Bài đọc suy gẫm: Vỗ Tay Hai Lần tức bài viết về “Khóa bồi dưỡng chính trị”, cái tên văn vẻ nhưng thực ra là học tập cải tạo tại chỗ cho các văn nghệ sĩ của Miền Nam Việt Nam trong năm 1976. Với trí nhớ rõ ràng, chi tiết, nhà văn Hoàng Hải Thủy, hay a.k.a Công Tử Hà Đông tường thuật lại, đượm nhiều chua cay, khôi hài. Blog 16 hân hạnh trích ra Chương Bảy, trong truyện dài hồi ký “Sống và Chết ở Sài Gòn”, sách này với rất nhiều câu chuyện liên quan đến các văn nghệ sĩ ở bối cảnh sau 1975. Các bạn có dịp nên tìm đọc vì nó cũng là câu chuyện đầy đau thương của lịch sử. Hình ảnh chỉ là minh họa.
Ngày xửa, ngày xưa…
Những năm 1940… trong thị xã Hà Đông nhỏ bé, hiền hòa, chú thiếu niên hai mươi mùa mít chín sau đó tự nhận là Công Tử Hà Đông được đọc lại hai câu thơ:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
Hai câu không nhớ của thi sĩ nào làm. Sau tìm và biết là của Xuân Diệu. Chú thấy ý thơ hay hay. Hai câu ấy ở mãi trong trí nhớ của chú.
Bốn mươi mùa sầu riêng trổ bông sau đó, một người tù cải tạo ở trại Lao động Xã hội chủ nghĩa Z30A Xuân Lộc Đồng Nai được con lên thăm, đem cho quyển Anthology of English Poems do Đại học Oxford ấn hành. Tuyển tập thơ Anh dầy hai ngàn trang, hơn một ngàn bài thơ của Shakespeare, Shelly, John Donne, Robert Browing, Mary Elizabeth Coleridge. Trong tập thơ, người tù yêu thơ tìm thấy bài thơ The Call:
Sound, sound the clarion, fill the file!
Throughout the sensual world proclaim:
One crowded hour of glorious life
Is worth an age without a name.
(Thomas Osbert Mordaunt)
Đêm buồn nằm thao thức trong tù nghe tiếng gió vi vu thổi đến từ núi Chứa Chan, người tù cảm khái bèn mần thơ dịch:
Tiếng gọi
Kèn vang lên, trống nổi lên
Lặng yên nghe – Tiếng loa truyền
Sống một giờ quang vinh rực rỡ
Hơn tầm thường trọn kiếp không tên!
Như vậy là phải chăng năm sáu mươi mùa ổi chín trước đây, Xuân Diệu đã đọc bài tứ tuyệt The Call của T.O Mordaunt và lấy ý ra làm hai câu
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm!
Hai câu thơ làm người tù đi một đường cảm khái, nhớ lại cả một thời thơ ấu “ngày xưa còn bé”.
Vèo trông lá rụng đầy sân,
Công danh phù thế có ngần ấy thôi. (Tản Đà)
Thấp thoáng đấy mà đã năm mươi mùa tu hú kêu trong những vườn vải đỏ. Còn nhớ như in những ngày Tháng Tám năm 1945 chú thiếu niên Hà Đông náo nức đi biểu tình giành độc lập, những ngày đi kháng chiến thật đẹp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, gót chân liên lạc viên đi dưới núi Thiên Thai, qua cửa chùa Tiêu Sơn, Rừng Khế, nơi có lăng tẩm của các vị vua triều Lý ở trước làng Đình Bảng, từng sống trong thành Cổ Loa có giếng nước tục truyền được dùng để rửa ngọc trai thật tốt, từng sống trong làng Phù Đổng ven đê sông Đuống, quê hương của Thánh Gióng, những đêm mùa đông nước cạn, buộc quần áo lên đầu, ôm cây chuối bơi qua sông Đuống… Những năm xưa ấy, người tù Z30A “yêu mê” Việt Minh đến là chừng nào. Vật đổi sao dời, khi nón cối, dép râu, súng AK, cờ đỏ ngơ ngáo vào Sài Gòn, chú thiếu niên năm xưa nay cùng không biết bao nhiêu người khác bị Bác và Đảng cho đi tù mút mùa Lệ Thủy.
Đã cảm khái, người tù Z30A còn xúc động hơn khi đọc bài thơ Respice Finem của Francis Quarles. Đây là nguyên bản:
My soul, sit thou a patient looker-on
Judge not the play before the play is done
Her plot hath many changes , every day
Speaks a new scence, the last act crowns the play!
Đêm cuối năm lạnh lẽo trong tù anh nằm dịch bài thơ ra tiếng nước anh.
Vở tuồng đời
Ôi hồn ta, ngồi yên mà coi
Vở tuồng đời
Đừng phê phán trước khi tuồng hết
Còn bao nhiêu màn khóc, màn cười
Tuồng đang diễn, làm sao ta biết
Mỗi ngày qua là một đổi đời
Chờ đến lúc coi xong màn kết
Mới biết tuồng hay dở mà thôi.
(Trại cải tạo Z30A, Tháng 10-1989)
Nội quy nhà tù Xã hội chủ nghĩa áp dụng ở miền Nam có điều bắt buộc người tù phải gọi cai tù bằng cái tên chung là “cán bộ”, không có ông, anh, nhất là không có “đồng chí”, “đồng rận” gì ráo trọi. Ngược lại cai tù cộng sản gọi tất cả những người dân bị họ bỏ tù là anh, chị, dù cho anh, chị có bẩy bó, tám bó bằng tuổi ông bà nội ngoại họ.
Vài anh tù lỡ lời gọi cai tù là “đồng chí”, liền bị các “đồng chí” cự:
– Anh nói gì? Ai “đồng chí” mí anh? Bậy bạ…
Nhưng Hà Huy Giáp, một trong số cán bộ lãnh đạo văn nghệ Đảng những năm 1975-85 lại ưu ái gọi một số văn nghệ sĩ Sài Gòn lơ láo đi dự cái gọi là “Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị” năm 1976 ở Nhà Hát thành phố HCM là “đồng chí”. Số là Việt Cộng vào được Sài Gòn từ Ba Mươi tháng Tư năm 1975, nhưng mãi một niên sau – tháng 5 năm 1976 – họ mới nhân dịp cho cái gọi là Chánh phủ và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đi chỗ khác chơi không xơi nước, phát động chiến dịch hỏi thăm sức khỏe văn nghệ sĩ Sài Gòn VNCH. Nhiều văn nghệ sĩ, ký giả VNCH lớn nhỏ được xe bông công an thành phố HCM đến tận nhà rước đi liền tù tì trong mấy ngày đêm đầu tháng Ba năm 1976.
Xin kể tên những người bị bắt theo trí nhớ của tôi: Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Sĩ Tế, Lý Đại Nguyên, Trần Việt Sơn, Nguyễn Hải Chí tức họa sĩ Chóe, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Duyên Anh, Đằng Giao, Trịnh Viết Thành, Dương Nghiễm Mậu, Mặc Thu, Thái Thủy, Hồ Nam, Cao Sơn, Minh Vồ (chủ nhiệm Con Ong), Hoàng Vĩnh Lộc, Hồng Dương, Minh Đăng Khánh, Thân Trọng Kỳ, Lê Xuyên (Chú Tư Cầu), Anh Quân, Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Hồ Văn Đồng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Hữu Hiệu, Sao Biển, Hoàng Anh Tuấn (đạo diễn “Hai chuyến xe bông”) v.v… Nhiều không nhớ xiết.
Các anh Nguyễn Tú, Như Phong Lê Văn Tiến, Uyên Thao, Văn Chi đã bị bắt từ trước. Tú Kếu Trần Đức Uyển bị bắt vì tội tham gia tổ chức chống Cộng ở Đà Lạt ngay cuối năm 1975, ra tòa, lãnh án tù 18 năm. Mai Thảo may mắn trốn thoát cuộc bắt bớ, ở ẩn đến hơn hai năm cho đến đêm xuống tàu vượt biển. Tử Vi ông này không có Sao Quả Tạ nên ổng không bị ở tù.
Chiến dịch bắt bớ rầm rộ mấy ngày đêm đầu tháng, lai rai kéo dài mãi đến cuối tháng Ba năm 1976 mới chấm dứt. Không phải tất cả văn nghệ sĩ Sài Gòn đều bị bắt hết. Những người chưa bị bắt mặt mũi xanh xám không biết xe bông công an đến rước mình lúc nào. Tháng Năm năm 1976, cái gọi là Hội Văn Nghệ Giải Phóng TPHCM tổ chức cái gọi là “Khóa Bồi dưỡng Chính trị” cho văn nghệ sĩ Sài Gòn “kẹt giỏ” hàng dân lơ láo ở Thành Hồ. Khóa Bồi Dưỡng Một có những văn nghệ sĩ thượng thặng của giới văn nghệ Sài Gòn đi dự: Thái Thanh, Hoài Bắc, Thẩm Thúy Hằng, Lê Trọng Nguyễn (Nắng Chiều), Lệ Hằng (Bản Tango Cuối Cùng), Nguyễn Thụy Long (Loan Mắt Nhung), Phạm Thiên Thư (Động Hoa Vàng) v.v…
Khóa Bồi Dưỡng Một không được tổ chức linh đình, không nhiều người tham dự bằng Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai, Tháng Bẩy năm 1976. Khóa Hai có trên năm trăm khóa viên hăng hái và rầu rĩ đăng ký tham gia. Giới nghệ sĩ cải lương đông người nhất. Tất cả những anh em kéo màn, chạy đề-co – tức bầy dọn ngai vàng, bàn thờ Phật, bàn ghế, giường tủ trên sân khấu – những người bà con xa gần với bà Bầu, cô Đào v.v… đều là nghệ sĩ và đều tự thấy có quyền được dự khóa bồi dưỡng chính trị cho văn nghệ sĩ. Trong số 500 khóa viên có trên 300 mạng là nghệ sĩ cải lương, số 200 ngoe còn lại chia đều cho các tổ Thơ Văn, Điện ảnh, Tân nhạc, Cổ nhạc…
Cái gọi là tổ Thơ Văn – tức tổ chấy của các anh ký giả, văn nghệ sĩ viết tiểu thuyết kiểu “phơi-ơ-tông” – là tổ “được” Cán Cộng chú ý nhất. Cán Cộng coi bộ môn sáng tác gồm những người tự mình chống cộng bằng tư tưởng, bằng tác phẩm của mình, không mượn tác phẩm hay ý tưởng của người khác. Cán Cộng không coi quan trọng lắm những người thuộc bộ môn trình diễn, tức là những người khi được giao vai trò chống Cộng thì chửi Cộng ra rít theo lời người khác, khi được giao đóng vai chửi Quốc gia thì lại mặt trơ trán bóng chửi bới Việt Nam Cộng Hòa ra trò.
Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai được khai mạc ở Nhà Hát Thành Phố. Người khai mạc là Hà Huy Giáp. Người lãnh đạo văn nghệ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa có nhiều người dân không đến nỗi chết đói mà chỉ đói đến chết, lại có thể hình béo tốt, hồng hào, mặt mũi, da dẻ láng bóng quá cỡ thợ mộc. Khi ban huấn từ “lãnh đạo” nói một câu xanh rờn:
– Tôi gọi các bạn là “đồng chí” vì tất cả chúng ta đều chung chí nguyện: làm cho nước Việt Nam được giầu đẹp, làm cho nhân dân Việt Nam được ấm no…
“Lãnh đạo” nói tiếp:
– Khóa này được gọi là Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị vì những người tổ chức thấy các văn nghệ sĩ Sài Gòn có thành kiến, có ác cảm với hai tiếng “cải tạo”. Thực ra cải tạo chẳng có gì đáng sợ. Chúng ta phải tự cải tạo mỗi ngày để trở thành người tốt…
Khóa học trong 21 ngày, khóa viên được bồi dưỡng sinh hoạt phí 1 đồng tiền Hồ mỗi ngày, được một lần cấp “nhu yếu phẩm”: nửa ký đường, hai hộp sữa, hai gói thuốc lá, một lạng bột ngọt. Được đớp hai bữa trưa ở Nhà Hát: bánh mì mỗi mạng một ổ, nước ngọt, bia gọi là bia hơi được đựng trong thùng phuy. Khóa nào muốn uống phải mang theo ca hoặc mượn ca của khóa khác.
Những anh ký giả Sài Gòn trước đó một niên đã làm Ngày Ký Giả Đi Ăn Mày để bỉ mặt Tổng Thiệu, nay được dịp “ăn mày” thật sự. Ký giả là những người đói nhất trong giới văn nghệ sĩ bỏ nước chạy lấy người không kịp. Không phải anh em ký giả, văn nghệ sĩ Sài Gòn ta ngày xưa không kiếm được tiền. Anh em kiếm được nhưng tuyệt đại đa số anh em ăn chơi, tiêu hoang, kiếm được năm thì tiêu mười. Việt Cộng vào Sài Gòn, anh em đói đến không có cơm mà ăn, không phải chỉ đói phở, đói cơm sườn, đói giả cầy quán Bà Cả Đọi. Cùng dự khóa bồi dưỡng với kẻ viết bài này có Nguyễn Ngọc Tú tức Ngọc Thứ Lang dịch giả Bố Già (The Godfather của Mario Puzo). Hôm được phát “nhu yếu phẩm” như vừa kể, người ta thấy vắng bóng Ngọc Thứ Lang ngay lập tức, rồi vắng bóng chàng suốt ngày hôm sau. Khóa viên không đến lớp vì còn bận tự “bồi dưỡng” bằng hai hộp sữa, nửa ký đường, hai gói thuốc, lạng bột ngọt. Chàng phát mại ngay những thứ không nhu yếu gì với đời sống của chàng để lấy tiền “choác”.
Và Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai có Cô Khóa Mộng Tuyền. Tháng Bẩy năm 1976 ở Thành Hồ, Mộng Tuyền còn trẻ, đẹp. Ký giả đói, nhưng các em đào cải lương vẫn đông vàng, đông kim cang. Các em như Mộng Tuyền – bận bà ba phin nõn, quần đen, đi guốc – phây phây đến lớp. Các em không đi xế hộp, nhưng các em cũng không đi xế đạp, các em đi học bằng xe xích lô.
Sau Hà Huy Giáp ban huấn từ khai mạc, khóa bồi dưỡng có từng này vị lên lớp, mỗi vị một ngày:
– Huy Cận nói về Thơ.
– Chế Lan Viên nói về người nghệ sĩ đi theo Đảng.
– Hoàng Trinh, lý thuyết gia văn nghệ nói về “Sự bế tắc văn học nghệ thuật của xã hội tư bản”.
– Vũ Khiêu nói về văn nghệ chung chung…
– Bẩy Lý, tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng lên lớp về “Chủ nghĩa Mác-Lê-nin”.
Huy Cận mập khỏe, nước da bánh mật, trông không có vẻ gì là người làm được những câu “Nắng chia nửa bãi chiều rồi. Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu…” Huy Cận nói đúng là nói vung xích chó, nói văng bọt mép. Ngoài việc khoe anh sung sướng, thoải mái mần thơ trong chế độ xã hội chủ nghĩa, anh còn khoe anh vẫn mần thơ tình, anh quả quyết chế độ xã hội chủ nghĩa không tiêu diệt thơ tình v.v… Chế Lan Viên yếu hơn Huy Cận về mọi mặt. Buổi nói chuyện của Chế Lan Viên được tổ chức ở rạp Olympic đường Hồng Thập Tự. Rạp không đủ đèn sáng. Chế Lan Viên ngồi bàn nói chuyện, đặt ly bia trên bàn. Mỗi lần diễn giả ghé mồm uống bia, micro bắt tiếng động làm người ta nghe thấy những tiếng
“chụp choạp” rất xã hội chủ nghĩa.
Vũ Khiêu – nghe nói tên thật là Đặng Vũ Khiêu – là anh nói dở nhất trong cả bọn. Vốn liếng học thức của anh chỉ đủ cho anh nói láp nháp được trong một giờ. Buổi lên lớp của anh kéo dài cả ngày. Buổi sáng anh nói được hai tiếng thì tạm nghỉ để đi giải lao và đi đé. Ngọc Thứ Lang nói ngay:
– Thằng cha Vũ Khiêu này… hay chữ lỏng…
Thành ngữ Bắc kỳ gọi những anh chữ nghĩa đựng không đầy cái lá mít nhưng thích ba hoa nói những chuyện văn học, nghệ thuật là những anh hay chữ lỏng. Vũ Khiêu thuộc loại “Bắc Kít Hay Chữ Lỏng” điển hình. Anh nói ba lăng nhăng về Kiều, ca tụng Từ Hải như đại anh hùng dân tộc. Người nghe dốt nát nhất cõi đời này cũng biết anh quên, hay anh cố tình quên, ông cố, bà sơ anh có câu dặn con cháu:
Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.
Văn học lý luận gia Mác-xít Vũ Khiêu tỏ ra “hay chữ lỏng” rõ ràng nhất ở câu chuyện anh kể về cái gọi là “tình đoàn kết thân thương cố hữu” của dân tộc Việt. Anh đưa chuyện ngày xưa có nhà kia năm đời sống chung một nhà đoàn tụ gia đình hòa hợp với nhau. Vua nghe tiếng tốt bèn đến thăm và ban cho gia đình một trái lê với ẩn ý thử xem gia đình này chia nhau ơn Vua ra sao. Nhà đông tới hai, ba trăm miệng ăn. Làm sao chia cho mỗi người một miếng lê nhỏ bằng đầu que tăm xỉa răng? Trưởng gia bèn nẩy ra sáng kiến kính cẩn cho trái lê vua ban vào nồi ba mươi nước sôi, pha như pha trà, mỗi mạng uống một ly nước. Thế là cả nhà ai cũng được hưởng lộc vua.
Câu chuyện thuộc loại quân tử Tây gọi là “a-nết-đốt: – chuyện truyền khẩu, chuyện ngoài lề nghe chơi rồi bỏ – trái lê nấu nước chia nhau uống xưa như trái đất. Đó là chuyện xẩy ra dưới một đời vua nào đó bên Tầu, nếu người viết không lầm thì là đời vua Đường, vua Mật chi đó, nhưng người văn nghệ Mác-xít lại nói là chuyện xẩy ra đời vua Trần nước Việt.
Các đàn anh dzăng nghệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa lên lớp chung cho 500 đàn em dzăng nghệ, dzăng gừng, dzăng bút, dzăng báo, dzăng cơm, dzăng đủ thứ ở Thành Hồ tại Nhà Hát. Hôm sau, các khóa sinh trở về tổ mình thảo luận về đề tài đàn anh lên lớp hôm qua. Hướng dẫn viên Tổ Một Thi Văn Vũ Hạnh gọi việc này là “đèo seo…”, tức “đào sâu” vào đề tài. Thảo luận thêm, tham gia ý kiến của mình, thường là ca tụng: “…Hay quá, giúp cho người nghe có tư liệu chất lượng tốt để hiểu thêm về dân tộc, về dzăng nghệ v.v…”. Những cuộc thảo luận “đèo seo học hỏi” này có biên bản để nộp các lãnh đạo dzăng nghệ.
Khi ấy, người viết bài này đã có ý định phát biểu mấy nhận xét để ghi vào biên bản gửi đến ông Vũ Khiêu Hay Chữ Lỏng. Đại khái:
– Chuyện trái lê nấu nước chia nhau uống là chuyện người Tầu đời Đường, không phải chuyện xẩy ra đời nhà Trần nước ta. Nhận vơ không hay hướm gì và tôi nghĩ ta không cần nhận vơ. Khi ông nói trước cả trăm người Sài Gòn chúng tôi về chuyện đó, tôi thấy:
– Nếu ông không biết chuyện trái lê nấu nước là chuyện Tàu thì ông ngu quá.
– Nếu ông biết chuyện trái lê nấu nước là chuyện Tàu mà ông cho chúng tôi hổng biết, ông có nói đó là chuyện đời nhà Trần chúng tôi cũng mù tịt thì ông cũng… quá ngu.
– Nếu ông biết chúng tôi cho việc ông nói chuyện trái lê nấu nước là chuyện người Việt là nói bậy mà ông vẫn cứ nói thì ông mặt trơ, trán bóng quá đỗi. Chúng tôi không có lời gì để đánh giá con người dzăng nghệ Mác-xít như ông.
Nhưng… nghĩ vậy người viết bài này đã không nói ra. Tâm trạng anh Khóa bất đắc dĩ Tháng Bẩy năm 1976 đang đen hơn mõm chó mực. Các bạn anh đang ngồi rù trong tù, anh không bị bắt như anh em, vợ con anh không khổ nhục như vợ con anh em, anh vác bản mặt nhẵn hơn cái đũng quần lĩnh cô đầu đi dự
“Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị”, anh ngồi tễu mặt nghe Việt Cộng nó dậy dỗ nó chỉ bảo, anh không câm miệng, cúi mặt xuống, anh còn ọ ẹ bắt bẻ Việt Cộng nỗi gì.
Nghe nói có lần nói chuyện xong Vũ Khiêu hỏi Đoàn Phú Tứ:
– Anh thấy tôi nói ra sao?
Đoàn Phú Tứ trả lời:
– Anh nói thì con rắn ở trong lỗ cũng phải bò ra nghe. Nó bò ra nghe nhưng không thấy gì cả nó lại bò vào lỗ.
Hoàng Trinh – nghe nói là sui gia với Trường Chinh – lên bục nói về “Sự bế tắc văn học nghệ thuật tư bản” nói chung và nói riêng về tình trạng tắc tị trong lãnh vực tiểu thuyết ở các nước Âu Mỹ.
Hoàng Trinh nói dễ thôi. Các đàn anh lý thuyết văn nghệ Liên Xô ăn lương tháng viết vung xích chó cả ngàn bài nghiên cứu về văn học nghệ thuật tư sản – tư bản, các đàn em chỉ việc dịch và đọc. Tất nhiên là văn học nghệ thuật tư bản đồi trụy, thối nát, tắc nghẽn, cuồng dâm, ca tụng bạo lực, ăn bám, thối nát, đang rẫy chết và chết đến đít rồi. Chuyện tất nhiên khỏi cần nói thêm. Hoàng Trinh kể một tác phẩm kịch điển hình làm bằng chứng là “văn học nghệ thuật tư bản thối nát quá cỡ…”
Vở kịch Hoàng Trinh đưa ra là vở Le Balcon của Jean Genet. Việc dùng kịch Le Balcon để đả kích văn nghệ tư sản cũng chẳng phải là sáng kiến của Hoàng Trinh. Đàn anh Nga Cộng viết, Hoàng Trinh chỉ việc nhai lại.
Jean Genet là văn sĩ thuộc loại “thiên tài hắc ám, quỷ ám” của Pháp. Người Pháp có tiếng “maudit” chỉ loại người này. Ra đời năm 1911 ở Paris, bị mẹ bỏ rơi, được nuôi trong Viện Cô Nhi, năm 13 tuổi Jean Genet bị đưa đến Trại Trừng Giới, bỏ trốn, đi bụi đời, bị bắt nhiều lần vì các tội trộm cướp; năm 1948 phạm trọng tội bị án tù chung thân. Nhiều văn sĩ Pháp, trong đó có Jean-Paul Sartre, người vận động tích cực nhất, gửi kiến nghị thư lên Tổng thống Pháp xin ân xá cho Jean Genet, tác giả những tác phẩm Notre Dames Les Fleurs, Journal d’un voleur, Querelle, Miracle de la rose v.v… Jean Genet được ân xá, Jean Paul Sartre phong thánh cho Jean Genet, gọi Jean Genet là một thiên tài văn nghệ. Jean Genet qua đời năm 1986.
Đây là lời Hoàng Trinh kể kịch Le Balcon:
– Kịch xẩy ra trong một nhà ăn chơi ở thủ đô một quốc gia Âu Châu. Nhà ăn chơi này do một phụ nữ làm chủ. Khách chơi là bọn đàn ông giàu tiền có ẩn ức sinh lý, những anh muốn được làm đại tướng, chánh án, giáo chủ. Chị chủ nhà tổ chức những phiên tòa cho chánh án rởm xử, những trận đánh cho đại tướng rởm chỉ huy, những thánh lễ cho giáo chủ rởm hành lễ.
Đêm ấy có cuộc nổi loạn nổ ra trong thủ đô. Anh Tổng Giám đốc Cảnh sát là tình nhân của chị Chủ Chứa. Anh đến cho mọi người trong nhà biết với lực lượng cảnh sát anh có thể dẹp được đám nổi loạn nhưng phiền một nỗi là Nữ hoàng, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Chưởng lý, Đại tướng, Giáo chủ v.v… nghe tiếng súng nổ và biết có loạn đã bỏ thủ đô phú lỉnh ra nước ngoài hết. Anh Xếp Phú lít than thở: “Phải chi bây giờ có Nữ hoàng, Chủ tịch Quốc hội, Giáo chủ, Đại tướng… xuất hiện trên ban-công Hoàng cung cho nhân dân thấy thì nhân dân bỏ bọn nổi loạn ngay”.
Chị Chủ nẩy ra sáng kiến:
– Khó gì? Ở đây mình có đủ triều đình. Mình có ông Đuy Quốc Tô đây là Đại tướng, ông mần vai đại tướng quen rồi, ông còn oai phong hơn cả đại tướng thứ thiệt. Mình có ông Đờ Cốc Si Cốc đây là Chủ tịt Quốc hội, có ông Lơ Poan vẫn mần Giáo chủ hành lễ trang trọng. Ông Pip Pơ Lô đây đóng vai Chánh án đẹp lão nhất thế giới. Còn em. Em đóng vai Nữ hoàng? Được hông? Ai cũng nói trông em giống Nữ hoàng lắm. Người ta còn khen em đẹp hơn Nữ Hoàng năm bẩy thành…
Và thế là (xin bạn đọc nhớ đây là lời kể của kép Hoàng Trinh ở Nhà Hát Thành Hồ tháng Bẩy năm 1976) kế hoạch được chấp thuận. Triều đình Nhà Thổ đủ mặt Nữ Hoàng, văn võ bá quan, lãnh đạo tôn giáo, tư pháp, lập pháp, quân đội, cảnh sát đàng hoàng xuất hiện. Nhân dân thấy triều đình vẫn vững như chum vại bèn bỏ rơi đám nổi loạn, tan hàng trở về nhà. Cuộc nổi loạn bị diệt thê thảm.
– Đây chỉ là chuyện kịch thôi – lời Hoàng Trinh – nhưng xin quý bạn nhớ rằng bọn văn sĩ tư sản đồi trụy đã khinh khi tất cả những giá trị của xã hội. Nữ Hoàng của họ là chị chủ chứa, những nhà cầm quyền của họ là những tên đàn ông bệnh hoạn tâm-sinh lý. Không những bọn văn sĩ tư sản chỉ miệt thị những giá trị tư sản mà thôi, họ còn miệt thị cả nhân dân nữa. Nhân dân trong kịch Le Balcon được trình bày như một lớp người ngu đần chuyên bị đánh lừa và chỉ bị lợi dụng.
Lý luận gia Mác-xít ăn theo Hoàng Trinh nhận “nhân dân” thuộc phe anh, bọn văn sĩ tư sản đồi trụy phỉ báng những nhân vật lãnh đạo tư sản thì anh cho là đúng, là được, nhưng khi văn sĩ tư sản miệt thị “nhân dân” thì anh phẫn nộ. Anh hằn học:
– Jean Genet chửi cả “nhân dân”…
Tất cả những gì xấu xa trên cõi đời này đều của phe tư sản, tất cả những gì tốt đẹp trên cõi đời này đều của phe cộng sản. Thái độ nhận vơ lố bịch ấy của những người cộng sản – thường được gọi là “vơ vào” – đã làm họ bị kê tủ đứng vào miệng khi Liên Xô, thành trì xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ, phơi bầy những tội ác ghê rợn của cộng sản đối với loài người. Chuyện ấy chẳng cần phải nói nhiều hơn.
Chi tiết cần ghi lại buổi nói chuyện của Hoàng Trinh khi anh ta nói:
– Thưa quý bạn, Le Balcon kết thúc bằng câu nói của chị chủ nhà thổ. Khi cuộc nổi loạn đã bị dẹp, chị nói với cử tọa: “Kịch đến đây là hết. Trời sắp sáng. Mời quý vị trở về nhà. Xin quý vị nhớ cho rằng chẳng phải chỉ ở đây quý vị mới thấy kịch, mới đóng kịch. Ở bất cứ đâu cũng kịch mà thôi. Ở những nơi khác còn kịch cợm, còn giả dối hơn ở đây nữa”.
Hoàng Trinh vừa nói đến câu “Ở đây kịch, ở đâu cũng kịch, kịch cả mà thôi” thì khựng lại vì tiếng vỗ tay ồ ạt nổi lên.
Quý anh văn nghệ sĩ bộ môn Cải lương ngồi trên lầu Nhà Hát vỗ tay trước. Bọn chúng tôi vỗ theo. Tôi – thú thực vẫn không coi trọng quý anh cải lương lắm -nhưng tôi thán phục quý anh quá cỡ khi tôi dự Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai cùng quý anh và được thấy quý anh biểu diễn phản ứng tuyệt vời hai lần bằng những cái vỗ tay điệu nghệ thần sầu, quỷ khốc, nhân kinh, Cán Cộng ngẩn ngơ.
Quý anh vỗ tay đây là vỗ tay hoan hô Jean Genet. Hổng phải quý anh vỗ tay hoan hô Kép Cộng Hoàng Trinh. Tất nhiên Jean Genet viết đã hay, quý anh sử dụng Jean Genet cũng tuyệt chiêu, bằng những tràng pháo tay ấy quý anh nói với bọn cán cộng:
– Đúng. Kịch cả mà thôi. Chúng tôi đến đây xem các anh đóng kịch. Chúng tôi cũng đóng kịch với các anh.
Nhưng quý anh nào đã nghĩ ra cách nói ấy đầu tiên? Quý anh bộ môn cải lương nào là người thứ nhất đã vỗ tay để cả nhà kịch chúng tôi bắt chước hôm ấy?
Trong Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị tháng Bẩy năm 1976, quý anh cải lương không chỉ phát biểu bằng cách vỗ tay một lần, các anh vỗ tay hai lần. Lần nào tôi cũng thấy thán phục sự linh động, óc thông minh của quý anh.
Hai mươi mốt ngày học xong, ngày bế mạc cũng được tổ chức linh đình ở Nhà Hát Lớn. Mỗi tổ cử một đại diện lên phát biểu cảm tưởng sau khóa học. Ông Nguyễn Hữu Ba đại diện tổ Cổ Nhạc lên máy.
Tội nghiệp ông già Nguyễn Hữu Ba. Ông lên nói láp nháp vài câu là được rồi. Không ai, kể cả Cán Cộng, muốn ông nhiều lời. Ông nói dai quá. Đã nói dai, ông còn ngắc ngứ, vô duyên.
Khi ông nói:
– Đã bao nhiêu năm chúng ta ôm người đàn bà Phi Luật Tân và gọi bà ta bằng mẹ… Bi giờ đã đến lúc chúng ta trở về với bà mẹ Việt Nam đích thật của chúng ta…
Ý ông Nguyễn Hữu Ba muốn nói bao nhiêu năm nay bọn đàn địch Sègoòng vẫn ôm cây ghi-ta ét-ba-nhon mà coi đó là đàn của mình, nay nhờ Bác và Đảng cho sáng mắt, sáng lòng, hãy trở về với cây đàn cò…
Một lần nữa phải nói “Tội nghiệp…” bọn đàn địch Sègoòng có bao giờ nhận những cây đàn ghi-ta ét-ba-nhon, ha-uây-iên, vi-ô-lông là đàn Việt Nam đâu. Bọn đàn đúm cũng chẳng bao giờ ôm một người đàn bà Phi Luật Tân mà gọi là mẹ. Khi ông Nguyễn Hữu Ba nói đến bà mẹ Việt Nam bị các con yêu bỏ rơi, bỏ quên, bỏ xó, có vẻ xúc động, ông ngừng lại.
Ông Ba vừa ngừng lại thì tiếng vỗ tay nổi lên từ trên lầu Nhà Hát. Một lần nữa, lại quý anh cải lương Sègoòng vỗ tay… đuổi. Ông Ba ngẩn người, ông chờ tiếng vỗ tay ngừng để tiếp tục nói. Nhưng những người vỗ tay không chịu ngừng. Ông Nguyễn Hữu Ba còn đứng đó, họ còn vỗ tay. Cuối cùng đương sự phải chịu nhận mình bị đuổi và cúi đầu đi xuống.
Quân tử Tầu có câu: “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”. Người viết bài này cảm khái thêm câu: “Tiểu nhân ca tụng hai mươi năm chưa muộn”.
Tháng Bẩy năm 1976, tháng Mười năm 1995. Hai mươi mùa lá rụng đã rơi trên đường đời của chúng ta. Sáng nay bình yên ngồi viết ở Rừng Phong lòng vòng Hoa Thịnh Đốn, Virginia Đất Tình Nhân, tôi ca tụng quý anh nghệ sĩ cải lương Sài Gòn ta. Tôi thán phục hai lần vỗ tay tuyệt vời của quý anh tháng ấy, năm ấy.
Chúng ta đã thấy những trò, những cảnh ruồi bâu kiến đậu trong cái gọi là Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị chúng ta tham dự ở Thành Hồ. Nhiều anh chị em bị buộc phải lên micro phát biểu đã tránh né, đàng hoàng, rất khéo như Ngọc Chánh, Bạch Tuyết… Nhiều anh chị em lên nhận mình “mắt mù, tai điếc, nay may mắn được Đảng cho sáng mắt sáng lòng” làm chúng ta tủi hổ. Nhưng thôi, chúng ta nên quên. Tết đến, ngày xuân, năm mới. Ở xứ người chúng ta nên vui vẻ, thương yêu nhau. Tôi không bới móc tội lỗi của người khác để tội lỗi của tôi không bị người khác bới móc.
Vở tuồng nhạt nhẽo màn chưa hạ,
Vai kép tuồng kia vẫn diễu hoài.
Thơ Thanh Nam, Bài Hành Đón Tuổi Bốn Mươi, làm ở Sài Gòn năm 1970. Và đây là thơ Francis Quarles:
Ôi hồn ta, ngồi yên mà coi
Vở tuồng đời
Đừng phê phán trước khi tuồng hết
Còn bao nhiêu màn khóc, màn cười.
Thi sĩ khuyên ngồi yên mà coi. Nhưng làm sao ta ngồi yên mà coi được? Ta không phải khán giả ngồi xem vở tuồng đời. Ta là một nhân vật trong vở tuồng ấy, ta bị quay cuồng, ta khóc, ta cười trên sân khấu Đời ấy. Nếu nói được như chị chủ Le Balcon: “Kịch cả mà thôi. Giả hết”, chắc ta có thể thản nhiên sống trong vở tuồng đời. Khổ nỗi, đôi khi ta không thể đóng kịch, ta không giả dối được. Vì không đóng kịch được nên đôi khi ta bị roi đời quất hằn trên mặt. Song cuối cùng tôi thấy, khi ta bị hổ nhục ta thấy hổ nhục, còn khá hơn là khi bị hổ nhục mà ta vẫn nhơn nhơn mặt trơ, trán bóng cho là không có gì để phải nhục nhã.
Tôi hổ thẹn khi phải vác mặt mo đến dự cái gọi là Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Văn Nghệ Sĩ Sài Gòn. Có hôm xớ rớ trong hành lang Nhà Hát Lớn, thấy Lệ Thu đi đến, tôi không dám để nàng nhìn thấy mặt. Lẽ ra tôi phải hỏi thăm Lệ Thu về Hồng Dương, bạn tôi đang ở trong tù: “Ở đâu có biết không? Sức khỏe ra sao? Gửi đồ tiếp tế thế nào? Có tin gì gửi ra không? Có được gặp mặt không v.v…?”. Thay vì hỏi Lệ Thu những câu ấy, tôi xấu hổ nên quay mặt đi hướng khác.
Ngày bế mạc khóa học được tổ chức ở Nhà Hát Lớn, tôi là người được anh chị em Tổ Thi Văn bầu làm đại diện Tổ, sẽ lên nói cảm tưởng sau khóa học. Nhưng đến phút cuối cùng những người tổ chức không cho tôi lên nói, tôi bị bất ngờ và tôi cũng sợ nên tôi ngồi im. Nếu tôi không ngán sợ, lúc ấy lẽ ra tôi phải đứng lên phản đối: “Tôi là đại diện Tổ. Sao không cho tôi lên nói mà lại để người khác nói?” Lẽ ra tôi phải làm như thế rồi bỏ ra về.
Tan hàng lúc 5 giờ chiều. Tôi u uất đến độ không muốn đạp xe về căn nhà tối của vợ chồng tôi ở Cư xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ. Tôi đến nhà ông anh kết ngãi với tôi ở đường Ký Con để nói với ông vài câu, uống chạc của ông mấy ly rượu cho bớt sầu đời. Thấy tôi vào, ông hỏi tôi:
– Làm cái gì mà mặt mũi cậu trông ghê như mặt tù cải tạo vậy?
Tôi rầu rĩ trả lời:
– Hôm nay tôi đi xem một số người tự bốc phân vứt lên mặt họ. Tôi không làm việc ấy nhưng vì tôi ngồi cạnh họ nên phân văng cả sang mặt tôi.
Hai anh An Khê Nguyễn Bính Thinh, tác giả tiểu thuyết Hai Chuyến Xe Bông, Nguyễn Ngọc Tú Ngọc Thứ Lang, dịch giả Bố Già (The Godfather), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago), cùng dự Khóa Bồi Dưỡng với tôi, đã qua đời. Anh An Khê mất ở Pháp, Ngọc Thứ Lang chết ở trong trại cải tạo Phú Khánh, Tú Kếu bị bệnh Quên, vẫn sống ở Đà Lạt. Nhiều bạn đồng khóa với tôi hiện sống ở Hoa Kỳ: Lệ Thu, Ngọc Minh, Băng Châu, Ngọc Chánh v.v…
Nhân vật Đảng Ủy quan trọng nhất phát biểu kết thúc Ngày bế mạc Khóa Bồi Dưỡng là “đồng chí thành quỷ” Tư Tân (người Sài Gòn gọi “Thành Ủy” là “Thành Quỷ”). “Đồng chí thành quỷ” Tư Tân tức Trần Trọng Tân, người năm 1994 giữ chức vụ chính trị lãnh đạo cao nhất, nhì, ba ở Thành Hồ. Trần Trọng Đăng Đàn là em Tư Tân, viết quyển “Kết án văn nghệ đồi trụy, phản động Sài Gòn”. Quyển này kê khai đầy đủ tên cúng cơm, tên tác phẩm của những người viết Sài Gòn bị cấm đoán. Năm 1976 rất nhiều người đến Nhà hát Thành Phố dự lễ Bế mạc Khóa học Bồi dưỡng Chính trị còn khá trẻ. “Đồng chí” Tư Tân năm ấy cũng chưa già.
Năm 1994, đọc trong Hoa Xuyên Tuyết của Bùi Tín tôi thấy mấy dòng: “…Người dân Quảng Bình, ai còn lạ gì những việc làm của anh em ông Trần Trọng Tân trong thời quân Nhật làm chủ Quảng Bình…”
Không rõ ràng lắm nhưng người đọc dù kém thông minh cũng có thể hiểu: “Đại tá” Bùi Tín tố cáo “Đồng chí Thành ủy” Trần Trọng Tân và người em trai làm mật thám, làm tay sai, làm chó săn cho Nhật.
Kể từ khi đọc những dòng ấy về anh em “đồng chí thành quỷ” Trần Trọng Tân, mỗi lần nhìn thấy bộ mặt nghiêm trọng của “đồng chí thành quỷ” trên Tivi tôi lại cứ tủm tỉm, lỉm rỉm cười một mình…
(Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ)
(Nguồn : muoisau.wordpress)
Bài liên quan : Vĩnh biệt anh Hoàng Hải Thủy
Thảo luận
Không có bình luận