Phế Thải Một Con Tàu Không Phải Chuyện Dễ
Cao Nguyên Lộc
(Lược dịch từ The Problem with Ship Scrapyards Isn’t What You Think của Jacob Baynham, đăng trên Newsweek Web Exclusive)
*****
Ðược đóng vào năm 1950 tại Bethlehem Steel ở Quincy, Massachusetts. Ðây là một con tàu bóng loáng dài 682 bộ Anh, tức độ 230 mét, đủ lớn để chở 1000 hành khách đi từ New York đến Ðịa Trung Hải với vận tốc 23 knots (43 km/giờ). Con tàu này cũng đã từng đưa ông bà Tổng Thống Mỹ Truman vượt Ðại Tây Dương vào năm 1958. Hồi đó nó còn được rêu rao là thương thuyền hàng hải đầu tiên trên thế giới có hệ thống điều hòa không khí, và rằng là con thuyền hoàn toàn làm bằng đồ Mỹ như: do Mỹ thiết kế, vật liệu của Mỹ, làm theo sinh hoạt của đời sống người Mỹ. Bởi thế nó được đặt tên là SS Independence (Ðộc Lập).
Bây giờ, 58 năm sau, hàng không đã hoàn toàn thay thế nó trong công việc chuyên chở hành khách vượt Ðại Tây Dương, và nó cũng không còn là một du thuyền đưa người ta đi du lịch ở Hawaii nữa. Trên boong giờ đây cỏ mọc chen giữa các khe ván, hình ảnh những bông hoa vẽ trên ống khói nay cũng đã nhạt màu. Con thuyền đã từng được đặt lại tên SS Oceanic, và vì asbestos cùng những hóa chất khác dùng để làm nó bị các nhóm bảo vệ môi sinh như Basel Action Network mỉa mai gọi nó bằng tên “bom độc nổ chậm”. Chiếc Oceanic ngày nay bị coi như một con tàu ra rìa trên đại dương mà lần cuối cùng người ta thấy nó xuất hiện ở gần Dubai – và đang là tâm điểm của một vụ kiện tụng giữa cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) và công ty mua bán thuyền sở hữu nó.
Tuy rằng đang trong tình trạng xuống cấp nhưng Oceanic vẫn còn có giá. Tàu bè như nó được mua lại giá cao để lấy thép, khiến các tay buôn thuyền cũ kiếm được bộn tiền khi đem bán lại cho các nơi phế thải. Ðây là một hình thức tái chế (recycling) tuy rằng không được “sạch sẽ” đối với môi sinh (eco-friendly). Các tàu cũ thường có nhiều tạp chất khiến chúng trở nên nguy hiểm khi người ta xẻ vụn chúng ra. Ít có chính phủ nào muốn thấy thứ rác kiểu này nằm trước sân nhà mình nên giới kinh doanh bãi phế thải phải tìm đến làm ăn ở các quốc gia đang phát triển, nơi luật lệ ít khắc khe và lao động thì lại rẽ mạt. Ðiển hình như Alang ở Ấn Ðộ, nơi xẻ thịt 400 con tàu mỗi năm vào thời hoàng kim của bãi phế liệu này.
Nay Alang ít bận rộn đi, chỉ còn 129 chiếc trong năm 2007, bởi lẻ có sự cạnh tranh từ nhiều quốc gia khác, nơi có luật lệ ít khắc khe hơn nữa như Bangladesh và Pakistan. Theo các chuyên gia về kỹ nghệ này thì khi chiếc Oceanic rời ụ ở San Francisco vào buổi sáng sương mù Ngày 8 Tháng Hai năm 2008, họ đều đoán nơi đến của nó sẽ là Alang. Cuộc hành trình bổng bị khựng lại khi cơ quan EPA gửi cho chủ nhân của nó là công ty Global Shipping LLC, có trụ sở ở Maryland, một giấy cảnh báo với tiền phạt là US $32.500 mỗi ngày chuyển vận, do vi phạm Toxic Substances Control Act (đạo luật kiểm soát chất độc hại) vì xuất cảng một con tàu để phế thải mà trên chiếc đó có hóa chất polychlorinated biphenyl (PCBs).
Rich Vaille, phụ tá giám đốc của chương trình cưỡng bách về chất phế thải thuộc cơ quan EPA, tuyên bố, “Luật Liên Bang cấm ngặt các công ty không được xuất cảng chất PBCs, kể cả trường hợp chất đó có sẵn trong những con tàu được bán đi để phế thải.”
Chiếc Oceanic do công ty Cruise Lines của Na Uy sở hữu, rồi sau đó được đem bán lại cho Global Shipping. Công ty sau này phủ nhận không hay biết trên tàu có sẵn chất độc hại và rằng họ không tính đem ra bán phế thải mà đang tìm người mua về để phục chế rồi đem dùng lại. Phát ngôn viên Shashank Agrawal của Global Shipping nói, “Tàu lớn cở này, được đóng bề thế như vậy, và có cả thành tích lịch sử; người ta sẽ mua lại với biết bao công dụng như làm khách sạn nổi, sòng bài, chỗ ở cho công nhân.”

Chiếc Oceanic rời vịnh San Francisco trong chuyến hải hành lần cuối vào Tháng Hai, 2008.
Tuy nhiên theo phân tích của Werner Hoyt, một công ty chuyên tái chế tàu cũ ở Weed, California, thì chiếc Oceanic đang mang trên mình nó 250 tấn asbestos, và 210 tấn PCBs độc hại. PCB là chất chống cháy có trong sơn, dây cáp, sàn nhà, … được đem dùng cho đến khi bị EPA cấm lưu hành vào năm 1978. Công ty Hoyt ước lượng, nếu đem bán phế liệu, thép của chiếc Oceanic có thể thu về được tối thiểu là 8,5 triệu đô la Mỹ.
Các nhà bảo vệ môi sinh đoan chắc rằng chủ tàu cũ có chất độc hại thường tránh không thông báo là họ bán tàu để phế thải. Năm 2006, công ty Cruise Lines của Na Uy báo cáo với các giới chức khám xét tàu ở Bremerhaven, Ðức Quốc, rằng con tàu hư SS Norway (nay có tên là SS Blue Lady) của họ được đưa đến Mã Lai để phục chế. Cuối cùng nó về nằm trên bãi biển ở Ấn Ðộ sau khi được bán lại cho Bridgend Shipping, một công ty của Liberia với giá chỉ US $10, căn cứ theo hóa đơn bán. Vốn là một thương thuyền dài nhất thế giới, chiếc Blue Lady hiện đang bị xẻ thịt ở Alang, trên tàu có sẵn 1.200 tấn asbestos.
Global Shipping, sở hữu chủ hiện tại của chiếc Oceanic, là công ty phụ của Global Marketing System, một công ty đang kinh doanh cho việc xẻ thịt chừng 100 tàu cũ mỗi năm. Các nhà bảo vệ môi sinh lo ngại rằng công ty này đang cố làm dịu bớt cơn bão kiện tụng trước khi đưa chiếc Oceanic đi phế thải. Lý do họ nghĩ con tàu này rồi ra cũng sẽ thẳng đến Alang, bởi vì chủ tịch điều hành của Global là Anil Sharma có người em đang kinh doanh xẻ tàu ở bên đó.
Jim Puckett, điều hợp viên của Mạng lưới Hành động Basel, đặt ở Seattle, một nhóm chuyên ngăn chặn những vụ mua bán chất độc hại quốc tế, tuyên bố, “Ai trong giới kinh doanh này còn lạ gì chuyện Anil Sharma đang muốn đem chiếc thuyền này đi xẻ thịt. Nó đang nằm trong tay của những kẻ chỉ làm tiền qua lối kinh doanh với tàu thuyền phế thải.”
Nhóm của ông Puckett lấy tên Basel bắt nguồn từ Qui ước Basel, được chấp thuận từ năm 1992 và được 170 quốc gia ký kết, kể cả Ấn Ðộ nhưng ngoại trừ Hoa Kỳ. Qui ước này cấm triệt việc mua bán các chất độc hại trên trường quốc tế, như asbestos, kim loại nặng, PBCs và các chất độc hại khác có sẵn trên các kiểu thuyền cũ xưa. Tuy nhiên qui định này cũng không giúp gì hơn để các công nhân ở Á Châu tránh khỏi bị làm việc trong điều kiện môi trường độc hại. Năm 2006 một ủy ban do Tối Cao Pháp Viện Ấn Ðộ triệu tập khám phá rằng cứ mỗi sáu công nhân ở Alang thì có một người bị nhiễm chứng asbestosis – một chứng sưng phổi kinh niên gây nên bởi tiếp xúc với asbestos lâu dài.
Gopal Krishna thuộc Hệ thống Bài trừ Asbestos ở Ấn Ðộ nói rằng,, khử nhiễm trước một con tàu trước khi đem bán phế thải là việc của chủ nhân của con tàu, và việc cưỡng bách trên mặt pháp lý là trách nhiệm của quốc gia gốc. Hoa Kỳ chưa làm đủ để ngăn chận chiếc Oceanic. Ông Krisna tiếp, “Vì Hoa Kỳ không ký kết vào bản qui ước nên Hoa Kỳ tỏ ra dễ dải hơn với việc cho vận chuyển đi những con tàu loại đó, cũng như cho xẻ thịt chúng. Ðó là hành động bao che, đồng lỏa.”
Nhóm Basel nêu thắc mắc tại sao EPA chỉ muốn phạt chủ nhân chiếc Oceanic, thay vì buộc nó phải quay về bến ngay lập tức. Năm 2006, chính quyền Pháp đã từng ra lệnh quay lại chiếc hàng không mẫu hạm Clemenceau có chứa đầy asbestos; chiếc này đang chờ phép được cập vào Ấn Ðộ để biến thành phế thải. Nó đã quành lại trước khi Tối Cao Pháp Viện Ấn đi đến một quyết định.
Phát ngôn viên của EPA là Dean Higuchi ở Hawaii nói, “Mọi tàu thuyền trước khi được đem phế thải đều phải thông qua lệ luật của EPA.” Nhưng ông ta công nhận rằng một khi chiếc nào đã ra ngoài khơi thì nó trở nên ngoài tầm kiểm soát của cơ quan, ông tiếp, “nói chung, EPA không có khả năng thu hồi một con tàu từ hải phận quốc tế.”
Vào Tháng 9, 2007, Tối Cao Pháp Viện Ấn đưa ra hai qui định về kỹ nghệ tàu phế thải, theo đó vẫn duy trì lối kinh doanh này, tuy nhiên đòi hỏi phải có tài liệu kê khai những chất độc hại hiện diện trên tàu. Ông Atul Sharma, kỹ sư về môi trường ở Hội đồng Hàng hải Gujarat. cơ quan chức quyền chuyên theo dõi hoạt động của bến tàu Alang, phát biểu, “Nước Ấn có khả năng tái chế chiến hạm, tàu chạy bằng nguyên tử, du thuyền, cũng như đủ loại tàu thuyền nào khác.”
Praveen Nagarsheth, giám đốc Hiệp hội Phá xẻ Tàu thuyền Ấn Ðộ tin tưởng không kém, “Theo tôi thiết nghĩ, Tối Cao Pháp Viện đã cho phép bất cứ tàu thuyền nào đều có thể vào đất Ấn. Bây giờ vấn đề chỉ còn là luật lệ của phía Hoa Kỳ mà thôi. Nếu chính quyền Mỹ không can dự, thì cứ để chiếc Oceanic đến đây để chúng tôi làm thịt.”
Thảo luận
Không có bình luận