Hôm nay Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đưa ra một loan báo hết sức quan trọng, rằng thịt lợn muối (bacon), xúc xích, dồi, lạp xưởng (sausage) và jambon (ham), nằm trong số những thức ăn có chứa hàm lượng chất sinh bệnh ung thư, tựa như thuốc lá, rượu bia, sợi ami ăng (asbestos) và thạch tín (arsenic).
.
Bài viết dưới đây vừa đăng trong báo Người Việt:
Ăn các loại thịt chế biến có thể bị ung thư
HÀ TƯỜNG CÁT/Người Việt (Tổng Hợp)
Hơn cả chuyện Biển Đông, Syria, Ukraine, khủng hoảng di dân ở Âu Châu hay bầu cử Tổng Thống Mỹ, một tin thời sự mà chắc rằng không ai không chú ý: Trong một bản công bố đưa ra hôm Thứ Hai, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ăn các loại thịt chế biến như bacon, ham, sausages, hot dogs, thịt nguội, có nguy cơ bị ung thư ruột già.
![]() Bộ máy tiêu hóa của con người. (Hình; Terese Winslow via Getty Images) |
Loại ung thư này phát khởi từ một nơi nào đó trong ruột già kể cả ở đoạn chót gọi là trực tràng. Ruột già là phần cuối của bộ phận tiêu hóa. Sau khi đồ ăn qua dạ dầy và ruột non, ruột già hấp thụ nước và chất dinh dưỡng rồi thải chất bã qua trực tràng ra ngoài. Ung thư ruột già là loại ung thư đứng hàng thứ ba ở Hoa Kỳ, tuy nhiên số bệnh nhân tử vong đã giảm nhiều nhờ phương pháp soi ruột và thử phân. |
22 chuyên viên của IRAC, cơ quan quốc tế nghiên cứu ung thư thuộc WHO ở Lyon, Pháp, qua phân tích 800 công trình nghiên cứu từ nhiều chục năm, đã xác nhận thịt chế biến cũng nguy hại như thuốc lá hay abestos – một loại khoáng chất silicate dạng sợi được dùng phổ biến từ lâu trong công kỹ nghệ (Việt Nam gọi là a-mi-ăng do phiên âm từ ‘amiante’ tiếng Pháp). Tuy nhiên điều ấy không có nghĩa xúc xích (salami) và thuốc lá nguy hại ngang nhau, ở đây chỉ xác định rằng đó là những thứ có liên hệ đến ung thư.
Hầu hết các hãng chế biến thịt phẫn nộ với kết luận này trong khi các tổ chức chủ trương dùng thực phẩm nông sản cảm thấy được khích lệ và các chuyên viên trị liệu hoan nghênh loan báo rõ ràng nhất chưa từng có về liên hệ giữa việc ăn thịt và bệnh ung thư.
Thật ra sự công bố của WHO không gây nhiều ngạc nhiên ở Mỹ bởi vì từ lâu người ta đã nghi ngờ các loại thịt chế biến, ướp, sấy khô, đóng hộp, … dùng tới nhiều hóa chất không tốt cho sức khỏe. Còn ở Trung Quốc và các nước Á Châu, vẫn sử dụng diêm tiêu (potassium chlorate KClO3) là một chất bảo quản cần thiết được trộn trong thịt ướp hay lạp-sường.
Nhưng xúc xích, jambon hun khói là những thực phẩm truyền thống của dân chúng Âu Châu xưa nay và nếu phải thay đổi lối ăn uống quen thuộc sẽ là điều rất khó chịu nếu không phải là không thể thực hiện nổi.
Tạp chí Time cho biết đã có sự nghi ngờ về liên hệ giữa bacon và ung thư từ cuối thế kỷ trước. Năm 1984 trong số báo Time có bài chủ đề nói đến bacon, nhưng lúc đó người ta mới chỉ chú trọng đến choleterol. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu thì tiềm năng tác hại trong nhiều vấn đề khác.
Các nhà nghiên cứu nghi ngờ những hóa chất sử dụng cho việc bảo quản thịt, như nitrite hay chlorate, có thể là tác nhân, Vào thập niên 1970, Ralph Nader đã tố cáo bộ Nông Nghiệp chỉ quan tâm đến công nghiệp mà không lưu ý tới bảo vệ sức khỏe cho dân chúng.
Tạp chí Time dẫn lời Nader cho rằng “có nhiều hóa chất chất nguy hại tồn tại trong thịt mà người tiêu thụ không hề biết”. Ralph Nader sau này 4 lần là ứng cử viên Tổng Thống trong Đảng Xanh hay đôc lập, vào những năm 1996, 2000, 2004, 2008 và lần đạt kết quả cao nhất chỉ là 0.58% số phiếu cử tri.
Năm 1978 thứ trưởng bộ nông nghiệp đặc trách thực phẩm và dịch vụ cho người tiêu thụ ra lệnh giảm lượng nitrate trong bacon vì nghi ngờ có sự liên hệ giữa chất bảo quản này với ung thư. Báo Time sau đó cho biết lệnh này đưa ra tiếp theo khám phá của các khoa học gia ở MIT (Massachusetts Institute of Technology), nhận thấy những con chuột chuột ăn đồ ăn có hàm lượng nitrate cao, bị ung thư nhiều gấp hai lần những con không ăn.
Ngành công nghiệp thịt kiện quyết định ấy và cuối cùng đã thắng. FDA và USDA nhìn nhận “Cho đến bây giờ, không có đủ cơ sở để cấm nitrite trong thực phẩm”. Những tổ chức bênh vực người tiêu thụ tiếp tục chống và lập luận rằng nguy hại của nitrite chưa được biết rõ, vả lại không nhất thiết phải dùng nitrite. Theo báo Time, sodium nitrite lúc ấy được dùng trong một lượng thịt trị giá $14.5 tỷ mỗi năm, để ngăn ngừa vi khuẩn nảy sinh và giữ được mầu hồng của thịt.
Năm 1982 viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia đưa ra một phúc trình nói rằng giảm ăn các loại thịt ướp, hun khói, chế biến có thể giúp tranh được một số loại chứng bệnh ung thư.
![]() Hot dogs đang được chuẩn bị cho cuộc thi ăn tại Nathan’s Famous Hot Dog Eating Competition, tổ chức hàng năm ở New York. (Hình: AP /Seth Wenig, File) |
Bây giờ WHO xếp tất cả các loại thịt chế biến là ‘carcinogen’, chất có nguy cơ đưa đến ung thư. Tuy nhiên báo cáo của WHO không minh xác liên hệ ấy do cái gì và không giải đáp thắc mắc nitrite hay nitrate có liên hệ đến rủi ro này ra sao. Căn cứ theo những nghiên cứu đã có trước, các chuyên viên của IRAC tính ra rằng mỗi 50 grams thịt chế biến một người tiêu thụ trong một ngày có thể tăng rủi ro mắc ung thư ruột già lên tới 18%. Bác sĩ Kurt Strif, chủ tịch chương trình nghiên cứu, giải thích: “Với một cá nhân, nguy cơ phát bệnh ung thư ruột già vì an thịt chế biến hãy còn là nhỏ, nhưng nguy cơ tăng lên với số lượng tiêu thụ”. Theo ông, ‘do một số lớn người ăn thịt chế biến, tác động toàn cầu về ung thư là quan trọng trong lãnh vực y tế công cộng”. WHO chưa đặc biệt xem thịt đỏ, là nguy hại nhưng coi là có thể nhiều rủi ro. |
Các nhà nghiên cứu định nghĩa chế biến là mọi cách nhắm làm tăng hương vị hay bảo quản thịt, như xúc xích, bò khô, đóng hộp và tất cả những gì hun khói. Được gọi là thịt đỏ bao gồm thịt bò, heo, cừu, ngựa và dê. Nướng, chiên hoặc những phương pháp nấu chín dùng nhiệt độ cao cũng làm gia tăng lượng hóa chất nghi ngờ gây bệnh.
Với phạm vi quá rộng như vậy, hầu như tất cả các lối ăn uống quen thuộc của mọi người từ xưa đến nay đều lọt vào vòng rủi ro. Vì vậy công bố của WHO không chỉ gặp phản ứng của ngành công nghệ thịt và các tiệm ăn, mà còn va chạm đến văn hóa nhiều dân tộc. Nếu ở Âu Châu xúc xích và đùi heo hun khói, ở Á Châu lạp sường và bò khô thì ở Hoa Kỳ bacon và hot dogs đã là những món ăn quen thuộc đến trở thành truyền thống của dân tộc.
Ký giả Rex Huppke trên tờ Chicago Tribune viết: “Có lẽ đây là sự xúc phạm văn hóa Mỹ lớn nhất của một cơ chế ngoại quốc, Tổ Chức Y Tế Thế Giới trụ sở tại Thụy Sĩ”. Theo Huppke: “Là người Mỹ, chúng ta hưởng được sự gia tăng lượng thịt có thể ăn, nhất là những thứ thịt ấy đã được chế biến ngon lành và an toàn. WHO hãy ngậm miệng lại”. Còn bà Shalene McNeill, giám đốc về dinh dưỡng trong hiệp hội toàn quốc những nhà nuôi bò, nói với tờ Washington Post: “Chúng tôi không tin có đủ bằng cớ chứng minh được là thịt đỏ liên hệ với ung thư. Mong họ dẹp vụ này đi”.
Theo các nhà phân tích, nỗi lo ngại về ung thư sẽ không tác động nhiều đến ngành công nghiệp thịt. Họ lập luận rằng trước kia đã có những lo ngại về cúm gà và cúm heo, nhưng rồi ngành chăn nuôi không bị ảnh hưởng vì các công ty fast food, các hàng ăn vẫn cần được cung cấp bình thường. Vậy thì chừng nào người dân không ăn thịt nữa thì mới đáng quan tâm, và điều ấy khó có triển vọng xảy ra hoặc là rất lâu nữa mới có thể đến.
Các nhà nghiên cứu đưa ra một con số: Nếu một người mỗi ngày ăn 50 g thịt chế biến, rủi ro ung thư ruột già có thể tăng lên tới 18%. Bác sĩ Kurt Straif, giám đốc IARC giải thích thêm: “Rủi ro với một cá nhân không nhiều, nhưng nếu tăng lượng tiêu thụ, nguy cơ sẽ lên cao. Hơn nữa, một số lớn trên thế giới thường xuyên ăn thịt nên phải xem đây là một vấn đề toàn cầu về y tế công cộng”.
Công bố của IARC/WHO được nhiều giới y khoa tán thưởng, tuy nhiên cũng có nhiều chuyên gia và khoa học gia không đồng ý.
Bác sĩ Elizabeth Lund ở Anh, chuyên gia y khoa đường ruột và cố vấn cho nhiều tổ chức nghiên cứu về thực phẩm, nói rằng qua những nghiên cứu bà đã tham gia, thịt đỏ chỉ có liên quan đến khoảng 3 trường hợp trong số 100,000 người lớn ở các nước phát triển kỹ nghệ. Theo bà, mập phì là đáng lo lắng hơn, bà nói: “Tôi cho rằng ăn thịt một lần mỗi ngày cùng với nhiều trái cây, rau, và ngũ cốc – cùng với thể dục và kiểm soát thể trọng – sẽ là một khẩu phần quân bình tốt cho sức khỏe và ít lo ngại ung thư”.
Giáo sư Ian Johnson thuộc Viện Nghiên Cứu Thực Phẩm, cho là rủi ro về ung thư ruột già do ăn thịt chế biến rất nhỏ, so với rủi ro vì hút thuốc đối với phổi chỉ bằng khoảng 1/20.
Chúng ta sẽ còn thấy các khoa học gia tranh luận về đề tài thịt chế biến, nhưng sẽ không thể nào đi đến một đồng thuận, ít lắm cũng nhiều năm hay nhiều thập kỷ nữa. (HC)
************
Một tin quan trọng khác liên quan đến chuyện cộng sản Tàu lấn chiếm Biển Đông. Anh ba khẳng định chủ quyền mấy hòn đảo và vùng lãnh hải 12 hải lý chung quanh, cấm tàu bè lại gần. Mỹ không công nhận và tuyên bố tự do thông thương bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Anh ba nghe vậy liền dọa sẽ có biện pháp quyết liệt nếu ai “xâm phạm chủ quyền.” Vậy mà hôm nay Mỹ đưa một khu trục hạm đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo của anh ba, chờ xem ngày mai phản ứng ra sao, chứ bây giờ chưa có động tĩnh gì.
Chiến hạm Mỹ hoàn tất chuyến vào vùng 12 hải lý đảo nhân tạo
WASHINGTON DC (NV) – Một khu trục hạm của Hải Quân Hoa Kỳ đã hoàn tất việc đi vào vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông. CNN trích dẫn lời một giới chức hôm Thứ Hai cho biết, quyết định này đã được sự chấp thuận của Tổng Thống Barack Obama.
![]() Đô Đốc Harry B Harris Jr, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương đứng bên ảnh chụp đảo Chữ Thập do Trung Quốc bồi đắp. (Hình: AP/Cliff Owen) |
Trong khi đó, AFP dẫn nguồn tin quân sự Hoa Kỳ nói, khu trục hạm thi hành nhiệm vụ này là USS Lassen, có căn cứ tại Nhật Bản. Chiến hạm này từng do một sĩ quan người Mỹ gốc Việt, hạm trưởng Lê Bá Hùng, chỉ huy trong 2 năm 2009 – 2010.
Tin cho hay, chiếc chiến hạm sẽ đi ngang qua khu vực 12 hải lý vào đêm Thứ Hai, với sự yểm trợ của máy bay trinh sát ở trên không, bay trên không phận quốc tế.
Phi cơ sẽ canh chừng chiếc tàu và túc trực quanh đó nếu cần thiết, để ghi nhận và đối phó với bất kỳ sự kiện nào.
Nguồn tin cho biết phía Trung Quốc không hề được thông báo trước và hy vọng rằng sẽ không gặp phải rắc rối nào.
Các đảo và vùng biển lân cận trên Biển Đông đang là mối tranh chấp chủ quyền của nhiều quồc gia như Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Hồi Tháng Sáu, Trung Quốc loan báo sắp hoàn tất việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và rằng sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở ở trên đó.
Trung Quốc không ngừng khẳng định rằng hoạt động ở Biển Đông không nhắm vào nước nào hay gây ảnh hưởng đến giao thông hàng hải hay hàng không.
Nhiều giới chức Mỹ nói, tàu chiến Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải của Hoa Kỳ, trong phạm vi 12 hải lý của duyên hải ngoài khơi Alaska vào đầu tháng này, khi Tổng Thống Obama đang ghé thăm tiểu bang.
Các giới chức nhấn mạnh rằng hành động của Trung Quốc phù hợp với “sự thông thương không ác ý” chiếu theo luật hàng hải quốc tế.
Tuy nhiên ở Biển Đông, Hoa Kỳ chưa hề xâm phạm vào phạm vi giới hạn 12 hải lý mặc dù Mỹ không hề công nhận các đảo ở đó là lãnh thổ của Trung Quốc, và rằng tính chất nhân tạo của nó không mang lại cho đảo một vùng lãnh hải có giá trị.
![]() Khu trục hạm USS Lassen. (Hình: navsource.org) |
Thách thức Bắc Kinh
Sự kiện chiến hạm của Hoa Kỳ đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái với luật pháp quốc tế cho thấy Hoa Kỳ không nhân nhượng để Trung Quốc làm bá chủ biển Đông.
Trước đó, hôm 12 tháng 10, Hoa Kỳ đã báo cho các đồng minh Á Châu về kế hoạch tuần tiễu gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở khu vực Trường Sa. Một việc sẽ tạo căng thẳng hơn với Trung Quốc.
Hành động này nhằm thách đố nỗ lực của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với một khu vực biển rộng lớn vốn là thủy lộ chiến lược tại Đông Nam Á Châu.
Không ảnh phổ biến những tháng gần đây cho thấy 7 bãi đá ngầm ở khu vực quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc cướp của Việt Nam, đã được bồi đắp thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ. Giới phân tích thời sự tin tưởng chúng sẽ là những căn cứu quân sự quy mô trên biển Trung Quốc nhằm khống chế cả Biển Đông.
Trung Quốc coi những đảo nhân tạo đó là chủ quyền lãnh thổ đòi hỏi các nước khác phải tôn trọng nhưng theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) đảo nhân tạo cũng như các bãi đá ngầm không được kể là những vị trí thực địa để tính chủ quyền lãnh thổ 12 hải lý.
Từ trước tới nay, Hải Quân Mỹ vẫn kềm chế chưa đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở khu vực quần đảo Trường Sa, kể từ năm 2012 đến nay.
Tháng 5 vừa qua, một máy bay tuần tra Poseidon P-8 trên có một tướng lãnh Hải quân và ký giả hãng tin CNN bay gần một đảo nhân tạo nhưng vẫn còn bên ngoài phạm vi 12 hải lý. Tin tức cho hay truyền tin Hải Quân Trung Quốc 8 lần xua đuổi máy bay Mỹ P-8 rời khỏi khu vực.
Hồi đầu tháng 10, khi có tin Mỹ dự tính cho tàu chiến di chuyển hay máy bay tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo ở Trường Sa, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc qua phát ngôn viên Hua Chunying (Hoa Xuân Oánh) đã nói cứng rằng Trung Quốc không cho phép nước nào thách đố chủ quyền lãnh thổ của họ.
Trên tạp chí thông tin quân sự quốc phòng quốc tế IHS Jane’s Defense, nhà phân tích James Hardy cho rằng, nếu Mỹ cho tàu hay máy bay di chuyển bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo nhân tạo ở Trường Sa, tùy theo loại tàu chiến nào, máy bay nào, sẽ cho thấy quyết tâm thách đố của Mỹ đến đâu.
Cho tàu cận duyên đi một mình hay một tuần dương hạm trang bị hỏa tiễn lớp Arleigh Burke có thêm một số tàu chiến nhỏ hơn đi kèm, mang những thông điệp khác nhau. (TP-TN)
.
Thảo luận
Không có bình luận