//
you're reading...
góp nhặt cát đá, Phụ nữ, Tiểu luận

Nữ giới trong tiểu thuyết võ hiệp

Người viết : Ôn Thụy An
Người dịch: Heen

Đối với tiểu thuyết võ hiệp truyền thống, khi viết về nữ giới luôn bị giới hạn theo một khuôn khổ của thời đại. Tuy đã từng xuất hiện không ít nhân vật đặc sắc, nhưng đa số đều không có tính cách, tư tưởng, không có sự miêu tả sâu sắc và độc đáo dành cho các nhân vật này.

Còn trong tiểu thuyết võ hiệp hiện đại, nhân vật nữ được miêu tả nhiều hơn, bút pháp cũng táo bạo hơn, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức ảo tưởng hoang đường, khiến độc giả không thể vừa cảm nhận sự hư cấu của võ công vừa chấp nhận sự hư vô của nhân vật, không giống như thế giới của “Hồng Lâu Mộng” có thể cho người ta cảm giác “như ảo lại như thật”.

Trong các tác phẩm của Kim Dung, Hoàng Dung và Tiểu Long Nữ trong “Xạ Điêu” và “Thần Điêu”, Hồ phu nhân trong “Tuyết Sơn Phi Hồ”, phần lớn nữ giới trong “Thiên Long Bát Bộ”, Trình Linh Tố trong “Phi Hồ Ngoại Truyện”, Nghi Lâm trong “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, đều rất thành công. Kim Dung đã vận dụng rất tốt chữ “tình”trong tiểu thuyết để miêu tả về họ. Trong tác phẩm Cổ Long có Phong Tứ Nương và Thẩm Bích Quân trong “Tiêu Thập Nhất Lang”, Điền Tư Tư trong “Đại Nhân Vật”, Vương đại tiểu thư trong “Bá Vương Thương”, đều vô cùng đột phá.

Nhưng nhìn chung mà nói, tiểu thuyết võ hiệp vẫn lấy nhân vật nam làm chủ, nữ giới thường chỉ giúp đỡ hoặc bồi dưỡng nam chính trở thành anh hùng hảo hán, võ lâm cao thủ, đăng phong tạo cực, thiên hạ đệ nhất. Nữ giới chỉ đóng vai trò là kẻ hy sinh. Tuy có những tác phẩm có đột phá lớn, nhưng tiểu thuyết võ hiệp rốt cuộc vẫn dương thịnh âm suy, vẫn là thiên hạ của bậc tu mi hiệp khách hô mưa gọi gió.

Do đó, nữ giới trong tiểu thuyết võ hiệp thường rơi vào một trong ba kiểu mẫu sau:

– Một là cô gái xinh đẹp thiên chân vô tà, gần như là ngu ngốc, hoàn toàn không hiểu giang hồ thế thái, một lòng một dạ đối với nam nhân (thường là nhân vật chính), hoàn toàn không nhận biết đã có rất nhiều nữ tử thầm yêu người này, đồng thời cũng không để tâm mọi rào cản lễ giáo (nam chính luôn là người tính tình đàng hoàng, vừa chân thành vừa si tình). Vì vậy, nếu bị phá vỡ, không những mộng đẹp tan tành, cũng chỉ đành “hy sinh bản thân, thành toàn người khác”.

– Hai là hình mẫu lăng loàn, bất kể ngoại hình của họ quyến rũ phong tình hay thuần khiết như tiên nữ (nhưng nhất định là vô cùng mỹ diễm), vẫn thích “ây da” một tiếng rồi nằm gọn trong vòng tay đối phương, thường làm những chuyện “son phấn nồng diễm, xuân tình lay động” để quyến rũ người ta.

– Ba là nữ tử cao ngạo thuần khiết, thần thánh không thể xâm phạm, võ công phiêu dật xuất trần, ra tay tàn nhẫn, cuối cùng lại trở thành tù binh tình yêu của nam chính.

Cả ba kiểu mẫu này, đa số đều có một thân võ công, và xinh đẹp đến xuất thần nhập hóa, cơ hồ như không ăn khói lửa nhân gian (mặc dù nghiêm túc mà nói, người luyện tập võ thuật, có thể trở thành cao thủ đỉnh cao mà lại là tuấn nam hoặc mỹ nữ, thật sự khả năng không lớn). Đây chính là “công thức” trong tiểu thuyết võ hiệp.

Trong các tiểu thuyết võ hiệp từ “Thủy Hử” trở về sau, đa số cho rằng giết chết nữ tử bất trinh tru diệt dâm phụ là hành vi hào kiệt, trong lúc hành quân hành hiệp không hề có sự tồn tại của phụ nữ (tuy cũng có ví dụ về một số nữ tử đạt được yêu cầu của nam giới là “cân quắc bất nhượng tu mi”, “nữ giả nam trang”, “tòng quân thay cha”). Tiểu thuyết võ hiệp vốn là một loại văn chương đặc thù mang tính chất thông cảm với thành phần nhược tiểu, từ ăn xin, tàn tật, người già, nghèo khó, cô nhi cho đến quả phụ, cô gái yếu đuối, người tu Phật tu Đạo, ngư tiều canh độc, đều có thể trở thành cao thủ nhất lưu trong võ lâm. Nữ tử võ công vô cùng cao, dung mạo vô cùng xinh đẹp, thái độ vô cùng ôn nhu, xuất thủ vô cùng tàn độc, luôn xuất hiện lần đầu với một hình tượng và tính cách khiến người ta ấn tượng sâu sắc. Những hiệp nữ mỹ nhân này, cử chỉ không ôn nhu bằng Ngu Cơ khi nàng tự vẫn vì Hạng Vũ, cũng không phẫn nộ như Bạch nương nương vì Hứa Tiên mà nhấn chìm Kim Sơn Tự. Có lẽ vì đa số tác gia võ hiệp đều là nam giới. Thật cần có nữ tác gia viết về câu chuyện của họ.

Tiểu Hoắc (Ngân Tiên) có lẽ là một thử nghiệm đặc biệt. Trong thế giới tranh đoạt lợi ích của nam nhân, nàng hiển lộ được sự chân tình và tính mệnh của một nữ tử, nhưng có rất ít người làm được như nàng, dám yêu, dám hận, dám làm, dám đảm đương, và dám chết. Tuy nhiều người cảm thấy nàng không biết thủ đạo đàn bà và có hơi hướng phản bội, nhưng tính cách của nữ tử như vậy mới chân thật hơn một tí. Tuy tôi cũng không đồng ý khi cuối cùng nàng và Chu Bạch Vũ lựa chọn “tuẫn tình”, nhưng có vẻ như xã hội thời đó sẽ không cho phép nàng tiếp tục sống. “Đàm Đình Hội” có tên gốc là “Tảo Hứng Nhân” (tạm dịch: Kẻ Phá Bĩnh), cũng có tên “Hoa Triêm Thuần” (tạm dịch: Hoa Chạm Môi? Heen không chắc lắm…), nó tiết lộ cái nhìn đầy ghen tị và thù địch của kẻ nghèo khó đối với những nhà phú quý, từ đó gieo mầm ác quả, một khi phát tác thì thủ đoạn vô cùng đáng sợ và đáng khinh. Cá nhân tôi không thích những chuyện này xảy ra. Đương nhiên, những chuyện này vẫn xảy ra mỗi ngày trên thế giới.

(Bản thảo ngày 3 tháng 8 năm 1982, vừa ký hợp đồng với Công ty TNHH Tập Đoàn Bác Ích Hong Kong về việc xuất bản “Sát Nhân Đích Tâm Khiếu” và “Diệp Mộng Sắc” thuộc hệ liệt “Bố Y Thần Tướng”

Hiệu đính giữa tháng 6 năm 1997, trở lại thời kỳ tập trung hỏa lực viết sách viết điên cuồng: trải qua mười năm, ẩn mà không thoái, giờ đây không thoái không ẩn, cuộc sống càng thêm chấn phấn, tự do, tự tại, tự tin và tự túc)

(Nguồn : Fan Dien Anh / WordPress.com)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: