Tôi đoán.
Có lẽ, bật lửa Zippo tới miền Nam cùng lúc với cuộc đổ bộ ồ ạt ngày 8-3-1965 của 3,500 TQLC Mỹ vô Chu Lai, Quảng Tín.
Cái Zippo tôi sở hữu đầu tiên trong đời hơi trễ, vì bật lửa Zippo Mỹ đã bày bán đầy lề đường Sài Gòn và các tỉnh thành miền Nam.
Ông Bác Sĩ bạn nhà tôi, xài.
Cậu tôi, Thiếu Tá Nhảy Dù, xài.
Ông đạp Xích Lô, ngay cây xăng, cũng xài.
Mấy chú nhóc bán thuốc lá dạo hay đốt thuốc cho khách bằng Zippo.
Tôi còn nhớ Kim, cô gái dễ thương, học Ðệ Tam, Bar Pussy Cat, đối diện Hủ Tiếu Thanh Xuân đường Tôn Thất Thiệp lúc nào cũng tiếp tôi, cậu học sinh năm cuối trung học vô Bar uống bia và thích cô. Kim vẫn hay cầm trên tay cái Zippo và tạo ra tiếng click! click từ chiếc Zippo để thay vào khoảng trống giữa những lời nói chuyện bâng quơ.
Bật lửa Zippo làm bằng kim loại, do Hãng American Zippo của Bradford, Pennsylvania, USA sản xuất. Cả ngàn mẫu tạo hình đã được thực hiện trong 8 thập niên kể từ khi ra đời, bao gồm những phiên bản đặc biệt cho Quân Ðội Mỹ. Từ khi phát minh, Zippo đã bán khắp thế giới và được coi như một biểu tượng huyền thoại của nước Mỹ.
Tới năm 2012, Công Ty Zippo đã sản xuất 500 triệu sản phẩm kể từ khi hoàn thành cái bật lửa đầu tiên trên dây chuyền sản xuất. Và Zippo hầu như được sản xuất độc quyền tại Mỹ, ngoài một số sản phẩm được làm tại Niagara, Canada (Xưởng này đã ngưng hoạt động).
George G. Blaisdell là người thành lập Công Ty sản xuất Zippo năm 1932, làm ra chiếc bật lửa đầu tiên đầu năm 1933 do cảm hứng từ chiếc bật lửa của Áo có thiết kế tương tự do IMCO sản xuất. Vì Blaisdell thích âm của từ Zipper nên đặt tên cho bật lửa là Zippo, phát âm có vẻ mới và hấp dẫn hơn. Ngày 3-3-1936, một bằng sáng chế đã được cấp cho bật lửa Zippo của hãng này.
Năm 2002, Zippo mở rộng phạm vi sản xuất bao gồm bật lửa đa năng, như Zippo MPLs. Ðây là loại bật lửa dùng ngoài trời theo kiểu đã sản xuất năm 2005, tên OUL, các bật lửa này dùng hơi gaz. Tháng 8-2007, Zippo cho ra sản phẩm bật lửa Gaz mới, gọi là Zippo BLU.
Một bảo tàng có tên “Zippo, Trung Tâm Du Khách” ở tại Bradford, Pennsylvania, số 1932 Zippo Drive. Ðó là tòa nhà 15,000 sf chứa nhiều bật lửa Zippo hiếm, và bán tất cả loại bật lửa Zippo. Tại đây, từ lúc kỷ niệm lần thứ 60, ngày thành lập hãng Zippo, các phiên bản đặc biệt hằng năm đã được sản xuất bán cho các người sưu tập Zippo.
Từ năm 1949 tới 2002, Zippo có những chi nhánh sản xuất tại Niagara Falls, Ontario, Canada.
Ðến năm 2009, Zippo đã thông báo sẽ mua lại hãng Ronson, một đối thủ cạnh tranh lâu dài với Zippo trong thị trường bật lửa. Ngày 3-2-2010, đánh dấu Ronson đã bị Zippo thâu tóm. Ngày 5-6-2012, Zippo đón mừng sinh nhật thứ 80 của mình với 500 triệu bật lửa đã sản xuất.
Zippo xài trong quân đội
Có thời kỳ Zippo làm bằng Ðồng Thau, nhưng hãng đã dùng loại thép đen để làm Zippo suốt thời kỳ chiến tranh vì thiếu hụt kim loại. Ðặc biệt trong Thế Chiến 2, Công ty Zippo ngưng cung cấp sản phẩm cho thị trường thương mãi dân sự, dành cả sản xuất của hãng cho Quân Ðội Mỹ, dù Zippo chưa bao giờ có hợp đồng chính thức với Quân Ðội. Những Quân Nhân và những Lực Lượng Vũ Trang Mỹ lúc nào cũng tìm mua và sử dụng loại bật lửa này. Người lính rất thích những chiếc Zippo với những phù hiệu đơn vị quân đội của họ được gắn lên vỏ hộp quẹt.
Trong chiến tranh Việt Nam, chiếc Zippo đã được lính Mỹ cả lính Việt Nam khắc tên, số quân, đơn vị, biểu tượng tôn giáo như cây Thánh giá… lên đó. Thậm chí có người thích khắc hình thiếu nữ khỏa thân sexy, hay những biểu tượng cá nhân của người xài.
Hiện nay Zippo là chiếc bật lửa được các nhà sưu tầm tìm kiếm nhiều nhất như một kỷ niệm của chiến tranh hoặc những người đã thăm viếng Việt Nam.
Ðặc tính của bật lửa Zippo được mọi người công nhận như: cho dù gió, bật zippo vẫn cháy, thích hợp cho lính tráng khi hành quân. Và đặc biệt cái âm thanh quen thuộc của Zippo, mở nắp “Clink”, khi đóng lại thì “Clunk” sắc cạnh nhưng vui tai rất đặc biệt của loại bật lửa này. Nhiều cựu quân nhân cả Mỹ lẫn Việt, dù đã bỏ thuốc vẫn thích giữ lại chiếc Zippo cũ kỹ như một kỷ vật chiến tranh.
(Nguồn : baotreonline.com)
Thảo luận
Không có bình luận