ có hai bàn và vài cái ghế đẩu. Tấm bảng viết tay ghi Cháo Lươn. Ông chẳng có người khách nào. Ông cũng bán bia, rượu, thịt hộp, và bún khô; vợ ông giặt ủi. Ông có súp cá chứ không có súp lươn.
Ông Sơn nói: “Buôn bán ế ẩm. Nếu đông khách thì tôi sẽ tìm thêm bàn.”
“Ông nói tiếng Anh khá.”
“Tôi làm việc cho quân đội Mỹ mà.”
“Năm nào?”
“Mấy năm tệ hại. Sáu tám tới khi họ rút. Tôi nấu ăn ở Camp Eagle. Sư đoàn Một Nhảy dù.” Ông giải thích căn cứ này cách Huế khoảng mười dặm – lính Mỹ đóng ngoài thành phố.
Khi tôi ăn xong, ông nói nếu ngày mai tôi quay lại thì ông sẽ nấu súp lươn cho tôi. Nấu theo cách bà nội của ông.
Tối hôm sau ông Sơn đợi tôi. Tôi trông ngóng đến lúc gặp ông, vì ông cùng tuổi với tôi và ông nói tiếng Anh, và ông đã ở Huế hồi tôi đến đây lần trước, trong thời điểm ám ảnh và căng thẳng ấy, từ lúc Mỹ rút năm 1972 tới khi Sài Gòn sụp đổ ba năm sau.
Một lần nữa tôi là khách hàng duy nhất. Tôi uống bia, ông Sơn ngồi tiếp món súp lươn và giảng giải cách nấu của bà nội ông. Bà làm bếp trong hoàng cung từ năm 1917, hồi hoàng đế triều Nguyễn còn trị vì.
Súp lươn của Mệ Sơn: cho thật nhiều xương heo và nước vào một cái nồi lớn, đun lửa nhỏ với rau trong năm tiếng. Gạn nước dùng ra. Xào hành và tỏi trong cái nồi lớn khác. Thêm nấm, ớt, gia vị (hồi và đậu khấu), đậu xanh và đậu trắng, và lươn chặt thành khúc. Cho nước dùng vào. Nấu đến khi sôi rồi để lửa nhỏ khoảng một tiếng.
Tôi ăn súp, và chúng tôi nói chuyện chiến tranh. Ông nói lạ là chẳng mấy ai nhắc đến chiến tranh nữa. Đa số quá trẻ để nhớ, hay đã sinh ra trong thời đại khá hơn. Ông nói thời chiến là thời khốn khổ, nhưng hồi đó ông đã học làm đầu bếp và thích công việc của mình.
Ông nói: “Tôi thích người Mỹ. Họ tốt với tôi.”
Với số lương khoảng 30 đô la một tháng – 300 đô la đỏ; Quân đội Mỹ ở Việt Nam in tiền riêng để dùng[3] – ông vào nghề ở vai thấp nhất trong bếp.
“Đầu tiên, vì tôi biết viết tiếng Anh, tôi làm bản kê khai. ‘Beans’, ‘bread’, ‘meat’, ‘flour’. Rồi tôi nấu mấy món dễ. Mì Ý dễ nấu. Hamburgers cũng dễ. Bọn họ ăn.”
Ông uống trà trong lúc tôi ăn món súp lươn đậm đà và đặc vì đậu và lươn chặt khúc.
Ông nói: “Nhiều người trong bọn họ chết. Nhiều bạn của tôi cũng chết.”
Tôi hỏi: “Ông nghĩ sao?”
Ông nhăn mặt: “Kinh hoàng. Huế không còn cái gì. Không còn gì! Toàn là bất trắc. Không còn ai. Đánh nhau đây đó, và bom.”
“Lúc tôi đến đây thì lính Mỹ đã rút.”
“Họ cứ rút thôi.” Ông mỉm cười, không phải giễu cợt mà vì kinh hoàng. “Hồi đó năm 72. Tôi hết việc. Tôi chẳng biết làm gì. Tất cả chúng tôi chờ, rồi nó tới – Việt Cộng.”
“Hồi đó ông ở đâu?”
“Ở đây, nhưng tôi không ở tại chỗ. Tôi chạy. Tôi có chiếc gắn máy, tôi trốn về vùng quê. Nhà tôi ở đây tiêu tùng. Không có giấy tờ gì. Không ai biết tôi làm gì. Lúc tôi trở về Huế, bộ đội tìm thấy tôi.”
“Ông sợ không?”
“Sợ. Tôi bảo họ, ‘Tôi yêu hoà bình!’ Sự thật là vậy.”
“Không bị tù?”
“Không tù.” Ông đứng lên mở một chai bia khác cho tôi. Rồi ông lại ngồi xuống ghế nói: “Mấy năm sau bết lắm. Từ 75 tới 78 chúng tôi không thực phẩm, không tiền, không áo quần, cái gì cũng không. Gần như tệ hơn chiến tranh.”
Đó là những năm Mỹ cấm vận – kéo dài tới 1994 – đầu óc nhỏ mọn vì thất trận, chúng ta hy vọng làm cho người Việt hối hận là đã thắng trận, và trừng phạt họ bằng cách ngăn chặn viện trợ và thực phẩm. Và chúng ta đã đứng ngoài khi Trung quốc xâm lăng phía bắc và trở thành đoàn quân chiếm đóng. Đó là những năm bang giao hữu hảo đầu tiên của Mỹ với Trung quốc, mối đe dọa ngàn đời và kẻ cựu thù của Việt Nam.
Trong lúc chúng tôi nói chuyện, người cha già của ông Sơn từ ngoài đường bước vào. Ông nhỏ nhắn và thanh tú, gương mặt ân cần, bộ râu thưa, bàn tay xương xẩu. Ông gầy nhưng có vẻ khoẻ mạnh.
Ông Sơn nói về cha ông: “Không hút thuốc, không uống rượu.”
Ông cụ ngoài tám mươi, sống suốt đời ở Huế, đã thấy nhiều – thấy ít nhất một ông vua triều Nguyễn ở cung đình, thực dân Pháp, người Nhật, và đủ thứ chiến trận, trong đó vụ tàn sát và chặt đầu hồi Tết năm 1968 chỉ là một trong nhiều biến động.
Tôi nói: “Ông cụ giống Uncle Hồ.”
Ông Sơn nói: “Hồ là người tốt. Ông ta lớn lên gần vùng này. Ngay cả lúc đã là nhân vật quan trọng ông ấy vẫn mặc quần áo giản dị, chứ không sang.” Ông cười, suy nghĩ. “Giống như ông với tôi!”
Ông cụ mỉm cười. Tôi nhận xét là ông cụ cười.
Ông Sơn nói: “Cha tôi làm việc cho người Mỹ. Họ thích ổng. Sự việc khá hơn. Bây giờ tốt rồi. Chúng tôi vui.”
[1] Thuộc huyện A Lưới, Thừa Thiên. Nguyên văn: “a place called Con Meo (Cat Slope).”
[2] Trích cho hết ý đoạn nói trên, theo bản dịch The Sorrow of War của Phan Thanh Hảo, biên tập Frank Palmos (Riverhead Books, New York, 1996), trang 75: “… politicians, middle-aged men with fat bellies and short legs. Not the ordinary people. The recent years of war had brought enough suffering and pain to last them a thousand years.”
Bản in Nỗi buồn chiến tranh của nxb Văn Hiến (Hoa Kỳ, 1996), trang 83: “Đã đành là đánh nhau thì phải đánh nhau thôi một khi không còn cách nào khác, nhưng dù sao thì … Trai đất Việt thực ra không ham chiến trận lắm đâu như người ta hay đồn, hăng chiến phải nói là mấy ông trí thức tuổi sồn sồn bụng to chân ngắn. Còn với dân chúng, cơn binh lửa vừa rồi đã đủ đau thấu tới ngàn năm.”
Bản tiếng Việt không có “politicians”, bản tiếng Anh không có “mấy ông trí thức”.
[3] “$300 in military scrip; the U.S. Army in Vietnam had printed its own money”. “Đô la đỏ”, dù in nhiều màu, là cách người miền Nam thời ấy gọi thứ tiền này, để phân biệt với “đô la xanh” do Federal Reserve Banks phát hành.
(Nguồn : damau.org)
Bài liên quan :
Paul Theroux : chuyến xe lửa Sài Gòn > Biên Hòa (1973)
Paul Theroux : chuyến xe lửa chở khách tuyến đường Huế > Đà Nẵng (1973)
Thảo luận
Không có bình luận