//
you're reading...
góp nhặt cát đá, Hoài Niệm, Kỷ Niệm, Tùy Bút, Về Huế

Ngõ xưa xóm cũ – Tuý Việt

 

 

 

 

 

2

 

Không ai sống với quá khứ, nhưng quá khứ đã tạo nên chính ta. Tôi nhớ báo Làng Văn thuở nào có mở mục ”Xóm Cũ” để cho ta viết lại kỷ niệm ”trước khi dĩ vãng bị vùi sâu vào quên lãng, trước khi bụi thời gian xóa nhòa đi kỷ niệm…”. Ðúng vậy, cần phải viết, và do đó tôi mạnh dạn viết lên những dòng này, nhất là giờ đây, cuộc sống với tới tấp ngôn từ xa lạ, nếu không chịu khó khơi dậy một chút quá khứ êm đềm đã tạo nên ta ngày nay, chắc rồi tôi cũng quên luôn, và đáng tiếc sẽ mất đi một phần đời mà đáng lẽ nó phải được trân trọng gìn giữ cho đến lúc tàn hơi.

Nhưng thưa các bạn, văn từ của tôi đã từ bao lâu không gọt dũa, bố cục bài văn phần nào đã lãng quên. Mà kỷ niệm thì chất chứa quá nhiều hầu như cùng muốn trào ra một lúc, làm sao đây? Thôi, các bạn cho phép tôi được chuyện trò như đối với một người thân thiết vậy nhé.

NƠI TÔI ÐÃ SINH RA

Huế!!! Cho đến bây giờ, trên đầu đã hai thứ tóc, tôi vẫn luôn nghe rung động sâu xa trong lòng khi nghĩ đến, khi nghe, khi thấy, khi nhắc nhở đến Huế của tôi, dù chỉ là một mẩu con con. Tôi hãnh diện đã được sinh ra ở đó, đã thở không khí mát lạnh tỏa ra từ từng hốc đá, từ từng mái ngói rêu phong, từ những cột nhà cột đình của thành nội; đã tắm mát bằng những làn gió êm đềm thổi lên từ dòng sông Hương hiền hòa êm ả suốt ngày đêm; đã từng nghe tiếng ve vang rân khắp thành phố trong suốt những ngày hè; đã nhìn thấy phượng vỹ đỏ rực trời mùa hạ; đã từng chịu rét nứt môi và lạnh buốt mỗi mùa đông với những cơn mưa dài lê thê; đã sưởi ấm mình trong bếp khói hun đen kĩu kịt cả mái nhà… Bão tố, lụt lội, các kỷ niệm tuổi thơ với những ngày đầu ê a trong lớp học, bạn bè chòm xóm cùng những niềm vui, nỗi buồn, hoặc gây gỗ, hoặc làm lành đã chan hòa với nhau như một thực thể đồng chất. Hơn bốn mươi năm rời xa xóm cũ, miền đất thuở ấu thơ của tôi vẫn thỉnh thoảng trở về trong giấc ngủ, tỉnh ra tôi vẫn còn cảm thấy miên man…

Không kể dòng sông Hương lững lờ băng qua thành phố, quê nội, quê ngoại của tôi cũng có những nhánh sông con. Mỗi dịp về quê đối với tôi là một cuộc du ngoạn đầy hứng thú: đi bộ, đi xe đò, rồi qua đò mới tới nơi. Nhìn bãi cát dội lên giữa dòng sông, tôi chợt nhớ tới chuyện Tiên Dung Chữ Ðồng Tử. Tuổi thơ với những ý nghĩ gần gũi với bài học, có ai biết được điều đó trong đầu đứa bé – tôi – để chia xẻ cùng.

Song đó là chuyện của thành phố. Cụ thể nơi tôi đã sinh ra là một căn nhà tranh nằm lọt thõm giữa một khu vườn rộng trong thành nội, gần lầu Ông Hoàng Tùng Ðệ. Ðó là một căn nhà kiểu mẫu của lối làng quê xưa: nhà ba căn, nằm chính giữa khu vườn, chia khu vườn thành những khu vực có tên gọi hè trên, hè dưới, sân trước sân sau. Mảnh vườn rộng không quá bốn trăm mét vuông này đã gói trọn thời thơ ấu của tôi. Trước tiên là hè trên. Nơi đây chỉ có một cây chanh và một cây mít. Dưới gốc mít là một tảng đá xanh hình khối vuông, rộng chừng tám tấc. Những buổi trưa nóng nực, ngồi lên hòn đá nghe mông mình mát dượi, đôi lúc tôi nằm dài lên đó để cho cái mát thấm qua cái lưng bé con. Nhìn nắng xuyên qua tàn lá mít, đợi chờ cơn gió hiu hiu, tôi không nhớ rõ lúc đó đang nghĩ gì.

Cái sân trước rộng thênh thang, chẳng trồng hoa kiểng gì cả. Ba tôi không bao giờ cầm đến cái cuốc chéc hay cái bay để đào đất trồng cây. Thỉnh thoảng ông ngoại tôi đến chơi, ông đào đào xới xới một chút gì đó, hoặc mang đến một cây cúc hay vạn thọ trồng dọc theo hàng rào; nhưng sau đó rồi thôi, không ai chăm sóc mấy cây hoa, từ từ cỏ mọc lên như cũ. Cả khoản sân trống đổ đá dăm lổn ngổn, giữa sân đặt một cái bể cạn chứa nước mưa. Cuối sân trước cạnh hè dưới là một cây vông gói nem thật cao, bao quanh là dây trầu cay bà nội tôi trồng để ăn trầu. Dưới gốc vông là một đám cây thuốc cứu, không biết ai trồng mà rất sum suê. Bà nội tôi bảo thuốc cứu để cho mấy bà thai nghén uống cho dễ sinh con nên chi bà gắng sức giữ đám thuốc cứu này lại cho mấy bà có bầu trong xóm. Sát hông phải của sân trước là hai cây trứng cá, tàn lá của chúng rất lớn che hẳn cả mái nhà bếp của Bác Ðội Hinh phía bên kia hàng rào.

Hè dưới là hai cây mít khác. Tàn lá của chúng rất rộng, che hẳn cả một khoản sân chơi cho tôi và cả bạn bè hàng xóm nữa. Tôi rất thích những buổi trưa hè, lầm lũi một mình, đem một chiếc chiếu nhỏ trải ra trên khoản đất này, lắng nghe ve kêu, hay lẩn thẩn sắp xếp mấy cái vỏ nghêu, hái mấy cái bông cẩn bên hàng rào để chờ mấy đứa bạn hàng xóm sang chơi buôn bán. Hôm nào khôn ngoan, nghĩa là biết chơi trong im lặng thì tôi được một bữa chơi thoải mái, còn nếu lỡ có gây gỗ với bạn làm cho má tôi nghe tiếng thì tức khắc bị biểu dẹp trò chơi và bị bắt đi ngủ trưa.

Phần còn lại là khoản sân sau nhà thì ôi thôi, trồng đủ thứ hùm bà lằng. Nào mía, nào chuối, nào mãng cầu xen lẫn với cỏ cú, vài cây ổi, cây bưởi, chanh, vú sữa, luôn cả cây mãng cầu xiêm do ông ngoại tôi mang từ Saigon ra trồng, nhưng chẳng có cây nào cho ra hồn. Về sau, khi bà nội tôi mất rồi, má tôi cho phát quang khu vườn này và cho Anh Châu – con O Quản mà tôi sẽ có dịp nói đến – thực tập trồng cam canh nông vì ảnh đang học trường Nông Lâm Súc Tây Lộc. Tôi nhớ mía trong vườn bị đốn chất đống trong nhà, mời cả hàng xóm sang ăn dùm mà cả tháng mới hết.

Căn nhà nhỏ lợp tranh, đúng là kiểu mẫu của miền quê Việt nam, phên tre phết bùn với phân trâu; bậc thềm thâm thấp có bắc một tảng đá xanh, như tảng đá dưới gốc mít ở hè trên, để làm tam cấp. Mái tranh tuy không lụp xụp, cũng rũ xuống gần đụng cái cửa sổ làm bằng liếp tre chống lên sụp xuống. Những ngày trời mưa, tôi thường quỳ trên giường má tôi, sát cửa sổ, thò tay ra ngoài hứng từng dòng nước mưa đổ xuống từ những cọng tranh này. Bốn năm cái cửa sổ chung quanh chẳng đủ để làm sang cái lõm giữa nhà. Lại thêm một cái tủ quần áo to tướng chắn ngang ở giữa để ngăn đôi căn nhà làm cho nó tối hơn. Một lần chơi năm mười với nhau ngoài sân, tôi đã chui vô trong cái tủ này để trốn, không ai tìm ra, cho đến chiều má tôi vô mở tủ tôi mới thò đầu ra, suýt nữa má tôi chết giấc. Ðêm đến, chong một cây đèn bát lớn giữa nhà và mọi sinh hoạt hầu như ngừng lại. Tôi còn nhỏ, chưa phải học hành gì, má tôi bận bịu với em bé, ru hời ru hỡi trong buồng, người làm lui cui dưới bếp, bà nội tôi ngồi nói chuyện bên nhà hàng xóm, và đặc biệt tôi thấy ba tôi rất ít khi ở nhà.

Năm tôi lên bảy, căn nhà tranh nhỏ bé này bị gỡ ra, làm nhà mới. Hình ảnh căn nhà cũ chẳng còn chút tăm hơi, ngay cả cái hình kỷ niệm cũng không có. Tất cả đều là hình ảnh thấm sâu trong trí nhớ của tôi dù hồi đó tôi còn quá bé. Có lẽ đó là những nhận thức đầu tiên khi trí óc vừa mới phát triển để thu nhận thế giới ngoại cảnh, cho nên những hình ảnh đó còn mãi trong tôi.

Căn nhà mới được xây rộng rãi hơn, cao hơn hẳn căn nhà cũ. Nó trở nên hùng dũng đứng giữa một khu vườn rộng, đủ tạo một cái nhìn thiện cảm. Tầng cấp bước lên nền nhà có bốn bậc, nơi tôi chơi cò cò nhảy lên tam cấp; có vérandha ngồi hóng mát hoặc ngồi nói chuyện với nhà hàng xóm. Cửa lớn, cửa sổ đều đóng hai lớp, lá sách bên ngoài, kiếng bên trong, lại thêm cái cửa mạch hay còn gọi cửa hông mở ra phía hè trên. Có một điều buồn cười là, có lẽ ba tôi thiếu tiền nên chi căn nhà xây chưa được hoàn chỉnh lắm. Nền móng chắc chắn, tường bằng tạp lô ba mươi, rộng rãi, sáng sủa mà vẫn lợp tranh, trần nhà chưa có, còn nhà bếp thì vẫn bằng phên tre như cũ. Dù sao, căn nhà mới cũng là niềm hãnh diện của ba má tôi và tôi nữa.

Căn nhà mới này quá lớn đối với tuổi lên bảy của tôi. Tôi ngại nhất là căn giữa, nơi ba tôi dành hẳn một ngăn làm bàn thờ, bên trước có màn che màn chắn làm tăng vẻ … u minh. Tôi cảm thấy sợ sợ căn giữa này lắm. Khi cả nhà đi vắng, tôi chẳng dám bước chân vào căn nhà trên này mà chỉ loay hoay dưới bếp chơi với chị người làm hoặc loanh quanh vòng sân hoặc chạy qua nhà hàng xóm.
Từ khi có căn nhà mới, trí nhớ của tôi bắt đàu có lớp lang hơn, nhận thức của đứa bé bắt đầu trưởng thành khi tiếp xúc với môi trường rộng rãi hơn. Khoản hơn một năm sau khi cất nhà mới thì cả xóm tôi được bắt điện vô từng gia đình. Có điện nghĩa là có văn minh, có tiến bộ. Có ánh điện trong nhà cho tôi cảm giác trưởng thành hơn, giỏi hơn, do đó học hành tấn tới hơn. Tôi còn nhớ rất rõ, vào năm lớp ba cô giáo cho làm luận văn tả căn nhà em ở, tôi đã được hạng nhất (dĩ nhiên có nhờ má tôi gà thêm một chút), cô giáo khen nức nở và dường như từ đó tôi làm luận giỏi hẳn lên và trở thành dứa bé học hành kiểu mẫu cho tất cả các bạn hàng xóm của tôi.

HÀNG XÓM

Tuy thuộc hàng con nít, bạn hàng xóm của tôi lại đủ mọi lứa tuổi: bạn cùng lứa tuổi, bạn hàng anh chị lớn hơn tôi cả chục tuổi, bạn O, bác, rồi cả hàng ông bà nữa. Thật ra những người lớn này là bạn của bà nội tôi, còn tôi thì cứ lò dò theo bà ”như cái đuôi”; nhưng đến đâu bà cũng không quên khoe ”cái đuôi” của mình bằng cách biểu tôi ra múa hát mấy bài học mà cô giáo đã dạy ở trường. Bài học thuộc lòng đầu tiên tôi được học với Cô Diệu như sau:
Trong hồi em bé thơ ngây

Em luôn phá bỉnh nào hay biết gì

Mẹ thương dơ dáy quản chi

Tay thì bồng bế tay thì chùi lau

Những khi em bị ươn người

Năm canh một bóng mẹ ngồi ru em

Dẫu rằng buồn ngủ đã mèm

Gò lưng chống mắt vì em quên mình

Em thờ cha mẹ hằng ngày

Phải nên yêu kính và hay vâng lời

Miếng ngon dành để dâng mời

Đi đâu phải bẩm kẻo người chờ trông.
Các bài học thuộc lòng hồi đó đều được cô giáo dạy diễn tả bằng điệu bộ giống như bài múa, tôi nổi tiếng với bộ môn này lắm. Thế nên không riêng gì bà nội tôi, cả ba má tôi cũng ưa khoe tôi mỗi khi có dịp dẫn tôi đi thăm bạn bè hay bà con đâu đó. Các gia đình hàng xóm lâu lâu cũng gọi tôi sang chơi rồi yêu cầu tôi múa may mấy bài học ở trường dù rằng con cái họ cùng học một bài một lớp như tôi. (Mà tôi thì lúc nào cũng sẵn sàng phô bày cái khả năng đọc to nói rõ, múa may mềm mại.)

Bậc đàn anh đàn chị trong xóm tôi cũng khá bộn bề. Ba má tôi thuộc hàng cha mẹ trẻ nên chi con cái còn nhỏ chứ những gia đình trong xóm phần lớn đều có con lớn hơn tôi cả mươi mười lăm tuổi. Nhưng không sao, tôi vẫn tiếp xúc đủ.

Gia đình cận kề với tôi nhất là O dượng Quản. Họ ở ngay trước mặt nhà tôi và cùng đi chung một cửa ngỏ. O dượng có hai người con trai lớn, anh Anh và anh Châu, Ngòai hai anh con O ra, O còn hai người em họ trai cùng lứa tuổi ở trong nhà, tôi gọi cậu Ðối và Cậu Chiu, thành ra nhìn nhà O toàn là thanh niên trai tráng. Kế anh Châu là Chị Lai, chị Bích, rồi Cúc – học một lớp với tôi, sau Cúc là Cu anh, Cu em, Bê em..

Sau nhà O dượng Quản phải kể dến nhà Bác Ðội Hinh và Bác Bộ. Hai gia đình này ở giáp ranh hè trên của nhà tôi. Bác Bộ Cũng có hai người con trai, Anh Thiện và Anh Thu, trong đó Anh Thu là thầy giáo dạy hè của tôi. Nhà bác Bộ có mảnh vườn con, đánh được mấy vồng khoai lang, vài ba ngày bác cắt rau khoai đi bán. Bác rất ít nói, hiếm khi tôi nghe giọng nói của Bác, nhưng Anh Thu thì hay hát ong ỏng ngày trở về anh bước lê trên quãng đường đê… Mấy người trong xóm hay nói Xiếc này là xiếc anh thu, anh đi xe đạp chổng khu lên trời để chọc ảnh, thế nhưng anh vẫn cười không giận hờn chi cả. Bác Bộ không có con cỡ tuổi tôi nên tôi không hề vô ra nhà Bác dù Bác ở sát nhà tôi. Tôi hay qua nhà Bác Ðội Hinh chơi với Thí và Cầm, bạn cùng học với tôi. Anh của Thí là Chinh anh và Chinh em, họ lớn hơn tôi năm ba tuổi chi đó và ra vẻ người lớn lắm. Trong nhà Bác còn có mấy anh thanh niên trọ học, tôi nhớ nhất là anh Long và anh Bảy. Họ là phật tử trong gia đình Phật Tử của khuông Tịnh Bình. Lâu lâu gia đình Phật tử có mục làm văn nghệ giúp vui quần chúng, tôi say mê theo dõi các buổi văn nghệ này và thấy Anh Long đúng là một kịch sĩ có tài.

Nếu cây mít ở hè trên nhà tôi to hơn chút nữa thì ăn trộm có thể leo lên đó để nhảy vào nhà Ông Ðại Úy Bá. Ðây là gia đình đặc biệt nhất xóm. Trước tiên, đó là gia đình có đạo duy nhất trong xóm. Kế đến là cái nhà lầu hai tầng xây theo kiểu tân thời, có vườn hoa phía trước, lối đi rải sỏi, có cổng sắt và nuôi chó bẹc giê giữ nhà. Ông đại úy đi làm xa, còn bà đại úy thì hay ăn hàng lê la hết hàng này đến hàng khác. Con cái nhà này cùng tuổi với tôi nhưng toàn là con trai, lại công giáo nữa nên tôi không chơi với chúng. Không biết cái tinh thần phân biệt tôn giáo bắt nguồn từ đâu mà hồi đó chúng tôi rất e ngại những người công giáo. Riêng tôi thì có lý do rõ rệt. Cứ mỗi đêm trước khi đi ngủ, tôi nghe cả nhà họ đọc kinh. Tiếng đọc kinh này lại không giống tiếng tụng kinh có chuông mõ của thầy chùa làm nó nghe buồn buồn và rờn rợn thế nào ấy. Trong nhà họ cái bàn thờ Chúa thì nhỏ xíu, không có chưng bộ lư đồng như các nhà thờ Phật. Ðèn cầy họ dùng lại màu trắng, trong khi nhà tôi dùng màu đỏ. Ðiều quan trọng hơn cả đối với tôi thời đó là họ ”ăn thịt chó”. Tôi còn nghe nói muốn làm thịt chó phải nhốt nó vào một cái bao tải, xong dùng gậy lớn để đập cho nó chết rồi mới thui lông, xẻ thịt. Eo ôi! cảnh tượng hãi hùng, chỉ nghe thôi cũng đủ làm cho tôi kính nhi viễn chi người có đạo (dĩ nhiên ngày nay tôi không nghĩ vậy nữa). Song còn chưa hết. Khi ông cụ Nhà Ông Bá mất, cái hòm lại sơn đen (hòm những người lương sơn đỏ). Ðường đi trong xóm quá nhỏ xe tang vô không được phải đậu ngoài đường lớn. Ngày động quan, Ông Bá mua cát trắng về rải đầy từ nhà ra đến xe hòm. Tôi tưởng rằng đó là tục lệ của người công giáo. Khi lớn lên, hỏi chuyện má tôi, tôi mới biết đó là vì Ông Ðại uý giàu, muốn tổ chức đám ma cho Bố mình một cách rân rát thôi.

Ðó là những gia đình giáp ranh hè trên của nhà tôi. Phía hè dưới, nơi có bãi đất chơi giữa hai cây mít to của tôi, là gia đình Ông Khanh và Bác Thầy Nậy. Gọi là Bác Thầy vì Bác là thầy tu (hay thầy tụng). Bác có kiểng chùa đồng thời có vợ và có con. Hai người con trai lớn của Bác cũng theo Bác đi cúng kiếng và chúng tôi cũng gọi bằng Thầy là Thầy Quảng và Thầy Hồng. Hai người con gái kế là chị Thừa và chị Mai, hồi đó đã thôi học và đang đi làm – hình như là đi vấn thuốc lá tại tiệm Quảng Phong ngoài cửa Thượng Tứ thì phải. Bác còn ba người con trai sau là Tâm, Trí và Nguyên. Nguyên thì nhỏ hơn tôi nhiều nên không kể, còn Tâm và Trí là hai tên bạn trai đầu đời của tôi. Ngày đó má tôi hay ngăn ngừa không muốn cho chị em tôi chơi chung với mấy đứa con trai trong xóm, lấy lý do chúng nó không phải con ngoan, biếng học, nghịch ngợm v..v.. Song tôi thấy Tâm và Trí không đến nỗi tệ vậy. Vào ngày hè khi tôi bày trò buôn bán dưới gốc mít, Tâm và Trí lân la hỏi vài ba câu rồi sau đó xin nhập bọn để cùng chơi buôn bán hay nhảy cò cò. Chỉ vài ba hôm Tâm và Trí đã trở thành bạn tốt của tôi, còn gọi nhau đi học hè chung trên trường ”Trại Gái”. Sau Mậu Thân tôi có trở lại Huế và gặp Tâm trong bộ quân phục, vóc dáng khá nho nhã, chào tôi bằng một cái cười rất tươi. Tâm có vẻ hãnh diện được là lính tráng trong thời chiến, đến nay hình ảnh Tâm đứng vừa cười vừa vòng tay lại khi thấy tôi vẫn còn in rõ nét trong tôi. Không nói gì nhiều hơn câu chào hỏi, tôi lại ra đi và sau đó nghe tin dường như cả Tâm và Trí đều tử trận. Tôi đã đi xa, không có cơ hội để đốt cho Tâm và Trí một nén nhang. Tâm và Trí thân mến, một ngày nào đó tôi sẽ về Huế, tìm về lại xóm cũ và sẽ đến nói lời từ biệt cùng Trí và Tâm. Ðà muộn màng lắm rồi, mong hai bạn không trách tôi đã vô tình.

Tôi không hiểu sao cả xóm đều gọi nhau bằng Bác – ba mạ tôi còn trẻ nên được gọi bằng Anh Chị hay Cậu mợ – trừ gia đình ông Khanh thì gọi là Ông. Ông có một cậu con ”hủ mắm treo đầu giàn”, lớn hơn tôi mấy tuổi, gọi là Trai. Cậu Trai này đúng là quý tử, cũng chịu đi học nhưng rất nhõng nhẽo, ưa mè nheo bố mẹ.. Bà Cụ Nhà Ông Khanh bị bại, ngồi trong nhà suốt ngày ngó mông ra vườn cây trông chừng mấy đứa bé tới hái trộm ổi vì ổi nhà ông Khanh thơm và ngọt lắm. Thỉnh thoảng bà Cụ cũng cố lần vịn theo mấy cây cột dọc hàng rào để đi tới đi lui trong vườn. Tôi ở trong vườn nhà mình lom lom nhìn sang, cố tình im lặng kẻo sợ bà cụ tưởng mình hái trộm ổi của bà. Tôi sợ bà cụ này lắm, và tuy là hàng xóm, tôi chưa hề đặt chân vào nhà này.

Lòng vòng lối xóm một hồi rồi tôi cũng trở về với gia đình O dượng Quản, một gia đình vô cùng thân thiết với nhà tôi. Thật tình tôi chưa hề thấy một tình láng giềng nào bền vững như thế. Sống chung với nhau chỉ vỏn vẹn mười ba hay mười bốn năm gì đó, thế mà tình lối xóm giữa hai gia đình không hề phai nhạt. Về sau, khi gia đình tôi đã di chuyển đến nơi khác, anh Anh, anh Châu, chị Lai, chị Bích, Cúc .. lần lượt ra riêng, chúng tôi vẫn cố tìm những cơ hội để tụ lại với nhau và chuyện ngắn chuyện dài không dứt.

Những đêm hè, không cần biết sớm hay khuya, cứ thấy anh Anh đem cái đờn măng đô lin ra chơi là tôi tót qua nhà anh, hát nghêu ngao hết bài hát này đến bài khác. Vốn liếng các bài ca của tôi đều do anh tạo nên. Tôi thuộc rất nhiều bài hát trữ tình của người lớn như Chờ Anh Bên Ðồi, Chiều Hành Quân, Tôi Viết Tên Anh, Người Ấy là Anh, Lá Thư Không Gởi v..v.. thay vì thuộc những bài hát tuổi thơ. Tôi hát say sưa, không cần biết có đúng nhịp hay không, cứ nghe anh hát là hát theo, hát cho đến khi má tôi lên tiếng kêu về đi ngủ mới thôi.

Có lẽ tình cảm của tôi đã được dấy lên từ những người láng giềng này, mà hơn ai hết, tôi nghĩ tôi mang ơn chị Lai vô cùng. Thuở đó nhà tôi có người làm nên tôi không phải làm việc nhà, còn hầu hết các bạn hàng xóm đồng trang lứa với tôi phải làm nhiều việc như chẻ củi, gánh nước, xắt chuối cho heo hay vịt ăn. Nhà O Quản nuôi đủ cả heo gà vịt ngỗng. Cúc – học chung lớp với tôi – có nhiệm vụ đuổi vịt và ngỗng ra bãi ruộng đầu xóm cho chúng ăn. Chiều về nó còn phải gánh nước phụ cho trong nhà. Tôi nhớ mãi hình ảnh cảm động đầu tiên mà Chị Lai đã để lại cho tôi. Một lần, tôi thấy Cúc gánh đôi nước từ máy nước công cộng về nhà, quãng đường chắc chừng 500 mét. Lúc đến đầu xóm, nó phải ngừng gánh để nghỉ lấy hơi. Chị Lai lúc đó đương cho thằng cu em – em bé út của chị và Cúc – ăn cơm, thấy nó dừng đôi nước chị vội vàng dằn lấy cái đòn gánh, ghé vai gánh đôi nước tiếp tục quãng đường còn lại. Bài học ”chị ngã em nâng” ở trường không cho tôi một ý niệm rõ rệt, thế mà chỉ nhìn hành động của Chị Lai một lần là đầu óc tôi bỗng dưng thông minh hẳn lên, và tôi hiểu tình cảm phải được biểu lộ bằng hành động chứ không phải bằng lời nói.

Chị Lai thân mến; Những dòng chữ này em dành cho chị thật tình tự đáy lòng em. Không thể nhớ được một ý niệm nhỏ nhặt của mình đã xảy ra từ mấy mươi năm trước nếu ý tưởng đó không sắt nét, không ghi sâu vào trái tim ta và không tàn phai với thời gian. Có lẽ chị đã quên việc chị làm vì với chị đó là cái gì tầm thường quá, nhỏ nhặt quá và tự nhiên quá như ta ăn một miếng cơm, nhưng với em thì khác. Một hành vi đơn sơ như thế đã đánh thức cả tâm hồn em và đã dạy cho em biết suy tư và hành động sau này. Bây giờ cả chị lẫn em tóc đã hai màu, có khi nào chị thả hồn về chốn xa xưa để tìm lại quãng đời thơ ấu của mình, trong đó có em dự phần không nhỉ? Cho dù chị không nhớ, phần em, em vẫn không sao quên được chị, không sao quên được tầm quan trọng của chị trong cuộc đời em mà em sẽ còn có dịp nhắc đến.

ÐI HỌC

5Tôi không có cái hạnh phúc nhớ trọn ngày đầu tiên mình đến trường như Thanh Tịnh, song tôi lại nhớ rõ ngày thứ nhì khi tôi đến trường. Tôi không biết thuở bé tôi đà học giỏi như thế nào mà năm đầu tiên, khi má tôi nộp đơn cho tôi vào học trường tiểu học Ðoàn thị Ðiểm, đã bị từ chối vì thiếu tuổi. Má tôi kể rằng khi thấy toàn bộ học trò đã vào lớp mà tôi thì không, còn phải đứng với má tôi trước văn phòng hiệu trưởng, tôi đã khóc hu hu không chịu về nhà, đòi phải vào lớp cho được. Tôi cũng không nhớ là mình đã khóc thảm thiết đến độ nào và má tôi đã vận động ra sao để cho tôi được chấp thuận vào học lớp năm, nhưng ”ngoại sổ”, nghĩa là có mặt trong lớp học nhưng không có tên trong danh sách lớp. Ngày hôm sau tôi đến trường, do chị Lai dẫn đi.

Bây giờ thì tôi nhớ rất rõ, ”buổi mai hôm ấy, một buổi mai ” trời trong nắng đẹp, má tôi gọi chị Lai sang, nói ”nhờ dẫn em đi đến trường dùm”. Tôi hân hoan ra mặt và nhảy tót ra khỏi nhà liền, để chị Lai ôm cái cặp của tôi đi sau. Ðến trường hãy còn sớm, học trò đang chơi ngoài sân. Tôi lững thững đi theo chị Lai vô lớp. Chị đến thưa với cô giáo cái gì tôi không rõ, chỉ thấy cô giáo gật đầu, xong chị cầm cái cặp của tôi chuồi vào hộc bàn, dãy thứ nhất, chỗ ngồi thứ hai và nói với tôi: ”chút nữa vô học thì ngồi đây hí ”; tôi gật đầu ngồi ngay vào chỗ, không thèm ra sân chơi. Chị Lai đi ra. Ngày học đầu tiên của tôi bắt đầu.

Tôi được xếp ngồi bên cạnh một tên .. con trai. Tuy là trường nữ tiểu học, lớp học của tôi có ba tên đực rựa mà tôi còn nhớ rõ tên: một là Vinh, con bà Nguyễn Văn Ban, Hiệu trưởng, một là Hiền và một là Bân. Tôi ngồi kế tên Hiền, hắn trở thành bạn học đầu tiên trong đời tôi.

Mới vào lớp, cô giáo – về sau tôi biết tên là Cô Diệu – cho tập viết lên bảng con chữ nh và dấu ngã. Tôi viết chữ nh xong nhìn cô. Cô hỏi tôi viết được không, tôi đáp dạ viết được chữ nhưng không viết được dấu ngã. Cô đứng dậy, đi vòng ra phía sau lưng tôi, cầm cục phấn vẽ dấu ngã lên bảng con của tôi. Theo tay vẽ của Cô, tôi viết lại, từ đó tôi viết thạo.

Dù học ngoại sổ tôi vẫn giỏi hơn nhiều bạn trong lớp. Sách học đánh vần tôi đã thuộc làu ở nhà, tôi còn biết làm tính cộng trừ có nhớ. Trong lớp cô cho làm tính cộng bằng cách ”đếm thẻ ” — thuở tôi học lớp năm mỗi học trò phải có một bó thẻ một trăm cây — tôi chẳng cần thẻ, chỉ nghe cô nói hai số cộng với nhau là tôi biết đáp số liền. Còn tập viết thì khỏi chê, chữ viết lúc nào cũng được cô khen. Múa hát được coi là nổi bật trong lớp, nhất là các bài học thuộc lòng được minh họa bằng điệu bộ như đã nói phần trên.

 

4

 

Hè đến. Cuối năm học đó học sinh được nghỉ Lễ Phục Sinh hai tuần. Sau khi nghỉ là ngày lễ phát phần thưởng. Tôi chưa biết phát phần thưởng là gì, chỉ nghe cô giáo nói đến ngày đó các em nhớ vào trường dự lễ nghe. Thế là tôi cứ việc mặc quần áo mới rồi đến trường, và lần đầu tiên tôi được coi phát thưởng. Các học sinh không được phát thưởng như tôi chẳng hạn (không phải vì tôi học dở mà vì ngoại sổ) cũng đến trường rất đông. Buổi lễ được tổ chức ngoài sân, trước mặt mỗi lớp học. Tôi nhìn từng gói phần thưởng ”danh dư” và ”ưu hạng” cao ngất ngưởng, được bọc trong giấy kiếng xanh đỏ vàng cùng những gói phần thưởng nhỏ hơn cũng được thắt nơ, cột băng thật lộng lẫy bằng con mắt ngơ ngáo. Tôi lặng lẽ nhìn từng phần thưởng được trao vào tay mỗi học sinh lên nhận mà đầu óc trống trơ, không có ý nghĩ hay ước mơ gì cả. Lẩn thẩn xem hết lớp này đến lớp khác tới chiều cũng phải xong, tôi lặng lẽ đội cái nón lá lên đầu rồi ra về. Ðến đầu xóm tôi còn bị nghe vài lời nói mát ”xí mình không được phần thưởng mà cũng đi đến trường … dị chưa”

Năm sau tôi học lại lớp năm. Bây giờ tôi đà quá quen trường lớp. Cô gíáo năm đó là Cô Cẩm. Năm học này tôi chẳng có hứng thú gì vì tất cả tôi đã biết hết. Có lần đang giờ học mà tôi dám đứng riêng ra một mình nhảy cò cò, bị cô giáo kêu lên bảng khẻ chân rồi bắt phạt đứng giông hai tay lên đầu. Hạnh kiểm của tôi từ đó bị phê xấu. Năm học này trôi qua không có gì đáng nói. Năm kế tôi lên lớp tư.

Những niên khóa từ 1956 đến 1962, trường Tiểu Học Ðoàn thị Ðiểm có 5 cấp lớp, mỗi cấp có hai lớp, ví dụ lớp năm thì có Năm A, Năm B, lớp tư thì Tư A, Tư B … Trước khi nghỉ hè mấy cô học trò nhỏ này kháo nhau không biết năm tới mình vô lớp Tư nào. Tư A thì học với Cô Thơ, cô ấy hiền; còn Tư B thì Bà Ðoàn Nê dạy, bà ấy dữ có tiếng. Tôi không biết cô Nê có dữ thiệt không, nhưng trông người thì cũng có vẻ dữ dữ thiệt. Gò má cô cao, lại đánh phấn hồng sậm, tô son môi, kẻ lông mày đen sẫm. Tôi còn nhớ rõ, thuở đó cả trường chỉ có một mình Cô Nê có trang điểm, kỳ dư các cô giáo khác không có ai vẽ vời mày mặt gì cả. Có lẽ vì thế mà học trò thấy cô Nê dữ đấy thôi. Tuy nhiên, khi được vô lớp tư với cô Thơ tôi cũng mừng nhẹ cả người.

Bài học đầu tiên Cô Thơ đã cho tôi, đến nay, tôi còn nhớ như in. Cô giảng bài Phù Ðổng Thiên Vương. Tôi không chuyên về ngành sư phạm cho nên tôi không lượng giá được nghệ thuật giảng dạy là thế nào; song tôi thấy cách giảng bài của Cô Thơ đã cho tôi thật là tuyệt diệu. Bằng điệu bộ tự nhiên như kể chuyện cổ tích, cô đã đưa bài học vào sâu trong đầu óc tôi và khi cô vừa giảng xong là tôi thuộc bài liền. Viết những dòng này tôi vẫn còn thấy rõ hình ảnh một đứa bé ngồi ở bàn đầu, ngẩng cổ say sưa nhìn theo tay cô chỉ từng tấm hình trong quyển sách Sử Ký lớp Tư của soạn giả Trần Ðinh. Khi nói đến ”cậu bé bỗng vươn vai trở thành một người cao lớn” cô đã vươn cả vai lẫn hai tay lên cao khiến cho cô học trò nhỏ giật mình nhưng thích thú biết bao nhiêu. Từ đó về sau, và có lẽ cho đến cả bây giờ, môn sử học Việt nam đã chinh phục trọn vẹn trái tim tôi. Từng bài sử nho nhỏ kèm theo mấy hình vẽ đơn sơ trong sách, cộng thêm lối giảng bài của cô đã lần lần tạo thành con người Việt Nam cho tôi. Mãi mãi tôi còn mang ơn Cô, ân đức giáo dục của Cô thật lớn lao biết dường nào!

Hết học với cô Thơ, lên lớp Ba tôi học với cô Phú. Ba năm trước, tôi học trong dãy nhà cũ của trường, phòng ốc tối tăm. Sang năm mới này tôi được học trong dãy nhà chính, cửa sổ, cửa lớn đều lắp kiếng, phòng học sáng sủa khoáng đãng hơn làm tôi có cảm tưởng mình giỏi hơn, ngon lành hơn. Cô Thơ đã khai tâm cho tôi biết yêu sử học, Cô Phú lại mở đường cho tôi đến với luận văn. Bài luận đầu tiên cô cho chúng tôi là tả một buổi đi câu cá. Ðấy là sinh hoạt rất phổ biến trong thời thơ ấu của chúng tôi, một hình ảnh rất gần gũi, rất thân thiết và rất dễ gây hào hứng khi diễn tả. Cô hướng dẫn chúng tôi bằng cách đặt câu hỏi để chúng tôi trả lời. Mỗi câu trả lời đều được cô viết lên bảng cho chúng tôi nhớ. Học trò trong lớp cũng giỏi thiệt, câu trả lời nhiều đến độ không còn bảng để viết tiếp. Cứ thế đến khi cô hỏi còn ai có ý kiến gì nữa không, hết thảy chúng tôi đều nói hết, cô mới sắp xếp các câu trả lời theo trình tự của một buổi câu cá. Sau đó cô xóa bảng, biểu chúng tôi tự ý viết lên giấy. Ðấy là bài ”Tập làm văn” đầu tiên của tôi, đồng thời được điểm cao nhất lớp. Tôi khoái quá và từ đó lòng tự tin của tôi được hình thành.

Ngoài sự khai sáng cho tôi khả năng viết văn, cô Phú còn dẫn dắt tôi đến với môn Ðịa lý. Ban đầu, cô cho chúng tôi nhìn cái cụ thể nhất là lớp học của chúng tôi, chỉ cho chúng tôi vẽ hình lớp học lên giấy. Thế là tôi biết bản đồ lớp. Sau đó cô cho vẽ bản đồ trường học, bản đồ Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên, tỉnh Quảng Trị .. Những bài học thật giản dị đó đã cho tôi thấm thía hơn tình yêu xóm giềng, quê hương, và đất nước.

Cả hai năm lớp nhì và lớp nhất tôi học với Cô Thuận. Ðầu năm lớp nhì, cô giáo của chúng tôi – Cô Xuyên – thuyên chuyển đi nơi khác, lớp tôi không có cô giáo. Bà Hiệu trưởng Nguyễn văn Ban phải đứng lớp một tháng, sau đó một thầy từ Ty Tiểu học về dạy thêm một tháng nữa thì Cô Thuận về với trường Ðoàn thị Ðiểm của tôi. Chúng tôi vui mừng vì có cô giáo chính thức. Giọng nói của cô Thuận thật thanh làm chúng tôi có cảm tình với cô ngay. Cô viết chữ rất đẹp, nét chữ tròn tròn rất ngộ nghĩnh, tôi rất thích. Chữ viết của tôi từ đó học theo nét chữ của cô và có thể nói cho đến bây giờ từng ngón tay tôi vẫn còn mang ảnh hưởng của cô. Cô hát cũng hay nhưng cô không hề dạy chúng tôi hát. Duy nhất có một lần cả lớp hát không đúng, cô chỉ sửa cho chúng tôi bài hát có hai câu sau:

Học đàn hát thú vui biết bao,

Nào cùng nhau ta cùng cố gắng nào

Học đàn hát thú vui biết bao

Fa fa sol la sol fa sol.

Từ đó về sau cô không hề hát thêm một lần thứ hai, cũng không cho chúng tôi bài hát nào khác. Cái mà cô cho chúng tôi nhiều nhất là làm toán. Ðầu óc tôi được phát triển thêm về lý luận toán học. Quả thật, chỉ một mình cô Thuận mới cho chúng tôi làm toán nhiều đến thế. Mỗi đầu ngày là năm phút tính nhẩm. Cứ vô lớp xong xuôi, ổn định chỗ ngồi rồi là cô bắt lấy bảng con ra làm tính nhẩm. Chỉ là những phép tính đơn giản như nhân năm, nhân mười, chia năm, chia mười, chia cho hay nhân với 0.25, 0.5 …. Cô ra đề bằng miệng, chúng tôi viết số thành lên bảng con. Sau đó, một cái khẽ thước xuống bàn, tất cả học trò giơ bảng con lên xem ai đúng ai sai. Không nhiều, chỉ năm cái tính nhẩm thôi, làm đúng một bài thì được một điểm tốt ghi vào ”bảng linh hoạt”, mỗi ngày tôi có thể kiếm được năm điểm tốt dễ như chơi. Hết làm tính nhẩm cô cho làm toán chạy. Làm toán chạy thì khó hơn tính nhẩm nhưng dễ hơn bài toán đố. Cô cũng ra một bài toán rồi cho làm trong vòng năm bảy phút gì đó. Hết giờ cô gõ cái thước xuống bàn, ai làm xong mang lên cô chấm. Cô chỉ nhận năm, sáu bài đầu tiên thôi. Mấy người làm chậm đem lên sau coi như không có điểm. Tôi luôn luôn thuộc hạng đầu tiên, bởi vì tôi có lợi thế là ngồi bàn nhất, ngay trước mặt cô. Cho nên, khi cây thước được khẽ xuống là cuốn vở của tôi đã sẵn sàng nằm trên bàn của cô. Tuy nhiên, phải nói rằng cô rất công bình. Cô luôn luôn nhìn xuống các bàn phía cuối lớp và thấy ai đứng lên trước thì cô gọi tên để dành thứ tự ưu tiên cho họ chứ không phải đợi đem bài lên tận bàn cô mới được tính điểm. Hết làm toán chạy cô cho toán về nhà làm. Suốt hai năm học với cô hầu như ngày nào cũng có làm toán. Ðiểm toán của cô cho tối đa là 8 chứ không phải 10, và tôi nhớ rất rõ mỗi tháng tôi có gần bốn chục cột điểm toán. Sỡ dĩ tôi nhớ rõ như thế vì tôi học với cô hai năm liền là một; cuối mỗi tháng cô lại gọi tôi và Huệ Tâm – người bạn ngồi kế bên tôi – đến nhà cô cộng sổ điểm là hai. Tôi ”yêu” những buổi chiều đi cộng sổ này lắm. Biết là chẳng có gì quan trọng và cũng không vì thế mà cô cho mình điểm cao hơn; nhưng cứ mỗi sáng thứ bảy cuối tháng, khi nghe cô nói nhỏ ”Chiều nay Túy Việt với Huệ Tâm tới nhà tôi làm sổ điểm hí ”, là tôi thấy lòng mình rung động, bồi hồi và hãnh diện biết bao!!! Hẹn với Huệ Tâm tới nhà tôi khoản một giờ rưỡi trưa, Huệ Tâm ừ.

Nhà Huệ Tâm trong khu canh nông, tôi ở kiệt năm kế lầu Ông Hoàng Tùng Ðệ. Huệ Tâm đến kêu tôi, hai đứa nói chuyện với nhau, xưng hô ấy mình, hí ha hí hửng đi theo đường Ðinh Bộ Lĩnh đến tận cống Cầu Kho, rẽ vô đường hẻm trước khi qua cầu vồng là nhà cô. Nhà cô đông người lắm, tôi và Huệ Tâm ngồi cộng sổ ở bàn ăn nhà hông, có cửa sổ mở trông ra vườn, nơi đó có cây me. Có hôm cô cho hai đứa một trái me to ú, chua loét khoèo từ cây xuống. Ðây là món khoái khẩu của các trò nhỏ, nhưng thuở đó chị em tôi bị má tôi cấm chỉ không cho ăn me và cà rem. Ðược dịp cô cho trái me, lại được ăn lén mạ, tôi mừng lắm, bẻ đôi trái me, cắn từng tí một, chua lè lưỡi, rồi hít hà tít mắt. Vừa nhâm nhi trái me, vừa cộng sổ, cả hai đứa tôi làm đến khoản năm giờ chiều thì xong. Kể ra hai đứa tôi hồi đó cũng hay thiệt: ghi điểm trong sổ ra giấy cho từng người, cộng rồi chia lấy điểm trung bình, xong cộng thêm số điểm tốt hay trừ bớt số điểm xấu trên bảng linh hoạt cho cả lớp là trên năm mươi người; vậy mà hai cô học trò bé xíu có thể hoàn tất trong vòng ba tiếng đồng hồ, lại đúng phong phóc, thật không tự khen mình không xong (phải không Huệ Tâm?)!!! Có một điều lạ là làm bài học bài lúc nào cũng được cô khen vậy mà tôi chẳng bao giờ đứng nhất lớp, cả Huệ Tâm cũng vậy, chỉ từ hạng nhì đến hạng năm. Hạng nhất luôn luôn rơi vào cô trưởng lớp Nguyễn thị Sửu.

 

3

 

Hè lớp nhì đến, chỉ còn năm lớp nhất là năm cuối ở trường Ðoàn thị Ðiểm. Những cánh lưu bút ngày xanh bắt đầu xuất hiện, bay phất phơ từ bàn tay này qua bàn tay khác. Lần đầu tiên nhận được tờ pơ luya màu xanh có vẽ hình cánh hoa phượng với tựa đề lưu bút ngày xanh từ tay một cô bạn im lìm nhất lớp – cô Bạch Lý – tôi ngẩn người ra. Tôi không biết nó là cái gì đến khi giở vào trong mới biết đó là những dòng tâm tình của một người bạn đã để dành cho tôi, thế mà cả năm học tôi đã vô tình biết bao, có bao giờ tôi nghĩ đến cô ấy! Chúng tôi còn học chung với nhau năm lớp nhất, và năm đó tôi mới chú ý đến các kỷ niệm của thuở thiếu thời. Tôi đã muốn giữ lại tất cả chúng nó và cất kỹ vào một ngăn kéo nào đó cho cuộc đời mình, nhưng buồn thay, bao nhiêu lần dọn nhà đã làm chúng tiêu tán đâu mất. Các bạn đồng học thân mến! Tuy đã đánh rơi các dấu tích của các bạn, tôi vẫn nhớ đến các bạn. Các kỷ niệm đó còn nằm kín ở một góc nào đó trong trái tim tôi và khi có dịp khơi dậy tôi vẫn còn giữ đầy đủ hình ảnh của các bạn: Huệ Tâm, Dương thị Phương, Ðặng thị Thanh Nhã, Trương thị Ánh Anh, Nguyễn thị Bạch Hoa, Bạch Lý, Bạch Nhạn … Thế hệ của chúng ta đã qua đi và kỷ niệm về nhau chỉ còn là ký ức, tôi mong muốn làm sao các bạn hãy cố gìn giữ kỷ niệm của con cháu mình, giữ cho chúng cuốn vở tập viết đầu tiên, những cuốn thông tín bạ, những dòng thơ vu vơ của chúng. Chỉ khi lớn khôn chúng ta mới biết giữ kỷ niệm những ngày đầu biết yêu, kỷ niệm về ngày cưới, chứ thuở bé ai dạy cho chúng ta biết gìn giữ các kỷ niệm đầu đời ngoài cha mẹ ra? Hãy làm điều đó cho con cháu chúng ta.

Rồi niên học cũng hết. Mùa hè năm đó tôi phải chuẩn bị thi công cua để vào đệ thất. Tôi chưa tưởng tượng được ngày thi sẽ thế nào, nhưng năm lớp nhất chúng tôi đã phải may áo dài mặc vào ngày lễ lớn với cái phù hiệu Trường Tiểu Học Ðoàn thị Ðiểm gắn trên hò áo. Tôi biết chỉ ít lâu nữa tôi sẽ không còn trở lại trường với cô giáo Thuận, không còn cộng điểm cuối tháng cho cô. Dù còn bé, tình cảm còn chưa đậm nét, ngày phát thưởng cuối năm lớp nhất không cho tôi cái cảm giác tưng bừng náo nhiệt như những năm trước, không khí ngày phát thưởng cũng không rộn ràng rực rỡ, phần thưởng được phát trong từng lớp thay vì ở ngoài trời, hình như Cô Thuận buồn hơn ngày thường. Tôi ra về, nhìn mái trường Ðoàn thị Ðiểm cổ kính, buồn bã nằm giữa bốn bức tường rêu, lòng nhơ nhớ bài hát:
Tung trời xanh én nô đùa reo mừng

Ta đi mau gió la đà vướng chân

Trong nắng tươi hát cười lòng ta bay theo mây hồng

Ngắm ngắm xem xem trời mừng xuân

Dưới bóng cây chập chờn cành đưa

Nghe dường có hồi trống khua.

Trên tường vôi ngói âm thầm rêu mờ

Nơi tôn nghiêm chốn trau giồi trí thơ

Ta ước mong có ngày làm rạng danh cho quê nhà

Nước nước non non tràn lòng ta

Dưới áng mây kìa trường làng ta

Đang chào đón lòng thiết tha (*)

Không biết tác giả là ai, có phải nhạc sĩ đã lấy cảm hứng từ trường Ðoàn thị Ðiểm hay không mà tôi thấy nó đúng với ngôi trường của tôi quá. Mang bài hát đó theo mình cho đến ngày nay, tôi chưa tìm thấy được ngôi trường thứ hai nào tương tự như thế. Hè năm đó tôi chưa vào được đệ thất Ðồng Khánh, phải học trường Bồ Ðề Thành Nội một năm, mỗi ngày đi học đều có đi ngang trường Ðòan thị Ðiểm nhưng đâu còn dịp bước vô. Rồi thế cuộc đổi thay, tôi phải theo gia đình và bắt đầu cuộc sống đó đây theo bước thăng trầm nghề nghiệp của ba tôi. Bước chân tôi ngày càng xa ngôi trường mến yêu, nơi đã ôm ấp, chắt chiu dành dụm cho tôi cả chuỗi dài ấu thơ bình yên đẹp đẽ. Ngôi nhà thoáng mát, vườn rộng bao quanh, ba má tôi đã phải đứt ruột bán đi, và thế là hết, tôi bị bứt ra khỏi Huế rồi.

Từ đó tôi không còn dịp trở lại nhìn ngôi trường cũ nữa. Các cô giáo xưa đâu rồi? Tôi vẫn ngóng tin các cô, song chỉ biết Cô Thơ đã quá vãng, còn các cô giáo khác ra sao? Cô Thuận Cô Xuyên, Cô Cẩm, Cô Diệu, Cô Mộng, Cô Lan Phương, Cô Phú… Các bạn đồng học thân mến, nếu các bạn có biết tin gì về các Cô đã dạy ở trường tiểu học Ðoàn thị Ðiểm, thời gian từ 1956-1962, làm ơn cho tôi biết tin. Thưa các Cô, bây giờ đã đứng tuổi, em càng hiểu và càng biết ơn Các Cô biết bao nhiêu! Viết ra những dòng này một phần vì lòng tri ân các Cô thúc dục. Ðã hơn bốn mươi năm với những biến động quá lớn lao của đất nước đã ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống của từng cá nhân, trong đó có em, nhưng lòng tri ân và ngưỡng mộ Các Cô vẫn còn nguyên vẹn trong em bởi vì nó đã là xương thịt của em và chắc chắn cho đến khi em lìa đời nó mới tan đi cùng với em được. Em mong rằng tâm tình của em sẽ đến với Các Cô, và em cũng mong sẽ nhận được một hồi âm từ Các Cô dù muộn màng nhất. Sáu năm trường học với Các Cô, em không phải là học trò xuất sắc nhất cho nên Các Cô không nhớ em đâu, song em thì khác. Em vẫn nhớ Các Cô với nhiều câu nói, lời quở mắng, cách cầm cục phấn hay những lời dặn dò … Em còn nhiều Thầy Cô giáo khác ở bậc trung học và đại học, nhưng chỉ có Các Cô trong phần đời thơ ấu của em đã cho em quá nhiều và may mắn thay, em đã nhận một cách đầy đủ nhất.

LỤT

Quê hương ơi, dấu yêu!

Dù xa vẫn nhớ nhiều

Miền quê nghèo lụt lội

Gạo cơm có bao nhiêu?!

Dấu ấn mạnh mẽ thuở thiếu thời của tôi còn là lụt. Nghe má tôi nói lụt năm 1953 thật lớn lắm, nhưng năm đó tôi còn bé tí teo có biết gì đâu. Trận lụt tôi chứng kiến đầu tiên là lụt năm 1955. Má tôi vừa mới sinh em bé, đương còn nằm trong căn buồng tối tăm trong nhà bếp, chỉ đốt ngọn đèn dầu mù mù. Ðược vài ngày thì trời trở, gió lạnh và mưa dầm. Trong căn nhà tranh thấp nhỏ, thế giới của tôi lại càng nhỏ hơn. Những ngày mưa lạnh ngủ dậy trễ, tôi chỉ việc ngồi trên bậc cửa hết nhìn căn nhà O Quản lại nhìn vào căn nhà của mình, nghe gió lào xào qua các ngọn cây, rồi nghe người lớn kháo nhau: ”chao, mưa kiểu ni chắc lụt tới nơi. Chợ búa mấy bữa ni cá lúi tràn đìa, nước nguồn sỉa đó. ” Quả thật vài hôm sau, buổi sáng ngủ dậy tôi đã thấy nước ngập đầy sân vườn, ngấp nghé bậc hiên nhà. Nước tiếp tục lên, sinh hoạt trong nhà bỗng rộn rịp hẳn. Má tôi phải dời từ nhà bếp lên nhà trên dù rằng nhà trên cũng chẳng cao ráo hơn nhà bếp là bao. Nước tràn vô nhà bếp, lu gạo được khiêng bỏ lên bàn, chị người làm phải xắn quần lên tận bắp vế vừa lội nước vừa nấu cơm. Ở nhà trên, ba tôi, bà nội tôi cùng anh Anh – con O Quản – qua giúp kê cái giường lên bộ ván ngựa, và sau đó cả mấy chị em tôi được chất lên đó. Hàng xóm xung quanh coi bộ cũng rộn ràng, gọi nhau ơi ới. Tôi không nhớ rõ người ta đã nói với nhau những gì, nhưng những ngày nước dâng là những ngày náo nhiệt của xóm. Qua một đêm nước đã ngập lút bộ ván ngựa và đã muốn ngập luôn cái giường trên. Má tôi phải bồng em bé ngồi chung giường với chúng tôi. Còn chưa ghi nhận được cái gì thì tôi đã thấy Dượng Quản chèo cái ghe đến tận bên giường ”di tản” hết tất cả mẹ con chúng tôi.

Lần đầu tiên tôi được đi ghe. Cái ghe nhỏ xíu, má tôi ngồi giữa lòng ghe, trùm cái áo tơi, trùm luôn em bé. Tôi ngồi đối điện cũng mặc áo mưa, nhìn em bé đang ngủ say trên tay má tôi. Thương Dượng Quản biết bao, hàng xóm với nhau mà dượng đã giúp gia đình tôi hết lòng. Chiếc ghe nhỏ dưới tay chèo của dượng, khéo léo lách qua mấy cái hàng rào giữa nhà dượng, nhà tôi, nhà Bác Thầy Chương, nhà Bác Kham để ra đường cái, băng qua đám ruộng nước ”mênh mông” từ phía đường cái nhà tôi đến đường Hoà Bình, sát thành Bắc của Ðại nội ở phía bên kia (khoảnh đất này về sau được dùng để xây cư xá Lao Ðộng). Má tôi chỉ đường cho Dượng đưa mấy mẹ con lên tá túc nhà người bà con – Bà Sáu – trên đường Lê Huân. Dù cao hơn nhà tôi, ở đây nước cũng tràn vào nhà, cũng cái giường chồng lên bộ ngựa, và tất nhiên tụi nhỏ tôi được an trú trên đó. Nhớ những ngày lụt lội liên miên, nhà cửa bận rộn bao nhiêu thứ, nhưng được cái là cả bọn con nít chúng tôi chẳng có đứa nào khóc lóc đòi ăn. Ðến bữa cơm mỗi đứa con nít chúng tôi được phát một chén cơm ăn với đậu phụng rang dầm nước mắm. Tôi lẩn mẩn lựa mấy hột đậu phụng ăn hết rồi sau ăn cơm không. Thì giờ ngoài bữa ăn không có gì làm, cứ ngồi thò chân xuống nước lụt để bị la không được nghịch nước kẻo hà ăn chân. Tá túc nhà người ta tôi không dám xin giấy để xếp thuyền thả chơi nhưng không nhớ mình đã làm gì cho qua hết ngày giờ. Vài hôm sau nước xuống, nắng lên, chúng tôi được thả xuống đất cho đi tới đi lui trong nhà. Hôm đó O An – con bà Sáu – dạy cho tôi hát và múa ”Kìa thôn quê dưới trăng ngàn bát ngát …” Bà nội, Ba tôi và chị người làm về nhà trước để chùi dọn, lần lượt má tôi và chị em tôi ”hồi cư”.

7

Thời đại mỗi lúc một thay đổi. Ngày nay các trò nhỏ đi học đều có kẻ đưa người đón, thời của tôi, trừ ngày đầu tiên đến trường, học trò 5, 6 tuổi đều tự đi học một mình. Năm 1956 tôi đã vào lớp năm trường Ðoàn thị Ðiểm. Dù đã bao nhiêu năm qua đi, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh tôi, một đứa bé tí xíu mặc cái áo mưa không tay, lầm lũi đi dưới mưa, cái cặp táp bao giờ cũng nặng vì chất chứa biết bao nhiêu thứ nào sách, nào vở, bảng con, hộp phấn, hộp đồ may, một bó thẻ một trăm cây,.. lại không có dây đeo vai như ngày nay, nên phải cong tay lại để xách cho nó khỏi đụng đất, bàn tay lúc nào cũng vấy mực . Chiều hôm đó trời đã muốn sụp tối khi tan học. Tôi cặm cụi trở về xóm nhỏ, nhà nhà đóng cửa trông thật đìu hiu. Bước chân tôi vừa đặt lên tảng đá xanh làm bậc cấp trước nhà thì chị Thanh — chị người làm — đã chực sẵn:

”Mau lên thay đồ rồi ra ôn ngoại, chạy lụt đó, mạ với hai em đi rồi.”

”Rứa mình đi bằng chi?”

”Mạ dặn kêu Bác Lại đạp xích lô chở đi.”

Chưa kịp ăn cơm tôi đã cùng chị Thanh lên xe xích lô Bác Lại ”di tản” ra nhà ông ngoại tôi ở bến đò Cồn. Bà nội tôi ở nhà trông nhà. Năm đó tôi chạy lụt trước khi lụt đến nên không chứng kiến rõ rệt mức độ lớn nhỏ thế nào.

Năm 1957 ba tôi xây nhà mới, cao ráo, rộng rãi, sáng sủa hơn căn nhà cũ rất nhiều. Má tôi nói xây cái nền nhà cho cao để tránh nạn chạy lụt. Ðúng y như vậy. Lụt năm đó chúng tôi không chạy đi đâu mà ngược lại, căn nhà của tôi trở thành trung tâm chạy lụt của cả xóm. Cũng những ngày mưa dầm dã, báo hiệu nước sắp dâng, học trò xôn xao trong lớp chờ đợi nhà trường cho tan học sớm hơn thường lệ. Mỗi chiều về phải lội trong những vũng nước ứ, tôi không dám đi hai bên lề đường sợ lỡ lọt cống, cứ nhắm giữa đường cái mà đi. Trời lạnh cắt da nhưng không vì thế mà ngăn được bọn học trò trai tạt nước lên nhau cho ướt thêm. Vui, la hét với những đợt nước tạt vào mắt, vào mặt… Rồi ngày đó cũng đến, tôi phải kẹp cái cặp táp bên nách để tránh con nước đang ngập đến đầu gối. Leo lên mấy bậc tam cấp thềm nhà xong tôi thở ra khoan khoái, nghe ấm êm trong nhà, nghe lao xao ngoài ngõ, nghe rầm rầm tiếng mưa rơi, hào hứng nhìn nước lụt đang dâng lên từ tầng cấp thứ nhất đến tầng cấp thứ hai .. . Một đêm an giấc, không phải chộn rộn kê bàn ghế hay lu gạo.

Sáng hôm sau nước đã dâng lên tầng cấp thứ ba, ngập hết vườn hoa nhà O Quản. Hai thằng cu anh và cu em con O đã được đem qua nhà tôi, tôi nhìn sang nhà O tính réo con Cúc qua thì thấy O đang lội lụt, cõng chị Lai trên lưng, trong tay bưng một cái gà mên. Con chó mực của O cũng bơi lúp chúp một bên, tất cả ”cập bến” nhà tôi. Gà mên trong tay O là hai chú chim câu kho mặn, O đã phải hy sinh đôi chim bồ câu để làm thực phẩm cho bầy trẻ trong những ngày mưa lụt không chợ búa gì được.

 

6

 

Ðến trưa trưa, lần lượt các đứa trẻ của gia đình ở xóm trong được Bác Lại chở xích lô đến nhà tôi. Bác Lại thân với gia đình tôi vì Bác hay đánh kiệu với bà nội tôi, không ăn thua bằng tiền mà bằng rượu đế. Ðám trẻ chúng tôi có cơ hội chơi thả cửa, la hét om sòm mà không bị la rầy gì hết. Không trò chơi nào là không bày ra. Trước tiên là xếp thuyền thả xuống nước xem thuyền đứa nào bị chìm trước tiên, rồi lấy kéo chơi cắt bê bê bằng giấy, đánh hất cao su, rồi múa hát … Trời mưa và lạnh, nước ngấm lâu làm nền nhà cũng như rịn nước. Tối đến con cái mỗi gia đình tự trải chiếu mền nằm ngủ trên nền nhà âm ẩm.

Ðó là trận lụt cuối cùng trong tôi. Mấy năm sau cũng có lụt nhưng nho nhỏ, không làm cho tôi cảm thấy rộn ràng như những năm trước. Ðã có lúc tôi tiêng tiếc tại sao không có lụt để cho tôi có dịp sống lại những ngày chạy lụt như trước. Tôi đâu hiểu rằng lụt là cả một tai hoạ cho biết bao nhiêu người. Ơn trời đất, tôi càng lớn thì lụt càng giảm, tôi không còn tiếc nuối những trận lụt nhưng tôi vẫn cảm thấy thiêu thiếu một cái gì khi mùa mưa lạnh đến mà không có lụt đi kèm.

TẾT
Tết, Tết, Tết!!! Nghe rộn rã reo vui từ trong lòng ra tới cả đất trời rộng lớn. Quê nghèo của tôi đúng là mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn, lại thêm trời hành cơn lụt mỗi năm. .. Lo âu, bận bịu với cái lụt và cái lạnh vừa qua, chưa kịp nghỉ ngơi để dựng lại phên tre vách nứa đã bị rã ra trong những ngày ngâm nước lụt, cái tết đã lừng lững đến sau lưng với những lo toan khác. Quần áo mới, sửa chữa, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, giỗ tết họ hàng, cúng đưa ông táo, bánh tét bánh chưng, tất niên, giao thừa, cúng đưa … ôi những lo toan làm oằn lưng người lớn nhưng hầu như không có gờ ram nào trong tôi. Khi lớn lên, đọc chuyện ” Cái Bong Bóng Lợn” (**) của Chu Thiên tôi mới thấu hết cái tầm quan trọng và cái ý thức rất dân tộc tiềm tàng trong mỗi cá nhân, thể hiện trong sinh hoạt gói bánh chưng ngày tết.

 

 

Ngày tôi còn bé, gia đình tôi không ai biết gói bánh chưng. Má tôi chỉ việc chung tiền nhờ bà con nấu dùm, hoặc khách khứa ơn nghĩa với ba má tôi mang đến cho một cặp bánh chưng hay vài đòn bánh tét gì đó. Nói tóm, bánh tét bánh chưng không thiếu trong ngày tết, nhưng tôi không có cái thú vị thức đêm để canh lửa, chụm củi hay nhìn người lớn châm nước vào nồi bánh đang sôi sùng sục trên bếp. Vả chăng, nếu ngày đó mà gia đình tôi có gói bánh chưng chắc tôi cũng đã cuộn tròn ngủ êm trong chăn ấm chứ làm sao thức nổi để xem. Năm 17 tuổi tôi bắt đầu học gói bánh chưng, và thật lạ lùng, nó làm tôi đau lưng cả tuần lễ sau đó vậy mà tôi vẫn bị nó lôi cuốn và rồi tiếp tục mỗi năm tôi lại đề nghị má tôi nên dành tiền để nấu một nồi bánh chưng thay vì làm nhiều loại mứt món. Giờ đây, chính bản thân tôi, đang sống xa quê cả mấy chục nghìn dặm, tôi vẫn gói bánh chưng vào mỗi dịp tết về chỉ để được ngửi mùi lá khi nồi bánh sôi sùng sục.

Tôi không băn khoăn nhiều về cái nồi bánh chưng nấu qua đêm ngày cận tết. Tôi chỉ thích thú được mặc quần áo mới, được thức đêm để cúng giao thừa, và ngắm các chậu hoa thược dược, cúc vàng, vạn thọ mà Dượng Quản trồng đặt dọc theo cửa ngõ dẫn vào nhà Dượng. Trông nhà Dượng màu tết về từ ngoài vào trong, hoa kề hoa, màu sắc rực rỡ. Vườn nhà tôi tuy rộng mà lại chẳng có cái hoa nào. Ba mươi tết ông ngoại tôi mang đến một cành mai, cắm vào độc bình cao cổ, chưng ở giữa nhà, treo lủng lẳng thêm vài ba cái thiệp cung chúc tân xuân.

Thuở bé tôi không đeo chiếc khánh vàng cũng không quần xẻ đũng áo hàng lam, song chắc chắn mỗi tết về là tôi có lại có một bộ áo quần mới. Lạ lùng, làm như cả năm tôi không có quần áo mới hay sao mà cứ mỗi lần gần tết, má tôi dẫn tôi ra Bác Nhơn, thợ may ngoài đường cái, để đo may bộ đồ mới, tôi cảm thấy sung sướng phát run. Bộ quần áo may xong được tôi ôm vào người, ngửi mùi vải, rồi xếp vuốt thật ngay thẳng bỏ xuống dưới cùng tầng quần áo trong cái tủ bé con của tôi. Phải để dành thế nào cho đến mồng một tết lấy ra mặc là phải có mùi thơm của vải và của long não. Diện bộ cánh mới vào, hí hửng đi qua nhà O Dượng Quản, rồi chờ má tôi cho phép mấy chị em dẫn nhau ra nhà ông ngoại tôi ở bến Ðò Cồn, khoan khoái nghe người khác khen bộ áo đẹp … bấy nhiêu thôi đã làm cho tôi thích tết biết dường nào!

Giao thừa!!! Tôi chưa được phép tham gia vào các hoạt động trong buổi lễ thiêng liêng này nhưng cũng đứng xớ rớ đâu đó để xem mọi người rộn ràng bưng cái bàn lớn ra đặt ngoài sân và để được sai vặt. Tôi để ý thấy sau khi cúng rước ông bà vào trưa ngày ba mươi tết, cả buổi chiều ba mươi dường như dừng lại và đến tối thì cả nhà lại rộn rịp hẳn lên. Ðèn thắp sáng hơn từ bàn thờ ra nhà giữa xuống nhà bếp. Má tôi và chị người làm lo nấu xôi chè cháo, bà nội tôi xếp giấy tiền và vàng bạc thành khối chữ nhật, sắp lên cái dĩa rồi cắt một dung giấy đỏ dán dằn lên. Làm xong bà đem mấy cái hình mã vẽ người đàn ông hay đàn bà mặc áo dài thụng thịnh ra ngắm nghía. Mỗi tấm hình tượng trưng cho một người trong gia đình, có ghi tên tuổi của người đó ở góc trên bên mặt của tấm hình, bằng chữ nho. Công việc mua hình rồi nhờ Bác Thầy Chương viết tên tuổi của mỗi người lên tấm hình đã được bà nội tôi trân trọng hoàn tất từ mấy ngày trước đó. Dù không biết chữ nho, nhìn hình bà cũng đoán được hình này tượng trưng cho ai và luôn luôn khen chữ nho do Bác Thầy Chương viết thật là đẹp.

Ðêm ba mươi tối thui và rất lạnh, nhưng lễ cúng giao thừa ngoài trời vẫn được tiến hành. Bà nội tôi trải một cái khăn bàn mới tinh lên cái bàn trước khi sắp xếp mọi thứ lên đó. Hai chân đèn cầy hai bên, bát nhang ở giữa, ly nước lạnh súc miệng, ly rượu, ly trà dĩa trái cây, mâm gạo và tiền thật, xôi, chè, cháo thánh, bánh tét, bánh in, mứt gừng mứt bí, sáu cái chén không, bánh tráng hột nổ, muối sống, hình nhân . . . Bà tôi đứng cạnh cái bàn và cứ đếm lần lượt các món được bày biện, thiếu cái gì thì bà la lên để chị người làm hay má tôi hay đôi lúc là tôi lấy thêm. Tíu tít bước chân từ trong nhà ra ngoài sân, từ từ cái bàn đã đầy ních các vật phẩm cúng kiếng. Không ai bảo ai, cả xóm tôi hầu như cùng đảnh lễ một lần khi nghe tiếng chuông trống bát nhã từ nhà Bác Thầy Nậy hay Bác Thầy Chương vang lên. Tôi cảm nhận cái nghiêm trang của đêm ba mươi khi nhìn những ánh nến lung linh trong mỗi sân nhà và những con người đang im lặng khấn vái, gởi gấm tâm tình hay nguyện ước của mình đến với ông bà cùng trời đất bao la. Khi tuổi đời chồng chất tôi mới nhận ra cái nối kết giữa người sống và kẻ chết. Thịt da xương máu của thế hệ trước đã biến thành đất, trở thành nguồn nuôi dưỡng thế hệ sau… và cứ thế sự báo đáp có lúc nào ngừng được (?). Càng lớn tôi càng biết ơn hơn những người đã chết, không chỉ trong gia đình dòng họ mà cả Tổ Tiên từ bốn ngàn năm. Từng lớp địa chất trên mảnh đất quê hương kia là sự tích tụ của hàng hàng lớp lớp người đã khuất, đã làm màu mỡ thêm cho cuộc sống của con cháu.

Tôi im lặng đứng vòng tay bên cạnh bàn thờ trông bà tôi lầm thầm khấn vái với lòng thành kính, chỉ sợ sơ suất điều gì thì sẽ mang tội nặng đối với tổ tiên. Thế hệ của bà tôi thật nặng lòng tri ân người quá cố, tôi chỉ hiểu ra điều đó khi tuổi đời đủ nặng đôi vai. Tôi cảm thấy vui vui nhìn bà cầm cây nhang gần tàn châm vào miệng mấy cái hình con hành khiến, gọi là khai khẩu cho nó trước khi gom hết hình ảnh cùng vàng bạc đốt ra tro. Giao thừa kết thúc, tiếng pháo vang lên rộn rã trong những năm thanh bình. Xác pháo tung bay khắp hang cùng ngõ hẻm. Tôi, con nít, chỉ được cho phép chơi pháo dây, cháy không gây tiếng nổ, chỉ nghe xịt xịt mấy tiếng như đốt que diêm. Mồng một tết!!! Tôi đã muốn hét to lên một tiếng Tết, nhưng kiêng! Năm mới mà, không được làm ”động” nhà cửa, phải chờ bà nội tôi cúng gia tiên xong, má tôi mới gọi mấy chị em tôi đi thay áo mới để đi chúc tết ông bà. Chỉ chờ có thế, lòng tôi reo vui như mở hội.

Tôi đã có dịp nói rằng vườn nhà tôi chẳng có hoa hiếc gì cả mà vào ngày tết ba má tôi cũng không mua các chậu hoa bán sẵn về chưng, cho nên cái vườn hoa con con của Dượng Quản là nơi cuốn hút tôi không ít. Dượng giỏi cả nghề mộc, nghề nề và nghề nông, nên chi Dượng tự đúc chậu để trồng cây và uốn kiểng. Dượng trồng rất nhiều hoa, mỗi thứ vài ba chậu hoăc vài ba cây. Tết Huế lạnh như còn đông, nhưng cũng có khi se se lạnh. Gặp những ngày gió chỉ làm se da, buổi sáng đi học hay chiều về, tôi sung sướng nhìn mấy chậu hoa cúc vàng, thược dược hồng tía, vạn thọ màu da cam, mồng gà đỏ chói, hoa pensée tim tím, hoa hồng hồng, bụi hoa lài, hoa ngâu, dây hoa ti gôn leo qua vòm cửa ngỏ và cả giàn hoa lý che hết khoản sân nhỏ nhà Dượng nữa. Tôi thích thú trải qua nhiều giờ đứng tẩn mẩn ”thưởng ngọan” hết hoa này đến hoa kia một mình trong khi Dượng Quản mải mê đào xới, bón phân cho từng gốc cây. Tôi chưa biết khen hoa đẹp nhưng nhìn mấy chậu hoa nở rộ vào ngày tết tôi cũng biết rung động bồi hồi, dĩ nhiên chưa bao giờ tôi hái trộm hay phá phách hoa nhà O Dượng Quản. Tôi còn thích thú lần tìm bên dưới các chậu hoa những con ốc sên nhỏ xíu, bắt chúng ra đặt lên những ngọn lá non, rồi đưa tay chạm vào con mắt của chúng cho chúng thụt vô. Trò chơi ngày tết của tôi chỉ có bấy nhiêu nhưng sao nó mê hoặc tôi đến thế. Biết bao nhiêu trò chơi khác như đổ cá ngựa, đánh bài vụ, bài tới, xì lát, cạt tê… tất cả đều không lôi kéo được tôi. Không riêng gì ngày tết, hầu như suốt quãng đời thơ ấu, tôi chỉ làm bạn với hoa lá cỏ cây, những thứ lúc nào cũng sẵn bên bờ rào, trong ngõ hẻm, trên từng lối đi quen thuộc của tôi.

Mới đây, khi đi thăm người em gái ở Florida, tôi đã bắt gặp một cô bé con, khoản 7-8 tuổi, đang ngồi chơi trước cửa nhà cô với mấy cái bông cẩn và một đống lá đã xắt vụn ra để bên cạnh. Ôi chao! tôi đã bắt lại tuổi thơ của tôi!!! Tôi đến bên cháu bé, té ra cháu cũng là người Việt nam. Mừng rỡ biết bao, tôi hỏi cháu: ”Sao cháu có trò chơi y hệt của ta ngày xưa. Ta cũng đã chơi với mấy cái hoa như vầy, cũng xắt nhỏ lá ra làm bún, còn tô chén là những cái vỏ nghêu.” Cháu bé có vẻ mắc cỡ đưa hai bàn tay che cái đống lá hoa đang bày biện trước mặt, miệng cười chúm chím, không nói lời nào. Cháu bé ơi, hãy ráng gìn giữ những phút giây thiên thần hôm nay nhé, nó sẽ hun đúc tâm hồn cho cháu sau này, hãy ôm hết tuổi thơ vào lòng cháu đi. Ta cầu chúc cho cháu trên bước đường đời nay mai sẽ gom thêm cho cháu những giờ phút thần tiên, mãi mãi thần tiên như tuổi thơ mà cháu đang hưởng. Chào cháu nhe!

*****

Bài này được viết vào năm 1993.

Năm 1998 một phần của bài này được viết lại thành luận văn ra trường SFSU, với tựa đề Immortality.

Năm 2004, tôi tìm được tin bạn Thanh Nhã nhờ nhóm điện thư hoctrohue2. Từ Thanh Nhã, tôi đã được tin Huệ Tâm.

Năm 2006, tôi đã gặp Huệ Tâm tại Đà Nẵng và Thanh Nhã tại Huế. Thanh Nhã đưa tôi đi thăm Cô Nê và Cô Phú.

Năm 2014, tôi gặp lại Nguyễn thị Sửu và Nguyễn thị Thí tại Santa Ana nhân dịp họp mặt cựu học sinh trường Nữ Trung Học Thành Nội.

Tuý Việt

.

(Nguồn : Art2all / chantran.net)

.

.

 

 

 

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: