//
you're reading...
góp nhặt cát đá, Giới thiệu sách, Nhân vật, Thời Sự, Văn Hóa Nghệ Thuật

Abdulrazak Gurnah, nhà văn gốc Tanzania đoạt giải Nobel Văn học 2021

(Getty Images)

Nhà văn gốc Tanzania, Abdulrazak Gurnah sống tại Anh được trao giải Nobel Văn học hôm 7/10 cho các tác phẩm đi sâu khai thác di sản của chủ nghĩa đế quốc đối với những người lìa bỏ xứ sở.

Viện Hàn lâm Thụy Điển cho biết giải thưởng này là để ghi nhận ‘sự thâm nhập không khoan nhượng và đầy trắc ẩn của ông về những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của người tị nạn trong hố ngăn cách giữa các nền văn hóa và các lục địa’.

Sinh ra ở Zanzibar vào năm 1948, ông Gurnah di cư đến Anh với tư cách người tị nạn thiếu niên sau một cuộc nổi dậy trên hòn đảo giữa Ấn Độ Dương này vào năm 1968.

Gần đây đã nghỉ hưu sau thời gian làm giáo sư giảng dạy văn học hậu thuộc địa tại Đại học Kent, ông là tác giả của 10 tiểu thuyết, bao gồm ‘Paradise’, vốn lọt vào danh sách chung kết cho Giải thưởng Booker vào năm 1994, ‘By the Sea’ và ‘Desertion’.

Paradise (1994) lấy bối cảnh ở Đông Phi thuộc địa trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Quyển này cũng nhận được đề cử cho giải Booker năm đó.

Admiring Silence (1996) kể câu chuyện về một thanh niên rời Zanzibar di cư đến Anh, nơi anh kết hôn và trở thành một giáo viên. Một chuyến trở lại quê hương 20 năm sau ảnh hưởng sâu sắc đến thái độ của anh đối với cả bản thân và cuộc hôn nhân của mình.

By the Sea, quyển sách xuất bản năm 2001, là câu chuyện được kể lại bởi Saleh Omar, một người lớn tuổi xin tị nạn sống ở một thị trấn ven biển nước Anh.

Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel Văn học, gọi ông là ‘một trong những nhà văn hậu thuộc địa nổi bật nhất thế giới’.

Ông nói rằng các nhân vật của Gurnah ‘bị lạc trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa… giữa cuộc sống bị bỏ lại phía sau và cuộc sống sắp tới, đối mặt với phân biệt chủng tộc và định kiến, nhưng cũng buộc bản thân không nói ra sự thật hoặc viết lại tiểu sử để tránh xung đột với thực tại.

Trong khi đó, Mats Almegård, nhà phê bình văn học của tạp chí Fokus, phát biểu: « Tôi luôn hy vọng là sẽ có một bất ngờ lớn – điều này khiến mọi chuyện thú vị hơn rất nhiều. Nếu họ làm đúng như điều được mong đợi, giải thưởng sẽ mất đi vẻ lẫy lừng ».

Theo The Guardian, biên tập viên Alexandra Pringle của Nhà xuất bản Bloomsbury tại Anh, một người đã gắn bó lâu năm với Abdulrazak, cho rằng chiến thắng của tiểu thuyết gia này là “xứng đáng nhất” cho một nhà văn chưa từng được công nhận xứng đáng cho công việc của mình. “Ông ấy là một trong những nhà văn châu Phi vĩ đại nhất còn sống, và chưa ai từng để ý đến ông ấy. Điều đó giày vò tôi. Đối với tôi, ông ấy là một nhà văn phi thường viết về những điều thực sự quan trọng. Trái tim tôi tan nát vì ông ấy không được công nhận xứng đáng. Và giờ thì ông ấy đạt giải Nobel rồi”, bà nói.

Ông Gurnah, vốn nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Swahili nhưng viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh, mới chỉ là nhà văn sinh ra ở châu Phi thứ sáu được trao giải Nobel văn học, sau Wole Soyinka người Nigeria năm 1986, Naguib Mahfouz người Ai Cập năm 1988, Nadine Gordimer người Nam Phi năm 1991, JM Coetzee người Nam Phi 2003 và Doris Lessing người Anh-Zimbabwe năm 2007.

Giải thưởng danh giá này đi kèm với một huy chương vàng và 10 triệu kronor Thụy Điển (hơn 1,14 triệu đô la). Cũng giống như nhiều sự kiện khác, Nobel cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình đại dịch. Lễ trao giải năm nay là sự kết hợp của các sự kiện được tổ chức cả trực tiếp và qua màn ảnh, theo The New York Times. Ban tổ chức cho biết những người đoạt giải sẽ nhận được huy chương và giấy chứng nhận tại quê nhà vào tháng 12.

Giải thưởng năm ngoái đã thuộc về nhà thơ người Mỹ Louise Glück vì điều mà các giám khảo mô tả là ‘giọng thơ không thể nhầm lẫn của bà với vẻ đẹp khắc khổ làm cho sự hiện sinh của con người trở nên phổ quát.’ Bà Glück là một lựa chọn được công chúng hưởng ứng sau nhiều năm tranh cãi.

Nhìn lại lịch sử, các giải Nobel Văn học thường được trao cho các nhà văn Tây phương, nhất là châu Âu và là nam giới, không phải là người thật nổi tiếng, không phải là tác giả của những cuốn sách thuộc diện bán chạy nhất « best seller ». Trong số 117 người từng đoạt giải Nobel Văn, có 95 nhà văn, tương đương hơn 80%, là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Riêng nước Pháp giành được 13%. Chỉ có 16 nhà văn nữ đoạt giải so với con số 101 khôi nguyên Nobel văn học là nam giới.

Năm 2018, giải thưởng đã bị hoãn sau khi các cáo buộc lạm dụng tình dục làm rung chuyển Viện Hàn lâm Thụy Điển, cơ quan chọn người thắng giải. Việc trao giải thưởng năm 2019 cho nhà văn người Áo Peter Handke đã gây ra các cuộc biểu tình vì sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với người Serb trong các cuộc chiến Balkan vào những năm 1990.

Hôm thứ Hai, Ủy ban Giải Nobel đã trao giải thưởng về Sinh lý hoặc Y khoa cho các khoa học gia Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian vì những khám phá của họ về cách cơ thể con người cảm nhận nhiệt độ và xúc giác.

Giải Nobel Vật lý được trao hôm thứ Ba cho ba nhà khoa học có công trình tìm thấy trật tự trong sự rối loạn, giúp giải thích và dự đoán các lực phức tạp của tự nhiên, bao gồm mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về biến đổi khí hậu.

Benjamin List và David W.C. MacMillan được vinh danh cho giải Nobel hóa học hôm thứ Tư vì đã tìm ra cách dễ hơn và sạch hơn về môi trường để tạo ra các phân tử dùng để tạo ra các hợp chất, bao gồm thuốc men và thuốc trừ sâu.

Sắp được công bố là giải thưởng Nobel cho các công trình xuất sắc về hòa bình và kinh tế.

(Nguồn : Tổng hợp) (tt)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: