//
you're reading...
góp nhặt cát đá, Nhân vật, Phỏng vấn, Phụ nữ, thời đã qua, Văn Hóa Nghệ Thuật

Âm thịnh dương suy : 3 khuôn mặt nữ của Giải Văn Chương 1970

An Phong

Nhiều người đã mệnh danh năm 1970 là năm của đàn bà nổi dậy. Nhận xét này thật đúng trong khung cảnh Việt Nam. Suốt một năm qua, phụ nữ xứ ta đã vùng lên không ngừng. Hết bà Thoa, bà Thu gây sóng gió ở Hạ Viện tới bà Thành, ở ngoài đời cầm đầu lực lượng chị em ta vùng lên đòi quyền sống. Có lẽ sự nổi dậy này đã ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần mã thượng của đa số quí vị giám khảo phái khỏe trong giải văn học nghệ thuật năm 1970 do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đặt ra. Kết quả là “gà mái đá gà cồ.” Cả ba giải nhất, nhì, ba đều về tay phái yếu. Các nữ văn sĩ Túy Hồng, Thụy Vũ, Nhã Ca đã lần lượt vượt lên hàng đầu, bỏ lại đằng sau hơn năm văn sĩ thuộc phái mày râu, cũng gửi tác phẩm đến dự giải…

Túy Hồng : Viết văn là một lầm lỡ đau xót …

Người có nhận định kể trên là nữ văn sĩ Túy Hồng, giải nhất văn học nghệ thuật bộ môn văn năm 1970 với tác phẩm Những sợi sắc không. Đối với những người xa lạ, đây có thể là một ý kiến giả dối, xuất phát trong một lúc bi phẫn nào đó. Chỉ có ai quen biết thân tình với nữ văn sĩ gốc Huế này, mới biết Túy Hồng đã nói thực. Như có lần nàng đã thú nhận cái lý do chọn nghề viết văn làm thơ của mình. “Tôi thích viết văn vì thấy người khác viết văn và thấy mình có thể viết được …”

Lý do Túy Hồng đưa ra để giải thích chỗ đứng hiện tại trong văn đàn Việt Nam của mình thật đơn giản. Nàng không hề nghĩ rằng sở dĩ mình viết văn được là vì ngay từ nhỏ đã có năng khiếu như nữ văn sĩ Nhã Ca. Không những thế nàng còn nói huỵch toẹt ra rằng không bao giờ nên coi công việc viết văn là một nghề để sống. Tuy nhiên Túy Hồng cũng phải thú nhận một sự thực đau lòng : “Nhưng tôi và quanh tôi, những người viết khác, đang làm nghề viết chữ để sống. Đó là một bắt buộc và một lầm lỡ hết sức đau xót …”

Có một nhà báo nào đó đã nhận xét : “Con người và cuộc sống của văn nghệ sĩ hầu như luôn luôn được phủ kín trong một lớp sa mù.” Nhưng đối với Túy Hồng, lớp sa mù này có lẽ không có. Trước khi làm công việc “viết chữ để sống,” Túy Hồng đã từng làm một cô giáo trong nhiều năm trời ở Huế và Sài Gòn. Hiện tại nàng là mẹ của ba đứa nhỏ, con nhà văn Thanh Nam. Ngoài những giờ cầm bút, Túy Hồng cũng phải làm bất cứ công việc nào của các bà nội trợ Việt Nam thường làm. Một buổi chiều nào đó, người ta có thể bắt gặp nàng dẫn con ra đầu ngõ, tìm tới một tiệm tạp hóa nào đó để mua vài lít dầu hôi về đun nước thổi cơm. Nàng cũng có thể hồn nhiên giành dựt một củ khoai mì trên tay cô con gái, để vừa ăn vừa tán dóc với bạn bè. Khi phải tiếp xúc với người lạ, nàng cũng thường trở về vị trí thế thủ, khép nép như bất kỳ người đàn bà Huế nào khác. Nàng cũng thích sưu tầm chén bát đẹp … và thù dai. Tóm lại, Túy Hồng chỉ là một người bình thường. Nhưng sự bình thường này biến mất khi nàng ngồi vào bàn viết. Lúc đó trí tưởng tượng của nàng thật tuyệt vời. Trong quá khứ Túy Hồng đã thú nhận mình là một người “rất có tài bịa đặt.” Bởi thế hiện tại Túy Hồng có thể viết một ngày tới bốn năm cái phơi-dơ-tông cho nhiều tờ nhật báo khác nhau ở Sài Gòn. Nàng viết phăng phăng, viết thật dễ dàng. Nhiều khi không cần coi lại bản thảo đoạn trước đã nói tới đâu, chỉ cần mường tượng nhớ lại trong trí, nàng cũng có thể cầm bút viết tiếp được rồi …

Túy Hồng thường viết tay, trên giấy pelure fort. Nàng không có thói quen đặc biệt nào trong khi sáng tác, vì : “Tôi có thể viết bất kỳ chỗ nào, lúc nào, chỉ cần có thì giờ rảnh là viết được liền.” Trái với cuộc sống trầm lặng làm vợ, làm mẹ hiện tại, những nhân vật trong các tác phẩm của Túy Hồng thường có những lối sống phóng túng, sô bồ và những ý nghĩ hết sức táo bạo trên phương diện tình dục. Chẳng hạn trong một truyện dài đăng trên tuần báo Đời Nay kể truyện một thiếu nữ đang ra sức quyến rũ một nhà sư, Túy Hồng đã cho nhân vật nữ của mình thốt ra những ngôn từ vô cùng sôi nổi :

” … Anh Thanh ơi, em đã cởi áo ra rồi. Cởi áo ra là thấy vú, thấy vai, thấy trũng ngực. Vai em mát thạch cao đấy anh. Ngực em có chiều cao nên có chiều sâu đấy anh. Vú em có đỉnh nhọn. Vú em tròn, cứng, nặng, chắc và đỉnh hồng. Chưa ai sờ và chưa ai kéo. Bụng em đây anh. Đàn bà hai bụng đều quan trọng, bụng trên không hay đau như bụng dưới. Em có vòng eo hẹp anh ạ. Em có lỗ rốn sâu và kín anh ạ. Em có bụng dưới sát lắm, đàn ông thích lắm. Em mặc quần thun anh ơi … dễ kéo như kéo màn. Em biết nghệ thuật kéo từ từ chiếc màn này …”

Những đoạn vừa trích dẫn trên đây hình như đã chứng tỏ Túy Hồng là một con người lúc nào cũng thích sống cuồng nhiệt trong tình yêu. Nàng đã kể quan niệm yêu đương và hôn nhân của mình : “Với tình yêu thì nên thương người như thể thương thân. Với hôn nhân thì nên thương người hơn thể thương thân.” Phải chăng quan niệm tình yêu và hôn nhân có vẻ tuyệt đối này, đã khiến Túy Hồng trở thành một cô gái khá “cao số.” Mãi đến năm 29 tuổi nàng mới lập gia đình. Những người quen biết Túy Hồng đã kể lại từ lúc gặp gỡ “chàng” cho tới khi hai người lấy nhau, hình như thời gian chỉ kéo dài trong vòng có một tháng. Lấy nhau chưa đầy bốn năm họ đã có với nhau ba đứa con, hai gái một trai.

Sau sáu năm cầm bút với khoảng 10 tác phẩm đã xuất bản và viết xong, một trong những tác phẩm ưng ý nhất của Túy Hồng đã đem lại cho nàng vinh dự giải nhất văn học nghệ thuật bộ môn văn 1970. Khi gửi tác phẩm này dự thi, cũng như bao nhiêu nhà văn khác, Túy Hồng đã nhắm đến số tiền 200.000 đồng mà Tổng Thống sẽ trao tặng hơn là danh vọng “thái sơn bắc đẩu” trên văn đàn Việt Nam. Nàng đã kể trước dự tính xử dụng số tiền này, nếu nàng trúng giải với một nhà báo quen biết : “Nếu kỳ này may mắn đoạt giải có lẽ tôi sẽ sắm một chiếc xe bốn bánh. Ra ngoài đường một bước là một bước xe, nhiều khi thấy cực quá.” Sau khi nghe tin nàng trúng giải, nhà báo bèn hỏi Túy Hồng có còn dự tính sắm xế bốn bánh nữa không thì nàng cười trỏ lên nóc nhà : “Chắc tôi không mua xe nữa. 200.000 đồng chỉ đủ để sửa cái nhà đang ở. Sắp tới mùa mưa rồi. Nhà chúng tôi mỗi lần mưa xuống dột ghê quá.” Rồi nàng quay sang nhìn phu quân Thanh Nam, tủm tỉm cười : “Nhưng cũng chưa chắc. Sợ lắm khi chưa kêu thợ tới sửa nhà ông ấy đã đem tiền đi uống rượu hết sạch rồi còn đâu.”

Thụy Vũ : Đó là một chuyện đáng buồn

(Ảnh : Trần Cao Lĩnh)

Trái với những phản ứng của Túy Hồng khi nghe tin mình trúng giải – tự tin và hãnh diện – nữ văn sĩ Nguyễn Thị Thụy Vũ đã mỉm cười nói với người phỏng vấn : “Đó là một chuyện đáng buồn. Vì bọn phụ nữ chúng tôi viết văn đâu có sâu sắc được bằng mấy ông. Theo tôi nghĩ, văn đàn Việt Nam phải là của mấy ông tung hoành hơn là của mấy bà.”

Vẫn theo nhận xét của nữ văn sĩ đã đoạt giải nhì văn học nghệ thuật bộ môn văn năm nay thì sở dĩ có hiện tượng “âm thịnh dương suy” này chỉ vì những tay gạo cội như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền … chẳng có ai thèm gửi tác phẩm dự thi cả. “Nếu có mấy ông gạo cội này dự thí, chắc mấy bà trúng giải năm nay sẽ văng hết.” Thụy Vũ cũng cho biết cảm tưởng của nàng khi hay tin mình trúng giải nhì : “Nghĩ đến lúc mình có thêm một số tiền ăn tết tôi thấy vui vui và thú quá.” Rồi nàng tiết lộ mình không hề có ý định gửi tác phẩm Khung rêu tham dự. “Trong lúc tôi đang đập chum, thằng em tôi nó gửi bừa tác phẩm này đi, chẳng báo cho tôi hay gì cả. Và tôi cũng không bao giờ ngờ được mình lại trúng giải. Mãi tới lúc cha Thanh Lãng tới báo tin tôi mới biết người ta đã chọn tôi … “

Không có ý định mua xe hay sửa nhà như Túy Hồng, nữ văn sĩ 31 tuổi, gốc Nam này đã dự tính dùng số tiền trúng giải để mua sữa cho con : “Chắc cũng đủ mua sữa cho cháu bú vài tháng.” Đây là lần đầu tiên Thụy Vũ khai hoa nở nhụy. Tác phẩm bằng xương bằng thịt này, theo nàng nói, còn quí gấp trăm lần giải thưởng của tổng thống. Cách đây bốn năm, Thụy Vũ đã lập gia đình với một nhà thơ. Hình như các nữ văn sĩ ở Việt Nam người nào cũng thường có chồng làm thơ hay viết văn. Ông xã của Thụy Vũ là nhà thơ Tô Thùy Yên. Bạn trăm năm của Nhã Ca cũng là thi sĩ, nhà thơ Trần Dạ Từ. Một điểm trùng hợp ngẫu nhiên khác đã xẩy ra là trước khi trúng giải một thời gian ngắn, hai nữ văn sĩ Thụy Vũ và Nhã Ca đều phải vào nhà bảo sanh.

Trước khi sanh, Thụy Vũ là một nữ văn sĩ có nhiều phơi-dơ-tông đăng báo nhất trong ba nữ văn sĩ vừa đoạt giải. Kể cả tuần báo lẫn nhật báo, Thụy Vũ đã viết tới 8 phơi-dơ-tông. Bởi thế, nàng đã làm việc tối tăm mặt mũi mới kịp giao bài cho các tờ báo nàng cộng tác. Khi được hỏi bao giờ bỏ nghề viết văn, Thụy Vũ mỉm cười trả lời : “Bỏ thì không bỏ. Nhưng cũng ngại viết quá. Vì viết bây giờ là để kiếm sống cho nên mất hết nguồn cảm hứng.”

Thụy Vũ bắt đầu gia nhập làng văn cùng một thời với Túy Hồng, Trùng Dương và Nguyễn Thị Hoàng. “Cả bốn đứa tôi cùng xuất thân ở lò Bách Khoa ra. Những bước đầu của tôi cũng nản lắm. Nếu không có ông Võ Phiến khuyến khích hoài có lẽ bây giờ tôi cũng chưa trở thành một văn sĩ.” Tác giả của những tập truyện táo bạo một thời như Lao vào lửa, Mèo đêm đã thành thực kể lại rằng nàng không hề có ý định chọn nghề viết văn khi gởi truyện ngắn đầu tiên đăng báo. “Hồi đó tôi chỉ muốn thử xem mình có khiếu văn chương không ? Sau đó nghề viết văn đã đến với tôi, như một sự ngẫu nhiên. Không bao giờ tôi mơ trở thành một nhà văn cả ! Và hiện thời tôi viết văn là để mưu sinh chứ không hề có ý định viết để dậy đời như nhiều nhà văn khác. Vì tài viết văn hiện thời đối với tôi cũng chỉ là một thứ tài vặt, không có gì đáng để tôi phải hãnh diện vì nó.”

Mặc dù đang viết rất nhiều truyện dài đăng các nhật báo nhưng Thụy Vũ đã cho người phỏng vấn biết nàng không bao giờ dựng sẵn một cốt truyện nào cả. Hằng ngày, những gì nằng mắt thấy tai nghe ở ngoài đời, đều được nàng đem vào tác phẩm, không cần phải sắp xếp thứ tự lớp lang. Và nếu truyện của nàng thường đề cập nhiều tới mấy cô bán bar thì cũng vì hồi xưa nàng đi dậy học, có nhiều cô học trò xuất thân từ giới này kể lại.

Không có một quan niệm rõ rệt về tình yêu và hôn nhân như Túy Hồng, tác giả cuốn Khung rêu đã cho rằng những vấn đề này chúng thiên hình vạn trạng không làm sao mà nói cho hết được. Theo Thụy Vũ thì phần lớn những cuộc hôn nhân đều thiếu bóng dáng tình yêu cũng như có nhiều mối tình mặc dù thật đẹp nhưng chẳng bao giờ đưa tới hôn nhân. “Thế còn chị ? Cuộc hôn nhân hiện tại có tình yêu trong đó không ?” Thụy Vũ đã nhún vai trả lời : “Tôi cũng chả hiểu mình ra sao nữa. “

Nhã Ca : Chắc mấy ông giám khảo bênh chúng tôi

Nhã Ca – ký họa chì của Nguyễn Trung, 1964

Từ nhà Thụy Vũ bước ra để tìm tới chỗ ở của Nhã Ca, người phỏng vấn bắt gặp cả một sự tương phản lớn lao. Chỗ ở của Thụy Vũ nhỏ như một cái chuồng chim và phải đi loanh quanh ba bốn con hẻm nhỏ xíu ở đường Lê Văn Duyệt. Còn Nhã Ca thì sống trong một tòa nhà đồ sộ, rộng thênh thang với tất cả tiện nghi thường thấy trong một gia đình khá giả. Nhưng nữ văn sĩ có tên thật là Trần Thị Thu Vân này đã mỉm cười nói với nhà báo : “Tất cả là của ông xã tôi đấy. Tôi chỉ ở ké, cũng như đi xe ké thôi.”

Cuộc phỏng vấn diễn ra trong một phòng khách thật lịch sự nhưng vắng lặng. Chủ nhân hãy còn ăn bận theo lối “đàn bà đẻ” đã tỏ ra thật tếu và cởi mở trong những câu trả lời. Ngay câu hỏi đầu tiên về lý do tại sao cả ba người trúng giải đều thuộc phái yếu đã bắt gặp một tràng cười ròn rã : “Vui quá anh ơi. Chắc mấy ông giám khảo đã bênh bọn đàn bà chúng tôi một chút chứ làm sao mà chúng tôi so sánh nổi với các ông văn sĩ ở Việt Nam.”

Cũng như Thụy Vũ tin trúng giải đã đến với Nhã Ca trong lúc nàng vừa mới sinh bé gái được một ngày. Dĩ nhiên nghe tin này, Nhã Ca đã mừng lắm. Nàng bảo với người phỏng vấn về dự tính xử dụng món tiền được thưởng trong lúc đó : “Dùng để trả tiền nằm nhà thương và mua quà cho bầy trẻ thì cũng vừa vặn.” Nhã Ca đã nhận xét rằng có lẽ giải văn chương hằng năm của Tổng Thống Thiệu lập ra, là để nhằm mục đích giúp đỡ các văn nghệ sĩ về phương diện vật chất nhiều hơn là thúc đẩy giới này hăng hái sáng tác để phát huy văn học nghệ thuật nước nhà. Trước đó, người phỏng vấn cũng đã được nữ văn sĩ Thụy Vũ cho biết ý kiến về giải này như sau : “Theo tôi nghĩ, giải thưởng văn chương của Tổng Thống lập ra không phải giúp đỡ, vì số tiền thưởng ít quá so với các giải ngoại quốc, và cũng không phải để khuyến khích nền văn học nghệ thuật nước nhà, vì những tay gạo cội, có tiếng tăm lâu đời, chẳng có ai thèm gửi tác phẩm dự giải cả. Lẽ ra Tổng Thống nên ra lệnh cho ban giám khảo lấy bất kỳ tác phẩm nào đã xuất bản để chấm hơn là bắt các văn sĩ phải gửi bản thảo tới dự thi. Vì như vậy sự chọn lựa mới có vẻ rộng rãi và đứng đắn hơn. Chứ theo thể lệ bây giờ, thật khó mà đoán nổi dụng ý của Tổng Thống.”

Trong ba nữ văn sĩ đoạt giải năm nay có lẽ Nhã Ca là người đã có nhiều tác phẩm xuất bản hơn cả. Kể từ tập truyện dài đầu tay Đêm nghe tiếng đại bác cho tới tác phẩm mới nhất Tình ca trong lửa đỏ, Nhã Ca đã cho chào đời cả thảy 16 truyện dài, truyện ngắn. Nàng không ưng ý hẳn một tác phẩm nào mà thích tất cả những cuốn đã viết. Trung bình một tác phẩm nàng thường mất từ hai tới ba tháng để hoàn thành. Nhã Ca cũng không viết quá nhiều phơi-dơ-tông như các nữ văn sĩ đồng nghiệp. Hiện tại nàng chỉ viết một truyện dài đăng trên báo Báo Đen do chồng nàng làm chủ nhiệm. Bởi vậy nàng không phải làm việc liên miên, viết lách suốt ngày như Túy Hồng và Thụy Vũ. Đối với Nhã Ca mỗi ngày làm việc đều đặn hai tiếng đồng hồ trước một bàn máy chữ là quá đủ rồi.

Nhã Ca đã chọn nghề viết văn vì nàng nghĩ rằng mình có năng khiếu về bộ môn này từ hồi còn cắp sách tới mái trường Đồng Khánh ở Huế. Cho tới bây giờ nàng vẫn chưa quên được những cảm giác “sướng phát điên lên được” khi thấy bài thơ đầu tiên của mình xuất hiện trên tờ tuần báo Văn Nghệ Học Sinh. Hồi đó nàng đã phải đi mua một lô báo phân phát cho bạn bè để khoe. Nhưng sự sung sướng và hãnh diện này không đủ làm cho Nhã Ca tiếp tục say mê cái nghề cầm bút cho tới ngày nay. Nàng than thở : “Điều ân hận nhất hiện tại của tôi là đã lỡ dại chọn nghề viết văn vì … mệt quá.” Nhưng sau đó nàng đã tiếp ngay : “Tuy nhiên tôi cũng khó mà bỏ được nghề viết văn lắm. Viết văn đối với tôi bây giờ đã trở thành một thứ nghiệp dĩ.”

Đã có lần Nhã Ca từ nghề viết văn nhảy sang làm nghề chủ báo với tờ Tự Chủ, nhờ đó nàng đã nẩy ra một nhận xét ngộ nghĩnh khi được hỏi về sự khác biệt giữa hai nghề cùng được coi là bạc bẽo như nhau : “Viết văn khoái ở chỗ mình chỉ phải nhào thẳng tới tòa báo đòi tiền quản lý khi viết bài xong. Còn làm báo ngoài việc viết lách mình còn phải xoay tiền hộc bơ để lo trả tiền thợ, tiền in, tiền giấy. Mệt muốn chết đi được.”

Năm nay Nhã Ca 31 tuổi. Nàng có bốn đứa con. Chưa bao giờ nàng “thất tình” mặc dù trong các tác phẩm của nữ văn sĩ này người ta bắt gặp khá nhiều nhân vật đã buồn khổ ốm lăn ốm lóc vì … tương tư.

(Trích bán nguyệt san Thời Nay số 272, ra ngày 15.2.1971, trang 101-109) (Sưu tầm của thantri)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: