//
you're reading...
Colnav Nguyen, Nhân vật, Photography

Yousuf Karsh, người chụp cá tính đối tượng qua ảnh chân dung

Colnav Nguyen

Yousuf Karsh. (Copyright of The Estate of Yousuf Karsh)

Yousuf Karsh, nhiếp ảnh gia từng chụp chân dung cho hầu hết những nhân vật quan trọng, những người nổi tiếng trên thế giới thuộc thế kỷ trước. Trong số họ có TT John F. Kennedy, nữ minh tinh Hoa Kỳ Joan Crawford, và vua của thế giới giải trí Walt Disney… Danh sách còn dài.

Tuy nhiên, đằng sau các ống kính ấy, là một con người Yousuf Karsh vẫn còn là một tên tuổi khá vô danh. Mặc dù ông chụp ảnh chân dung cho những người nổi tiếng, kể cả giới trí thức, bản thân Karsh trưởng thành trong những hoàn cảnh khó khăn.

Ra đời ở Armenia thuộc Thổ năm 1908, thời kỳ đất nước trải qua nạn diệt chủng. Ông, lúc tuổi còn nhỏ, cùng gia đình buộc phải rời bỏ quê hương. Từ Syria, ông được người chú ở Quebec, mang qua định cư tại Canada. Ông chú này là một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, đã truyền cho ông thứ nghệ thuật này.

Vào thập niên 1930, ông tự mình cất cánh trong lãnh vực nhiếp ảnh, nhờ mạng lưới nghệ thuật của người vợ đầu gốc Pháp, Solange Gauthier. Cũng nhờ mối thân tình với ông Mackenzie King, thủ tướng Canada hồi bấy giờ, Karsh phát triển hướng chụp sang các biến cố chính trị.

Sự nghiệp của ông bước lên lãnh vực quốc tế vào năm 1941, khi ông được Thủ Tướng Mackenzie King yêu cầu chụp chân dung cho Thủ Tướng Anh Wilson Churchill, nhân dịp ông nầy viếng thăm chính thức Canada, tại Ottawa.

Đó là vào ngày 30 tháng 12, 1941, Thủ Tướng King gần như dàn cảnh với Karsh khi yêu cầu ông chuẩn bị để chụp ảnh Churchill mà không hề báo trước cho thủ tướng Anh.

Nhà bác học Albert Einstein. (manhattanrarebook.com)
Nữ hoàng Anh, Elizabeth II (Artsy.net)

Ông Karsh thuật lại, “Tôi được cố Thủ tướng William Lyon Mackenzie King của Canada mời đến nghe ông Churchill nói chuyện trước,.. ở đó tôi có thể quan sát sự biểu lộ trên khuôn mặt ông ta, và nhận ra khoảnh khắc tối hậu là lúc ông ta mang đến niềm tin tưởng nơi thính giả. Thế là khi vị vĩ nhân này và Thủ Tướng King cùng đến nơi, tôi bật hệ thống đèn lên, và lập tức ông Churchill nói lớn, ‘chuyện quái gì đây’, tôi đáp, ‘Thưa ngài, tôi mong được may mắn thực hiện một bức ảnh quí giá của ngài nhân cơ hội lịch sử này.’ Ông đấm mạnh tay xuống bàn và nói, ‘Vậy chứ sao không ai cho tôi biết trước cả vậy!’… Điều quan trọng là tôi đã đến đây từ đêm hôm trước để chuẩn bị xếp đặt đèn đuốc và máy ảnh các thứ cả rồi…”

Ông Karsh tiếp, “Mãi về sau tôi vẫn nghĩ đó là chiến thắng ngoại giao vĩ đại nhất của tôi.”

Trong cuốn sách do ông viết có tựa “Faces of Our Time,” Karsh thuật lại ông đã sắp xếp như thế nào để thực hiện tấm ảnh mà về sau không ngờ trở thành tấm ảnh biểu tượng.

Thủ tướng Anh Winston Churchill. (The Estate of Yousuf Karsh)

“Tấm chân dung chụp ông Winston Churchill đã làm thay đổi đời tôi. Ngay khi vừa bấm máy xong tôi ý thức được ngay rằng đó là một bức ảnh quan trọng, nhưng tôi chưa hề dám mơ nó có thể trở thành tấm ảnh được sang đi rửa lại đại trà nhất trong lịch sử nhiếp ảnh…

“Ông Churchill không lưu tâm đến chuyện chụp ảnh chân dung và hai phút là tất cả thời gian ông ta dành cho tôi khi ông từ nghị trường của Hạ Viện Anh đi ra ngoài tiền sảnh…

“Thấy điếu xì gà của ông Churchill khi nào cũng kè kè trên môi. Tôi chìa cái gạt tàn ngụ ý mời ông lấy đi nhưng ông vẫn phớt lờ không chịu bỏ xuống. Tôi đi trở lại dàn máy hình kiểm tra lại tất cả, chắc chắn mọi thứ đều ổn … về mặt kỹ thuật. Tôi chờ, trong khi ông Churchill vẫn tiếp tục nhai ngồm ngoàm điếu xì gà. Tôi vẫn chờ rồi đột nhiên tôi đi về phía ông, không tính toán trước nhưng với vẻ thật lễ độ, tôi nói, ‘Xin thứ lỗi cho tôi, thưa ngài,” và nhổ điếu xì gà ra khỏi miệng ông thủ tướng Anh. Khi tôi quay về phía máy hình, ông tỏ vẻ hung hãn, muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Đó là thời khắc mà tôi bấm máy.”

Sau đó, ông Churchill đi đến phía Karsh và nói, “Anh có tài làm cho ngay cả con sư tử gầm rống cũng phải ngồi yên cho mà chụp hình.” Thế là Karsh đặt tên cho tấm ảnh là “The Roaring Lion.”

Sự thành công ấy giúp bộ sưu tập chân dung của Karsh lan rộng đến những nhân vật nổi tiếng, những giới chức quan trọng, bao trùm các lãnh vực chính trị, văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, và nhân văn.

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. (Copyright Estate of Yousuf Karsh/Collection of the Museum of Fine Arts, Boston)
Nữ tài tử Elizabeth Taylor, 1946. (Copyright Estate of Yousuf Karsh/Collection of the Museum of Fine Arts, Boston)

Theo bài viết ở mục “thời sự khởi hành” của Nguyễn Nam, đăng trong tạp chí Khởi Hành 72, phát hành tháng 10.2002, ảnh của Karsh sở dĩ khác thường vì ông là người nhận ra cá tính của người được chụp mà cho ý kiến về cách trang phục hay thậm chí, gây phản ứng bất ngờ để bắt lấy phần chìm hay che giấu của người ấy. Bức ảnh chụp ông Churchill được nhiều người biết đến sau này là một ví dụ. Việc giật điếu xì gà khỏi môi ông Churchill và kết quả là một bức ảnh như một bức mặt nạ đè nén sự giận dữ sôi sùng sục bên dưới.

Trong suốt sự nghiệp, Karsh sản xuất được trên 150.000 âm bản dùng cho loại máy ảnh lớn, khổ phim 8×10.

Mỗi buổi chụp chân dung, ông chụp từ 15 đến 20 tấm trong suốt khoảng thời gian dài trung bình hai giờ. Khi được hỏi về thời gian ông phải tốn để chụp ảnh nhà độc tài Liên Xô Nikita Khrushchev (mà ông cho quấn mấy lần áo lông thú như một anh đang chịu lạnh ở Bắc Cực), ông nói như sau : “Tôi chụp Tổng thống Pháp De Gaulle trong vòng nửa phút, Tổng thống Mỹ Kennedy trong 40 phút, Giáo Hoàng John trong một ngày rưỡi, và cứ mỗi người phải tốn hai ngày rưỡi mới chụp xong là Sibelius, Casals và Schweitzer. Cứ lấy trung bình những con số này là biết ngay tôi cần bao lâu để chụp Khruschev.”

Karsh sử dụng đèn Tungsten hay ánh sáng tự nhiên thay vì đèn flash, nhờ thế ông có thể tiếp tục câu chuyện với chủ thể trong khi chụp họ mà không hề bị gián đoạn.

Cô đào “bốc lửa” Pháp, Brigitte Bardot.
“Vua kinh dị” Alfred Hitchcock, 1960. (Copyright Estate of Yousuf Karsh/Collection of the Museum of Fine Arts, Boston)

Jerry Fielder làm việc cho Karsh trong 13 năm, phụ ông trong hằng trăm buổi chụp, kể lại rằng trước khi gặp đối tượng, ông Karsh thường tìm hiểu về mỗi cá nhân càng nhiều càng tốt. Ông luôn đòi tiếp xúc riêng với nhân vật trước buổi chụp, hoặc cùng ăn tối vào đêm trước, hoặc đôi ba giờ trước của buổi sáng chụp hình. Fielder gọi ông là “raconteur,” tức người có tài nói chuyện. Ông thật “duyên dáng khiến người ta thích trò chuyện.” Nhưng trong khi đối tượng mãi thích thú chuyện trò thì Karsh để mắt quan sát chăm chú trên nét mặt họ. Ông hỏi họ nào là về con cái, về công việc, ông lắng nghe và nhìn sự biểu lộ trên khuôn mặt họ. Sau đó khi họ ngồi trước ống kính, chờ giây phút khi họ biểu lộ cá tính của họ nhất thì ông bắt đầu chụp.

Karsh là người chuyên chụp ảnh chân dung mà những bức này không chỉ bày tỏ cá tính của người được chụp, còn là những bức ảnh bắt được cái cá tính bất tử của họ, cái cá tính đã làm họ nổi tiếng, khiến cho họ ở lại trong trí nhớ của mọi người.

Văn hào Pháp Albert Camus, 1954. (Copyright Estate of Yousuf Karsh/Collection of the Museum of Fine Arts, Boston)
Princess Grace de Monaco, 1956. (Copyright Estate of Yousuf Karsh/Collection of the Museum of Fine Arts, Boston)
Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: