//
you're reading...
góp nhặt cát đá, Giới thiệu sách, Truyện Dịch, xã hội

Đọc cuốn ‘Những kẻ lang thang’ của Lý Dực Vân

 

 

 

2Câu chuyện xoay quanh cái chết của nhân vật Cố San, một kẻ phản cách mạng, dám công khai chống lại lý tưởng của Đảng. Cố San, nhân vật chính này không hề xuất hiện và cũng không nói một lời nào, tất cả chỉ từ trong trí nhớ và hồi ức của mọi người. Nhưng Cố San đã trở thành một sợi dây vô hình gắn kết nhiều số phận con người khốn khổ lại với nhau.

Truyện bắt đầu với một khung cảnh u ám vào ngày mà Cố San sẽ bị tử hình sau 10 giam giữ mà không chịu cúi đầu nhận tội. Một buổi đấu tố cuối cùng sẽ được tiến hành và yêu cầu tất cả các tổ chức cũng như người dân phải tham gia để chứng kiến cái kết đau khổ và nhục nhã của kẻ phản cách mạng này.

Ông bà giáo Cố có là người đau khổ nhất trong chuyện không thể cứu vãn này. Bà giáo Cố trong nỗi đau tuyệt vọng đã gây ra một vụ náo loạn ngã tư khi bà đốt quần áo cho con gái theo phong tục ở địa phương khi mà điều đó bị coi là lạc hậu và phải phá bỏ. Nhiều người cảm thương nhưng nhiều người lại nhìn bằng con mắt ác ý. Với họ Cố San chịu hình phạt như vậy là đúng. Cố San từng tham gia Cách mạng văn hóa, từng đánh đập và chửi bới người khác một cách vô văn hóa. Sau này khi cô nhận ra và chống lại sự sai trái bất công ấy thì đã muộn. Nhược Nhược, cô gái què đáng thương ấy được cho là do bị Cố San đá khi còn trong bụng mẹ nên mới vậy. Bố mẹ Nhược Nhược luôn thù oán Cố San và cả ông bà giáo Cố, người đã không biết dạy con. Cũng có lẽ vì thế mà ông bà Cố luôn để ý và chăm sóc Nhược Nhược, họ cho nó ăn mỗi sáng khi nó đến đứng trước cổng nhà.

Nhưng bố mẹ Nhược Nhược cũng chẳng yêu thương gì nó, họ coi nó không khác gì một người hầu. Buổi sáng phải ra bến cảng nhặt than rơi vãi, phải kiếm rau và nấu ăn giặt giũ cho cả nhà. Và trong những lần như thế nó gặp Bát Thập, một kẻ chẳng có nghề nghiệp gì nhưng vẫn sống tốt được nhờ bố là liệt sĩ và nó được cấp tiền hàng tháng. Bát Thập sống với bà nội, nó là kẻ lang thang khắp nơi, chõ mũi vào mọi chuyện. Nó bắt đầu để ý tới đàn bà, nhưng chẳng ai muốn làm bạn với nó, cuối cùng nó nghĩ tới Nhược Nhược, cái đứa đáng thương mà nó vẫn thường gặp. Thế là Bát Thập và Nhược Nhược trở thành bạn của nhau.

Ông giáo Cố trong cái ngày đau khổ nhất đời ấy phải đi tìm người để thu lượm và chôn cất thi thể con gái, một việc mà nhà xác đã từ chối vì đó là xác một tên phản cách mạng. Ông Cố tìm tới ông bà Hoa, hai người già cô đơn sống bằng nghề nhặt rác. Ông bà Hoa lưu lạc tới đây trong hành trình đi thăm bốn cô con gái nuôi đã bị chính quyền gửi đi bốn tỉnh khác nhau vì ông bà không phải bố mẹ của chúng. Ông bà Hoa từ chối vì họ là người dễ bị chú ý và chỉ cho ông Cố đến gặp lão Keng. Lão Keng sống một mình, lão chẳng sợ gì cả nên đã nhận công việc này.

Xoay quanh Cố San còn có Gia Lâm và những người bạn cùng chí hướng, họ đã dự định phát truyền đơn phản đối cái chết của Cố San vào đúng cái ngày định mệnh ấy nhưng Khai, một người bạn khác của Cố San đã phản đối. Khai là người đọc bản tin trên truyền hình thành phố, một người nổi tiếng mà ai cũng biết. Khai cũng định làm điều gì đó nhưng cuối cùng cô không đủ dũng cảm để phá bỏ đi tất cả những gì mình đang có. Một đứa con đáng yêu, một gia đình giàu có, hạnh phúc và có quyền thế nhất nhì Nê Giang.

Cuối cùng cuộc phê đấu kết thúc, Cố San được đem tới một nơi vắng vẻ để thi hành bản án. Nhưng trước đó cô đã bị mổ cắp nội tạng trên đường đi ngay khi còn sống, và bộ phận này đã được ghép ngay cho một cán bộ cao cấp trong tỉnh.

Lão Keng và Bát Thập thu thập cái xác và biết được điều đó. Hai người không chôn Cố San mà dùng đá đắp kín lên và khi Bát Thập về rồi thì lão đồi bại Keng đã làm điều không ai muốn nghĩ tới với cái xác của Cố San. Bát Thập phát hiện điều đó khi quay lại kiểm tra cái xác.

Trong khi đó một sự kiện có tiếng vang ở Bắc Kinh cũng được lan truyền tới thành phố nhỏ này, đó chính là một bức tường dân chủ đã được dựng lên để mọi người dân được nói lên ý kiến của mình. Quan chức trong thành phố bối rối, nhiều người tỏ ra lo sợ cho tương lai của mình, đặc biệt là Hán, chồng của Khai, người đã nhờ những mối quan hệ của bố mẹ và những việc xấu xa để leo vào bộ máy chính quyền.

Một cuộc vận động của Gia Lâm cùng các bạn và cả Khai nhằm kêu gọi mọi người đấu tranh buộc chính quyền phải nhận sai lầm và Cố San là người vô tội đã diễn ra. Cuộc tập hợp diễn ra ở quảng trường thành phố, đêm hôm trước người ta đã đi phát những bông hoa làm bằng lụa trắng đến từng nhà để họ có thể mang theo như một biểu tượng cho cuộc tập hợp ngày hôm sau.

Khai, phát thanh viên của huyện đồng thời là bạn của Cố San và Gia Lâm đã đọc một bản tin đặc biệt về bức tường dân chủ, về Cố San, để kêu gọi mọi người tham gia cuộc tập họp ở quảng trường. Nhiều người đã đến và cũng không ít người hoài nghi, lo lắng thậm chí coi thường cuộc tập hợp này. 850 người đã đem theo hoa tới, hơn 300 người kí vào một bản kiến nghị thể hiện thái độ của mình với bản án của Cố San.

Cậu bé Đồng trong một lúc tình cờ bị Bát Thập dẫn tới và kí vào bản kiến nghị với tên của bố cậu bé.

Nhưng ngay sau đó bức tường dân chủ ở Bắc Kinh sụp đổ, tất cả những người ủng hộ nó đều bị thanh trừng. Việc này nhanh chóng lan tới Nê Giang, những người tổ chức cuộc tập hợp và những người đến tham dự đều bị coi là phản động. Không khí khủng bố lan tràn khắp nơi, ai đã tới hoặc đã kí vào bản kiến nghị thì sống trong lo lắng không yên, những ai không tới thì nhẹ nhõm và coi khinh người khác vì đã nghe lời dụ dỗ của Khai mà đến đó. Những cuộc bắt bớ diễn ra khắp nơi, mọi người đều bị điều tra, xét hỏi xem có biết ai đã tham gia cuộc tập hợp, Bát Thập đã nói tên tất cả những người gã biết và những người gã ghét, tất cả đều bị bắt, Bát Thập cuối cùng cũng không thoát được.

Trong một nỗ lực muốn thanh minh cho người cha, Đồng đã nói ra tất cả những ai cậu biết rằng đã tới cuộc tập hợp, cậu được vinh danh cùng với Hán như những anh hùng của thành phố. Nhưng bố của Đồng bị đánh đến mức trở thành người liệt cả trí óc lẫn thân thể. Nhiều năm sau mọi người vẫn còn chỉ Đồng và bảo rằng đó là kẻ đã làm cho bố mình ra nông nỗi ấy.

Khi mọi chuyện qua đi, ông bà Hoa trở lại kiếp sống lang thang của mình và đem theo cả Nhược Nhược đi. Thành phố này chẳng còn gì níu giữ họ nữa. Nhược Nhược đi theo họ và tự hứa với mình rằng 5 năm nữa sẽ trở lại, lúc ấy Bát Thập sẽ được ra khỏi tù, lúc ấy hai đứa có thể chính thức kết hôn với nhau.

Khai nhận án tử hình như một sự răn đe nghiêm khắc với những kẻ khác, câu chuyện kết thúc với hình ảnh Bát Thập vào lão Keng nghe tiếng bước chân của Khai đi ra pháp trường.

Những kẻ lang thang bắt đầu bằng cái chết của Cố San, một cô gái dám đứng lên đấu tranh cho những điều cô tin rằng đúng đắn và kết thúc với cái chết của Khai, một cô gái vượt trên bản thân, gia đình và cuộc sống sung túc đầy đủ để đấu tranh với điều mình cho là lẽ phải. Cả câu chuyện bị bao trùm bởi bầu không khí u ám, ngột ngạt như chính cuộc sống ở nơi mà con người bị tước đi quyền được nói, được suy nghĩ và hành động theo những điều đúng đắn.

Trần Huệ Lương

(Nguồn : tranhueluong.wordpress.com)

 

 

 

 

 

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: