//
you're reading...
Bút ký, Du Lịch, góp nhặt cát đá, Hoài Niệm, Về Huế

Ba ngày ở Huế – Tôn Nữ Thu Nga

Sau mấy ngày bôn ba miền Bắc, hôm nay tôi đáp máy bay về Huế. Chỉ hai tiếng “về Huế” đủ làm hồn tôi xôn xao, nao nức, gợi cho tôi nhớ những ngày hè thơ ấu. Từ Pleiku, từ Nha Trang, lòng tôi mở hội mỗi khi nghe ba truyền lệnh: “Tuần sau ta về Huế.”

Huế hiện diện trong lòng tôi như những chùm nhãn lồng thơm ngọt, những trái thanh trà, những trái ổi xá lị giòn tan trong vườn nhà ông nội. Cây vải già tôi thường ngồi dưới gốc, ăn que kem thơm mát giữa buổi trưa hè gay gắt, vang vọng tiếng ve sầu. Dòng sông êm đềm lững lờ trôi sau ngôi trường tiểu học có những con đò lướt nhẹ và giọng mẹ ru ầu ơ trong giấc ngủ.

Chiều chiều trước Phú Vân Lâu
Ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm,
Ai thương ai cảm, ai nhớ ai mong,
À, à ơi…
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Nghe câu mái đẩy, chạnh lòng nước non.

Quả là chạnh lòng nước non từ khi tôi đặt chân về đến quê hương sau bao năm xa cách. Hồn tôi như mọc cánh nhưng quả tim đồng thời cũng như có một sợi dây tơ thắt chặt. Một cảm giác phân vân như Nguyễn Du mô tả: dùng dằng nửa ở nửa về, hoặc như ông Shakespeare than oán: To be or not to be… nhưng tôi nhận thức rằng: you are doom if you do, and you are doom if you don’t nên tôi nhắm mắt đưa chân về thăm quê cũ.

Mấy mươi năm nuôi Huế trong mộng tưởng, tôi không muốn tỉnh giấc mộng êm đềm để đối diện với Huế mới, Huế hiện đại, tôi chỉ muốn nghĩ đến Huế như một hình ảnh mộng mơ, một dáng huyền với tóc thề, áo trắng đi giữa hồn Núi Ngự, sông Hương.

Ngày xưa, căn nhà của ông nội sao to rộng quá. Sau cổng chính, cây mai vàng huy hoàng nở rộ trước bức bình phong rêu phủ, cánh hoa rơi rụng, phủ kín mặt đất như một tấm lụa hoàng yến. Hồ cá phi trước sân cũng mang đến cho tôi những ngày vui tươi sung sướng khi được câu cá bằng chiếc cần câu trúc. Mỗi lần câu có cá, tôi chiên vàng cho ba và ông nội nhậu, lòng tràn ngập sung sướng khi ông nội gật gù tấm tắc khen ngon. Hàng ngày tôi giúp bà dì, vợ kế của ông nội thái nhỏ gốc rau muống, trộn cám để cho cá ăn. Đàn cá nườm nượp nổi lên mặt nước, há miệng tham lam đớp mồi. Chung quanh hồ, ông nội trồng hoa hồng tỉ muội. Những đóa hoa mảnh mai xinh xắn, ông nội so sánh những đóa hoa đó với hai chị em tôi, hai đứa cháu cưng nhỏ xíu của ông nội. Tôi lẩn thẩn theo ông đi trồng cây kiểng, nhổ cỏ dại, bắt ốc bắt sâu. Ông cháu tôi quấn quít bên nhau, ông ngồi nhấm nháp tách cà phê đậm, nói chuyện Tam Quốc, Ngũ Hổ Bình Tây, Đông Châu Liệt Quốc cho tôi nghe và cho tôi uống những tách cà phê nhạt nhưng ngọt lịm nước đường. Ngoài ông nội ra, chú Kỷ của tôi cũng là người hay kiên nhẫn trả lời những câu hỏi tò mò của tôi trong những ngày xưa ấy. Chú Kỷ cực kỳ thông minh, nói và viết bốn thứ ngôn ngữ khác nhau nhưng tánh chú không được bình thường lắm vì chú bị thất chí chuyện gì đó trong đời. Chú sống với ông nội, chú rất ham mê đọc sách và có phòng thí nghiệm riêng. Trong phòng này chú có đủ thứ ống nghiệm và hóa chất mà tôi tuyệt đối không được đụng tay vào. Chú làm đồ thủ công nghệ bằng đồng nhưng chú cứ nghĩ đó là vàng… Khi thương ai lắm thì chú lấy vàng ra cho. Chú cho tôi một con cóc đá, tôi giữ con cóc một bên mình, khi đi ngủ để một bên gối, ngắm nghía, sờ mó cho tới khi bóng nhoáng. Trong những năm di chuyển theo gia đình từ miền này qua xứ nọ, con cóc đã mất đi nhưng hình ảnh nó vẫn nằm tận đáy hồn tôi như một di vật của thời thơ ấu.

Những buổi sáng tinh mơ, ngồi trên bộ phản gụ dưới hiên, tôi nhìn những người đi buôn, gánh gồng thoăn thoắt qua lại trước cổng. Họ mặc áo dài lượt thượt, kể cả o bán bún bò với hai đầu quang gánh nặng trình trịch. O ghé nhà mỗi sáng để cả nhà ăn điểm tâm. Người đàn bà hái trái hồng tươi cũng hay dừng lại bán hồng cho mẹ. Bà ta cũng mặc áo xám tro, bước đi nhanh nhẹn đội một thúng đầy vun những trái hồng chín mọng, ngọt lịm. Mẹ tôi thích mặc áo dài màu tím hoa cà, mỗi khi bà dẫn chị em tôi đi chơi phố. Ba mẹ con ngồi xe cyclo, qua cầu Tràng Tiền, gió thổi mát rượi, có khi chòng chành trên con thuyền nhỏ, qua sông Hương đi chợ Đông Ba. Trong chợ Đông Ba, tôi thích nhất là hàng thợ mã. Trong lúc mẹ bận rộn mua hương đèn, vàng bạc thì tôi say sưa nhìn ngắm những con búp bê, to bằng người thật mà mẹ từ chối không chịu mua cho tôi chơi. Sau khi khóc lóc dỗi hờn, mẹ chịu không nổi bèn dẫn tôi đi ra phố Trần Hưng Đạo, ghé tiệm cô Liên, cô Hoa bạn mẹ, mua cho tôi một con búp bê nhỏ xíu, tóc dài vàng tơ như râu bắp. Con búp bê này cũng là một vật khắng khít trong tâm tư tôi, vì từ đó tôi bắt đầu nhận những bài học cắt may đầu đời mẹ dạy, để tôi may áo quần cho cô em bé tí hon này.

Huế trong lòng tôi như một thiên đàng tươi mát qua lời thơ Hàn Mặc Tử:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên,
Vườn ai ngát quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Tôi mơ một ngày nào tôi được về thăm thôn Vỹ Dạ, để tìm lại hồn thơ xanh mướt ngày xưa.

Hôm kia, thuyền trôi trên vịnh Hạ Long, sương mù giăng mờ mặt biển, những đảo nhỏ nhạt nhòa như cảnh tiên.

Diễm, một cô bạn đồng hành trẻ tuổi chợt hỏi tôi:

“Cô có nhớ bài thơ sương mù áo trắng gì đó không?”

Tôi nhíu mày suy nghĩ và buột miệng:

Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra,
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà

Giờ đây, lòng tôi cũng khói sương mờ nhạt, rạo rực bồi hồi trước phút giây tương phùng với Huế. Tâm tư ngại ngùng như sắp tương ngộ tình nhân.

Máy bay lượn mấy vòng trên không trung trước khi đáp xuống sân Phú Bài. Huế trải rộng, xanh ngát cỏ cây, cồn cát trắng tinh thấp thoáng chen lẫn với những ngọn đồi thông xanh. Xa xa biển xanh mông mênh đến chân trời. Rời sân Phú Bài, xe chạy qua An Cựu trên đường về khách sạn. Khí hậu thật là oi bức nhưng nhờ có máy lạnh trên xe nên không nghe ai than van. Khách sạn Thanh Lịch là một khách sạn nhỏ, giá cả trung bình, sạch sẽ và có máy lạnh nên nhiều khách ngoại quốc ở. Vừa đặt chân vào cửa, chúng tôi được nhân viên khách sạn đón tiếp nồng nhiệt. Người tặng hoa, người trao khăn lạnh, kẻ mời nước. Giọng Huế nghe ngọt ngào dể thương chi lạ.

Tôi nôn nóng muốn gặp người em gái, cô từ Nha Trang ra Huế, cô đang ở nhà ông chú để chờ tôi. Chị em tôi thuở nhỏ hay về thăm ông nội, từ ngày ông nội qua đời, tôi chỉ mới mười tuổi và sau đó không có dịp về thăm Huế nữa. Chuyến du hành này, tôi muốn chia xẻ với em mình để cùng nhau nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu. Người quản lý khách sạn lập tức cho nhân viên cỡi xe gắn máy đi đón cô em tôi, nửa giờ sau cô về khách sạn để cùng ăn tối.

Chị hướng dẫn mời chúng tôi ra xe, lúc bấy giờ tôi mới khám phá ra là mình được đi bằng xích lô đạp. Một đoàn mười mấy xe đậu sẵn chờ đợi chúng tôi, lúc ấy chúng tôi tuy hơi khoái chí nhưng vẫn còn ngượng ngập lắm. Nhiều người trong đoàn ở ngoại quốc trên mấy mươi năm, cảm thấy ngại ngùng khi thấy người phu xích lô đạp gầy còm, cong lưng mệt mỏi đạp chiếc xe nặng nhọc, nhất là khi mình béo mập quá. Chị hướng dẫn biết ý trấn an chúng tôi để bọn tôi dẹp bớt mặc cảm mà trèo lên xe.

Đoàn xe từ từ chuyển bánh, những anh phu xe biến thành những anh hướng dẫn du lịch. Họ vừa đạp xe vừa huyên thuyên chỉ trỏ cho chúng tôi những địa danh này, phong cảnh nọ. Họ ý tứ đưa những cặp vợ chồng đến gần nhau để chúng tôi chụp ảnh lẫn nhau hoặc inh ỏi chuyện trò. Bỗng chốc tôi quên đi những xao xuyến cũ. Gió mát, cảnh xưa làm mọi người vui vẻ, hồn nhiên cười nói. Anh Tuấn ngày xưa đã từng học mấy năm ở Huế nay có dịp nhớ lại cảnh xưa. Anh chỉ cho tôi ngôi trường xưa anh học, Dòng Chúa Cứu Thế anh xem lể, trường Quốc Học, trường Đồng Khánh, trường Jean d’ Arc. Anh phu xe chỉ cho chúng tôi những dinh thự mới và những con đường nay đã thay tên đổi họ, vài ngôi trường xưa nay không còn hiện diện. Tuấn chỉ cho tôi biết “Vườn Đoát,” một công viên râm mát với những cây đoát, hình dáng từa tựa cây dừa, nơi anh đi họp sói con hướng đạo. Đoàn xe chạy vào thành nội, đường vào thành, hai bên là hồ sen, bên hồng, bên trắng. Con đường nhỏ trước Đại Nội, hai hàng cây phượng vĩ cành lá giao nhau xanh tươi thơ mộng. Anh tài cho biết đây là con đường phượng bay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi ngậm ngùi cảm xúc, nhìn lên mái Đại Nội rêu phong cổ kính. Chừng như hồn ma xưa vẫn còn tha thướt đi trên những hành lang vắng. Những khuôn mặt cung phi, mỹ nữ thấp thoáng đâu đây trên lầu các của thời vương giả vàng son.

Bên lề đường, những khẩu thần công im hơi lặng tiếng.

Tôi chợt thắc mắc:

“Không biết súng này còn dùng được không?”

Anh phu xe cười khanh khách:

“Chừ mình có còn bắn ai mô mà cần biết?”

Tôi cũng cười khi nhớ lại rằng chiến tranh đã thành một quá khứ xa vời. Những người tôi tiếp xúc bây giờ làm việc trong khách sạn, lái taxi… phần lớn là những thanh thiếu niên lớn lên thời hậu chiến. Riêng tôi, tôi là người tiền chiến, tôi già cỗi như một cây cổ thụ, thảo nào tôi cảm thấy thật bơ vơ.

Ngoại thành, xe cộ đông đúc, di chuyển qua cầu Tràng Tiền như một dòng nước lũ cuồng nộ, không giống như dòng sông Hương muôn đời một nhịp chầm chậm, lặng lờ. Mặt trời từ từ lặn, dưới sông vài chiếc đò trôi nhè nhẹ. Gần bờ, một lũ trẻ cười đùa bơi lội. Những ráng trời đỏ vàng từ từ đổi thay màu sắc, khi màn đêm vừa bao trùm xứ Huế thì chúng tôi vừa đến khách sạn Hương Giang. Xuống xe, mọi người ríu rít móc tiền ra tặng cho những người phu xích lô mặc dù họ được trả tiền bởi công ty du lịch. Chúng tôi cám ơn chị hướng dẫn đã cho chúng tôi một chuyến du hành thật là thú vị và nhờ đó, Huế một lần nữa, lại len lỏi vào tâm tư tôi như một lời ru ngọt.

Khách sạn Hương Giang trang hoàng thật là sang trọng theo kiểu Á Đông, nằm ngay bên bờ sông Hương, phía sân sau là chỗ đáp thuyền. Trời đã tối nên tôi chỉ quan sát qua loa thì thấy có hồ sen, thủy tạ, có chiếc cầu cong bắc qua hồ và các chậu cây kiểng rải rác trang hoàng trong sân. Đang ngắm cảnh, bỗng dưng tôi nghe tiếng nhạc du dương phát ra từ một chiếc thuyền rồng vừa cập bến. Tôi tò mò chạy tới, thấy một đoàn người mặc áo xiêm vua chúa, quan viên, lính hầu, thị nữ bước xuống thuyền với đoàn lữ nhạc. Thì ra đây là đám rước cung đình. Du khách trong nhóm này toàn là người ngoại quốc, mặc áo quần vua chúa, đi thuyền rồng ăn cơm tối, nghe trình diễn nhạc Huế mới về. Đây là một cách vừa quyến rũ du khách vừa phổ biến được văn hóa Việt qua cách ăn uống và âm nhạc.

Bữa cơm tối tại Hương Giang, chúng tôi được dùng những món đặc biệt quê hương như thịt heo luộc kẹp rau sống, khế chua, chuối chát, trái vả xắt mỏng ăn với mắm tôm chua; canh măng chua, cá kho nước, nem, chả, rau xào, ôi thôi là nhiều món ăn kể ra không hết. Bánh su sê và bánh ít đen được dọn ra tráng miệng. Bánh su sê gói trong lá dừa, vỏ bánh là một cái hộp vuông vức, nắp hộp lớn hơn một chút để đậy kín chiếc bánh. Bánh làm bằng bột bình tinh trộn với sợi dừa thái mỏng như sợi chỉ, bao chung quanh nhân đậu xanh, những sợi dừa trắng quấn quít giữa làn bột trong làm chiếc bánh vừa giòn vừa bùi. Bánh ít đen gói trong lá chuối nho nhỏ vừa ăn, là một món ngày xưa tôi rất ưa chuộng. Mỗi ngày giỗ ông bà, cô Khánh hoặc bà dì thường dẫn tôi đi hái lá gai về làm bánh. Lá gai mọc đầy xung quanh hàng rào nhà nội nên chỉ chốc lát chúng tôi đã có đủ dùng. Lá này được giả nhỏ ra để làm bánh nên bánh có màu xanh đen. Giữa làn bột đen là nhưn đậu xanh vàng tươi trộn với dừa sợi. Ngày xưa còn bé, tôi gọi bánh này là bánh “cứt ngựa,” mỗi khi ông Nội tôi được mời đi ăn giổ, ông luôn luôn mang bánh này về cho đứa cháu cưng. Mẹ tôi cứ la tôi mãi vì cách dùng chữ không nhã nhặn của tôi. Mẹ bảo: “Con không được gọi ‘bánh ít đen’ là ‘bánh cứt ngựa hoặc ‘cà tím’ là ‘cà dái dê’ nữa vì những danh từ đó không thanh nhã.” Thế nhưng mỗi lần không có ai nghe, tôi lại đem những danh từ ấy ra để trêu ghẹo mẹ, mẹ biết vậy nên lắc đầu tủm tỉm cười. Mẹ hiểu rằng những điều nho nhỏ vấn vương trong ký ức của tôi toàn là những điều liên hệ đến những ngày ấu thơ sống bên ông Nội. Ông Nội tôi trong bộ áo quần nhiễu trắng, đội mũ nỉ xám, đứng chờ tôi trước cổng trường là một biểu tượng cho xứ Huế cổ kính muôn đời.

Buổi tối hôm ấy, chị Thư và anh Thạch, hai người hướng dẫn du khách rủ chúng tôi đi hát Karaoke. Ẩn với Diễm là cặp vợ chồng trẻ trong đoàn du lịch, rất thích hát nên chúng tôi theo họ đi chơi. Tôi rất tò mò vì trong đời, chưa bao giờ đi vào tiệm Karaoke nào cả. Tiệm này có máy lạnh nên được chúng tôi chiếu cố; trời đêm thật oi bức, thở cũng không nổi huống chi là hát xướng. Tiệm này từa tựa như một motel nho nhỏ vùng ngoại ô Arizona. Trong mỗi phòng riêng, trang bị một bộ ghế bành êm ái, cái bàn thấp có những cuốn tập liệt kê số thứ tự và tên bản nhạc. Cuối phòng để một máy truyền hình, máy nhạc và micro. Người chiêu đãi viên dọn nước uống và mở máy nhạc cho những ca sĩ Việt kiều du dương mấy nhịp tơ đồng. Sau khi “hét” được một giờ, ca sĩ bắt đầu ngáp vặt nên dọn dẹp ra về.

Trời dù đã khuya, khí hậu vẫn còn oi bức lắm. Đường sá vắng dần xe cộ, tiếng còi xe, tiếng động cơ vận chuyển không còn vang động nữa. Chúng tôi đi bộ trên đường, bóng cây đen đổ trên mặt lộ loang lổ. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, bọn trẻ con còn đuổi bắt, tìm kiếm nhau, tiếng cười khúc khích trong bóng tối. Người lớn ngồi trên thềm cửa chuyện trò, tay phe phẩy quạt, tay đập muỗi lép bép. Những hình ảnh này sao quen thuộc quá, dường như mấy mươi năm trước, mẹ tôi, ba tôi là những người lớn ấy và tôi mới chỉ là một đứa bé con, cười giỡn hồn nhiên, chơi trốn bắt dưới bóng lá trúc đào của những ngày hè dĩ vãng. Tôi vươn vai, hít thở mùi hương ngọc lan thoang thoảng, ngửa mặt nhìn trời, tinh tú ngời sáng như kim cương. Tôi muốn lòng mình được thấm nhập những hình ảnh, hương vị, thanh âm của một đêm nhiệt đới để những giây phút này trở thành kỷ niệm, như chút hành trang mới của đời mình.

Sáng hôm sau thức dậy, khách sạn cho ăn bún bò Huế, món này được nấu riêng để đãi du khách Việt. Ăn sáng xong, chúng tôi được đưa đi thăm chùa Thiên Mụ. Xe chạy qua Kim Long, cô Mai Hà, một nữ giáo sư Việt Văn, làm thêm nghề hướng dẫn viên du lịch, nói năng rất văn hoa chải chuốt, giọng Huế du dương, ngọt ngào. Cô đọc thơ, kể chuyện lịch sử, thật là hay. Cô bảo rằng vùng Kim Long nổi tiếng nhiều cô gái đẹp, chính nhà vua cũng đã phải lòng một cô gái Kim Long và rước cô về làm Hoàng Hậu, tiếc rằng xe chạy nhanh quá, đi qua Kim Long mà tôi chả thấy được bóng dáng mỹ miều nào! Chùa Thiên Mụ xây bên bờ sông, xe vừa đậu, tôi vội vàng nhảy xuống xe, đi rảo một vòng dưới bến để chụp vài tấm hình kỷ niệm. Cảnh chùa thật là yên tĩnh, trong sân chùa, vài chú tiểu nhỏ quanh quẩn làm việc, thấy tôi muốn chụp hình, mắc cỡ trốn sau những bức tường, hoặc len lén nhìn qua khung cửa hẹp. Quanh sân, nhiều cổ thụ cao rậm che bóng mát, phong lan bám dọc theo thân cây, phô trương những chùm hoa tươi thắm, hơn hẳn những cây phong lan yếu ớt mà tôi đang săn sóc nâng niu trong nhà kính cả năm mà chẳng có được đóa hoa nào. Mấy cây mít, trái treo lủng lẳng ngang tầm mắt thật quyến rũ, chúng tôi đứng ngắm, thèm chảy nước miếng.

Tôi đứng trên chùa, nhìn ra dòng sông Hương chảy êm đềm sau hàng phượng vĩ, những con đò lướt trên mặt nước nhẹ nhàng, thanh thoát… Tôi bỗng có ước vọng cho thời gian ngừng lại, để dòng đời tôi được như con thuyền xuôi mái nước, trôi đi trong an bình cho tôi khỏi phải trở lại với cuộc đời bận rộn của mình, một cuộc sống không đủ thời giờ cho tôi ăn, ngủ, đọc sách, chụp hình, làm thơ và mơ mộng…

Cảnh chưa ngắm đủ thì đã bị mời lên xe đi thăm chùa Từ Đàm. Chưa bao giờ được thấy chùa Từ Đàm nhưng trong lịch sử đấu tranh của Phật giáo, Từ Đàm qua trí tưởng tượng của tôi gần giống như một thánh địa, một ngôi chùa thật là vĩ đại. Trái hẳn với sự tưởng tượng của tôi, Từ Đàm chỉ là một ngôi chùa nhỏ, cổ kính, nằm sau một sân rộng, cây bồ đề to lớn che rợp một phía sân trước. Sau khi lễ Phật xong xuôi, chúng tôi tụ họp trước sân chụp hình kỷ niệm thì một chị bán chè cũng vừa quảy gánh dừng chân. Biết Tuấn và cô bé Diễm có tánh hảo ngọt nên tôi gọi hai người đến ăn chè. Cả đoàn xúm vào, ngồi dưới bóng cây, ăn chè một cách vui vẻ. Chị Thanh, người trưởng đoàn hôm nay mặc bộ bà ba, xin phép cô bán chè cho ngồi sau gánh chè giả bộ bán hàng để chụp hình cho vui. Ăn chè xong, mọi người lên xe đi qua chùa Từ Hiếu.

Chùa Từ Hiếu tọa lạc trong một khu vắng vẻ, cây cối xanh ngắt. Trước cổng chùa, bọn trẻ con bán nhang đèn, quạt giấy, đồ thủ công nghệ ríu rít chào mời. Vào trong chùa, những chú tiểu nhỏ đang bận bịu trải chiếu, vắt khăn, thì ra sắp đến giờ thọ trai của tăng sư. Tăng trưởng ra trò chuyện với chúng tôi, ngoài phần cúng dường, tài trợ của Phật Tử, tài chánh của chùa phần lớn do sức lao động của chư tăng. Họ làm ruộng, trồng rau cải để dùng. Đúng ngọ, chư tăng mặc áo vàng, bắt đầu tụng niệm và di chuyển đến nhà trai, tôi đứng ngoài hành lang, chụp mới được có vài tấm hình thì lại bị thúc hối ra đi. Bất cứ địa danh nào, tôi cũng là người sau cùng leo lên xe bus, tôi không được thỏa mãn sở thích chụp hình của mình vì sợ người khác cằn nhằn.

Rời chùa, chúng tôi cũng được đi thọ trai ở “Tịnh GiaViên.” Gọi thọ trai là đúng, vì thực phẩm đều nấu bằng rau trái. Các món ăn trang hoàng lạ mắt. Món chả Phượng được trang hoàng như một con chim phượng đủ đầu đuôi lông cánh. Dĩa cơm giống như một con rùa vàng, trên dĩa bầu dục một con rồng phun lửa, lưỡi là mấy miếng ớt đỏ rực… Ngoài sự đẹp mắt, thức ăn rất ngon, ít chất béo và không ai biết được đây là những món đồ chay. Tịnh Gia Viên không phải là một tiệm ăn thuần túy mà là một biệt thự im mát, nằm trong một con đường nhỏ. Chung quanh sân, cây cối đủ loại, nhất là những cây kiểng uốn nắn công phu vừa chưng vừa bán. Bà chủ thuộc dòng hoàng phái, có nhiều kinh nghiệm về dinh dưỡng nên nấu các món ăn kiêng đặc biệt ít chất béo. Bà mặc áo dài, ra nói chuyện với chúng tôi trước khi chia tay.

Trời nóng như đổ lửa, chị hướng dẫn muốn đưa chúng tôi về khách sạn nghỉ trưa nhưng chúng tôi không ai chịu về. Cơ thể chúng tôi hầu như đáp ứng với sinh hoạt hàng ngày khác hơn những người địa phương. Không ai cảm thấy mỏi mệt, không ai muốn được ngủ trưa nên chúng tôi yêu cầu được đưa đi chơi tiếp.

Đến Hoàng cung giữa cơn nóng cháy da, mọi người hăng hái cất bước, chẳng than thở, phiền hà mặc dù phải leo lên cả mấy chục bậc thang lầu vọng cảnh. Trên lầu, mấy anh nhiếp ảnh dạo ngồi ngả nghiêng xiêu vẹo, dựa cột hóng gió hoặc ngủ gà, ngủ gật. Thấy du khách đến họ lật đật nhỏm dậy chào mời chụp hình kỷ niệm. Hoàng cung đang được trùng tu lại, ngoài sân điện, hoa sứ trắng trồng chung quanh hồ sen, mặt hồ im lìm như một tấm gương phản chiếu những búp sen nghiêng mình trên mặt nước. Hàng cây cổ thụ cao lớn, tàng lá rậm rạp, che bóng bên đường. Tôi nhìn lên những tàng lá xanh thầm nghĩ: “Nếu có mắt, hàng cây này đã chứng kiến được bao nhiêu là cảnh vật đổi sao dời, bao nhiêu hình ảnh tiền nhân, một thuở hiên ngang với ngựa xe, cờ quạt…

Tiếng sỏi nghiến dưới gót giầy rào rạo, nhạc ve sầu râm ran rung chuyển trong trí não, rên rỉ trong màng nhĩ làm tôi nhắm mắt bịt tai, người rần rật như lên cơn sốt, cho đến khi quen dần với âm thanh vô tận của mùa hè xứ Huế. Chúng tôi đi dạo trong một số dinh thự, dừng chân tại quầy bán hàng kỷ niệm để mua sách, tranh ảnh và những đồ thủ công nghệ. Trong một gian nhà khác, chúng tôi được mặc y phục của hoàng gia, ngồi trên ngai vàng giả để chụp hình kỷ niệm. Chúng tôi cười đùa như một đám trẻ trong ngày hội lớn. Quanh tôi, những người địa phương sao tỏ ra nghiêm trang quá; có thể vì chúng tôi đã sống nhiều năm ở một thế giới khác, tâm hồn chúng tôi thanh thản vui tươi hơn vì không quá nhọc nhằn bởi vấn đề cơm áo và có lẽ một phần nào đó chúng tôi cũng đã trở thành những người Mỹ hồn nhiên?

Từ giã Đại Nội với giọng ve sầu muôn thuở, chúng tôi đi thăm Lăng Tự Đức. Lăng Tự Đức lớn rộng, thành quách âm u, chung quanh có đồi thông xanh bao phủ. Ngoài lăng, có hồ sen, nhà thủy tạ, gió mát thổi làm tôi muốn dựa mình vào cây cột sơn son, nhắm mắt nghỉ ngơi, thưởng thức mùi hương sen thơm ngát. Theo truyền thuyết, không ai biết được áo quan của nhà vua đặt ở đâu cả để tránh bị kẻ thù xâm phạm. Trời nắng như đổ lửa, chúng tôi đứng quanh quẩn bên những cột trụ lớn, trốn nắng, lắng nghe cô hướng dẫn kể chuyện hoặc chụp hình mấy ông lính đá.

Đến lăng Khải Định, chúng tôi trèo mấy chục bậc cấp rộng lớn để vào lăng vì lăng ngự trị trên một đỉnh đồi quang đãng oai vệ. Trong điện, sàng lót đá hoa. Trên trần nhà, vách tường, cửa sổ chỗ nào cũng được trang hoàng bằng những mảnh sứ đủ màu. Những mảnh sứ này tạo thành những bức tranh long, ly, quy, phượng, mai, lan, cúc, trúc rực rỡ muôn màu. Ngoài sân, tượng đá quan quân, voi ngựa, cùng những con rồng, con phượng lớn trải thân mình uốn éo theo những bậc cấp lên đồi hoặc quấn theo thân cột.

Những lăng tẩm trên được trùng tu lại nên rất sạch và đẹp, tọa lạc phần lớn trên đồi nên phong cảnh hữu tình u nhã. Tất cả những kiến trúc này đều nhuộm màu thời gian xám xanh cổ kính. Ngồi trên bậc thềm, nhìn xuống bóng cô Mai Hà đi trên sân gạch, tà áo dài tha thướt, đội chiếc nón bài thơ, lòng tôi bồi hồi như đang vượt thời gian, trở về một quá khứ xa xôi, khi tôi còn mang áo trắng học trò, ôm sách vở trong tay, thẩn thơ trên con đường cây xanh, dưới nắng hanh vàng của những ngày xưa thân ái.

Rời lăng Khải Định, chúng tôi muốn đi ăn những món đặc biệt của xứ Huế nên được đưa đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để ăn bánh bèo Mụ Đỏ. Hỏi thăm về Mụ Rớt thì được biết Mụ Rớt đã quy tiên nên chúng tôi không được nếm bún bò Mụ Rớt. Danh từ “bún bò Mụ Rớt” từ lâu đã nổi tiếng trong ngôn ngữ Việt, biết đâu ngày nào đó, “Bánh bèo mụ Đỏ” cũng sẽ trở thành một chứng tích vang lừng, biểu hiện cho khẩu vị của người Việt Nam sành điệu.

Đến tiệm, chúng tôi chia nhau ngồi xuống những chiếc ghế thấp, nhà hàng lập tức bưng ra mấy đĩa chả tôm vừa ngọt vừa giòn, tiếp đến là một khay tre đầy những chiếc bánh bèo chén nhụy tôm tươi hồng nhạt, tóp mỡ vàng lườm, một chút hành lá xanh, bánh vừa hấp xong còn nóng hổi. Nước mắm chấm màu vàng nhạt, trong vắt, ớt xanh tươi, xắt mỏng hương vị thơm nồng. Chan một thìa nhỏ vào chén, vừa ngập tấm bánh mỏng, vừa húp vừa nhai, ăn bao nhiêu cũng không thấy đủ. Chưa ăn bánh bèo xong, một khay đầy bánh nậm, bánh bột lọc đã xuất hiện trên bàn. Bánh bột lọc từng cái nho nhỏ vừa ăn, gói bằng lá chuối, trong là bột bình tinh mềm mại với con tôm nhỏ và miếng thịt ba chỉ làm nhân. Bánh nậm gói trong tấm lá dong, có cái to, cái nhỏ tùy theo khổ lá trông rất ngộ nghĩnh bình dân. Ngày xưa khi mẹ dạy tôi làm những món bánh này để kỵ giỗ, mẹ bắt xé những tấm lá chuối bằng nhau nên những chiếc bánh đều đặn đàng hoàng, lịch sự. Bánh này được làm bằng bột gạo, nhân tôm thịt bằm, hình dáng như một phong thư dài dài nho nhỏ. Tôi rất thích ăn bánh nậm, ngày xưa mỗi lần chị em tôi bệnh hoạn ủ ê, mẹ thường mua bánh nậm để dỗ dành, sợ con làm biếng ăn rồi ốm yếu. Mẹ bảo ăn bánh này tốt hơn cơm cháo, và nhất là bà chẳng cần tốn thì giờ dỗ dành cho lắm. Bây giờ tôi đã lớn và mẹ đã già, vai trò thay đổi, mỗi khi mẹ than đau mệt, tôi lại đi mua bánh nậm về cho mẹ ăn. Bánh nậm, cháo gà, khoai tây nghiền chan nước xốt có giá trị tương đương với các loại thuốc men, được dùng thường xuyên để trị bệnh làm nũng của tôi và bệnh biếng ăn của mẹ.

Vừa ăn một bụng no nê, chúng tôi phải vội vã lên xe, trở về khách sạn để thay áo xống đi dự tiệc cung đình. Dù không muốn tham dự vì trời nóng và quá no nhưng không muốn làm phật lòng bạn bè nên tôi đành mặc thêm bộ áo dài khăn đóng ngoài bộ đồ ngắn của mình. Máy lạnh chạy ào ào mà vua chúa quan viên ai cũng mồ hôi nhể nhại. Bộ vía của tôi vừa rộng vừa dài, cái khăn đóng thì cứ sùm sụp xuống che hai con mắt. Tôi thích chụp hình nên chạy lăng quăng, lòng bực bội vì trang phục, không tỏ ra đàng hoàng đứng đắn như mấy vị quan viên khác. Các vị ngồi ăn đàng hoàng, có thị nữ cầm quạt, sĩ tốt rót nước ngọt, gắp đồ ăn. Quan chỉ cần nhai chỏm chẻm trong khi thưởng thức các giọng ca, tiếng đàn điêu luyện của các cô ca sĩ, nhạc sĩ trình diễn đến từ câu lạc bộ Huế. Đoàn cổ nhạc gồm năm nhạc sĩ, mặc áo dài khăn đóng, sử dụng nhạc khí cổ điển và ba cô ca sĩ rất duyên dáng, mặc áo dài hoa lụa, khăn vành. Ai cũng thích thú với phần trình diễn nhạc. Thức ăn ngon lành và cầu kỳ không kém bữa ăn trưa nhưng chả mấy ai thưởng thức nổi vì bụng còn no quá. Ăn xong, trả áo quần cho nhà hàng, chúng tôi được đi thuyền trên sông Hương để thưởng thức phần trình diễn tiếp theo của đoàn ca nhạc. Thuyền chạy đến giữa dòng sông thì tắt máy thả neo. Giữa sông, đêm đen như mực, hai bên bờ sông đèn điện nhấp nháy xanh đỏ lung linh. Trong cảnh thinh lặng ấy, tiếng mái chèo khuấy nước của những chiếc ghe nhỏ lướt nhẹ trên dòng nghe rào rạt. Tiếng ca Huế thánh thót bên tai của những cô ca sĩ trẻ trung kiều diễm làm hồn tôi man mác, bàng hoàng. Tôi bỗng thấy xa xa, những điểm sáng đèn xuất hiện trôi bồng bềnh theo dòng nước sông, nhìn kỹ thì ra đó là đèn hoa đăng được thả xuống từ một chiếc thuyền rồng khác. Một lúc sau, ca sĩ nghỉ hát, họ đem đèn ra thắp và mời chúng tôi ra thả đèn. Khi thả đèn nên cầu lên một lời nguyện ước. Nhìn những ánh đèn vàng ấm, bồng bềnh trên sông, tôi thì thầm ước nguyện cho những giây phút bình an trong hồn tôi được tồn tại suốt đời.

Sáng hôm sau, đoàn du khách chia tay nhau tản mác đi nhiều vùng trên đất Việt. Tôi ở lại Huế thêm một ngày nữa để thăm viếng họ hàng. Những ông chú của tôi bây giờ đã cao tuổi, lần thăm viếng này biết đâu là lần gặp cuối cùng. Bao nhiêu năm trôi như bóng câu qua cửa sổ, giống như chàng Lưu Nguyễn ngày xưa, chắc tôi cũng sẽ ngỡ ngàng lạc lõng trước cảnh vật đổi sao dời.

Ngày cuối cùng ở Huế, tôi lang bang từ nhà này qua nhà nọ, thăm viếng họ hàng, tặng thuốc, tặng quà cho mấy ông chú, đi ăn cơm Âm Phủ với cô em họ, tạt qua chợ Đông Ba mua nhãn, mua mè xửng, hạt sen để đem về Mỹ làm quà.

Sau bữa cơm trưa, tôi ghé thăm chú Kỷ, người chú ruột độc nhất của tôi. Chú tôi vẫn sống trong căn nhà của ông Nội, căn nhà đã hư nát, điêu tàn. Chú mừng rỡ nói chuyện huyên thuyên, chú đưa tôi đọc những cuốn sách chú viết, chú giải thích những hình ảnh tổ tiên trên bàn thờ và những ngày kỵ giỗ. Chú cháu tôi ngồi trước thềm nhà, lắng nghe tiếng ve ve rộn ràng inh ỏi trên những tàng lá xanh. Tôi thẫn thờ dạo quanh sân tìm kiếm những di tích xưa cũ. Tấm bình phong và cây mai vàng không còn nữa, hồ cá phi rạn nứt, trong đáy hồ có một đám khoai môn lá tươi xanh mơn mởn. Cây vải nay đã già cỗi héo hon, không còn ra trái nữa, gốc cây hằn những dấu sẹo cũ. Những cây mít sau vườn trái treo lủng lẳng nhưng cũng có vẻ xác xơ gầy guộc. Khu vườn sau chú cho hàng xóm mượn một khoảng để trồng hoa huệ. Những luống hoa đều đặn, cành xanh cao nhu nhú những búp hoa non. Khoảng đất còn lại gập ghềnh những ổ mối, tổ kiến và lá khô, cành mục. Tôi lẳng lặng quay vào, lòng xót xa buồn bã. Trong căn nhà hư nát, gian giữa là bàn thờ tổ tiên, kế bên là giường ngủ của chú, che bởi cái mùng lính sùm sụp cũ kỹ. Một sợi dây thép giăng giữa hai cây cột là chỗ treo những mảnh quần áo của chú. Chung quanh những bàn gỗ thấp sách báo chất đầy ngập. Trên trần nhà những miếng ngói bể đưa tia sáng mặt trời dọi xuống sàn nhà, khi tôi bước qua, bụi vàng bay lên lóng lánh.

Thanh Tuyền, cô em họ tôi thở than:

“Chị biết không, bác thật là gàn bướng, mấy lần bọn em muốn xây cho bác một cái phòng mới để bác ở cho khỏi sợ giông tố sập nhà mà bác không chịu cho xây. Mỗi khi bác có tiền, bác cứ cho người này kẻ nọ mà không chịu mua gạo ăn, ai nói chi cũng không chịu nghe hết…”

Chú gần tám mươi tuổi, thể xác còn mạnh khỏe, nhưng tinh thần thì kém cỏi nhiều. Ngày xưa chú nói và viết bốn năm thứ tiếng, bây giờ khi chú viết, một câu nửa Mỹ, nửa Tây. Ngày xưa chú cõng tôi trên vai, đi dạo làng trên xóm dưới, bây giờ chú nắm tay tôi kéo đi xềnh xệch:

“Đi ra đây, chú giới thiệu mấy người hàng xóm cho họ biết về nguồn viện trợ của chú ở Huê Kỳ, lỡ mai mốt tau thiếu gạo ăn, họ cho mượn mà không sợ mất!”

Chú càu nhàu:

“Răng mi chụp hình chi mà loạn rứa, phim mô mà mi có nhiều rứa? Đừng chụp cho lắm mà uổng phim!”

Chú đối xử với tôi như là hai chú cháu chưa có một ngày nào cách biệt. Chú kéo tôi ra đường. Ngôi trường tiểu học trước nhà ông nội nay đã thành một tiệm bán tạp hóa, đủ cả than củi, gạo, muối. Mấy người hàng xóm vui vẻ bước ra chào đón hỏi han. Chú bảo tôi chụp hình người này người nọ; mấy cô con gái trẻ che mặt thẹn thuồng, nấp sau hàng cột, gọi mãi mới bước ra. Bỗng dưng có một chị đàn bà sồn sồn từ xa che nón lá lon ton đi tới, chị tò mò nhìn chúng tôi. Chú chỉ vào mặt chị, truyền lệnh:

“Chụp cho chị cán bộ ni một tấm hình!”

Nghe chữ cán bộ tôi giật mình đánh thót nhưng cũng mỉm cười làm tỉnh, gật đầu chào và nâng máy hình lên nhắm. Chị cúi mặt, che nón, xua tay từ chối, đi thật nhanh vào con đường kiệt. Chú nhìn tôi tủm tỉm cười.

Tôi đi bộ qua thăm nhà thờ. Nhà thờ này của dòng họ tôi xây, dùng làm chỗ cho con cháu tụ họp cúng giỗ. Lúc còn bé, đây là một nơi tôi được gặp các anh chị trong họ. Chúng tôi gần bằng tuổi nhau, được dịp phá phách đùa chơi thỏa thích. Tôi thường cỡi trên lưng con kỳ lân bằng đá trang trí hai bên thềm. Bây giờ mấy con kỳ lân không còn nữa, cổng Tam Quan bể nứt, cỏ dại mọc đầy vườn. Cái đỉnh hương lớn giữa sân thì hương tàn khói lạnh, vài cây hoa dại héo hon mọc giữa những viên gạch lót thềm. Trong vườn, cỏ cao tới đầu người, những cây thầu đâu lá lăn tăn làm hồn tôi cũng ủ rũ.

Nhà thờ ngày xưa có ba khu vực: một gian nhà riêng là chỗ ở của ông thầy cúng. Một nhà trai là nơi ăn uống gồm có nhà bếp lớn để các bà tụ họp nấu cao lương mỹ vị. Một gian khác là nhà thờ chính với bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật, có lư hương, ảnh tổ tiên, đèn, nến… bây giờ họ hàng tôi tản lạc bốn phương, ba tôi là đích tôn thì đã thất lộc từ lâu, mấy chú bác thì ai cũng trở thành già nua, con cháu trẻ thì nghèo, đi làm ăn chốn khác nên không ai lo cho nhà thờ nhiều nữa.

Tôi đứng trong sân, nhìn những giọt nắng vàng lung linh qua những tàng lá rậm, lòng ngậm ngùi xót xa nhớ tới những tháng ngày êm đẹp cũ. Bên tai tôi văng vẳng những tiếng cười đùa của bọn trẻ con, tôi hình dung ông nội trong tấm áo the đen cùng với ba tôi, ngồi rung đùi, ngâm thơ, nhâm nhi những ly rượu đắng, tiếng cười họ sang sảng trong những buổi họ hàng sum họp ngày nào. Ký ức làm nước mắt tôi dâng ngập mi, trái tim tôi nặng nề buồn bã, tôi rời nhà thờ, trên lối mòn phủ rêu xanh, bước chân thẫn thờ, xiêu vẹo.

Băng qua đường là bờ sông, tôi ngồi xuống tảng đá lớn dưới bóng tre xanh, nhìn mấy chiếc đò nhẹ nhàng trôi, một cô gái giặt áo quần bì bõm cạnh đám lục bình hoa tím. Tôi không muốn rời khỏi nơi này, một trong những góc nhỏ của quê hương tràn đầy kỷ niệm. Một khi tôi cất bước ra đi, ba mươi năm sau mới có dịp trở về thì lâu lắc quá. Đến lúc tôi phải chia tay chú, ông chú già của tôi miệng cười méo xẹo, nước mắt rưng rưng, từng giọt chảy từ từ trên đôi má nhăn nheo. Ông ôm tôi mếu máo:

“Thôi con cứ đi bình yên, đừng khóc nhiều hỉ… cho chú gởi lời thăm mạ…”

Tôi gật đầu, quay lưng trèo lên taxi, vẫy tay chào chú. Xe chầm chậm chuyển bánh, tôi nhìn lui, chú đứng lom khom, già nua, tóc bạc, quần ống thấp ống cao, bàn tay che ngang mày hấp him nhìn theo đứa cháu… Không biết bao giờ tôi mới trở về thăm chú nữa, một mai chú như những hạt bụi ký ức, biến tan, vùi lấp trong lòng đất quê hương.

Chiều hôm ấy, chúng tôi đi Thuận An. Biển Thuận An không đẹp bằng Nha Trang hoặc Đại Lãnh, không có cây cối nhiều. Hàng ăn bán nhiều hải sản nhưng chúng tôi không cảm thấy hứng thú ngồi đây để ăn uống nên chỉ đi một vòng rồi trở ra xe. Trên đường về lại thành phố Huế, tôi đi ngang Tân Mỹ, một thị xã nổi tiếng về trứng vịt lộn. Dọc theo đường xe chạy, nhiều đống rơm rạ lớn đang được đốt để lấy tro. Sau lũy tre thấp thoáng một dòng sông nhỏ với những lưới cá giăng ngang. Tôi kêu xe ngừng lại bên lề, cầm máy ảnh bước xuống bờ sông. Nối liền hai bờ sông là một chiếc cầu mỏng, đủ để đẩy được một chiếc xe bò. Tôi đứng trên cầu, chụp hình những tấm lưới giăng trên mặt nước bằng những cột tre cong dài, ốm yếu. Một người đàn ông trung niên, da sạm nắng, dắt chiếc xe đạp với đứa bé con, ngồi chễm trệ trên ghế sau, nó ngoái cổ tò mò nhìn tôi, đôi mắt tròn đen ngộ nghĩnh. Một đám trẻ con đi học về, cười khúc khích, tinh nghịch nhảy nhót trên cầu làm chiếc cầu rung rinh chuếnh choáng.

Sợ xe chờ lâu, tôi vội vã đi ra, nuối tiếc nhìn những tia nắng chiếu vàng vọt trong đám lá tre xanh, những sợi lưới ửng lên màu tơ vàng óng, phản chiếu trên mặt sông phẳng lặng. Bên kia đê, một lũ trâu bò chậm rãi về làng, chỉ thiếu tiếng sáo diều trong gió để hoàn thành bức tranh quê.

Chiều cuối cùng ở Huế, chúng tôi lại đi thăm Mụ Đỏ một lần nữa để thưởng thức lại các thứ bánh bèo, bánh nậm để ngày mai lại cất bước dong chơi trên đường thiên lý với hành trang thêm một túi ắp mè xửng, kẹo gương.

Xe đón chúng tôi lúc trời còn sớm. Anh Tuấn muốn đi Long Thọ để thăm viếng mộ ông bà ngoại trước khi lên đường vào Đà Nẵng. Tìm được khu đất xưa, hai ngôi mộ đá nằm trong một khu vườn riêng biệt, cây cối xanh um. Tuấn âm thầm đọc kinh cho ông bà ngoại, nhìn dáng anh trầm ngâm suy gẫm, tôi bồi hồi xúc động. Không biết anh nghĩ ngợi điều gì mà trông anh buồn bã quá. Tôi đến bên anh, hai vợ chồng cùng đọc mấy bài kinh trước mộ… chung quanh tôi, tiếng gió ban mai rì rào nhè nhẹ, một con gà mẹ dẫn lũ gà con xào xạc lục lọi dưới gốc tre, mùi hương cỏ dâng lên ngai ngái…

Rời Huế, chúng tôi đi ngang qua Cảng Chân Mây. Chân Mây là một làng đánh cá nhỏ dưới chân đèo Hải Vân. Tôi yêu cầu xe ngừng bên lộ, bước xuống con đường đất nhỏ giữa đám ruộng dẫn ra biển. Mặt nước biển chỗ này mờ đục như một bãi sình lầy, bao phủ bởi rong rêu bùn đất. Xa một khoảng vài trăm thước, nước trong dần nhưng vẫn cạn ngang đầu gối, có một đám ngư phủ đang làm việc. Kẻ giặt lưới, người xếp lưới, đẩy thuyền sửa soạn ra khơi. Bóng dáng họ in đậm trên nền trời, phản chiếu trên mặt biển lặng, tạo nên một bức tranh tương phản thật là đẹp mắt.

Qua khỏi cảng Chân Mây, xe chạy lên đèo, đường đèo mới được trùng tu nên êm ái lắm. Trên sườn đồi, hoa trắng nở rộ, dày như một tấm thảm trải dài xuống tận chân núi. Ven bờ biển một hàng dừa xanh viền quanh bờ cát vàng mịn, lăn tăn những con sóng bạc đầu. Xa xa, một làng chài với khu nhà thấp bé, một tháp chuông nhà thờ uy nghiêm, vươn cao như niềm hy vọng mới. Trong vịnh, những chiếc thuyền con kê mũi xúm xít như những lá tre khô, thô sơ, mộc mạc.

Từ giã Huế, lòng tôi ngẩn ngơ, luyến tiếc, tim tôi nặng nề, buồn bã. Huế xa mờ dần, nhạt nhòa trong mắt tôi như một giấc mơ êm ái. Tôi tự hứa một ngày tao ngộ, tôi sẽ chầm chậm rảo bước trên đê, ngồi bên sông đón ánh chiều tà, lắng nghe tiếng sáo dìu dặt đêm khuya, bâng khuâng theo tiếng chuông chùa trầm bổng hoặc chèo chiếc thuyền lá tre nhỏ xíu theo dòng nước bạc quê hương. Từ chiếc máy phóng thanh cũ kỹ trong xe, tiếng nhạc thánh thót bên tai:

… Về đây khi mái tóc còn xanh xanh
về đây với mùa gió ngày lang thang,
về đây nhé, cắm xong chiếc thuyền hồn…

Đôi mắt tôi cay, lòng man mác buồn. Thuyền hồn tôi đã tìm ra bến cũ nhưng tôi vốn là cánh chim trời, nên một lần nữa, tôi ngẩng đầu nhìn trời cao biển rộng, dang cánh chim bằng, tôi theo gió bay đi…

(Trích trong tập truyện ngắn Tuổi Thơ)

(Nguồn : chimviet.free.fr)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: