//
you're reading...
Chuyện Xưa Tích Cũ, góp nhặt cát đá, Hội Họa, Nhân vật, Vang Bóng Một Thời

Họa sĩ Tôn Thất Sa và tranh màu nước

Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng

Tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Huế, thường được gọi là Đô thành hiếu cố, hay Các người bạn Huế xưa ngày nay khó có ai sưu tập được trọn bộ. Các tiệm sách cũ ở Paris, bán từng cuốn rời,  nhưng giá cả cũng “trên trời dưới đất”. Ngày nay, tuy với máy móc hiện đại nhưng sách dịch và in ấn của nhà Xuất bản Thuận Hóa còn kém xa bản chính đầu thế kỷ 20. Màu sắc chỉ trắng đen, còn giấy in quá xoàng.

Tranh vẽ của họa sĩ tôn Thất Sa trình bày cho hình bìa tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hué.

Rất may, người Pháp phối hợp cùng các chuyên viên Việt Nam đã hoàn thành được một CD về tạp chí nầy. Vì CD không được phổ biến rộng rải nên chẳng biết đâu mà mua…Trong hoàn cảnh “bất khả kháng”, dẫu biết là không được phép nhưng do công việc nghiên cứu cũng đành phải chấp nhận dùng đĩa in lậu trôi nổi. Xin các tác giả cũng ban cho ơn … đại xá.

Qua máy vi tính, một Huế huy hoàng và rực rở hiện lên qua từng số báo.

Đúng là Huế mộng, Huế mơ, Huế thơ, Huế… cổ ! Huế khổ, Huế vui!

Tôi đặc biệt yêu mến họa sĩ Tôn Thất Sa với các đồ họa và các bức tranh  tuyệt vời dù chưa được tận mắt chiêm ngưởng một tranh màu nước nào do chính tay họa sĩ vẽ.

Rồi duyên may cũng tới.

Tôi gặp được chị Yến là ái nữ của họa sĩ hiện ở tại giáo xứ Kim Long Huế. Chị cho biết nhiều cơn bão, lụt đã tràn qua vương phủ danh tiếng trên 400 năm nầy. Thiên tai hung  dữ … mà “nhân họa’  cũng không vừa qua các cuộc chiến từ 1945, 1968, 1975… Cả hai thứ tai và họa đã hè nhau tàn phá không xót thương bao công trình văn hóa Huế và bao bộ sưu tập cả đời chắt chiu của nhiều cá nhân và gia đình. Bộ sưu tập BAVH và nhiều bản vẽ, tranh họa của họa sĩ Tôn Thất Sa cũng bị hủy hoại vào những trường hợp như thế.

Chị Yến cho biết, chị chỉ còn lưu giữ một ít hình ảnh gia đình , một số bằng khen của triều đình Huế, người Pháp, người Lào…và may mắn thay một tranh màu nước cỡ  30 x 50cm, chất liệu giấy vẽ “Canh xông” ( Carlson) , trong tình trạng có nhiều nếp gấp, gián nhấm và chứng cớ lót ổ “làm bậy” lâu ngày  trên đó. Chị vui lòng tặng tôi tất cả, nhưng tôi không dám nhận hết. Tôi đề nghị chị trao các bằng khen cho Tòa Giám mục Huế bảo quản. Phần tôi xin giữ bức màu nước “xuống cấp” nầy để tưởng nhớ vị lão họa sĩ tài ba.

Tôi rất vui vì có trong tay bằng chứng thực về nét cọ tài hoa của họa sĩ Tôn Thất Sa qua bức tranh. Sau khi quan sát thật kỹ tác phẩm Hiển Lâm Các, xem ra tranh in trên Đô thành hiếu cổ chỉ còn là cái bóng mờ.

Một điều may mắn nữa là trên tranh có chữ ký quen thuộc của họa sĩ vào  thời điểm sáng tác, 1948.  Chi tiết nầy rất quan trọng giúp hiểu thêm giai đoạn lịch sử bức họa ra đời và qua đó biết được tình trạng các di tích nầy  trước khi vua Bảo Đại trở lại Huế. Nhờ Internet, tôi có thông tin sau:

“Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập một chính quyền Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam, đứng đầu là Bảo Đại. Bảo Đại yêu cầu Pháp phải trao trả Nam Kỳ cho Việt Nam và Pháp đã chấp nhận yêu cầu này.

Ngày 24 tháng 4 năm 1949, Bảo Đại về nước. Hai tháng sau, vào ngày 14 tháng 6, Bảo Đại tuyên bố tạm cầm quyền cho đến khi tổ chức được tổng tuyển cử và tạm giữ danh hiệu Hoàng đế để có một địa vị quốc tế hợp pháp.”

Quan sát  tranh vẽ , phải nói họa sĩ Tôn Thất Sa đã chọn một góc nhìn tuyệt vời để mô tả một khu vực rộng lớn gồm Thế Miếu, Cửu Đỉnh và Hiển Lâm Các.  Tôi chưa thấy một photo hay họa phẩm nào có một góc nhìn rộng,  lột tả được hết vẻ đẹp và trang nghiêm của khu di tích quý giá nầy như thế..

Bức tranh cho thấy tất cả  đều đã được trùng tu chỉnh chu từ chậu kiểng đến các công trình kiến trúc.

Chúng ta không thấy được toàn cảnhThế Miếu nhưng một góc nhỏ cũng đủ gợi ý về công trình vĩ đại nầy. Nhìn Thế Miếu, tôi lại bùi ngùi nhớ đến người bạn quý Ba Lan kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (Kazik), người đã dành cuộc đời cho các di tích Champa, chẳng hạn  Mỹ Sơn, rồi Hội An và Huế. Anh đã gục xuống và qua đời ngay trên bàn làm việc đang  khi trùng tu Thế Miếu.

Nếu các độc giả chịu khó đọc những thông tin về Thế Miếu, Cửu Đỉnh, Hiển Lâm Các…trên trang mạng Internet hoặc sách báo, họ sẽ hiểu thêm về giá trị của quần thể di tích nầy.

“Thế Tổ Miếu thường gọi là Thế Miếu tọa lạc ở góc tây nam bên trong Hoàng thành Huế, là nơi thờ các vị vua triều Nguyễn. Đây là nơi triều đình đến cúng tế các vị vua quá cố, nữ giới trong triều (kể cả hoàng hậu) không được đến tham dự các cuộc lễ này.

….

Bên ngoài Thế Tổ Miếu, trước mặt là một chiếc sân rộng lát gạch Bát Tràng. Trên sân đặt 1 hàng 14 chiếc đôn đá, bên trên đặt các chậu sứ trồng hoa. Hai bên sân lại có một đôi kỳ lân bằng đồng đứng trong thiết đình. Cuối sân là chín chiếc đỉnh đồng to lớn (Cửu Đỉnh) đặt thẳng hàng với 9 gian thờ trong miếu. Tiếp theo là gác Hiển Lâm, 3 tầng cao vút, hai bên có lầu chuông, lầu trống nối liền với gác bằng một bờ tường gạch. Bên dưới lầu chuông, lầu trống trổ 2 cửa, Tuấn Liệt (bên trái) và Sùng Công (bên phải). Bên ngoài bờ tường này có 2 miếu nhỏ cũng được gọi là Tả Vu và Hữu Vu thờ các công thần, thân huân thời Nguyễn.”

Hiển Lâm Các.

Đại lễ khánh thành và đặt Cửu Đỉnh diễn ra vào ngày 1 tháng 3 năm 1837 tức ngày quý mão tháng giêng âm lịch năm Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mạng thứ 18. Đích thân hoàng đế Minh Mạng đứng ra chủ trì buổi lễ. Chín chiếc đỉnh lần lượt được đặt ở sân của Thế Miếu, sát với Hiển Lâm Các, dưới chân mỗi đỉnh đều kê bằng tảng đá.

” Hiển Lâm Các là một công trình kiến trúc nằm trong quần thể di tích cố đô Huế được xây dựng vào năm 1821 và hoàn thành vào năm 1822 thời vua Minh Mạng. Hiển Lâm Các nằm trong khu vực miếu thờ trong hoàng thành Huế, cao 17m và là công trình kiến trúc cao nhất trong Hoàng Thành[1]. Đây được xem là đài kỷ niệm ghi nhớ công tích của các vua nhà Nguyễn và các quan đại thần có công lớn của triều đại.”

Hiển Lâm Các, họa sĩ Tôn Thất Sa vẽ vào năm 1948.

Họa sĩ Tôn Thất Sa đã dùng kỷ thuật hội họa vẽ tỉ mĩ những gì đã quan sát được và trung thực ghi lại bằng màu sắc. Hãy xem các chậu cảnh bằng sứ xanh trắng với vài nét chấm phá đủ mô tả  rồng uốn lượn trên vòng tròn. Các chậu sứ nầy tôi còn nhìn thấy được vào  những năm 1965 nay còn đâu?

Ngay một cây thông trồng bên Thế miếu, một cây cây tùng không biết bao nhiêu tuổi mà vẫn “ trơ gan cùng tuế nguyệt”. Nhờ họa sĩ cẩn thận ghi chép, chúng ta mới chiêm ngưởng được vẽ đẹp tự nhiên ban đầu của cây. Ngày nay, nhiều khách tham quan đi ngang qua, lo tránh cái giàn sắt bảo vệ thay vì chiêm ngắm cây tùng giá trị kia.

“ Sân Thế Miếu rộng, lát gạch Bát Tràng, riêng Thần đạo chạy chính giữa lát đá thanh. Gần thềm Miếu có hàng chân lớn 14 cái… Trong sân đặt hai hàng đế bằng đá thanh dùng để cắm tàn mỗi khi tế lễ. Hai góc sân phía trước có hai con kỳ lân bằng đồng đứng trong thiết đình. Xung quanh sân và hai bên đều xây bồn gạch để trồng các loại hoa, cây cảnh quý trong đó có một cây tùng hình dáng cổ kính, tương truyền được vua Minh Mạng trồng khi vừa xây xong Thế Miếu vào năm 1822.

Nếu cây tùng nầy đã được trồng vào năm 1822,  buộc  phải cọng thêm  tuổi thọ vài chục năm nữa. Trên 200 tuổi!  Nếu đúng vậy, đây quả là bảo vật quốc gia, cây cần phải được chăm sóc đặc biệt và bảo vệ cẩn thận . Xem ra từ năm 1948, lúc họa sĩ Tôn Thất Sa đưa  lên tranh, cây không thay đổi hình đổi dáng bao nhiêu.

Tôi phỏng đoán bức tranh màu nước nầy được thực hiện vào mùa xuân 1948. Hãy xem muôn hoa đang khoe sắc!

Thành phố Huế và dân tộc Việt Nam hãy ghi ơn vị họa sư  nầy, người đã  suốt đời phục vụ nền văn minh, văn hóa Việt  qua  bao công trình lớn nhỏ.

Chúng ta hy vọng ngành văn hóa, bảo tồn bảo tàng và du lịch sẽ cùng nhau phối hợp hành động để tôn tạo quần thể  di tích nầy, hầu trả lại vẻ đẹp thời hoàng kim lúc họa sĩ Tôn Thất Sa thực hiện tranh vẽ.

Hội An ngày 17 tháng 9 năm 2011.

Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng

(Nguồn : dominiart.net)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: