//
you're reading...
Colnav Nguyen, Dịch Thuật, Giới thiệu sách, Photography, Đời sống

Robert Frank : Người chụp mặt tối của nước Mỹ * Colnav Nguyen

(Dịch theo bài viết “The Photographer Who Captured America’s Dark Side”  của Lucas Reilly, đăng trên trang mạng tạp chí Mental Floss, số ngày 10.02.2016.)

 

Bằng cách ghi nhận từng sự kiện nhỏ nhặt, Robert Frank làm thay đổi bộ mặt của cả một đất nước

1

Vào một ngày nóng bức của tháng Chín 1957, Jack Kerouac ngồi trên một lề đường của Thành Phố New York, “Nước Mỹ” cầm trên tay. Ít nhất phải nói cái cảm giác nó như vậy. Thật ra, ông cầm trên tay cuốn sách với những ảnh chụp của nhiếp ảnh gia người Thụy Sĩ tên Robert Frank. Cũng như Kerouac, người vừa cho ra mắt cuốn “On the Road,” Frank vừa hoàn tất cuộc hành trình lịch sử xuyên lục địa Hoa Kỳ. Ông tự lái xe đi từ New York sang Detroit, xuống New Orleans, rồi thẳng qua Los Angeles, tại mỗi thành phố lớn ông ghi nhận các hình ảnh qua ống kính. Ông dự trù xuất bản một cuốn sách về những ảnh chụp này và ông muốn Kerouac viết lời giới thiệu. Bởi thế cả hai gặp nhau bên ngoài một buổi party, họ ngồi bệt xuống lề đường, và lật xem từng tấm ảnh.

10

Đó là ảnh chụp những chàng cao bồi, xe cộ, máy jukebox, những lá cờ tả tơi, những nghĩa địa và những người đánh giày, các chính trị gia và những người mới kết nạp đoàn thể. Và một tấm ảnh đen trắng, về cảnh một xa lộ rực nắng ở New Mexico, trông như một mũi tên phóng thẳng đến tận chân trời, gây ấn tượng mạnh nơi Kerouac, khiến ông đồng ý viết vài lời chú thích đính kèm. Ông nói với Frank : “Đấy là cả một vần thơ. Anh quả là có cái thấy.”

2

Thực sự đâu có gì là dễ dàng đâu. Frank đã lái hơn 10.000 dặm đường để chụp bắt những cái mình thấy và ghi lại chúng vào những thước phim. Trong suốt cuộc hành trình, ông đã dùng hết 767 cuốn phim, bơm đầy biết bao bình xăng, và qua hai lần bị rắc rối với pháp luật. Ông ưng ý với những gì mình chụp nhưng ông không hề nghĩ rằng rồi đây chúng sẽ làm thay đổi quan niệm về nhiếp ảnh, hoặc cách nhìn của người ta về đất nước này.

*****

Những hình ảnh trong cuốn “The Americans” của Robert Frank thật quá đời thường đến nỗi người xem có thể bỏ sót, điều khiến chúng trở nên phi thường. Trong đó, cảnh người ta ăn uống, đứng ngồi, lái xe, đợi chờ … chỉ có thế thôi. Hiếm có tấm nào chủ thể nhìn thẳng vào ống kính. Có chăng thì họ tỏ ra có vẻ khó chịu. Nhiều tấm bị mờ, nổi hột, và bị bóng đen làm nhòe đi. Nhưng cái quỉ quái chính là nằm trong những chi tiết ấy. Gộp chung hết, những hình ảnh ông chụp là một bức chân dung mang tính hoài nghi, một “cái thấy như là” của một người ngoại quốc đối với đất nước này vào thời điểm ấy.

3

Ra đời ở Thụy Sĩ vào năm 1924, Robert Frank lớn lên trong một cái bong bóng chực chờ nổ tung. Trước sinh nhật thứ 15, cậu chứng kiến sự đổ sụp của thị trường chứng khoán, trận Nội Chiến Tây Ban Nha bùng phát, người Do Thái như cha cậu bị mất quyền công dân, và Đức Quốc Xã xâm lăng Ba Lan. Gia đình cậu lo sợ cho số phận của Thụy Sĩ rồi cũng sẽ đến lượt. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Nghịch lý thay, phàn nàn to lớn nhất của cậu thiếu niên Frank là đất nước mình quá nhỏ bé, quá yên bình và buồn chán. Cậu vô cùng ao ước được thoát ra ngoài.

Khi lên 17, một con đường mở ra. Một người sửa hình chuyên nghiệp tên Hermann Segesser sống ở tầng trên, một hôm Frank ghé chơi và tỏ bày: “Tôi muốn học những gì ông đang làm.” Thế là Segesser đưa Frank vào nơi ông làm việc và dạy cậu cách sử dụng máy chụp hình, rọi tráng phim, in hình lên giấy, và chỉnh sửa hình. Trong năm năm kế tiếp, cậu học trò này chính thức học về nhiếp ảnh qua Segesser và những tay chuyên nghiệp khác, thực hiện được bộ sưu tập “40 Fotos” mà cậu hy vọng đó sẽ là chiếc vé đưa cậu ra khỏi đất nước Thụy Sĩ.

Vào tháng Hai 1947, Frank gom hết bộ sưu tập của mình và vượt biển sang New York City, nơi cậu không dự tính sẽ lưu lại lâu. Nhưng rồi ra cậu bắt đầu say mê cái năng lực của thành phố này. “Con chưa từng trải nghiệm được quá nhiều điều như vậy chỉ trong một tuần ở nơi đây,” cậu kể qua thư viết cho cha mẹ. “Con có cảm tưởng như con ở trong một cảnh phim.”

Cuộc sống còn giống như trong phim hơn nữa khi Frank được Harper’s Bazaar nhận làm phóng viên ảnh chính thức cho tờ tạp chí. Ở tuổi 22, Frank coi như đã hoàn toàn thực hiện được giấc mơ của mình, đó là được trả tiền cho những tấm ảnh do chàng chụp. Nhưng việc chụp những cái ví xách tay và những cái đai lưng cho mục thời trang của tạp chí nhanh chóng làm cho Frank cảm thấy nhàm chán. Chàng trở nên bực bội về lối sửa lưng của các chủ biên đối với mấy tấm hình do chàng chụp, và sự vỡ mộng bắt đầu hình thành. Thế là chỉ sau một tháng, chàng bỏ việc.

Từ đó chàng trai trẻ bắt đầu sống lang thang. Trong sáu năm, Frank du hành khắp thế giới, dừng chân ở Peru, Panama, Paris, London, và xứ Wales của nước Anh. Rồi chàng lập gia đình. Frank tiếp tục mài giũa phong cách của mình bằng cách chụp bất cứ thứ gì chàng thích. Hầu hết ảnh chụp của chàng đều sáng sủa, nhẹ nhàng và lãng mạn, và chàng mơ được bán lại chúng cho những tạp chí lớn như LIFE. Nhưng tiếc rằng chúng đều bị thẳng thừng từ chối. Đến khi Frank gần như từ bỏ việc tạo dựng sự nghiệp qua đường nghệ thuật, thì vào năm 1953, chàng quay trở lại nước Mỹ để thực hiện một cuộc săn hình cuối cùng.

Lần này, bối cảnh chàng tìm thấy ở New York hoàn toàn khác hẳn. Frank có một người bạn đồng hương, một nhà thiết kế tên Herbert Matter, người chơi thân với các họa sĩ phái trừu tượng như Hans Hofmann, Franz Kline, và Jackson Pollock. Chàng bị choáng ngợp với thế giới của họ. Căn chung cư ở Greenwich Village của chàng nhìn qua sân nhà của Willem de Kooning, trong khu thế giới thần tiên của dân bụi đời. Chàng gặp những nhà thơ của thế hệ Beat như Allen Ginsberg và Gregory Corso, rồi không lâu sau đó chàng có cơ hội tiếp xúc với Walker Evans, người nổi danh với ảnh chụp ghi nhận cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế (Great Depression).

2Frank hấp thụ mọi thứ từ cộng đồng mới này của chàng. Từ các họa sĩ trừu tượng, chàng học nắm lấy cái mơ hồ và cơ hội, làm “theo trực giác – bất kể kết quả bị cho là kỳ quái, đáng nực cười, xa vời với thực tế.” Các nhà thơ phái Beat khuyến khích chàng xem nhiếp ảnh như là một màn độc tấu nhạc jazz: tự sinh tự phát, không gọt giũa, hiện tiền. Điều quan trọng hơn cả là các tay chụp ảnh chuyên nghiệp dạy chàng hãy là kẻ thù của nhiếp ảnh dòng chính.

Vào thập niên 1950, người ta quan niệm một tấm ảnh chụp phải rõ nét và trong sáng. Một bức ảnh được xem là hoàn hảo nếu theo đúng qui tắc bố cục truyền thống. Ảnh chụp thường phải tươi vui, đặc biệt ảnh đăng trên các tạp chí phổ thông nói lên đời sống Mỹ Quốc. Nguyên tắc thẩm mỹ ấy đạt đến đỉnh điểm vào năm 1955, khi Edward Steichen, quản thủ của Museum of Modern Art’s Photography, giới thiệu cuộc triển lãm có tên gọi là “The Family of Man,” nơi trưng bày 503 ảnh chụp từ 60 quốc gia gửi đến, cho thấy con người ở mọi nơi đều như nhau. Được ca tụng là “cuộc triển lãm nhiếp ảnh vĩ đại nhất trong mọi thời đại,” được công nhận là đúng điệu, xem chiến tranh và nghèo đói như là những vết ố nhỏ nhoi của nhân loại.

Nhưng với Frank, người từng sống ở Âu Châu trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai và cũng đã từng thăm viếng những phần đất nghèo nàn của lục địa Nam Mỹ, chàng ý thức điều ấy hơn cả. Frank tâm sự : “Tôi nhận thấy mình đang sống ở trong một thế giới hoàn toàn khác, rằng thế giới chúng ta không được lý tưởng như vậy, rằng chỉ là huyền thoại khi nói rằng bầu trời là xanh và mọi ảnh chụp đều phải là thứ đẹp đẽ cả.

Bởi thế chàng quyết định mua một chiếc xe cũ để chứng minh điều mình nghĩ.

*****

Nhờ quen biết rộng rãi với những người bạn nổi tiếng, Frank được cấp một ngân quỹ từ tổ chức Guggenheim Foundation. Như vậy có nghĩa là sẵn tiền bạc trong túi, chàng có thể làm bất cứ điều gì chàng muốn. Với không chủ đích rõ rệt, Frank chỉ biết đề máy xe, lái và lái. Ban đêm chàng ngủ ở những khách sạn rẻ tiền, sáng dậy lại tiếp tục hành trình và luôn luôn kè kè bên mình cái máy hình Leica chụp phim 35mm. Với tâm niệm câu thần chú bất hủ của Allen Ginsberg, nhà thơ, nhà văn, kiêm triết gia người Mỹ, rằng “first thought, best thought,” ý tưởng đến đầu tiên là cái ý tưởng tuyệt vời nhất, cứ dừng mỗi nơi chàng chớp hai ba tấm rồi lại tiếp tục đi. Chàng ghé vào các nhà bưu điện, trạm xe buýt, nhà ga xe lửa, khu nghĩa địa, kể cả các cửa hàng bán đồ cũ. Chàng ghé đến nơi người ta tụ tập và tìm cách hòa lẫn vào với họ. Frank chẳng mấy khi nói chuyện với người mà chàng bấm máy để chụp.

The Dorothea Lange Collection, Oakland Museum of California

Chẳng bao lâu, Frank nhận thấy : Cái xứ sở mệnh danh là miền đất của cơ hội này có vẻ như là miền đất của lao dịch và cực nhọc. Mọi người mang dáng vẻ buồn chán và mệt nhọc. Frank cam đoan chàng cảm nhận được điều đó. Khi dừng ở Detroit, chàng viết thư cho Mary, vợ chàng, tâm sự rằng chàng muốn “nằm dài xuống ở một nơi đẹp đẽ và không nghĩ ngợi gì đến những tấm ảnh đã chụp.” Thế rồi xe chàng chết máy. Để tận dụng thời gian, chàng đến chụp hình một buổi nhạc hội của người Mỹ da đen, nơi chàng bị bắt vì tội xe có đến hai bảng số khác nhau.

Nhưng đó không phải là lần duy nhất chàng có rắc rối với pháp luật, đặc biệt khi chàng lái xa hơn xuống về phía Nam. Tại biên giới tiểu bang Arkansas, chẳng vì một lý do cụ thể nào, chàng bị chận lại. Một lão cảnh sát cấp quận rút ra cái đồng hồ bấm giờ và bảo chàng có năm phút phải lập tức lái ra khỏi tiểu bang. Tại Port Gibson, Mississippi, một đám thanh thiếu niên quấy nhiễu chàng, gọi chàng là một tên cộng sản. Ở McGehee, Arkansas, chàng bị một xe cảnh sát cấp tiểu bang chận lại trên xa lộ US 65. Khi mấy người cảnh sát nhìn vào xe trông thấy nào là vali nào là máy chụp hình, rồi lại nghe chàng nói tiếng Anh giọng nước ngoài, họ nghi chàng là gián điệp. Chàng bị yêu cầu phải giao nộp tất cả số phim và bị tạm giam sau khi chàng từ chối tuân theo lời họ. Trước khi được thả, Frank phải ký tên vào tấm giấy, bên trên có ghi là tội hình sự. Sự việc khiến chàng phẫn uất và niềm cảm thông cho những người khác từng bị đối xử bất công ngày mỗi dâng cao. Trong thư viết cho cha mẹ, có đoạn chàng nói : “Hoa Kỳ là một xứ sở thật kỳ thú nhưng có rất nhiều điều con không ưa được và không bao giờ có thể chấp nhận được. Con đang tìm cách để biểu hiện những cái đó qua những tấm hình con chụp.”

Căn bản thì Frank không có chủ đích chụp cái gì cả ngoại trừ sự việc người Mỹ sinh hoạt hằng ngày. Nhưng càng du hành về phía Nam tầm nhắm của chàng lại càng hướng nhiều hơn đến những con người mà Giấc Mơ Mỹ Quốc (American Dream) tuồng như lãng quên. Càng ngày chàng càng chộp bắt được hình ảnh của một nước Mỹ tuy mọi người đều ý thức rằng có hiện hữu nhưng không muốn thừa nhận chúng; chàng chú tâm vào cái người ta không nhìn tới và bắt được sự mệt mỏi nơi những đôi mắt.

6

Bất kể đối tượng đứng bên cái máy chơi nhạc hay bên một cái quan tài, máy hình của Frank thu nhận cái nhìn giống nhau trên gương mặt của mọi người. Người ta nhìn ra, nhìn vào, nhìn xuống chân, nhìn khắp mọi nơi nhưng không nhìn nhau. Ở Miami Beach, một cô gái trực thang máy, suốt ngày bấm số tầng cho những người khách xa lạ, cô có vẻ bồn chồn và mắt nhìn vô hồn trong khoảng không. Tại Detroit, mấy người thợ ngồi ăn trưa trước quầy nhà hàng, không quan tâm gì đến người ngồi chung quanh, mắt họ như nhìn vào chỗ trống không ở trước mặt. Tại New Orleans, một chiếc tàu điện chạy qua, trên đó một người da đen ngồi ở băng ghế sau nhìn vào ống kính máy ảnh của Frank với cái nhìn u buồn sâu thẳm.

5

Những hình ảnh Frank nắm bắt hoàn toàn trái ngược với nét tươi vui của Steichen trong cuộc triển lãm chủ đề “The Family of Man.” Chàng không lấy thế mà ghét hận Steichen. Chàng tâm sự : “Tôi cảm thông với những người mình gặp trên đường.” Chàng tìm thấy cái đẹp trong sự nhấn mạnh đến cái thật, dù rằng chúng rất đời thường, buồn thiu và bé nhỏ. Chàng muốn nói lên tiếng nói thay cho những kẻ thấp cổ bé miệng. Đối với mọi người Mỹ, những cái thấy ấy quá đổi tầm thường đến nỗi chẳng ai còn chú ý đến nữa. Nhưng với con mắt của một người nước ngoài như Frank, chàng thấy chúng gây tác động và ảnh hưởng đến mọi đời sống thường nhật. Đặc biệt nhất là xe cộ. Hơn tất cả mọi thứ, xe cộ là cách mà người Mỹ có thể cô lập chính mình, trong đó có Frank.

Sau chín tháng ròng, Frank đã chạy được hơn 10.000 dặm băng qua hơn 30 tiểu bang, và chụp được chừng 27.000 tấm hình. Sau khi trở lại New York vào năm 1956, chàng chọn và in ra 1.000 tấm, rồi treo khắp nhà như người ta treo giấy dán tường. Bốn tháng sau, từ 1.000 tấm ấy chàng chọn xuống còn 83 tấm cho cuốn sách mang tựa “The Americans.”

*****

Theo lời của Jack Kerouac, từ đất nước Hoa Kỳ Frank đã “rút ra được một bài thơ buồn qua những thước phim của mình.” Nhưng sự phê phán của người khác lại không được tử tế như vậy. Khi ấn phẩm được xuất bản lần đầu ở Paris, nó không tạo được một tiếng vang nào, nhưng ấn bản ở Mỹ vào năm 1959 với lời giới thiệu của Kerouac, lại nổi đám nổi đình. Nói cho cùng, cuốn “The Americans” bị phê phán là chống báng nước Mỹ. Minor White (1908-1976), nhiếp ảnh gia, nhà lý luận, nhà giáo dục Hoa Kỳ, miêu tả cuốn sách của Frank như là “cố tình lái cho độc giả nhìn lệch hướng! Làm giảm giá trị của một đất nước!” Bruce Downes, nhà truyền giáo đạo Thiên Chúa, quở trách Frank là “kẻ sầu thảm, ghét hận đất nước cưu mang mình.” John Durniak, chủ biên về hình ảnh của tạp chí Times và báo NY Times, gọi cuốn sách của Frank chứa đựng toàn “hình ảnh của nước Mỹ đầy mụn cóc. Nếu nước Mỹ là như thế thì ta nên đốt đi và xây dựng lại.”

7

Nói chung, “The Americans” trái ngược với cái thấy của độc giả ở Mỹ quen nhìn thấy. Trong đó không có trang nào mang lại hình ảnh làm ấm lòng người thưởng ngoạn như các tranh vẽ của Norman Rockwell.

Nếu đây là một thông điệp khó nuốt, giới phê bình quả nghẹn họng đối với phong thái của Frank. Cuốn “The Americans” chứa đựng toàn những hình ảnh mà ngành nghiếp ảnh được cho là tuyệt hảo cần phải né tránh. Arthur Goldsmith của tạp chí Popular Photography phê phán cuốn sách của Frank là đầy những “khuyết điểm với những hình ảnh mờ, đầy hột, mờ đục, nói chung là luộm thuộm một cách vô nghĩa.” Nhưng Frank, người cảm hứng bởi các họa sĩ phái lập thể mà chàng tôn sùng, hình ảnh của chàng mang phong thái rất mơ hồ. Một đất nước tăm tối xứng đáng với những hình ảnh thâm u ấy. Bố cục của chúng cũng không bình ổn như Giấc Mơ Mỹ Quốc. Thực tế mà nói, sự mờ nhạt, những cái bóng, và những góc cạnh lạ lẫm đóng khung những chi tiết mà đối với kỹ thuật truyền thống chỉ làm cho người thưởng ngoạn không thèm ngó tới. Trong một tấm hình, một diễn viên bước đi trên thảm đỏ, khuôn mặt nàng hoàn toàn bị mờ khiến mắt chúng ta hướng về phía những fan đang đứng ở hai bên, một người trong số họ đang bồn chồn cắn móng tay. Kỹ thuật của Frank là nhấn mạnh đến những chi tiết mà chúng ta thường có khuynh hướng ngó lơ, không để ý đến. Ở đây, Frank thấy người đứng ngoài lề cũng quan trọng không kém người diễn viên.

8

Cuốn sách bị phê phán nặng nề và phần lớn không gây được chú ý. Kết quả là chỉ 1.100 bản bán được và Frank kiếm được tổng cộng $817.12. Frank gát việc chụp hình và quay sang quay phim, nổi tiếng với cuốn tài liệu về ban nhạc The Rolling Stones vào năm 1972. Trong khi đó “The Americans” vẫn âm thầm gây một mối ám ảnh như lời tiên tri. Vào cuối thập niên 1960, các chính trị gia và các nhà hoạt động bắt đầu nói đến những đề tài mà Frank đã từng nắm bắt, như kỳ thị chủng tộc, môi trường làm việc khắc nghiệt, sự bất bình đẳng. Các nhiếp ảnh gia đường phố, từ Garry Winogrand đến Lee Friedlander, bắt đầu chịu cảm hứng từ Frank. Trong cuộc phỏng vấn của đài NPR vào năm 2009, nhiếp ảnh gia đường phố tiếng tăm Joel Meyerowitz nói : “Chính cái thấy tỏa ra từ cuốn sách đã dẫn dắt không những riêng tôi mà còn cả một thế hệ nhiếp ảnh gia hướng đến cái cảnh quan của con người nước Mỹ.” Ngày nay, cuốn “The Americans” được ngợi ca như là cuốn sách gây ảnh hưởng nhất của thế kỷ thứ 20. Các cuộc triển lãm trên khắp toàn cầu trưng bày ảnh của Frank, và chỉ mới gần đây, một bản in hình chụp chuyến tàu điện ở New Orleans chụp năm 1961 bán được $663.750.

1

Điều quan trọng hơn cả là cuốn sách này không còn bị xem là chống báng lại người Mỹ. Lớn lên trên một lục địa nhuốm đầy những tuyên truyền của thời chiến, Frank yêu mến sự tự do của nước Mỹ, nơi đã ban cho chàng, một người nghệ sĩ, một cơ hội mà không một quốc gia nào có thể ban cho chàng, sự tự do thử nghiệm một cách cuồng dại và có thể chụp những tấm hình chân thật nhất. Phơi bày mặt xấu xí của nước Mỹ là cách mà Frank buộc đất nước mà chàng ngưỡng mộ phải trực diện với những vấn đề của nó để hoàn thiện hơn. Chụp hình cuộc sống đời thường là một cách để san bằng cái sân chơi, để tán dương không chỉ với những điều nhỏ nhặt mà cả với mỗi con người. Còn gì là con người Mỹ hơn thế nữa ?

Robert Frank mới qua đời năm nay, vào ngày 9.9.2019 tại Inverness, Canada, thọ 95 tuổi.

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: