//
you're reading...
Diễn Đàn, góp nhặt cát đá, về Lịch Sử

Con gái vua Càn Long, vua Quang Trung muốn cầu hôn cô nào ?

Văn Lang Tôn Thất Phương

1.

Sách “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” chép:

Vua Quang Trung quyết đánh Trung Quốc, bèn sai bầy tôi là Chiêu Viễn Vũ Văn Dũng sang nhà Thanh dâng biểu cầu hôn”.

Sách ‘Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện’ ghi:

Năm Nhâm Tý (1792), Quang Trung sai làm biểu văn sang nhà Thanh cầu hôn để dò ý vua Thanh và cũng để mượn cớ gây mối binh đao, nhưng vua bị bệnh không đi được”. 

Chúng tôi [ký giả] tìm về  được tận quê hương của Ngô Thì Nhậm, và quê hương của Phan Huy Ích. Cuối cùng, cuộc hành trình tìm kiếm tư liệu đã gợi mở ra được nhiều góc khuất lịch sử.    

Tờ “Biểu Cầu Hôn”, do đích thân Ngô Thì Nhậm chấp bút (được chép trong tập “Bang Giao Hảo Thoại” do chính Ngô Thì Nhậm biên soạn) có đoạn viết:  

“Ngước thấy: Từ trước đến nay, chế độ nhà trời, công chúa gả xuống, tất phải lấy người tôn quý mới chọn đẹp duyên, không có lệ rộng ra đến các bề tôi ở ngoài…”

Nay dám không tự lượng, mạo muội giải bày lòng thành. Kính cẩn sai kẻ bội thần sang chầu hầu. Sau khi tâu bày rồi, sẽ vì thần [mà] giải bày lòng thực”.    

Việc này còn được biểu thị một cách rõ ràng trong sắc chỉ của vua Quang Trung (ngày 15 tháng 4 năm 1792) sai Vũ Văn Dũng:

Gia phong chức chánh sứ, đi sứ nước Thanh, được toàn quyền trong việc đối đáp… Vừa thăm dò ý  [vua Càn Long],  và cầu hôn một vị công chúa để chọc tức!

Phải thận trọng đấy! Hình thế trong việc dụng binh đều ở trong chuyến đi này. Ngày khác làm tiên phong [đi đánh nước Thanh] chính là khanh đấy”. 

Như vậy, thực chất của việc xin cưới công chúa con vua Càn Long chỉ là cái cớ.  

Có hai luồng ý kiến khác nhau [về việc này]:  

Một luồng ý kiến cho rằng, sau khi sứ thần Vũ Văn Dũng xin Càn Long ban đất và cưới công chúa, vua nhà Thanh đã chuẩn y lời cầu hôn của vua Quang Trung, sai bộ Lễ sửa soạn nghi thức cho việc cưới gả, định ngày cho công chúa sang nước Nam. Còn việc xin lại hai tỉnh, Càn Long chỉ muốn trao cho Quảng Tây, coi như “của hồi môn” cho con gái. 

Luồng ý kiến khác lại cho rằng, việc chuẩn bị cho đoàn đi sứ nhà Thanh do đích thân Ngô Thì Nhậm  đứng ra lo liệu. Tuy nhiên, trong khi mọi việc đang được chuẩn bị thì vua Quang Trung mất. Ý định cầu hôn,  hay lấy cớ để đánh Thanh, mãi chỉ là ý định.                           

Nguồn: https://bit.ly/3NNWZ2l 

2. 

Sự thật:  Trong cung vua Càn Long, vào thời điểm năm 1792,  KHÔNG còn có cô công chúa nào độc thân cả! 

DANH SÁCH tất cả CÁC CON GÁI của vua Càn Long: 

(A)   Các công chúa chết từ khi còn nhỏ:  

·        Hoàng trưởng nữ (1728–1729), mẹ là Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, chết yểu.

·        Hoàng nhị nữ (1731), mẹ là Triết Mẫn Hoàng quý phi, chết yểu.

·        Hoàng ngũ nữ (1753–1755), mẹ là Kế hoàng hậu, chết yểu.

·        Hoàng lục nữ (1755–1758), mẹ là Hãn Quý phi, chết yểu.

·        Hoàng bát nữ (1758–1767), mẹ là Hãn Quý phi, mất sớm. 

(B)   Các công chúa đã có chồng, và chết trước năm 1780: 

·        Hòa Thạc Hòa Gia Công Chúa (1745–1767), mẹ là Thuần Huệ Hoàng quý phi, về sau lấy Phúc Long An.

·        Cố Luân Hòa Tĩnh Công Chúa (1756–1775), mẹ là Lệnh Ý Hoàng quý phi, về sau lấy Lạp Vượng Đa Nhĩ Tể, cháu của Siêu Dũng Thân vương Sách Lăng.

·        Hòa Thạc Hòa Khác Công Chúa (1758–1780), mẹ là Lệnh Ý Hoàng quý phi, về sau lấy Trát Lan Thái, con trai của Vũ Nghị Mưu Dũng công Triệu Huệ.

·        Hòa Thạc Hòa Uyển Công Chúa (Con nuôi, 1734–1760), là con gái của Hòa Cung Thân vương Hoằng Trú, em trai vua Càn Long, lấy Đức Lặc Khắc, vương công của Ba Lâm quận vương  Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị. 

(C)   Hai công chúa còn sống & đã có chồng:  

·        Cố Luân Hòa Kính Công Chúa (1731–1792), lấy chồng năm 1747, chết năm 1792 (ngày 15 tháng 8 dương lịch). Ngắn gọn là có chồng con và chết vào thời điểm vua Quang Trung đang có kế hoạch “cầu hôn 1  vị Công Chúa”.  

Tên thật là Nại Nhật Lặc Thổ Hạ Kỳ Dương Quý, mẹ là Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu. Lấy Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ của Khoa Nhĩ Thấm, một Thân Vương của  Khoa Nhĩ Thấm Mông Cổ.

·        Cố Luân Hòa Hiếu Công Chúa (1775–1823), có chồng từ năm 1879 (lên 14 tuổi).

Mẹ là Đôn phi, về sau lấy Phong Thân Ân Đức, con trai của Hòa Thân. Năm 1789, tháng 11, Hòa Hiếu công chúa khi đó 14 tuổi, kết hôn với Phong Thân Ân Đức, 15 tuổi.   

Kết luận: 

Vào năm 1792, các công chúa con vua Càn Long đều đã chết hết, trừ ra hai người:  Công chúa Hòa Kính, đã 61 tuổi, có chồng, và mất vào giữa năm này.  Công chúa Hòa Hiếu thì yên bề gia thất đã được ba năm (từ 11-1879).    

3. 

Có nguồn tin nói chắc:  “Vua Càn Long đã thuận gả con và cắt đất”. 

Tài liệu của “Viện Nghiên Cứu Phát Triển Phương Đông” viết:  

Nhận được sắc văn của vua Quang Trung đề ngày 15 tháng tư năm Nhâm Tí (1792) Vũ Văn Dũng vào Phượng Hoàng Trung Đô (Nghệ An). Nhà vua dặn dò công việc sứ-trình và cần nhất Dũng phải chú-ý xem xét địa-thế ở Trung-Quốc để tiện việc dùng binh sau này.  

Tới Thanh-triều, bệ kiến vua Càn Long xong, Vũ Văn Dũng dâng tấu chương, đại khái nói:

“Thần mạo muội tâu lên …  

Thứ nhất là việc vợ chồng … Việc cầu hôn nghị đã lâu ngày mà chưa định được. Cúi mong thánh-thượng xét thương cho.

Thứ nhì là việc định đất đóng đô, cúi mong thánh thượng xét cho”… 

Hôm sau, Vũ Văn Dũng dâng lên một tấu-chương nữa: 

Cúi mong chín từng soi xét (…)  chuẩn ban cho 2 tỉnh Quảng làm nơi đóng đô và ly-giáng cho thần-quốc-vương một nàng công chúa để xây nền phong hóa cho dân ở nơi biên-thùy … thì thật là cái đại-khánh của thần-quốc-vương vậy”.  

Vua Càn Long thấy tấu-đối hợp tình, hợp lý … bèn ưng chuẩn cho cả 2 việc, song 2 tỉnh Quảng thì chỉ chuẩn cho vua Việt-Nam một tỉnh Quảng-Tây.

Hôm sau, Thanh đế ban yến tại triều đãi sứ Việt Nam,  và sai Lễ Bộ Thượng Thư sửa soạn việc hôn nghị, định ngày đưa công chúa sang Việt-Nam. 

[…]  Một ngày kia, Dũng được lệnh triệu vào chầu. Lễ quan cho Dũng coi biểu cáo-ai của An Nam Quốc Vương. Tức thời, Vũ văn Dũng ngã lăn ra bục điện khóc như mưa …

(Theo “Việt-Hoa Thông-Sứ Sử Lược”) 

Tài liệu trên của “Viện Nghiên Cứu Phát Triển Phương Đông” là lấy theo “Việt-Hoa Thông Sứ Sử Lược”,  trích lại bởi “Tạp Chí Phương Đông”. 

Nguồn: https://bit.ly/3NOMrA5  

4.  

NHẬN ĐỊNH: 

a)      Lên kế hoạch “cầu hôn một công chúa nhà Thanh” khi trong cung vua Càn Long không còn cô công chúa nào độc thân cả, vậy tình báo không nắm được tình hình, hay vua Quang Trung có biết mà vẫn lập kế hoạch?

(Như vậy, vua Càn Long chỉ cần mỉm cười mà nói: Trẫm không còn đứa con gái nào để gả cả!  Chỉ nói vậy là xong, khỏi bàn chuyện cắt đất làm của hồi môn). 

b)      Thời Càn Long, nhà Thanh tuy không hùng mạnh như xưa nhưng so với Việt Nam vẫn là một cường quốc. Quân của Tôn Sĩ Nghị là quân đội địa phương, quân chính quy “Bát Kỳ” của nhà Thanh không tham dự trận chiến 1789. Nếu có kế hoạch đánh họ, có gì bảo đảm sẽ thắng được quân Bát Kỳ? 

c)      Ví dụ nếu đánh thắng mà chiếm được Quảng Đông hay Quảng Tây (hoặc cả hai), việc cai trị mới là vấn đề. Cho là có thể cai trị được yên đi nữa, hòa nhập với đông đảo dân của Lưỡng Quảng thì khả năng bị Hán hóa không phải là nhỏ. 

Hoặc ví dụ vua Quang Trung không mất, vua Thanh còn có con gái và đồng ý gả, sau đó tặng luôn hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây, rồi còn “hảo ý” gửi luôn thật nhiều dân xuống sinh sống ở Lưỡng Quảng trước khi bàn giao; triều đình vua Quang Trung có dám nhận đất Lưỡng Quảng không? 

(Nguồn : erct.com)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: