Tiết lộ mới tiết lộ cho thấy Pablo Picasso từng xin nhập tịch Pháp không được vì các ‘hoạt động vô chính phủ’, và có cuộc đời gây bất hạnh cho nhiều phụ nữ.
Hồ sơ của an ninh quốc gia Pháp về danh họa Pablo Picasso bị Đức phát-xít cướp đi khi chiếm đóng Paris năm 1940. Sau Thế chiến II, Liên Xô tiếp quản và gần đây Nga mới trả cho Pháp nhiều tài liệu lưu trữ.
Hồ sơ về Picasso được công bố trong năm 2021 rọi đèn vào cách nước Pháp từng nghi ngờ nghệ sĩ lớn, nhưng vẫn khai thác di sản tiền tỷ gắn liền với tranh và tên tuổi ông.
Picasso, kẻ nguy hiểm tiềm tàng cho Pháp
Năm 1901, Sở cảnh sát Pré-St.Gervais (Seine St.Denis) đã lập một hồ sơ theo dõi người nước ngoài mang số hiệu 74664. Năm chữ số là mã code để tiện phân loại. Mã số thông báo: giới tính nam, hành nghề họa sĩ.
Người trong hồ sơ an ninh sinh ngày 25/10/1881 tại Malaga, hành nghề vẽ tranh có tên khai sinh là Pablo Ruiz Picasso, chính là danh họa Picasso, người nay được coi là một trong 10 danh họa có ảnh hưởng nhất trong mọi thời đại.
Trong hồ sơ có ghi:
‘Tay này nói thứ tiếng Pháp chật vật, không ai hiểu hắn muốn nói gì. Hắn thường tiếp xúc, móc nối với những kẻ lạ mặt.”
Thậm chí, Picasso còn bị liệt vào loại tiềm tàng khủng bố ở mức độ cao nhất với ‘Fiché S’.
Với ký hiệu ‘S’ phân loại, kẻ đó thuộc loại tối nguy hiểm với an ninh quốc gia. Những cá nhân bị cho vào danh sách này được an ninh Pháp giám sát 24/7.
Kết quả theo dõi Picasso viết: ”thời gian lưu trú ở Paris, kẻ này ngụ tại nhà một phần tử vô chính phủ là Pierre Manach và hắn đương nhiên cùng ý tưởng với tên này”.
”Người ngoại quốc này xuất hiện như một đe dọa đối với an ninh. Y liên lạc với nhóm người Catalonia tại khu Montmartre. Bọn Catalonia là những kẻ cực đoan, vô chính phủ, phải giám sát gắt gao.”
Cả chục năm sau, giọng văn trong hồ sơ vẫn không thay đổi :
“Khoảng 30 tuổi. Năm 1914, không phục vụ gì cho lợi ích của đất nước chúng ta trong thời gian chiến tranh. Là kẻ có tư tưởng cực đoan, gần với xu hướng cộng sản, công khai chỉ trích nền tảng nhà nước pháp quyền của chúng ta, ca tụng nhà nước Nga Xô Viết.”
Năm 1940, Picasso gửi nguyện vọng được nhập quốc tịch Pháp, song bị từ chối.
Bộ máy hành chính Pháp vặn vẹo Picasso, đòi hỏi chứng thực thu nhập cá nhân, khai thuế, chứng minh ông không phải là người Do Thái. Không bắt bẻ được gì, nhưng hồ sơ nhập quốc tịch của Picasso không được an ninh Pháp cho điểm son nên bị đánh trượt.
Cứ hai năm một lần, Picasso phải gia hạn giấy định cư. Do không bán tranh cho những nhà sưu tập tranh người Pháp có tiếng tăm, mà chỉ bán cho những người buôn tranh Do Thái nên ông làm phật ý ai đó, và chịu nhiều phiền phức.
Sau sự kiện bức chân dung nổi tiếng ‘Mona Lisa’ (La Joconde của danh họa Léonard de Vinci (1452-1519) bị đánh cắp tại Bảo tàng Louvre ngày 2/8/1911, Picasso cùng bị bắt và thẩm vấn với bạn là nhà thơ cánh tả Guillaume Apollinaire (1880-1918), họ Kostrowitcki, người gốc Ba Lan. Người Việt được biết Apollinaire qua bài thơ ‘Cầu Mirabeau’, trường ca ‘Zone’.
Cảnh sát trưởng Quận 18 Paris André Rouquier không ngần ngại lấy tranh của Picasso vẽ những cô gái ngực trần để minh họa cho đánh giá rằng Picasso là kẻ vô đạo đức.
”Picasso nhồi nhét tư tưởng vô chính phủ cho bạn hắn là Manach, kẻ cho hắn trú ngụ.”
Tháng 10 năm 1944, Picasso ra nhập Đảng Cộng sản Pháp (PCF). Picasso giải thích trên tờ l’Humanité của đảng này với bài viết ‘Tại sao tôi gia nhập đảng cộng sản.’
Bức họa ‘Chim bồ câu’ của Picasso vẽ làm biểu tượng cho Đại hội hòa bình thế giới năm 1949 nhận được giải thưởng quốc tế vì Hòa bình năm 1955.
Có lẽ đây là một giải thưởng hài hước nhất tặng cho một người mang bất hạnh cho những người đàn bà đi qua đời ông?
Chính vì được phe tả Phương Tây, các nước xã hội chủ nghĩa (cũ), gồm cả giới khoa bảng Việt Nam đề cao, các vấn đề nghiêm trọng về nhân cách và tệ coi thường phụ nữ của ông không được nói đến trong nhiều năm.
Montmartre, nơi tỏa sáng tài năng và lò thiêu các cuộc tình của Picasso
Pablo Picasso (1881-1973) đến Paris năm 19 tuổi. Bỏ lại phía sau Malaga, thành phố tuổi thơ là bước ngoặt làm nên tên tuổi danh họa sau này. Chàng thanh niên Tây Ban Nha lập tức phải lòng Paris, sau đó quyến luyến cả phần đời ở đất Pháp.
Con đường Picasso đã chọn giao thoa với những nghệ sĩ khác, cũng đến Paris, chính xác hơn là Montmartre như Renoir, Modigliani, Miró, Monet, Van Gogh, Toulouse-Lautrec, Géricault, Cézanne, Sisley…Hemingway đã từng bị sức hút của Paris làm cho thẫn thờ, để viết xong tác phẩm ‘Paris là một ngày hội’ mà để quên trong một chiếc rương trong khách sạn Ritz đúng 16 năm.
Trên đồi Montmartre, Picasso sống chung với một người bạn trên tầng hai, số nhà 49 rue Gabrielle.
Montmartre là quả đồi cao gần 500 m so với mực nước biển. Từng là nơi có nhiều cối xay bột, hiện Montmartre chỉ còn lại hai dấu tích : một là Moulin de la Galette, tồn tại được chắc vì có mặt trong tranh của Renoir et Van Gogh. Còn cối xay thứ hai chẳng xay ra bột từ 125 năm nay, Moulin Rouge vốn là biểu tượng cuộc chơi về đêm của Paris.
Chàng Don Quixote xứ Malaga là Picasso hàng ngày dắt con chó Frika lang thang trong các ngõ hẻm Montmartre đã vẽ bức tranh ‘Les Demoiselles d’Avignon’ (Các thiếu nữ vùng Avignon) ở đây, ghi dấu tích được gọi là ‘période bleue’, dù Paris xa Avignon tới cả 750 km, vùng đất bên dòng sông Rhône xưa kia của các Giáo hoàng trước khi chạy lánh nạn sang Vatican.
Auguste Rodin (1840-1917), người luôn mở rộng vòng tay với các nghệ sĩ trẻ trong đó có vua Hàm Nghi, ảnh hưởng sâu đến các sáng tác sau này của Picasso.
Bức tranh ‘Guernica’ (1937), một trong những tác phẩm quan trọng nhất, biểu tượng chống chiến tranh của Picasso vốn lấy cảm hứng khối tượng ‘Cổng Địa ngục’ do Rodin thể hiện.
Picasso cũng chuyển thể các tác phẩm điêu khắc như ‘Người suy tư’, ‘Nụ hôn’ từ đồng và đá của điêu khắc gia này lên tranh, những mày mò này dẫn ông đến trường phái lập thể.
Tranh cắt giấy của Henri Matisse (1869-1954), cách sử dùng mầu sắc tương phản, trong sáng, cũng như những nét vẽ tượng hình, ẩn dụ của họa sĩ Pháp làm giàu chất liệu thể hiện của Picasso.
Hai người trưng bày tranh chung vào năm 1918. Phòng tranh của họ được coi là ‘cuộc chuyện trò về thị giác giữa ánh sáng và lập thể’, với Matisse là ‘Pôle Nord-Bắc cực’ và Picasso là ‘Pôle Sud-Nam cực’ theo nhận định của Gertrude Stein.
Nhiều mối tình và bị chê trách nghiêm trọng
Picasso vốn thừa hưởng giòng máu phiêu lưu từ ông tổ Tomaso Picasso (1787-1851), một thủy thủ, gốc Ý. Bảo tàng ‘Fundtion Museo Casa natal’ ở Malaga còn giữ ảnh chụp bản viết tay bằng tiếng La tinh chứng chỉ rửa tội của Tomaso Picasso ở Sori, Ý.
Năm 1909, bỏ rơi bạn tình đang sống chung là Fernande Olivier, Picasso tán tỉnh Eva Gouel (1885-1915) vợ của bạn mình, họa sĩ Ba Lan Louis Marcoussis (tên thật Ludwik Wladyslaw Markus).
Eva mất vì lao phổi sau ba năm chung sống với Picasso. Bức tranh ‘Địa ngục’ được cho là vẽ bà.
Chiến tranh thế giới và cái chết của Eva đang nhấn chìm Picasso vào đêm tối thì ông gặp vì sao cứu tinh: Olga Khokhlova, 26 tuổi, vũ công chính trong đoàn múa của Serge Diaghilev. Cả đoàn opera và múa ba lê Nga vừa bị cuộc cách mạng Nga 1917 chặn lối về đang sống trong hoang mang và sợ hãi đã chấp nhận lời tỏ tình của Picasso. Sắc đẹp quyến rũ, các mối quan hệ của cô như nàng thơ truyền cảm hứng cho Picasso. Các bức tranh của ông thời kỳ này bắt đầu được các nhà sưu tầm Hoa Kỳ tìm mua.
Năm 1927 Marie-Thérèse Walter cô gái tóc vàng chiếm hết tầm nhìn của Picasso, che lấp cuộc sống hôn nhân của họ. Picasso sống trong bóng tối với cô cho đến năm 1935, khi Olga Khokhlova biết về mối quan hệ của chồng mình. Bà quyết định chuyển đến miền nam nước Pháp với Paul, đứa con trai chung và đệ đơn ly hôn.
Vì lý do phải chia nhiều tài sản, Picasso từ chối ly dị, mặc dù không còn chung sống trong nhiều thập kỷ, họ vẫn chính thức là vợ chồng cho đến khi Olga chết năm 1955.
Nhìn chung, bảy người phụ nữ trong cuộc đời Picasso đều có những bi kịch riêng.
Marie Thérèse Walter, Jacqueline Roque (1926-1986) người vợ cuối của Picasso đều tự tử.
Françoise Gilot là một trong số họ, mô tả trong sách ‘Sống với Picasso’ (Paris-2006) rằng: “ông ta coi là chỉ có hai kiểu phụ nữ: hoặc là nữ thần, hoặc là thảm chùi chân.” Bà tố cáo nặng nề Picasso phạm tội ấu dâm và bạo hành tình dục.
Bức tranh ‘Người đàn bà khóc’ của Picasso lấy từ hình mẫu Dora Maar (1907-1997), một người mẫu, nhiếp ảnh gia gốc Croatia, người tình suốt 8 năm với Picasso. Mười năm cuối đời, bà bị trầm cảm, sống tách biệt với xã hội.
Trong hồi ký ‘Grand père-Ông nội’ (Denoël, 2003), Marina Picasso, tố cáo ông nội “quyết rũ phụ nữ kiểu ma quái, như thầy kiểu phù thủy, sau đó hủy hoại họ”.
Xin mở ngoặc một chút về liên hệ của cháu gái Picasso với Việt Nam.
Marina Picasso hiện là mẹ của năm con trai và gái, và ba người trong số họ được bà đón từ TPHCM về làm con nuôi. Bà cũng nhà tài trợ chính cho dự án hỗ trợ y tế, trường học cho Việt Nam với Bernadette Chirac, vợ cựu tổng thống Pháp và Tổ chức Bệnh viện Paris.
Mất năm 1973 ở tuổi 91, Picasso để lại cho hậu thế 50.000 tác phẩm và hình ảnh phức tạp của những quan hệ tình cảm, bốn người con, tám cháu, những cuộc tranh chấp thừa kế gay gắt…và nay là những điều tiếng khó gột rửa.
Thế nhưng nước Pháp vẫn…không chê gia tài bằng tranh, tượng của Picasso, được đánh giá vào khoảng 10,4 tỷ euro trong các bảo tàng chỉ riêng ở Pháp.
Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Phạm Cao Phong từ Paris, Pháp.
(Nguồn : bbc.com)
Thảo luận
Không có bình luận