//
you're reading...
góp nhặt cát đá, Nhân vật, Phụ nữ, xã hội, Y Học

Xuân Quỳnh – cô gái đồng hành với những người cận tử

Bùi Thư / BBC News Tiếng Việt

Chăm sóc giảm nhẹ, phục vụ cuối đời là con đường mà Trương Nguyễn Xuân Quỳnh lựa chọn. Cô đã đồng hành những bệnh nhân ung thư, người mắc bệnh hiểm nghèo trong những ngày tháng đau đớn cùng cực và đưa tiễn họ về chặng cuối cuộc đời.

Xuân Quỳnh giúp những bệnh nhân ung thư thực hiện di nguyện, giúp người thân sắp xếp lại cuộc sống

Nhiều người nghĩ, công tác xã hội là công tác thanh niên hay làm từ thiện. Nhưng ít người biết, đây là ngành nghề chuyên nghiệp có cả công tác xã hội y tế. Chuyên sâu hơn là việc chăm sóc giảm nhẹ cho những bệnh nhân mắc bệnh ung thư, để họ và cả người thân bớt đi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Quan trọng nhất là đảm bảo ngày tháng cuối đời của bệnh nhân được chất lượng để họ ra đi thanh thản.

‘Tôi may mắn được cứu sống’

Lúc sáu tuổi, Xuân Quỳnh được chẩn đoán hở van tim. Năm 1996, Viện tim thành phố Hồ Chí Minh là nơi duy nhất có thể điều trị cho cô. Nhưng chi phí phẫu thuật cao, bố mẹ cô không khá giả nên đành đưa Quỳnh về lại quê, tích góp dần chờ đến khi phẫu thuật.

Sau bốn năm, gia đình Quỳnh dành dụm được một số tiền nhưng viện phí lại tăng gấp đôi. Nhưng may mắn, viện tim khi đó thuộc Pháp nên có phòng y xã hội. Những nhân viên xã hội ở đây đã ra tận quê Quỳnh, xem xét hoàn cảnh gia đình cô và hỗ trợ một nửa viện phí. Các sơ làm công tác xã hội quyên góp một nửa còn lại. Và Quỳnh được cứu sống. Cô kể:

“Nhờ những nhân viên công tác xã hội mà tôi được sống đến hôm nay. Khi mở mắt sau ca phẫu thuật, tôi nghĩ khi lớn lên sẽ làm công việc để giúp lại người khác. Và tôi chọn trở thành nhân viên công tác xã hội”.

“Khi quyết định thi vào ngành công tác xã hội của trường Nhân văn, tôi nói chuyện với gia đình về đồng lương của người làm công tác xã hội. Và mẹ tôi bảo, chỉ cần đủ sống và hạnh phúc, không cần giàu sang nên đó là động lực để tôi làm công việc này”.

Xuân Quỳnh vừa giành được học bổng Fulbright thạc sĩ công tác xã hội lâm sàng

Năm 2011, cô sinh viên năm cuối Trương Nguyễn Xuân Quỳnh lóc cóc xuống Bệnh viện Đa khoa Long An xin thực tập vì ở đây có phòng y xã hội. Được Giám đốc bệnh viện chấp thuận, cô khăn gói từ Sài Gòn về Long An thực tập toàn thời gian.

Càng tiếp xúc với bệnh nhân, chứng kiến những hoảng loạn của người bệnh và gia đình họ trên xe cứu thương, lòng Quỳnh lổn nhổn tâm tư.

“Ở dưới Long An mà nghe phải chuyển lên Chợ Rẫy tức là bệnh nặng lắm. Bệnh nhân cũng hoảng mà người nhà cũng lo sợ. Tôi nghĩ ra chương trình hỗ trợ bệnh nhân trên xe cấp cứu: giúp trấn an họ, cung cấp thông tin, hướng dẫn chỗ ở, nơi xin cơm từ thiện”, Quỳnh nhớ lại.

Thời điểm tốt nghiệp, nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện chưa có chức vụ cụ thể nên Quỳnh chỉ có thể làm tình nguyện viên. Sau đó, cô chuyển sang làm cho tổ chức phi chính phủ. Nhưng vì “mê nghề”, Quỳnh trở về làm trợ giảng cho khoa Công tác Xã hội ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ở đây, Quỳnh phụ trách các chương trình hợp tác quốc tế và phát triển những dự án về công tác xã hội trong bệnh viện.

Xuân Quỳnh trong chuyến học tập 3 tháng tại Mỹ

Duyên cớ giúp Quỳnh được làm việc với những giáo sư nước ngoài có chuyên môn về lĩnh vực mà cô theo đuổi. Giáo sư về Công tác Xã hội Peggy McFarland, thuộc Đại học Elizabethtown College đã hướng dẫn Quỳnh những bước đầu tiên về lĩnh vực này. Sau đó, Phó giáo sư – Tiến sĩ Eric Lewis Krakauer của Đại học Y Havard đã tạo cơ hội cho cô kiến tập tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts tại Mỹ. Cô lại được đưa đến học tại Khoa chăm sóc giảm nhẹ của Bệnh viện John Hopkins.

Trong ba tháng ở Mỹ, Quỳnh đi từ bệnh viện này sang bệnh viện khác để đón luồng kiến thức mới mẻ về chăm sóc lão khoa, chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời.

Người xây những viên gạch đầu tiên

Năm 2016, Khoa Công tác xã hội của trường ĐH KHXH&NV bắt đầu mở khoá đầu tiên để công tác xã hội trong y tế do Quỳnh và cô trưởng khoa xây dựng khung chương trình.

“Khoá đầu tiên tôi lo ơi là lo vì sợ không ai đi học, cuối cùng được 44 học viên. Tôi mừng muốn khóc. Đúng lúc đó, Bộ Y tế ra Thông tư 43, phát triển phòng công tác xã hội trong bệnh viện và các bệnh viện gửi người đi học. Đến bây giờ đã được 13 khoá”, Quỳnh nhớ lại.

Đến năm 2019, sau chuyến đi Mỹ học tập, Quỳnh về lại Việt Nam đem những gì học được cùng Tiến sĩ, Bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể – Phó Trưởng Bộ môn Chăm sóc giảm nhẹ của Bệnh viện ĐH Y Dược mở khoá đào tạo về chăm sóc giảm nhẹ đầu tiên. Nằm trong ban chấp hành của Hội y học Chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam mới thành lập năm 2019, Quỳnh ôm niềm hy vọng đây sẽ là tiền đề để phát triển ngành nghề: “Hiện tại tôi đang bước những bước đầu trong việc đào tạo để chương trình học bài bản hơn, nhiều người biết đến hơn và có nhiều nhân lực hơn”.

Xuân Quỳnh cùng Giáo sư Peggy McFarland trao đổi cùng các bác sĩ tại bệnh viện Đại học Y dược TPHCM

Trên con đường mới mẻ này, Quỳnh đã “bẻ” lại những cách hiểu sai về bệnh tật và cô cũng thường phải đứng giữa những quyết định xung đột giữa bệnh nhân và người nhà họ:

“Mọi người hay quan niệm đã bệnh thì phải đau và thường khuyên người bệnh ráng đi. Nhưng không phải vậy. Những khổ sở đó hoàn toàn có thể được giảm đi bằng cách kiểm soát cơn đau nền và các các cơn đau đột xuất bằng thuốc. Ngoài những nỗi đau thể chất thì tinh thần của họ cũng cần được săn sóc. Với bệnh nhân không còn điều trị được nữa, có thể giúp họ giảm đi đau đớn và ra đi nhẹ nhàng hơn”.

“Chăm sóc giảm nhẹ quan trọng là giúp bệnh nhân có chất lượng sống tốt nhất, chứ không phải kéo dài đời sống của họ. Ở Việt Nam, người nhà thường quyết định thay cho bệnh nhân nhưng có khi việc hoá trị, xạ trị gây cho họ quá nhiều đau đớn và bệnh nhân muốn được chết lành. Khi ấy, tôi mở những buổi nói chuyện gia đình, giúp họ hiểu được mong muốn của nhau và đưa ra quyết định”.

Xuân Quỳnh trong buổi lễ ra mắt Hội Y học Chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam năm 2019

Công việc đưa cô đến nhiều số phận, nhiều cảnh đời nhưng đối tượng mà Quỳnh dành nhiều thời gian nhất là những người làm bố mẹ. “Đó là những người không còn nhiều thời gian nhưng con cái còn nhỏ và còn bao dự định dở dang”.

“Nỗi đau thể chất chỉ mình bệnh nhân chịu đựng nhưng khó khăn về tài chính, về đời sống thì ai trong gia đình cũng gánh lấy. Người chăm bệnh dễ kiệt sức vì phải quán xuyến việc nhà, chăm sóc con cái.

Tôi giúp họ chọn phương án điều trị, nói chuyện với con cái, giúp gia đình sắp xếp việc sinh hoạt và kế hoạch cho tương lai sau khi họ qua đời. Khi bệnh nhân qua đời, tôi gọi điện để an ủi gia đình” – cô nói.

Trên hành trình cận tử

Người ta thường nói có ba nơi chốn không nên gặp gỡ: đám tang, bệnh viện và pháp đình. Vì đó là những nơi tập trung những cung bậc cao nhất và thấp nhất của đời người. Bao nhiêu hỉ nộ ái ố đều được đẩy lên cực độ.

Vậy mà cô gái Xuân Quỳnh với vóc người nhỏ nhắn, gương mặt khả ái và nụ cười nồng hậu này lại dấn thân vào chốn tối hậu của hành trình về cõi tử. Cô đến bên đời những người “bác sĩ chê, bệnh viện trả về” để giúp họ giảm đau đớn về thể chất, về tinh thần, về xã hội và cả về tâm linh.

Trong trải nghiệm của Quỳnh, khi con người gần sát đến cái chết, tâm lý thường hoảng loạn, trầm cảm và sợ hãi. Những bệnh nhân ung thư không chỉ chịu sự tàn phá về sức khoẻ mà còn về ngoại hình, Những điều đó ảnh hưởng đến sự tự tin của họ, đặc biệt là phụ nữ.

“Phụ nữ ai cũng muốn mình xinh đẹp và tươm tất trong mắt chồng hay con cái. Việc điều trị bệnh có thể khiến họ mất đi tóc, da dẻ xấu đi. Họ cảm thấy mất mát cuộc đời cũ của mình. Tôi sẽ cố gắng giúp họ chấp nhận sự thật và củng cố những điều khiến họ tự tin hơn như việc họ có một cặp mắt đẹp và nói chuyện duyên dáng. Đồng thời, nói chuyện với người nhà để tạo cho bệnh nhân cảm giác họ luôn đẹp trong mắt người thân một cách đặc biệt nào đó”.

Là người đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, không dễ để giữ cảm xúc của mình ổn định. Những ngày đầu thực tập ở bệnh viện, nghe các bác sĩ và nhân viên xã hội trò chuyện với bệnh nhân sắp qua đời, Quỳnh phải đứng núp phía sau để khóc vì không thể để bệnh nhân thấy.

“Bạn gặp một người, nghe họ kể về phần đời đã đi qua và giờ nhìn họ trên giường bệnh, đâu thể ‘cool ngầu’ được. Nhưng dần dần, tôi học được cách kiểm soát cảm xúc của mình. Nếu giữ mãi ký ức về bệnh nhân cùng những đau buồn sẽ rất dễ bị kiệt sức và không đủ năng lượng tích cực để hỗ trợ bệnh nhân tiếp theo. “

Xuân Quỳnh được học bổng thạc sĩ tại trường Chulalongkorn Thái Lan và hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ

Cô bộc bạch, điều quan trọng là tận lực tận lòng chăm sóc bệnh nhân để khi ra đi họ không đau đớn: “Khi họ ra đi, tôi cảm thấy tiếc. Nhưng nếu bệnh nhân đạt được mong muốn cuối đời trước khi nhắm mắt, tôi cảm thấy mừng cho họ”.

Nghe Xuân Quỳnh kể về công việc của cô giữa cái nắng chiều của tháng 3, như xế chiều của một kiếp người, tôi chợt nhớ đến câu hát của nhạc sĩ Vũ Thành An:

“Triệu người quen có mấy người thân

Khi lìa đời có mấy người đưa?”

Có lẽ, công việc của Quỳnh có những chạnh lòng cũng khơi dậy những ủi an như cô nói: “Người ta hay bảo: bên nhau lúc giàu sang thì dễ, lúc ốm đau mới biết lòng nhau. Và với cô, được ngồi bên cạnh bệnh nhân, cùng họ nhìn lại quãng đời đã qua có đầy giá trị với lẫn tiếc thương là niềm vinh hạnh”.

“Mọi đau đớn của bệnh tật, của cõi dương gian này đã không còn quấy rầy họ”, Quỳnh tâm sự.

(Nguồn : bbc.com)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: