//
you're reading...
Hoài Niệm, Môi trường, thú vật, Vang Bóng Một Thời

Đi tìm con hổ hoang dã cuối cùng ở Việt Nam – Hoa Văn

Loài hổ (cọp) có thể đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Đó là một sự thật đáng buồn, thậm chí đau lòng luyến tiếc. Trong suốt một thời gian dài khoảng trên 15 năm qua (từ năm 1990), tại Việt Nam không có thêm bất kỳ ghi nhận nào mới về dấu hiệu của hổ ngoài môi trường tự nhiên. Nhiều chuyên gia cho rằng tại Việt Nam loài hổ đã tuyệt chủng, ngay cả trong khu bảo tồn thiên nhiên hoặc vườn quốc gia cũng không còn hổ. Khi nào chúng ta có thể thấy một con hổ (dù là cuối cùng) xuất hiện ngoài thiên nhiên hoang dã ở Việt Nam? 

Một con cọp Đông Dương ngoài tự nhiên, ảnh chụp tại Việt Nam từ những năm 1930

Những thông tin cuối cùng về loài hổ tại Việt Nam 

Năm 2011: Theo cáo cáo điều tra khảo sát của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, tại 6 tỉnh Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Điện Biên, Kon Tum và Đăk Lăk “có khả năng” có quần thể hổ hoang dã, với khoảng từ 27 đến 47 cá thể. Nhưng số lượng hổ này được giải thích là bao gồm cả số cá thể hổ từ Campuchia và Lào di chuyển tự nhiên qua biên giới Việt Nam. Bởi khu vực phát hiện có dấu vết hổ đều ở khu rừng đặc dụng có chung biên giới với hai quốc gia này. Điều này cũng cho thấy, số lượng hổ ở ba nước Đông Dương hiện rất thấp và ở mức cực kỳ nguy cấp.  (Ghi chú: Tuy vậy, người ta cũng chưa thấy những bằng chứng cụ thể nào, chẳng hạn là bức ảnh chụp một con hổ thật ngoài tự nhiên, của Nhóm nghiên cứu, được công khai). 

Năm 2015: Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ước đoán tại Việt Nam chỉ còn DƯỚI 5 CÁ THỂ HỔ. Ước đoán tức là không chắc chắn đúng.
“Việt Nam đã mất đi tê giác cuối cùng, liệu hổ có nối gót?” – đại diện Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cảnh báo. Ông cũng cho biết Campuchia đã tuyên bố hổ tại quốc gia này đã tuyệt chủng.

Đến nay (năm 2018), dù không có thêm khảo sát, nhưng nhiều nhà khoa học tin rằng tại Việt Nam không còn hổ hoang dã.

Giải thích về lý do vì sao không khảo sát về thực trạng hổ hoang dã tại Việt Nam, một chuyên gia cho biết để thực hiện được các nghiên cứu và khảo sát, thì cần có dấu hiệu về sự xuất hiện của hổ ở một địa phương nhất định. Nhưng suốt thời gian dài không có dấu tích nào xuất hiện.

Theo giám đốc một Vườn quốc gia, lâu lắm rồi ông và đồng nghiệp không nhận được thông báo về vết chân hay những lần gia súc bị loài hổ ăn thịt như trước. “Hổ hoang dã Việt Nam có thể đã biến mất. Nếu có thì chúng thường phân bố ở khu vực giáp biên giới với Lào và Campuchia, từ Nghệ An đến Quảng Nam; Chư Mon Ray (Kon Tum); Bù Gia Mập (Bình Phước), nhưng tần suất xuất hiện của loài rất ít và gần như không có”, ông nói.

Ông Thomas Gray, Giám đốc về loài của WWF-Greater Me Kong nói: “Hiện không có số liệu cập nhật về sự xuất hiện của hổ tại Việt Nam, khả năng cao loài này đã tuyệt chủngTrường hợp hổ còn tồn tại thì cũng chỉ rất ít và nằm rải rác tại các khu rừng nên không có khả năng tái tạo sinh sản và dần dần sẽ tuyệt chủng”“Hổ có thể đã tuyệt chủng và voi thì bên bờ tuyệt chủng nếu như không có hành động bảo tồn mạnh mẽ”, đại diện của WWF nói thêm.

Thử dò trên Google search, những thông tin về hổ hoang dã ở Việt Nam đã “kết thúc” từ thời điểm đầu năm 2015.

Tháng 3/2015, một bài báo trên VTV đăng tít giật gân “Phát hiện chấn động ở Tuyên Quang: Đàn hổ hoang dã sống cạnh dân”. Tuy nhiên, nội dung chỉ là những lời kể không rõ ràng, và điều quan trọng nhất là không có một chứng cứ cụ thể nào.

Về mặt khoa học và chính thức, kể từ năm 2009, không có ghi nhận nào về hổ hoang dã tại Việt Nam. Việt Nam cũng không thực hiện khảo sát quốc gia về hổ tự nhiên.

Trên thực tế, hầu như rất hiếm nghe ai nói về chuyện bắt hổ, hay thấy hổ trong những năm chiến tranh khốc liệt 1960-1970.

Sau năm 1975, từ khi đất nước thống nhất tới nay, hầu như cũng rất ít thông tin về hổ.

Thỉnh thoảng, báo chí có đưa tin về những bị vận chuyển, tàng trữ hổ trái phép. Nhưng đa phần đều là hổ có nguồn gốc nhập lậu từ nước ngoài, không phải là giống hổ Đông Dương.

Mới đây nhất, ngày 10/3/2018, báo Dân Trí đưa tin một người đàn ông ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) bị phát hiện đã ngâm xác một con hổ trong bình rượu và tàng trữ 1 con khác (đã chết) bị phạt 75 triệu đồng.
Ghi chú: Hiện nay trong sở thú tại Hà Nội và TP.HCM đang có nuôi nhốt một vài cá thể hổ Đông Dương cuối cùng.
Trên quy mô toàn cầu, số lượng hổ đang ngày càng suy giảm nhanh chóng và đi đến tuyệt chủng là do bị con người săn bắt, buôn bán trái phép.

Từ năm 2008 đến nay, có hàng trăm vụ buôn bán trái phép hổ được phát hiện và xử lý.

Tại khu vực châu Á, việc phá rừng, chuyển đổi đất cũng là lý do đẩy loài thú lớn như voi, tê giác, hổ đến tuyệt chủng vì thiếu thức ăn và nơi cư trú. Hổ phân bố rải rác thành các quần thể nhỏ, không có sự giao lưu, trao đổi di truyền cũng có thể dẫn đến hiện tượng suy thoái nguồn gene.

Mặc dù chúng ta hô hào bảo vệ loài hổ.  Nhưng phải chăng đã quá trễ để hành động?

Ước lượng số lượng hổ tại một số quốc gia theo kết quả nghiên cứu, khảo sát năm 2015

Một thời lừng lẫy của chúa sơn lâm

Do địa thế rừng núi hiểm trở và trải dài bất tận (dãy Trường Sơn), nên miền Trung VN từ nhiều thế kỷ qua nổi danh là vương quốc của loài thú quý hiếm và dũng cảm bậc nhất này.

Hổ từng một thời sinh sống khá nhiều trong rừng. Người dân luôn rất sợ loài thú dữ này. Từ lâu đã có những câu tục ngữ về loài hổ như: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”, “hùm tha sấu bắt” – thể hiện nỗi hãi hùng của người dân về hổ.

Trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí, có kể về một người phụ nữa có tài đánh hổ rất nổi tiếng. Bà tên là Trần thị Quyền, thuộc huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. Do công lao giết hạ được nhiều con hổ dữ, ổn định cuộc sống người dân, bà được vua Tự Đức phong cho danh hiệu “liệt nữ”, ghi trong Quốc Sử Quán.

Theo lời cụ Hoàng Nợ (đã trên 90 tuổi, cư ngụ tại Đà Lạt, người từng là cận vệ, theo “hầu” vua Bảo Đại đi săn hổ những năm 1930) thì vùng rừng Đắk Lắk khi đó “thú nhiều vô kể, đặc biệt là cọp, voi rừng và con min (bò tót) con nào con nấy to đùng, nặng hàng tấn”.

Tư liệu nghiên cứu về hổ và đời sống người dân vùng Tây Nguyên (dân tộc Gia rai, vùng Đắc Lắc) của Jacques Dournes cung cấp nhiều thông tin thú vị về loài hổ ở Việt Nam:
“Cọp không phải lúc nào cũng chỉ là con cọp. Người Gia Rai thường xuyên chung đụng với cọp, có những quan hệ phức tạp. Nói chung thì người không săn cọp, cả hai bên đều là thợ săn, sống chung hòa bình trong thỏa ước tôn trọng lẫn nhau. Thần Hổ, yang ramung cũng là Thần Rừng Yang dlei bảo vệ người thợ săn mogap. Cũng có lúc người buộc lòng phải giết hổ, thì xem như là “án mạng” theo nghĩa giới luật – hay pháp luật-, được xét xử là “ngộ sát” và phải đền bù bằng “giá mạng”: sinh mạng cọp ngang giá với sinh mạng người, ngang với mười lăm con trâu.
Lễ đền mạng phải bốn người chứng giám và bảo lãnh: hai chứng nhân phía người, hai chứng nhân về phía cọp, trong khi chủ tế xướng: “Hôm qua, hôm kia, con người đã giết ông. Hôm nay nó trả nợ. Việc như vậy là xong. Ông an nghỉ, đừng tức giận chúng tôi. Chúng tôi mang lễ vật đầy đủ. Đừng sát hại chúng tôi và con cháu chúng tôi”. Rồi chủ tế ném một vòng đeo tay xuống thi hài cọp”.

Tại miền Bắc, nhiều nơi vẫn còn dấu vết phong tục thờ Thần Hổ, theo niềm tin nguyên thủy có từ thời Văn Lang, người dân vẫn chống hổ, diệt hổ để bảo vệ gia súc.

Ở miền Nam tuy là đồng bằng, nhưng cũng đã từng có thời là nơi sinh sống của loài hổ. Nhà văn Sơn Nam đã ghi lại trong tác phẩm nghiên cứu về mình một số chứng cớ về cọp ở Nam Bộ. Ông viết: “Hồi thế kỷ 17 và 18, Gia định thành Thống chí (của Trịnh Hoài Đức 1725-1825) ghi rằng: “trẻ con, đàn bà cầm liềm cắt cỏ, cầm đòn xóc cũng chống cự và đuổi được cọp. Thái độ của người dân đối với cọp vừa kính nể, xem như vị thần, nhưng cũng coi thường, nếu cần thì rủ nhau đi săn bắn giết không nương tay”.

Sơn Nam cũng bổ sung: “vì còn dấu vết mê tín cổ xưa, đồng bào ta ít chịu tổ chức săn cọp; khi nào gặp những con có nợ máu thì huy động cả xóm đi ví khai hoặc bẫy hầm. Nhà nước khuyến khích giết cọp nhưng hương chức hội tề chỉ làm lấy lệ”. (Ghi chú: “Nhà nước” đây là chính quyền Pháp thuộc khi đó).

Theo nhân sỹ Trịnh Hoài Đức, năm 1770 hổ từng xuất hiện tại khu vực chợ Tân Kiểng, Sài Gòn. Trịnh Hoài Đức tường thuật vụ bắt cọp ly kỳ như sau: “Người ta triệt hạ nốc nhà, làm hàng rào vây quanh mấy lớp. Nhưng cọp rất dữ ác, không ai dám gần. Vây được ba ngày, có thầy sãi viễn phương hiệu Hồng-Ân cùng đồ đệ Trí-Năng tình nguyện vào bắt cọp. Hồng Ân đấu với cọp hồi lâu, cọp bị côn đánh đau, nhảy núp vào bụi tre. Hồng Ân đuổi nà, cọp quay lại đấu nữa. Hồng Ân thối lui, vấp chân ngã vào mương nước, bị cọp vồ trọng thương. Đồ đệ Trí Năng tiếp viện, dùng côn đánh cọp trúng đầu cọp chết nốt”.

Hổ cũng được nhắc đến trong khá nhiều tác phẩm văn học hiện đại. Đơn cử như trong truyện Quê Nội của Võ Quảng có đoạn nói về một người đàn ông chuyên nghề bắt hổ ở vùng Quảng Nam. Hay trong truyện thiếu nhi Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, cũng có nói tới chuyện ma hổ rất “rùng rợn”, ly kỳ…vv.

Tuy nhiên, tất cả đã trở thành dĩ vãng.

(Nguồn : dandensg.blogspot)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: