//
you're reading...
Colnav Nguyen, Dịch Thuật, Photography

Vụ kiện kỳ quái về tấm hình con khỉ chụp ‘tự sướng’ * Colnav Nguyen

1

A self-portrait of Naruto(?), public domain (maybe?) (Provided by The Verge)

.

Sự việc khởi đầu vào năm 2011, khi nhiếp ảnh gia David Slater vác đồ nghề sang Sulawesi, Indonesia, bỏ ra nhiều ngày ở trong rừng để canh chụp bầy khỉ macaque. Macaque thuộc họ khỉ cựu thế giới hay khỉ đuôi dài, phân bố khắp thế giới nhưng nhiều nhất ở Đông Nam Á. Có 22 loài khỉ macaque được nhận diện nhưng loài khỉ mà ông David muốn canh để chụp thuộc loài nằm trong danh sách cần được bảo vệ.

Ông tìm đến nơi bầy khỉ này sinh hoạt rồi bố trí máy thế nào để dụ bầy khỉ mon men lại gần, tò mò nghịch máy và tự bấm để chụp, có vậy ông mới lấy được hình của chúng vì chúng thấy người sẽ biến dạng đi mất.

Sau chuyến đi, những hình ảnh ông thu được trở nên hết sức phổ biến, giúp ông kiếm được vài ngàn đồng bảng Anh, đủ lấy lại chi phí cho chuyến du hành sang Indonesia. Đồng thời ông cũng tự xuất bản một cuốn sách về hình ảnh thu thập được.

.

2

(Caters News Agency)

.

Tuy nhiên niềm vui chưa trọn thì rắc rối lại đến, khi hai trang mạng Techdirt và Wikipedia đem sử dụng những hình ảnh này, không những thế mà còn nói rằng chúng thuộc lãnh vực công cộng (public domain), ai cũng có thể tải về máy để xài thoải mái. Khi ông Slater yêu cầu họ lấy xuống thì họ trả lời rằng những hình ảnh này không chứng bản quyền vì con khỉ mới chính là kẻ tạo ra chúng.

Chẳng những không làm được gì, đến năm 2015, ông Slater lại còn bị tổ chức PETA (People for the Ethical Treatment of Animals) nhân danh con khỉ để kiện ông xâm phạm bản quyền của con khỉ khi tự tiện ấn hành cuốn sách về nó, trong đơn nói rằng chính con khỉ đực sáu tuổi tên Naruto mới là kẻ được bản quyền.

Năm 2016, một ông tòa đưa ra phán quyết chống lại PETA, nói rằng đạo luật về Bản Quyền (Copyright Act) không kể đến thú vật.

.

2

Nhiếp ảnh gia David Slater. (facebook.com)

.

PETA chưa chịu thua, liền kiện lên Tòa Kháng Án Liên Bang, The Ninth Circuit Court of Appeal.

Trong đơn phản bác của ông Slater, ông nêu rằng PETA chưa đủ gần gũi thân mật với Naruto để có thể đại diện cho nó trước tòa án. Luật sư của ông Slater và cũng có tên trong đơn kiện của PETA, nêu thắc mắc liệu rằng PETA có nhận diện đúng con khỉ mà họ cho là họ thay mặt để kiện không. Ông luật sư này biện luận rằng con khỉ trong hình là một con cái chứ không phải con đực và nói rằng nó sáu tuổi cũng sai nốt.

Cuối cùng hôm 24 tháng Tư, 2018, một hội đồng thẩm phán gồm ba vị, Judge Carlos Bea, Judge Randy Smith, và Judge Eduardo Robreno của Tòa Kháng Án Liên Bang, đưa ra phán quyết, xác nhận rằng thú vật không thể giữ bản quyền trên mặt pháp lý. Đồng thời tòa cũng nêu ra rằng động cơ thúc đẩy PETA đi đến vụ kiện này là để cổ súy cho quyền lợi riêng tư của họ hơn là để bảo vệ cho quyền lợi của thú vật trên mặt pháp lý.

.

Về phần ông Slater, theo trả lời qua phỏng vấn của BBC News, ông cho biết đã phải chịu sự mất mát về tài chánh, sau khi những bức hình trở nên phổ biến trên Wikipedia Commons. Ông nói : “Trong năm đầu sau khi thu được loạt hình đó, tôi kiếm được hai ngàn bảng Anh. Nhưng sau khi chúng xuất hiện trên Wikipedia thì nguồn lợi do việc bán bổng mất hẳn. Khó hình dung tôi đã mất bao nhiêu nhưng tôi cho là vào khoảng 10.000 đồng bảng. Điều đó làm việc kinh doanh của tôi hoàn toàn tiêu tùng.”

Vào tháng Giêng 2016, ông Slater cho biết ý định kiện Wikipedia tội vi phạm bản quyền về các tác phẩm của ông. Nhưng sang tháng Bảy 2017, được biết ông lâm vào cảnh khó khăn về tài chánh, không thể kham nổi chi phí trả cho luật sư. Thậm chí trong phiên điều trần của tòa vào tháng Bảy 2017, ông còn không đủ khả năng tài chánh để du hành qua Hoa Kỳ dự. Ông nói chắc ông phải tìm nghề khác, ví dụ dẫn chó đi dạo hoặc làm huấn luyện viên quần vợt. “Tôi mất hứng xách máy để đi chụp nữa rồi” … “Khi nhìn lại mọi sự tôi thấy thật không đáng.” Ông thêm, “Mọi cố gắng của tôi làm sao để thiên hạ thấy được hoàn cảnh tuyệt vọng của lũ khỉ lại gặp phải phản ứng ngược lên cuộc đời riêng tư của tôi. Cuộc đời tôi hoàn toàn tiêu tan.”

Tuy nhiên nhà nhiếp ảnh gia bất đắc dỉ nói là ông vẫn cảm thấy “hết sức hài lòng” về tác động từ chính bức hình chụp được. “Cách đây sáu năm có ai nghe nói về loài khỉ này bao giờ đâu, tổng số chúng thu hẹp xuống còn vài ngàn con cuối cùng. Dân chúng địa phương xưa nay thường săn chúng để nướng ăn nhưng nay họ thương yêu chúng và gọi chúng là “khỉ tự sướng.” Du khách nay tìm đến đó để thăm viếng chúng, và người ta thấy được cái phúc lợi lâu dài đối với cộng đồng hơn là chỉ việc xách súng đi bắn.

.

Nguồn :

  • The Verge/The Monkey Selfie Lawsuit Lives
  • The Guardian/Monkey Selfie Photographer Says He’s Broke: ‘I’m Thinking of Dog Walking’
  • Wikipedia

(update.081421)

 

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: