//
you're reading...
góp nhặt cát đá, Tùy Bút, thời đã qua, Vang Bóng Một Thời, về Lịch Sử, về Quê Hương

Sài Gòn thủ đô văn hoá Việt Nam * Mai Thảo

 

 

 

 

3

Cảnh sinh hoạt của Sài Gòn thời thập niên 60-70, dàn dựng lại.

 

Bài tác giả viết, đăng trên tạp chí Sáng Tạo, số 1 tháng 10.1956, lúc đất nước mới chia đôi. Sài Gòn trở thành thủ đô của miền Nam.

 

Sài gòn thủ đô văn hóa Việt Nam : Không phải là một danh từ, một câu nói xuông nhạt. Không phải là một ảnh hình trừu tượng. Không phải là một ảo tưởng mong manh còn nằm trong ngày tới xa thẳm. Không phải là một ý niệm khát khao đợi chờ. Đã là một thực thể được minh định : Văn Hóa Việt Nam thực hiện hôm nay và sẽ được kiện toàn trong ngày tới đã có được một trung tâm xuất phát và sinh thành : Thủ đô Sài Gòn.

Thực thể lòa chói này được biểu tỏ rõ rệt xâu đậm, ngày lại ngày.

Ánh sáng của Văn Hóa cháy lên hôm nay từ giữa lòng đời sống lớn rộng của dân tộc là một giòng máu bừng bừng mãnh liệt luân lưu trong một cơ thể chứa đựng cái vô hạn của những năng lực sáng tạo trẻ mạnh phong phú. Giòng máu bắt nguồn từ trái tim. Sài Gòn xuất hiện trên những kinh rạch tăm tối ngày nào, đã đổi thay để có thêm một hình thể tinh thần nữa: hình thể của một trái tim đập mạnh, với những đường máu, những lối ánh sáng đan chen nhau, tỏa đi trên toàn thể, toàn diện.

Không còn là chân tay, Sài Gòn đã là một trái tim. Những biến cố trọng đại của lịch sử đất nước từ một ngày nào đã chuyển đổi trọng tâm sinh hoạt dân tộc, và Sài Gòn đang phát triển, thay thế cho một Hà Nội đã tàn lụi, đã nghiễm nhiên biến thành một thứ cứ điểm chính yếu quy tụ mọi thiện chí xây dựng và mọi nỗ lực đóng góp của những hoạt động văn-hóa hiện hữu, trên mọi ngành mọi mặt.

Từ người du khách ngoại quốc đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, đến những chuyến tầu vượt đại dương vào hạ neo trên mặt nước phẳng lặng của thương khẩu thành phố, đến những con người xa cách không biết bao nhiêu trùng dương, lúc mở nút điện nghe một tiếng nói, một giọng hát, một bản nhạc truyền thanh qua không gian, hoặc đọc một cột báo tường thuật ghi chép những chứng tích của Văn Hóa – nghĩ đến Việt Nam – đều mang trong tâm hồn hình ảnh đằm thắm của thành phố lớn rộng đã trở nên trung tâm sinh hoạt và phát huy của tất cả mọi lực lượng tinh thần đất nước giữa mùa kiến tạo.
Thành phố đổi khác. Thêm một tấm áo của Văn-Hóa khoác lên mình tấm áo của thiên nhiên. Nắng nhiệt đới chói chang vàng diệp bừng cháy thêm một thứ ánh sáng văn hóa càng ngày càng thắm thiết rực rỡ.

Không phải chỉ là những công trình kiến trúc với những đại lộ rộng thẳng, những ngã tư trùng điệp xe cộ, những công viên xanh mướt mầu cỏ bóng lá, những xưởng may vang vọng nhịp điệu sản xuất, những trường học, chợ búa sinh hoạt thường xuyên. Không phải chỉ là một khoảng không gian tập hợp một dân số đông đảo có chung một gốc nguồn, một lịch sử, một tương lai. Không phải chỉ là một thương cảng lớn đón nhận và gửi đi những kiện hàng những chuyến tầu.
Sài Gòn còn là thủ đô Văn-Hóa Việt Nam.
*
Từ một điểm son bé nhỏ vô nghĩa ghi trên tấm bản đồ hình thể xứ sở, đến những công trình xây dựng bề mặt, thành phố dựng lên theo chiều cao đang tỏa đi theo chiều rộng và thấm lắng xuống chiều sâu, để từ một đô thị miền Nam biến thành một thủ đô tinh thần của toàn thể đất nước.

Sài Gòn đã đứng vào vị trí. Đã nhận nhiệm vụ mình. Sau khi Hà Nội đã từ bỏ vị trí nhiệm vụ của Hà Nội. Lửa văn hóa vượt vĩ-tuyến đã sáng lên ở đây, hôm nay. Sự tê liệt, sự hủy diệt, sự đổ ngã một nơi nào đẩy những sức sống trẻ mạnh về Sài Gòn, hợp làm một với những sức sống trẻ mạnh sẵn có, Thành phố hòn ngọc của Á Châu tinh hoa của đất nước đã chứa đựng cái sắc thái của một mảnh đất màu trên đó đua nở những cỏ hoa tươi tốt nhất của một mùa văn hóa mà những thành tích, kết quả cụ thể đang được thu lượm dần dần, đang được sắp thành biểu đồ, hệ thống.
Những công trình nghệ thuật đang được thể hiện song song với những công trình khoa học, kỹ-thuật. Thành phố từ một mảnh đất mầu mỡ trở nên một kho tàng. Đời sống đang đóng góp cho kho tàng này. Sự đóng góp về từ khắp nơi. Nhìn thấy ánh sáng văn hóa phát xuất trên bờ Cửu Long, chảy qua đại dương, băng qua lục địa, những con người văn hóa Việt Nam trên toàn thể thế giới đã ý thức được sự chuyển đổi trọng tâm, đã xuống một chuyến tầu biển, lên một chuyến máy bay vượt không gian về đặt chân xuống Thủ Đô Mới, hiến dâng phần kiến thức chuyên môn của mình vào cuộc dựng xây văn hóa. Người vẫn ở đây, người về từ hải ngoại, người đến qua vĩ tuyến, chung lưng trong sự nghiệp xây dựng toàn thể. Những chứng tích mới. Những phát minh mới. Kho tàng văn hóa đầy dần.

Thủ Đô lộng lẫy về hình thức, càng thêm rực rỡ tinh anh. Ánh sáng văn hóa hồng cháy, tỏa rộng, bốc lên, lan đi xa rộng. Ánh sáng của nghệ thuật, của khoa học, ánh sáng của đời sống, của con người là ánh sáng của thủ đô hôm nay. Ngọn lửa mới của văn hóa có một sức tác động lấn át cả thứ ánh sáng cố hữu của thiên nhiên trong xanh giữa mùa nắng lớn.

Từ hải ngoại, từ nội địa, ở khắp mọi miền núi rừng đồng nội, trên khắp các khu vực của đất nước, những xu hướng và khả năng tỉnh thần đều nghiêng xuôi về thủ đô miền Nam trở nên thủ đô toàn quốc, như những giòng suối chảy về một hội trùng dương. Những đoàn ghe thuyền ngược giòng những nhánh sông đầy của Tiền Giang Lục Tỉnh ăm ắp thóc lúa khoai sắn của những bàn tay cần lao của những miền đất đai phì nhiêu, ngày đêm suôi về những bến xá nằm trong phạm vi trung tâm văn hóa. Những ngả đường từ cao nguyên đổ xuống, những ngả đường từ duyên hải đi lên, đều mang hình ảnh của những giòng máu chảy về trái tim, những giây thần kinh chảy về đầu óc.

Trái tim, đầu óc là thành phố. Là trung tâm văn hóa. Là Sài Gòn. Sài Gòn sáng tạo và suy tưởng.
*
Người trở về từ hải ngoại giữa mùa mưa 56. Tôi đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất từ mùa nắng 54. Những người bạn đường đã sinh trưởng ở đây kể từ ngày thành phố xuất hiện trên những kinh rạch ẩm ướt đen tối. Những người bạn đường còn ở rải rác trên những đô thị thế giới, bên kia muôn ngàn trùng dương. Tất cả đời sống chúng ta, kể cả phần tâm tưởng thầm kín đến phần sinh hoạt thường nhật, đều hướng về Sài Gòn. Như những nhành hoa hướng dương nở về một phía bình minh. Như những bước chân đi về trạm hẹn. Mang trong lòng ít nhiều thiện chí xây dựng, rất nhiều tin tưởng, qua một ý niệm chân thành ở tiền đồ văn hóa đất nước, chúng ta đang lăn mình vào sinh hoạt văn hóa. Mỗi người, mỗi chỗ đứng là một vị trí nhỏ trong trung tâm văn hóa rộng lớn.

Chúng ta đến với một số mặc cảm. Trong tin tưởng có hoài nghi. Ý chí xây dựng cương quyết mà tâm hồn thì còn nhiều thắc mắc. Sự giao động này là một lẽ tất nhiên. Dĩ vãng buồn đau còn gửi về hình ảnh một thủ đô cũ, một trung tâm cũ. Niềm đắng cay của một thiện chí dựng xây nào đổ vỡ hoặc không thành. Anh còn nhớ đến cái ánh sáng lòa chói của những thủ đô văn hóa thế giới. Chúng ta đặt những bước chân bỡ ngỡ vào thành phố đã trở nên trung tâm, nên quê hương. Hiện tượng mới đột ngột. Thủ Đô văn hóa vừa được chọn ở đây. Nhưng rồi lăn mình vào sinh hoạt, đứng lại giữa vị-trí, những hoài nghi tan biến dưới những tin tưởng vững mạnh lên hình. Như sương mù tan đi trong ánh sáng. Như những tảng bóng tối dầy đặc rụng đổ lả tả giữa biển ngày trong veo.

Sài Gòn thủ đô văn hóa Việt Nam! Từ một hiện tượng đến một thực thể. Nền văn hóa dân tộc đặt định những nền tảng ở đây, đang phát huy ở đây bằng những nỗ lực sáng tạo của chúng ta – những con người hiện có mặt ở đây. Bằng những nỗ lực sáng tạo của những người bạn đường thế giới. Bằng những hành động đóng góp tương trợ của những dân tộc huynh đệ, những xu hướng văn hóa bằng hữu của thế giới.

Sài Gòn khác biệt với bất cứ một thủ đô nào của thế giới. Nhưng Sài Gòn cũng là một trong những thủ đô văn hóa thế giới. Trên bản đồ đất nước, chúng ta ghi tên Sài Gòn : thủ đô văn hóa dân tộc hôm nay và ngày mai.

.

(Nguồn : blog nguoitinhhuvo)

.

.

 

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: