Bà Nguyễn Thị Vinh sinh năm 1924 tại Hà Nội. Quê nội: làng Thịnh Đức thượng Hà Đông. Quê ngoại: làng Vân Hoàng, Hà Đông. Đã xuất bản nhiều tác phẩm tiêu biểu, gồm truyện ngắn, truyện dài, thơ và tùy bút…
Bà Nguyễn Thị Vinh sinh năm 1924 tại Hà Nội. Quê nội: làng Thịnh Đức thượng Hà Đông. Quê ngoại: làng Vân Hoàng, Hà Đông. Đã xuất bản nhiều tác phẩm tiêu biểu, gồm truyện ngắn, truyện dài, thơ và tùy bút…
Trước năm 1975 bà giữ chức Chủ Bút và Chủ Nhiệm 2 tạp chí văn nghệ: Tân Phong và Đông Phương. Bà cũng là thành viên của Hội Đồng Giám Khảo Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc VNCH.
Trước năm 1975 bà giữ chức Chủ Bút và Chủ Nhiệm 2 tạp chí văn nghệ: Tân Phong và Đông Phương. Bà cũng là thành viên của Hội Đồng Giám Khảo Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc VNCH. (Theo RFA)
Hải ngồi chơi thuyền với cái An, bạn nó, ở ngoài phố mãi tới khuya. Về tới nhà, nó thấy các anh chị nó đã ngủ cả, duy chỉ còn có thầy nó là vẫn còn cặm cụi ngồi may ở bên ngọn đèn dầu. Thấy tiếng động, cụ Cựu lên tiếng hỏi, tuy mắt vẫn không rời tay khâu: “Hải đấy à! Chơi đâu mãi bây giờ mới về? chết đòn!”
Hải không trả lời, len lén cất cỗ chuyền xuống gầm giường xong, trèo lên chỗ nằm ngủ ở bên Loan, chị nó.
Bỗng, cụ Cựu gọi:
– Hải!
– Dạ.
– Lại đây!
Hải sợ hãi ngồi dậy và rụt rè đi lại chỗ thầy nó, chắc sẽ bị đòn vì tội mải chơi khuya. Nhưng nó thấy cụ Cựu đứng lên lấy cái ví bỏ ở trong túi chiếc áo dài the treo trên mắc, đem lại cạnh đèn, hạ thấp gọng kính, tìm tìm một lát rồi lấy ra đồng năm xu đưa cho nó.
– Cho mày!
– Thầy cho con?
– Ừ!
– Năm xu?
– Ừ!
Hải ngơ ngác hết nhìn đồng năm xu ở trong tay lại nhìn cụ Cựu. Như biết ý, cụ Cựu tủm tỉm cưòi rồi nói:
– Hôm nay tao phát tài, cho mày.
– Con mua cặp tóc được không thầy?
Hải mừng rỡ cuống quít hỏi.
– Muốn mua gì thì mua.
Hải vui vẻ đem buộc cẩn thận đồng năm xu vào một đầu giải rút rồi về chỗ nằm. Nhưng nó không ngủ được. Mặc dầu mấy phút trước nó có thể nhắm mắt là ngủ ngay được. Tất cả những cái cặp tóc xinh xắn nằm trong tủ kính của các hàng tạp hoá ở phố Hàng Đào hiện ra trong óc nó một cách rõ ràng quá, như là nó đang nhìn vào đấy.
“Ồ! mai phải mua cái cặp tóc hình con bướm giống như của con An mấy được. Mọi khi mình vẫn thường mượn con An để cặp thử, đẹp quá! Nhưng con An đố cho mình mượn lâu bao giờ. Chỉ một tý là đã đòi lại ngay. Ngày mai mình cũng có một cái, chắc con An hết làm bộ với mình”.
Nghĩ đến đây trong lòng nó rộn ràng sung sướng thấy cần phải khoe ngay với chị. Nhìn sang Loan ngủ mê mệt, Hải muốn đánh thức chị dậy, nó khe khẽ hích vào Loan. Loan vẫn cứ ngủ. Nó liền cấu mạnh Loan, làm Loan giật nẩy mình đạp vào Hải, miệng lầu bầu gắt rồi xoay người và lại bắt đầu ngáy đều đều. Hải thất vọng và rất bực mình với chị, nghe hơi thở và tiếng ngáy của Loan sao nó thấy rõ ràng một cách khó chịu quá! Nó mong cho chóng tới sáng để đi mua cặp tóc.
“Sao mãi trời không sáng?”
Nhìn sang cụ Cựu vẫn ngồi may. Người cụ bé nhỏ, lưng hơi gù, đầu tóc bờm xờm vì lâu ngày không húi. Dưới vầng trán thấy cụ đeo trễ đôi kính trắng. Chung quanh chỗ ngồi bừa bải những kim, chỉ, kéo, thước và mấy đứa trẻ nằm ngủ ngổn ngang như lợn.
Không khí hết sức nóng bức, tuy cái khung cửa sổ nhỏ có những chấn song bằng gỗ đã được mở hết ra, nhưng cũng không làm thoáng nhẹ bớt được hơi nồng hấp ở trong căn gác cổ, thấp, nhỏ, chỉ vẻn vẹn kê được hai cỗ ghế ngựa liền sát nhau.
Trên hai cỗ ghế này ban ngày là chỗ ăn, làm. Tối đến là chỗ ngủ của năm, sáu con người lớn bé. Đã thế, cụ Cựu còn ngồi làm việc ở bên ngọn đèn dầu có ánh lửa đỏ và khói. Thỉnh thoảng cụ phải ngừng tay khâu, cầm chiếc khăn mặt để bên, lau những giọt mồ hôi chảy thành từng giòng trên mặt và lưng. Nhìn cử chỉ ấy, Hải thấy thương thầy nó quá. Nó muốn ngồi dậy quạt cho thầy nó mấy cái, nhưng nó vẫn nằm. Nó buồn buồn, vì tối nào thầy nó cũng phải ngồi làm việc ở trong cái cảnh vất vả ấy.
Tay nó tự nhiên rờ tới đồng năm xu. Nó muốn đem trả cho thầy nó. Nhưng nghĩ tới cái cặp tóc mà nó đã ao ước từ lâu, nó lại thôi. Dần dần nó ngủ đi lúc nào không biết.
* * *
Hải và Loan đi gần khắp các hàng tạp hoá ở phố Hàng Đào để chọn mua một cái cặp tóc. Sau cùng chúng bằng lòng mua chiếc cặp hình bươm bướm với giá ba xu rưỡi. Chúng nó chọn đến là kỹ càng, để ý từ cái vết nhỏ. Và bàn định mãi, Hải mới cả quyết lấy cái mầu xanh, để cho khác cái của con An mầu đỏ. Nó cho cái mầu xanh của nó đẹp hơn cái mầu đỏ của con An. Vì vậy nó sung sướng và có một chút tự kiêu.
Hải đưa chiếc cặp tóc cho Loan cầm hộ rồi kéo đầu giải rút có buộc đồng năm xu. Nó phải cởi đến năm, sáu nút mới lấy được đồng tiền ra đưa trả người bán hàng, và đứng chờ lấy tiền trả lại.
Người bán hàng, sau khi lật đi lật lại đồng tiền xem mấy lần bỗng quẳng lên trên mặt quầy, giằng lại chiếc cặp tóc trong tay Loan, giận dữ mắng như hắt vào mặt chúng nó: ”Đồ ranh con! đồng năm xu giả mà cũng đem đi mua với bán! Chúng mày định loè cả tao nữa cơ à? Bước ngay không có tù nhọc!”
Trước sự bất ngờ ấy, Hải đứng ngây mặt, trong khi Loan nhặt đồng tiền xem, rồi quay lại nắm tay em bước vội ra cửa.
Ra khỏi cửa, Hải bật khóc oà. Loan phải dỗ mãi nó, và bảo nó đem về đổi cho thầy.
Vừa về đến nhà, Hải chạy ngay đến chỗ cụ Cựu ngồi, và gọi:
– Thầy ơi! hôm qua thầy cho con đồng năm xu giả, thầy ạ!
Cụ Cựu ngước mắt lên nhìn nhanh nó qua đôi kính trắng đeo trễ, rồi lại cúi ngay xuống khâu, miệng tủm tỉm cười, trả lời vắn tắt:
– Ừ.
– Con mua cặp tóc, người ta không lấy, thầy đổi cho con đi.
– Tao không có, mày cứ giữ lấy mà mua quà, may ra được.
“Mày cứ giữ lấy mà mua quà, may ra được.” Câu nói ấy luôn luôn thầm nhắc trong trí Hải trong lúc nó lang thang đứng ở đầu phố cạnh gánh phở nhà bác Hợi, nhìn bác luôn tay làm phở và mọi người đứng ăn xung quanh. Khi họ ăn xong, đưa tiền trả bác Hợi, bác chỉ vứt tọt vào ngăn kéo, chứ không xem xét gì cả.
“Hay mình cứ ăn một xu phở không. Còn lại bốn xu vẫn mua được cặp tóc.” Mắt nó nhìn dán vào hai tay bác Hợi thái thịt, bánh. Mỗi khi bác mở nắp thùng nước dùng để xúc bánh và chan nước dùng, một làn khói thơm toả mạnh khiến nó phải nuốt nước bọt. Nó thèm lắm. Nhưng vẫn không dám ăn. Nó phân vân nghĩ:”Hay là mình trả tiền trước cho bác ta, nếu bác ta không biết là tiền giả, cứ vứt tọt vào ngăn kéo, và trả lại tiền cho mình thời mới yên tâm mà ăn. Chứ ăn xong rồi trả tiền nhỡ bác ta biết là tiền giả thì thật chết và tù nhọc chớ chẳng chơi, vì lấy đâu ra tiền khác để trả.” Nghĩ vậy nhưng nó vẫn không dám đưa trả tiền trước, và cũng không dám ăn.
Một lát sau nó trông thấy hàng kẹo kéo: cái anh chàng bán kẹo có cái mũ “phớt” đã cũ bạc, đội chênh vênh trên đầu, anh ta luôn mồm hát quảng cáo cho món kẹo thơm, ròn, ngọt. Một tay cầm cái kéo luôn luôn bật hai lưỡi kéo vào nhau kêu canh cách. Nhìn anh ta, Hải thấy bạo dạn, nó chạy ngay lại mua một xu. Anh hàng kẹo vẫn liếng thoắng hát, người lắc lư đồng điệu với hai tay cắt kẹo nhanh thoăn thoắt.
Sau khi đưa kẹo cho Hải, anh ta chưa nhận đồng năm xu đã móc túi lấy tiền trả lại. Hải cầm mấy xu trong tay, trống ngực nó đập ran. Nó quay người đi thật nhanh; nhưng hai chân nó cuống lên và có cảm tưởng như bị lôi trở lại. Mặt nó nóng bừng bừng như bị sốt. Bỗng anh hàng kẹo “Hề!” một tiếng để gọi nó. Nó giật nẩy mình, đứng sững ngay lại. Anh chàng hàng kẹo vừa chạy tới, vừa nói:
“Hề! không được nhé! Mày có đồng năm xu giả mà cũng đòi ăn kẹo, và lấy lại những bốn xu thật của tao!”
Anh ta lấy lại tiền, đưa trả đồng năm xu và thuận tay cầm tai nó vặn một cái khá đau.
Hải giằng ra chạy một mạch về nhà. Nhìn đồng tiền, nó toan vứt đi, nghĩ thế nào nó lại bỏ vào túi. Nó tủi hổ vô cùng. Tức giận thầy nó, tự nhiên Hải nghĩ đến mẹ: ”Giá Mẹ còn sống!” Nước mắt nó trào ra, nó tấm tức khóc, không biết vì giận bố, nhớ mẹ, hay xấu hổ.
Suốt từ trưa, Hải ngồi chơi chuyền với cái An. Hai đứa chơi mê mải, mãi tới lúc đèn thành phố đã bật, và Loan phải đi tìm gọi nó về ăn cơm.
Ăn xong, cả nhà còn líu líu cất dọn, nó đã chân trước chân sau cầm cỗ chuyền chạy ra đường định tìm con An rủ chơi. Tới nhà An thấy cửa đóng, nó không dám gọi. Nó đi ra chỗ cột đèn tìm bắt những con châu chấu, và tha thẩn chơi như vậy mãi tới khuya.
Từ phía trên bỗng đưa xuống một tiếng rao: “Hàm sôi…phá…á…á xa!”
Hải chợt nhớ tới đồng năm xu của nó, và ông lão bán phá xa tối nào cũng đi qua phố này để rồi lại đi rẽ vào trong các ngõ tối khác. Có một đôi khi Hải tự hỏi: ”Không biết ông cụ cứ đi vào các ngõ tối và vắng như thế thì bán cho ai?” bởi nó chưa từng thấy ai gọi mua lạc của ông già bao giờ cả. Nhưng rồi nó cũng bỏ qua, không cần tìm ra lý nhẽ.
“Mày cứ giữ lấy mà mua quà, may ra được!”
“Ồ! nếu mình mua lạc của ông già này thì được đứt đi rồi còn gì!”
Nó mỉm cười, cho tay vào túi cầm đồng năm xu. Hải không giữ được hồi hộp, tim đập mạnh, nó có thể nghe rõ cả từng tiếng trống ngực. Lúc này mọi việc chung quanh nó như ngừng cả lại, tuy vẫn có một vài người và một vài chiếc xe kéo qua lại. Hải như cảm thấy cảnh vật yên lặng một cách quan trọng lắm!
– Hàm sôi…phá…á…á xa!
Tiếng rao ấy cứ một lát lại nổi lên, trước xa sau gần.
Bây giờ Hải đã nghe thấy cả tiếng gậy của ông cụ chống xuống đường còng cọc, và trông thấy ông đang dò dẫm đi lại phía nó. Một tay cầm cái gậy dẫn đường, một tay đưa lên giữ lấy cái giây buộc hòm lạc đeo về phía sau. Ông cụ đi đã gần đến nơi mà Hải vẫn đứng yên nhìn, quên cả mọi ý định. Nó cảm thấy trong cái hình dáng còm cõi nghèo nàn của ông cụ có một cái gì giông giống thầy nó, nó buồn buồn, lòng thấy như se lại.
– Hàm sôi…phá…á…á xa.
Tiếng rao nổi lên như một câu giục. Hải chợt nhớ tới đồng năm xu. Chiếc cặp tóc xinh xắn hiện ngay trong trí nó.
Nó quả quyết rút nhanh đồng tiền và gọi:
– Phá xa!
Ông cụ ngừng lại một giây, rồi tiếng gậy còng cọc bắt đầu quay thẳng về phía Hải.
– Cụ bán cho cháu một xu.
– Một xu à?
Dưới ánh đèn thành phố, Hải trông rõ cả những nếp răn trên nét mặt hom hem của ông cụ, đôi mắt loà như mở to ra, miệng hơi nhếch như cười. Ông cụ chậm chậm lôi hòm lạc về phía ngực, để cái gậy dựa vào người. Hai bàn tay gầy khô run run lần mở nắm hòm và bốc lạc đưa cho Hải.
– Cụ trả lại cháu đồng năm xu.
Ông cụ cầm đồng tiền đưa lên ngang mặt như người nhìn, và dùng những ngón tay lần các nét khắc nổi trên mặt đồng tiền. Khi đã biết đấy là hình của đồng năm xu, ông cụ yên lặng lấy tiền lẻ của mình trả lại cho Hải. Hải đua tay ra đỡ tiền, nó nhìn theo bàn tay gầy run rẩy của ông cụ lần từng đồng chinh, đồng xu một cách kỹ càng rồi đặt vào tay nó. Khi đã nhận đủ, Hải bỏ vội chỗ tiền vào túi áo. Rồi đứng ngây người nhìn theo dáng còm cõi của ông cụ đang đi lần từng bước dưới bóng đèn mờ.
Trong trí nó hiện ra cảnh tối tăm của một xó nhà ẩm ướt, chật hẹp, mà chốc nữa khi bán xong hàng, ông cụ sẽ về đấy nằm gối đầu lên trên hòm lạc để đợi đến hôm sau lại xách hòm đi buôn lạc, rồi sẽ bị người ta quăng trả đồng năm xu và mắng :
– Đồ khỉ già! Đồng năm xu giả, mua với bán gì, bước ngay không bị tù nhọc!
Nghĩ đến đấy Hải thấy hối hận quá! Nó muốn gọi ông già trả lại lạc và tiền. Nhưng cổ nó như nghẹn ứ; nước mắt nó chẩy ràn rụa. Hải không biết là nó đã khóc từ lúc nào ấy.
“Hàm sôi…phá…á…á…xa!”
Tiếng rao của ông cụ và tiếng gậy chống còng cọc của ông xa lắm rồi! Nhưng tiếng vang của nó vẫn còn vọng trong óc Hải một cách rõ ràng quá!
Cùng một lúc hơi nóng của lạc rang ở túi thấm qua lần áo vào bụng nó.
(Nguồn : vnthuquan.net)
Thảo luận
Không có bình luận