//
you're reading...
góp nhặt cát đá, Phụ nữ, Tìm Hiểu, Đời sống

Vì sao người nhiều chuyện được gọi là bà tám ?

Chúng ta thường dùng từ “bà Tám” để chỉ người phụ nữ nhiều chuyện, hay bàn tán và lan truyền tin của người nọ người kia. Từ cách nói này mới phát sinh thêm “ông Tám” để chỉ người đàn ông nhiều chuyện, rồi động từ “tám” tức buôn chuyện. Vậy xuất xứ của “bà Tám” là ở đâu?

Có ý kiến cho rằng “bà Tám” là một nhân vật có thật xuất thân từ xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Bà là con thứ bảy trong mười người con của gia đình, thường đi hóng chuyện và tụ tập chị em phụ nữ để bàn tán về những gì mình nghe được. Chúng tôi không biết bà Tám này có tồn tại thật hay không, nhưng nếu có thì cũng là sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì có thể thấy từ “Tám” đã được dùng từ rất lâu đời, có thể là từ khi chưa hình thành huyện Cần Giuộc nữa.

Theo tìm hiểu, ta có thể thấy cách nói này vốn xuất phát từ tiếng Hoa Bát bà (八婆) dịch thuần ra chính là “bà Tám”. Nhưng vì sao người Hoa lại gọi là Bát bà? Có hai giả thuyết cho điều này:

Giả thuyết thứ nhất tương tự như ý kiến về bà Tám ở Long An. Có điều bà Tám này ở Trung Hoa, tên là Chu Yên (hay Chu Yến), là một trong những người đầu thời kỳ khai phá Hương Cảng. Chu Yên này đứng thứ tám trong gia đình, cô được gọi là “bát bà”, cô là người giúp việc của gia đình thương nhân giàu có Hồ Tùng, sau đó cô bị phát hiện đã bán bí mật của gia đình Hồ Tùng cho một doanh nhân người Anh, người bị Trung Quốc buộc tội vào thời điểm đó, vì vậy người ta thường gọi người vợ tọc mạch là “bát bà”.

Giả thuyết thứ hai cho rằng Bát bà phải dịch là “tám người đàn bà”, để chỉ tám nghề thấp kém dành cho phụ nữ. Cách dịch này cũng tương tự như “cửu long” là chín rồng, “tam quốc” là ba đất nước, không có gì xa lạ cả. Vậy tám nghề này là gì? Đó là mai mối, đỡ đẻ, trang điểm, giã gạo, giặt đồ, gánh hàng rong, vú nuôi và lên đồng (hay cầu cúng, phù thuỷ). Do đặc điểm công việc mà những nghề này có thể tiếp xúc được với nhiều chuyện, đặc biệt là chuyện vặt trong nhà người khác rồi đem đi bàn tán khắp nơi. Từ đó mới hình thành từ bát bà, mà qua tiếng Việt bị hiểu thành “bà Tám”.

Chúng tôi thiên về giả thuyết thứ hai hơn, vì số tám với người Trung Hoa thường tượng trưng cho sự toàn vẹn, rộng khắp. “Bốn phương tám hướng” chỉ khắp mọi phương hướng. Bát quái được coi là tám quẻ hình thành nên vũ trụ. Tiếng Nhật có thành ngữ Bát phương mĩ nhân (八方美人), tương ứng với “Bát diện linh lung” (八面玲珑) trong tiếng Hoa để chỉ người đẹp toàn diện. Như vậy dùng “bát bà” để chỉ khắp các bà nhiều chuyện là hợp lý. Trên thực tế, bát bà còn được gọi là “bát quái bà” (八卦婆), điều này càng củng cố thêm lập luận trên.

Thành ngữ Trung Hoa còn có câu “tam cô lục bà” (三姑六婆) để chỉ những người phụ nữ làm nghề bất chính. Đối chiếu với cách dùng “lục bà” ở đây thì rõ ràng “bát bà” là tám người đàn bà chứ không phải người đàn bà thứ tám.

Vậy có thể kết luận, bà Tám vốn xuất phát từ tiếng Hoa “bát bà”, nghĩa là tám người đàn bà nhiều chuyện, sau vô tình bị hiểu sai thành người đàn bà thứ tám. Nói về phụ nữ đa sự, tiếng Hoa còn có cách gọi “trường thiệt phụ” (長舌婦) tức “mụ lưỡi dài”. Phải chăng khi nói nhiều lưỡi sẽ dài ra?

Trực tiếp đóng góp vào sự ra đời của danh ngữ “bà tám” này trong tiếng Việt là dân làm ăn liên quan đến làng điện ảnh và truyền hình. Sau khi phim Tàu, đặc biệt là phim Hồng Kông nói tiếng Quảng Đông, được một vài đài truyền hình phát sóng thì phát sinh yêu cầu phải thuyết minh và lồng tiếng. Để làm vậy, trước hết phải dịch. Khốn khổ thay, người dịch có lẽ cũng chạy theo nhịp điệu hối hả của thị trường chứ nào thực sự yêu mến tiếng Việt, thực sự thấu hiểu từ nguyên. Chưa kể trong đó có thể có cả những tay người Việt gốc Hoa thì làm sao tránh khỏi chuyện “pát phò” trở thành “bà tám”! Trong khi đó, tiếng Việt đâu có thiếu từ, ngữ tương ứng với khái niệm “con mẹ Tám” của Tàu Quảng Đông!

Bà Tám là một nhân vật trong chương trình Nông thôn phát thanh trước ’75 mổi buổi sáng ở Việt Nam, lúc 5 giờ. Bà rất vui rất xàm chuyện gì cũng có Bà . Đó là một vai hài của chương trinh nông thôn trước 1975. Có thể ban biên tập đã chịu ảnh hưởng của bà tám trung hoa.

Trước 1975 dân Sài Gòn và Nam Bộ xưa có cách gọi người khác theo thứ bậc chứ không gọi tên “cúng cơm”- Giới công chức, người có học được kêu là “thầy Hai”.- Hoa kiều được gọi là chú Ba (Ba Tàu)- Hàng xóm là anh Tư- Đại ca giang hồ lưu manh là anh Năm…- Thứ Sáu là dân trại hòm vì 6 đây là 6 tấm ván đóng thành cái hòm.- Người làm nghề cho vay là anh Bảy … (Thường là dân Ấn Độ – Chà Và nên hay gọi Bảy Chà Và)Đến thứ 8 là hàng dân lao động, cu li, bóc xếp, người ở… hàng dân này thì ngoài giờ lao động ra đâu còn thứ gì để giải trí rẻ tiền hơn chuyện tụm năm tụm bảy để nhiều chuyện.Cũng có thể “nhiều chuyện như mấy bà tám” xuất phát từ cách phân tầng xã hội thứ 8 này mà ra.

“Bà tám” dần dần đưa đến từ “tám” phát sinh bằng cách ngắt bỏ từ “bà” đằng trước, nhiều phần cũng là do nhu cầu động từ hóa. Thế là có động từ “tám” và danh ngữ “bà tám” – mẹ đẻ của nó – tồn tại song song trong khẩu ngữ. “Bà tám” dùng để chỉ những người nhiều chuyện, còn “tám” thì dùng để chỉ hành động của những người này.

(Nguồn : Tổng hợp)(tt)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: