Tiếu Diện Bùi Thu Hương sưu tầm
Aug 7, 2011
TIẾU NGẠO GIANG HỒ: PHÂN TICH GÚT MẮC
Thầy Hằng Trường thuyết giảng trên TV và Radio Khai Tâm
Từ trước 1975 tại Viêt Nam và các nước tại Đông Nam Á cho đến bây giờ không mấy người là không biết đến các truyện trường thiên tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Trước kia, các nhật báo ở Sài Gòn bán chạy như tôm tươi một phần cũng nhờ có đăng truyện của Kim Dung mỗi ngày. Lúc đó người dân sống trong chế độ Cộng Sản không được đọc, nhưng bây giờ tại Việt Nam, Trung Cộng, Bắc Hàn họ lại say mê theo dõi phim truyện và bị ảnh hưởng rất mạnh mẽ bởi những triết lý và văn hóa của cốt truyện. Hầu hết các truyện được dàn dựng thành phim chiếu ở rạp cũng như trên truyền hình. Có truyện được làm thành phim nhiều lần, như cuốn Tiếu Ngạo Giang Hồ. Theo cuộc thăm dò bình chọn của độc giả trên trang mạng của Kim Dung, thì nhân vật nam được yêu thích nhất trong các truyện là Lệnh Hồ Xung, nhân vật nữ chính là Hoàng Dung và Doanh Doanh, truyện hay nhất là Tiếu Ngạo Giang Hồ, nhân vật đáng ghét nhất là Nhạc Bất Quần, cặp tình nhân lý tưởng nhất là Dương Qua-Tiểu Long Nữ và Lệnh Hồ Xung-Doanh Doanh, tuyệt học võ lâm là Độc Cô Cửu Kiếm…Theo đó, không nghi ngờ gì mà cuốn Tiếu Ngạo Giang Hồ đã và đang rất ăn khách và được ưa chuộng khắp nơi. Sở dĩ được như vậy vì tình tiết rất ly kỳ, lý thú của một câu chuyện kéo dài nhiều năm cũng như được cấu trúc trên nhiều nét đặc thù của nền văn hóa đông phương với nguyên lý nhân quả, nghiệp chướng, nghiệp báo…Không như đa số những phim ảnh của Mỹ hay Tây phương với cốt truyện rất ngắn chỉ kéo dài vài ngày hay vài tháng, người đọc thường không nghiệm ra những bài học nhân quả gì cả từ những câu truyện ngắn đó.
Tóm tắt Câu chuyện Tiếu Ngạo Giang Hồ:
TNGH là tên của một tấu khúc cầm tiêu do Lưu Chính Phong (phái Hành Sơn) và Khúc Dương (Nhật Nguyệt Thần Giáo tức Minh Giáo, giang hồ gọi là Ma Giáo) cùng sáng tác. Hai tâm hồn chánh và tà hòa hợp huyền cầm và sáo nghe rất bi hùng trầm bổng và tràn đầy tình cảm. Rất tiếc hai người này bị phái Tung Sơn bức hại chết ở núi Hằng Sơn. Khi chết hai người đã trao tặng cuốn nhạc khúc cho Lệnh Hồ Xung. Đây chính là duyên lành nối kết LHX và Doanh Doanh thành một mối tình nóng bỏng, hòa hợp chánh tà, chân thành, tiến hóa tốt đẹp một cách hoàn mãn kéo dài cho đến hồi kết thúc. Lệnh Hồ Xung là con nuôi và đại đệ tử của Nhạc Bất Quần và Ninh Trung Tắc phái Hoa Sơn, một trong Ngũ Nhạc Kiếm Phái (Hoa Sơn, Tung Sơn, Hằng Sơn, Hành Sơn và Thái Sơn). Nhạc Bất Quần tướng tá đạo mạo nổi tiếng là Quân Tử Kiếm, âm thầm thực hiện một ý đồ là tự mình sẽ trở nên võ lâm minh chủ của cả năm phái và trả thù cho sư môn. Ông không từ bỏ bất cứ một thủ đoạn nào để thực hiện ý đồ âm hiểm này. Ông đã đoạt được Tịch Tà Kiếm Phổ của nhà họ Lâm từ Phước Oai Tiêu Cục hai cha con Lâm Bình Chi. Cuốn này bắt nguồn từ cuốn Quỳ Hoa Bảo Điển, mà người tập luyện phải “đổi giống” tức là bị thiến hoạn. Trong chuyện cũng có những người khác đã tập luyện môn này đó là Đông Phương Bất Bại và Lâm Bình Chi…Đường kiếm phức tạp và nhanh kinh hồn nên cần phải có khí lực cao thâm mới thi thố được. Các chính phái khác như Tung Sơn và Thanh Thành cũng nhào vô tranh giành giết hại lẫn nhau tạo ra biết bao thảm cảnh. Đứng bên ngoài cuộc tranh chấp, làm như một ngư ông đắc lợi, Nhật Nguyệt Thần Giáo với Đông Phương Bất Bại và sau đó với Nhậm Ngã Hành, lãnh đạo các tà phái trong giang hồ, lúc nào cũng muốn diệt trừ các chính giáo gồm có Ngũ Nhạc Kiếm Phái, Thiếu Lâm và Võ Đang. Trong trận chiến đó Lệnh Hồ Xung là một lãng tử vô tư lúc đầu không đoái hoài gì đến bất cứ một tranh chấp nào. Y tối ngày uống rượu, rong chơi với sư muội Nhạc Linh San, đi ra giang hồ đây đó, cứu ni cô Nghi Lâm phái Hằng Sơn, kết bạn với Điền Bá Quang, bị sư phụ Nhạc Bất Quần phạt phải nhập thất một năm ở phía sau núi Hoa Sơn để ăn năn hối lỗi.
Ở trong mật động phía sau Hoa Sơn đó, tình cờ Lệnh Hồ Xung được thái sư thúc Phong Thanh Dương truyền thụ cho môn Độc Cô Cửu Kiếm, có nguồn gốc từ Độc Cô Cầu Bại, một kiếm gia suốt đời không tìm ra ai đánh bại được mình. Đặc tính của Độc Cô Cửu Kiếm là vô chiêu, kiếm sĩ quan sát thật kỹ chỗ sơ hở của địch và dùng ý kiếm tấn công ngay vào đó để phá địch. Tuy nhiên chân khí ở trong người LHX còn non kém, nên khi vừa ra khỏi động đi xuống, liền bị Đào Cốc Lục Tiên nghịch ngợm tài khôn chữa trị và truyền các luồng khí lực khác nhau vào trong cơ thể, khiến LHX khốn đốn nửa tỉnh nửa mê, đau đớn cực kỳ. Sau đó rất nhiều biến cố xảy ra, phần bị vu oan phần bệnh hoạn, khiến LHX tình cờ gặp Nhậm Doanh Doanh, con gái của Giáo Chủ “Ma Giáo” Nhậm Ngã Hành. Qua bao khổ sở, hai người hiểu biết ý nhau và yêu nhau. Doanh Doanh dậy LHX chơi đàn cầm, rồi nàng còn hy sinh cõng LHX lên Thiếu Lâm cam chịu giam giữ tại chùa và đổi lại cầu xin Phương Chứng đại sư dậy LHX môn Dịch Cân Kinh để có thể chữa trị cho LHX. Tuy nhiên kế hoạch không đạt được vì LHX không muốn trở thành đệ tử phái Thiếu Lâm, là điều kiện mà Phương Chứng đòi hỏi để ngài truyền Dịch Cân Kinh cho LHX. Câu chuyện còn rất dài, trong phạm vi bài này, chỉ xin nói thật ngắn lại là sau đó LHX, có lúc đi một mình, có lúc đồng hành với Doanh Doanh, gián tiếp hay trực tiếp liên hệ vào các diễn biến của các cuộc tranh chấp trong chốn giang hồ. Cặp tình nhân yêu thương nhau, tin tưởng nhau, bổ túc cho nhau, hy sinh cho nhau và rất là tự nhiên hóa giải hết tất cả các tranh chấp của giang hồ. Họ không màng danh lợi, LHX từ bỏ chức chưởng môn phái Hằng Sơn, Doanh Doanh thôi không làm giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo, cùng nhau qui ẩn, gác kiếm, nhưng tiếp tục hòa tấu khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ.
Tài Tử: Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh
Nếu chưa đọc truyện hay coi phim TNGH, bạn nên coi một lần cho biết. Phim này đã được dàn dựng làm đi làm lại ở nhiều chỗ khác nhau tới cả chục lần, mà số khan giả vẫn rất đông. Có nhiều người đã say mê đọc hay coi rồi, nhưng không ngờ bên trong câu chuyện, một triết lý sống thâm thúy mà tác giả Kim Dung đã dầy công ẩn dấu gói ghém trong đó. Tên của mỗi nhân vật, tên của mỗi chiêu kiếm, tình tiết kết cấu của TNGH đều mang những ý nghĩa thâm sâu của triết lý Phật giáo và khoa đông phương âm dương học. Mời bạn đọc tìm hiểu tiếp sau đây qua nghiên cứu sâu xa của Thầy Hằng Trường (Thầy HT). Thầy HT đã trình bày bài giảng này trên chương trình truyền hình TV Khai Tâm và truyền thanh Radio Khai Tâm và đã phát sóng khắp nơi trong năm 2011.
Thắt Gút Nghiệp Chướng:
Thường một sợi dây dài nếu dùng không khéo bị rối hay bị thắt gút lại, một hai gút thì tháo mở ra khá dễ, nhưng năm bẩy gút cộng với hai ba dây thắt chòng chéo lên nhau, tháo gỡ ra rất khó. Tác giả Kim Dung viết truyện rất dài bao gồm nhiều năm nhiều đời của các nhân vật. Người đọc là chúng ta theo dõi các tình tiết thăng trầm lên voi xuống chó, thương cảm với những biến hóa không ngừng của các nhân vật và rất hài lòng với những hệ lụy nhân quả xảy ra. Tại sao? Vì những hệ lụy nhân quả này có một triết lý nằm phía sau, rất có ý nghĩa, là những bài học của cuộc sống mà khiến chúng ta phải suy nghĩ và có thể áp dụng được trong cuộc sống riêng của mình. Thường cốt chuyện nào cũng có một gút thắt chính. Tức là một sự kiện, một lý do sâu thẳm, một đầu dây mối nhợ hay một nhân vật mà từ đó tất cả mọi chuyện mới từ từ bắt đầu và triển khai. Theo nhà Phật, một chuyện xẩy ra phải bắt nguồn từ tâm ý của một người nào đó, người đó chính là gút thắt của câu chuyện. Người này tạo ra những gút thắt nghiệp chướng, bắt nguồn từ cái tâm địa thiện ác của người đó mà các mong cầu được sắp đặt ra. Trong TNGH, gút thắt đó là gì? Đó là việc Nhạc Bất Quần có dã tâm và lòng tham danh quyền, muốn đoạt được Tịch Tà Kiếm Phổ (bắt nguồn từ Quỳ Hoa Bảo Điển) để trả thù, để phục hưng tông môn của phái Hoa Sơn và cá nhân ông được trở nên bá chủ võ lâm.
Nhạc Bất Quần (Nhạc là núi, bất là không, quần là quần chúng, quần thể) có nghĩa là hòn núi đứng một mình, người không hợp quần, không cùng ở với quần chúng, vượt khỏi mọi người, vượt hơn bình thường, cho mình là trên hết, ngọn núi đứng một mình không được đẹp lắm, ngọn núi đó tượng trưng tâm thức vị ngã. Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận của ngài bồ tát Mã Minh, Phật tánh của một người có thể được xét ở ba khía cạnh: thể, tướng và dụng. Thể là bản thể, bản tánh hay tâm tánh của mình, Tướng là hình tướng, dáng vẻ bên ngoài và chí hướng hay lòng mong cầu của mình, còn Dụng là khả năng làm việc của ta. Mổ xẻ Nhạc Bất Quần (NBQ) thì thấy thể hay bản tánh của ông ta là người hữu tâm, tướng hay chí hướng là người hữu cầu và dụng hay khả năng là người hữu chiêu. Tức là ông ta có ba cái “hữu”.
Hữu tâm, tức là nói bản tánh của NBQ là kiêu căng đầy tâm cơ, mưu mô, tính toán, thù dai, để bụng, nhưng không lộ ra mặt. Ông được nổi tiếng là quân tử kiếm, vì bề ngoài lúc nào cũng tỏ ra đạo mạo đường đường chính chính, ăn mặc trang nghiêm, ăn nói trang trọng. Nhưng bên trong thâm hiểm mưu đồ chiếm đoạt Tịch Tà Kiếm Phổ bằng bất cứ thủ đoạn nào kể cả hại vợ, hại con, hại đệ tử, nói dối, giết người, vu oan giá họa. Nghĩa là ông ta rất phức tạp, không giản dị, và có dã tâm mưu đồ bất chánh.
Hữu cầu, tức là chí hướng của NBQ rất rõ rệt là muốn trả thù cho tông môn, phải học được võ công cái thế và làm bá chủ võ lâm. Sự mong cầu này là gút thắt chính của câu chuyện TNGH. Nếu không có sự kiện này thì không có chuyện TNGH gì cả. Phái Hoa Sơn trước kia là một, nhưng sau đó chia ra làm hai: Khí tông và Kiếm tông. NBQ thuộc phe Khí Tông. Tuy làm chưởng môn nhân Hoa Sơn, nhưng phe Kiếm Tông toa rập với Tả Lãnh Thiền luôn luôn đe dọa tiêu diệt NBQ. Vì thế với lòng uất hận sâu xa, NBQ lúc nào cũng toan tính diệt sạch bọn kiếm tông, thanh lý nội bộ, và từ bản thân võ nghệ cao thâm sẽ trở nên bá chủ võ lâm. Tuy nhiên từ khi chiếm đoạt được Tịch Tà Kiếm Phổ, cái bản ngã của ông bị suy sụp trở nên xấu xa hơn, không còn che dấu được con người thật, tất cả từ từ bị phô bày, ông tự hại cái mạng của mình, hại luôn vợ, con, đệ tử và làm tan rã tông phái của mình.
Hữu chiêu, tuy là NBQ thuộc Khí Tông và rất tự hào với môn phái, theo đó khi đánh kiếm thì chú trọng đến nội khí hơn là chiêu số. Nhưng sau đó chiếm đoạt được và luyện xong Tịch Tà Kiếm Phổ, võ thuật của ông trở nên cao thâm với những chiêu số tuyệt luân cực kỳ nhanh mạnh (chủ trương của kiếm tông). Tuy nhiên đường kiếm của ông vẫn không vượt ra khỏi chiêu số và hình tướng bài bản của kiếm phổ. NBQ trở nên mẫu thuẫn trong căn bản và niềm tin của ông. Vô hình chung ông đổi 180 độ từ Khí tông ra Kiếm tông. Đó chẳng phải là do động cơ mong cầu vị ngã mà sinh ra sự thay đổi ư? Trong cuộc sống thực tế cũng vậy, mặc dầu chúng ta có tu luyện tu hành, nhưng vì lòng tham cầu quá mạnh, chúng ta cũng thường hay phạm giới, trở nên mâu thuẫn, đi ngược lại công trình tu luyện hay nền giáo dục căn bản mình được hấp thụ. Thí dụ ta thường ngày ăn chay niệm Phật, đùng một cái vào một ngày đẹp trời, tự dưng thèm ăn quá, len lén ra nhà hàng ăn mặn đánh luôn mấy cái đùi gà thơm ngon. Như vậy là chúng ta đã hy sinh cái giá trị nhân bản và căn bản mà mình đã theo đuổi. Rồi từ đó chúng ta trở nên con người hai mặt, sống giả dối, khó đứng thẳng hiên ngang trong xã hội.
Những nhân vật tiêu biểu thắt gút khác trong TNGH:
1. Hữu tâm: Đông Phương Bất Bại ( Nghĩa là không hề bị thua ở phương Đông), ý nói rằng cái tâm vị ngã thì làm chúa trùm trong cuộc sống. Phương Đông thuộc hành mộc, là phương vị của sinh khí. Đáng lẽ phải tỏa ra cái tốt tích cực sáng ngời, nhưng ĐPBB lại chiếu ra cái bản ngã xấu, kiêu ngạo, cho mình là đúng không bao giờ sai hay thua. Trong cuộc đời thăng trầm, không ai nên vỗ ngực cho mình là đúng là hơn là thắng hoài. Đó là lý do ĐPBB tượng trưng cho hữu tâm và cực âm. Ông ta luyện Quỳ Hoa Bảo Điển đến chỗ cực kỳ tinh xảo, phải đổi giống thành ái nam ái nữ, sống thu rút trong phòng, tùy thuộc vào một người bạn đời thân tín là Dương Liên Đình, không tiếp xúc với bên ngoài. Cuối cùng tuy võ công cực kỳ cao thâm, ông bị bại và bị giết chết bởi sự hợp sức của bốn đại cao thủ, đó là Doanh Doanh, LHXung, Nhậm Ngã Hành và Hướng Văn Thiên. Trước khi chết ông còn thành thật công nhận võ công của LH Xung và NN Hành rất cao thâm, nhưng nếu một chọi một ông sẽ không thất bại.
2. Hữu cầu:
Tả Lãnh Thiền (Tả là bên trái, sai trái, Lãnh Thiền là thiền lạnh), ý nói là thiền lạnh, thiền thiên tả, tu sai đường, nghiêng về bên trái, thiền mà không tạo ra sức nóng hay sự sống. Ông nầy mưu đồ tàn bạo, giết người không gớm tay, lộ diện rõ ràng không ẩn núp dấu diếm ý đồ. Ông nói huỵch toẹt ra là ông muốn làm minh chủ võ lâm, nếu đối thủ không theo, ông sẽ tiêu diệt họ. Nhưng chính ông đã bị NBQ lật tẩy đánh cho mù mắt và cuối cùng cũng bị chết trong hang động sau núi Hoa Sơn.
Lâm Bình Chi ( Lâm là rừng, rậm rạp, thâm hiểm, Bình là an lành hòa bình, chi là “cái đó” hay cái tâm vị ngã), ý nói là làm cho cái tâm vị ngã của mình được an ổn, nhưng mà cái tâm ở trong rừng rậm làm sao an bình được. Lúc đầu còn là một thiếu niên ở với bố mẹ tại Phước Oai Tiêu Cục thì khá dễ thương. Nhưng sau đó nhà cửa tan nát, cha mẹ bị thảm sát, LBC trở nên một con người dưới ngòi bút của Kim Dung, ai đọc cũng ghét cái tên Lâm Bình Chi. Cậu ta cứ theo đuổi mãi, không làm sao nguôi ngoai được cái dã tâm là học cho bằng được Tịch tà Kiếm Phổ bất chấp đến sự an vui riêng của mình, phải ép mình làm đệ tử của Nhạc Bất Quần, mặc dù biết chân tướng xấu xa của sư phụ, phải đổi giống, phải hy sinh vợ là Nhạc Linh San, phải bị mù lòa, và phải chịu giam cầm dưới đáy hồ, tượng trưng cho tâm thức mù mờ cả đời của LBC.
3. Hữu Chiêu: Nhậm Ngã Hành (Nhậm nghĩa là nhiệm vụ, cũng có nghĩa là tùy nhậm, Ngã Hành là hành động hay việc làm của bản ngã hay cái tôi). Con người của NNH tượng trưng cho cái tôi độc đoán độc tài vô cùng. Tính tự do quá độ, nghĩ sao làm vậy, coi mọi người là không, rất ngang tàng như một vị vua uy quyền, giết ai thì giết không cần luật lệ chi hết, nổi tiếng với môn Hấp Tinh Đại Pháp. Tuy nhiên gậy ông đập lưng ông, môn này đã làm cho ông xáo trộn kinh mạch mà chết. Trong khi đó LHX nhờ Dịch Cân Kinh mà khỏi và công lực gia tăng gấp bội.
Phân chia như vậy căn cứ trên cái nổi bật nhất của mỗi nhân vật, thực ra họ có cả ba: hữu tâm, hữu cầu và hữu chiêu. Chỉ qua tên của 4 nhân vật trên, ta thấy rõ ràng gút thắt của tâm thức vị ngã có những đặc tính như sau:
– Thái độ cho mình là nhất (Bất Bại), là đúng, không sai. Đây chính là dấu ấn của tâm thức vị ngã cực độ.
– Có khuynh hướng phủ nhận tha nhân, nhạt nhẽo với mọi người (Lãnh Thiền).
– Không nguôi ngoai với dã tâm (Bình Chi), cứ tìm cầu, đoạt điều ham muốn bằng mọi giá.
– Thủ đoạn ngang tàng “ta đây”, bất chấp luật lệ, muốn làm gì thì làm, chẳng sợ ai, coi mọi người không ra gì. (Nhậm Ngã Hành)
Những thái độ và hành động của NBQ và những người ở trên đã tạo ra những gút thắt vị ngã khiến cuộc đời của nhiều người đi vào sụp đổ.
Giải Gút Thắt Nghiệp Chướng:
Nhạc Bất Quần và một số nhân vật đã thắt nhiều gút nghiệp chướng trong câu chuyện TNGH. Vậy ai là người giải gút? Đó chính là Lệnh Hồ Xung (Lệnh là mệnh lệnh, Hồ là hồ nghi, mơ hồ, không rõ rệt, Xung là vọt ra, xung phá, có nghĩa bắt buộc phải làm để vượt ra khỏi nghi ngờ và mơ hồ). Anh chàng này bản tánh thì Vô Tâm, chí hướng thì Vô Cầu và khả năng thì Vô Chiêu. Có cả ba chữ Vô để đối đầu với ba chữ Hữu của Nhạc Bất Quần. Theo môn khoa học âm dương mà tác giả Kim Dung muốn dẫn chứng: âm sinh dương, trong âm có dương và ngược lại. Như trong đồ hình vẽ âm dương bằng hai giọt nước ôm sát nhau trong vòng cầu, nửa âm có chút xíu dương, nửa dương có một tí âm. Nhạc Bất Quần tuy không phải là cha đẻ, nhưng có công nuôi dậy uốn nắn LHX từ tấm bé, NBQ có ba có đã tạo ra LHX có ba không. NBQ thì vị ngã giả dối câu nệ khuôn khổ, còn LHX lại không vị ngã, nhưng chân thật, phóng khoáng không bị ràng buộc gì hết. Không vị ngã nên không bị tiền tài danh vọng thù oán đố kỵ làm cho mơ hồ lầm lẫn. Thắt gút là một nhân vật (NBQ) thì giải gút cũng phải là một nhân vật (LHX) là như vậy.
Vô Tâm, tức là bản tánh không có tâm cơ, mưu mô. Người thông thoáng, phóng khoáng, dễ chịu. Làm xong thì thôi, không để bụng, không tính toán, không thù hằn. LHX giao tiếp với hết mọi người không phân biệt chánh tà. Ai chàng cũng cởi mở, không có dã tâm, không mưu cầu lợi lộc, nên không thù hằn ai cả. Sở dĩ tác giả Kim Dung đặt ra hình ảnh LHX luôn say sưa rượu chè, khiến cho chúng ta hiểu lầm anh chàng này một chút. Thực ra “uống rượu” ở đây Kim Dung chỉ muốn nói lên cái bản chất phóng khoáng tự do không câu chấp vào lề thói luật lệ gò bó quá chặt chẽ khiến cho cá nhân không phát triển được. Thích đánh kiếm múa võ thì đánh, dù đánh với tên Điền Bá Quang đồi bại, đánh xong thoải mái mời nhau uống rượu, không có một chút so đo, không bị nền nếp ràng buộc, không có ác tâm, không coi ai là kẻ thù của mình.
Vô Cầu, tức là chí hướng của cả đời, thì chỉ cần làm sao sống cho thoải mái là được. LXH chẳng mong cầu gì cả, nhưng lại được tất cả. Không muốn học kiếm hay võ nhưng lại được truyền thụ Kiếm Pháp của Ngũ Nhạc Kiếm Phái, Độc Cô Cửu Kiếm, Hấp Tinh Đại Pháp và Dịch Cân Kinh. Không muốn làm chưởng môn, mà được làm chưởng môn phái Hằng Sơn. Không muốn vợ con mà lại được Doanh Doanh yêu thương và trở nên “phò mã”. Nhưng chàng bỏ hết: không làm chưởng môn nữa, không làm “phò mã phó giáo chủ”. Và sau khi đã thành minh chủ võ lâm, LHX cũng bỏ luôn để về vườn để cùng với Doanh Doanh tiếp tục dong chời và hòa tấu khúc tiếu ngạo giang hồ. Anh chàng không tham danh, tham quyền, tham lợi, sống rất xuề xòa, sống vô vi. Đó chính là chí hướng của LHX: hoàn toàn thoải mái, hoàn toàn thư giãn, không có động lực nào áp đặt lên LHX được hết. Nhậm Ngã Hành dùng đủ lời khuyên, dụ khị, áp lực muốn chàng làm phó giáo chủ, nhưng LHX một mực từ chối dù mất Doanh Doanh. Phương Chứng đại sư ép phải gia nhập Thiếu Lâm mới truyền Dịch Cân Kinh để chữa bệnh, anh chàng cũng chẳng màng sống chết, không chịu gia nhập. Tâm vô vi không phải là thụ động xấu, nhưng mang tính tích cực, vị tha và hướng thượng. LHX không bao giờ làm xấu hại người, nhưng luôn luôn quên mình giúp đời, luôn tạo ra sự hài hòa chung quanh chỗ mình sống. Chí hướng này trong đạo Phật gọi là “phát bồ đề tâm”.
Khi sống vô vi và phát bồ đề tâm, ta có thể tạo ra một từ trường thoải mái thuận lợi dễ chiêu cảm người chung quanh. Doanh Doanh là con của Nhậm Ngã Hành, sau đó được rèn luyện và sống trong uy quyền của Đông Phương Bất Bại. Theo âm dương học, âm sinh ra dương, bố độc ác ma quái lại sinh ra một cô con gái thông minh quang minh chính đại. Vị Thánh Cô này bản thân lúc đầu cũng rất ma quái và độc ác, chả thế mà trong chốn giang hồ, các tên ác tặc đề phải e dè và sợ sệt nàng. Nhưng từ khi được quen LHX, cô thấy cái cuộc sống nó có một khía cạnh khác, nó nhân bản, vui tươi, nhẹ nhàng, thương yêu, nên cô đã từ từ thay đổi: bớt trừng phạt người khác, bớt giết người, bớt hận thù đi. Cô trở nên một Doanh Doanh tràn đầy, dễ thương, thông minh, giỏi giang, nhẹ nhàng, bổ túc những thiếu xót khiếm khuyết của LHX, và họ trở nên một cặp tình nhân lý tưởng được người đời rất quí mến ưa chuộng.
Vô Chiêu, tức là khả năng, bản lãnh của LHX là môn võ công Độc Cô Cửu Kiếm, khi thi triển kiếm pháp hoàn toàn không có chiêu số. Môn võ công này dựa trên Kinh Dịch, quan sát kiếm pháp của địch thủ, thấy chỗ sơ hở rồi dùng tâm ý đưa kiếm vào ngay chỗ sơ hở đó để hạ đối phương. Muốn như vậy phải am tường “Dịch” hay sự vận chuyển của vũ trụ. Đó là một khả năng tối thượng trong võ thuật. Tổ sư sáng lập là Độc Cô Cầu Bại, tuyệt cao về võ học, nhưng không kiêu căng, ngược lại rất là khiêm nhường chỉ muốn cầu bại, xin được thua một lần. LHX tình cờ được truyền thụ cho môn võ học này từ thái sư thúc Phong Thanh Dương, cái tên thật hay. Phong là gió, Thanh là thanh tịnh nhẹ nhàng, Dương là nổi lên, nghĩa là nổi lên một ngọn gió thanh tịnh nhẹ nhàng. Gió vô hình vô tướng, đến đi bất chợt, không ai cản được, nhẹ khinh thoáng hiện chợt biến vô cùng khôn lường. Ý nghĩa của cái tên Phong Thanh Dương nói lên đặc tính của khả năng “vô chiêu”. Người “vô chiêu” không ỷ vào khả năng, nghề nghiệp hay quyền lực của mình để chèn ép người khác, dùng khả năng như một phương tiện thiện xảo để giải quyết vấn đề, xong rồi cất kiếm ra đi. Trong cuộc sống hằng ngày, người vô chiêu coi mọi người bình đẳng, tâm lượng rộng mở, thường hay giúp người, giúp xong rút lui, không kể ơn hay đòi hồi báo. Mình không ỷ tài hay uy quyền, nên mọi người chung quanh ai cũng thấy thoái mái không ngại ngùng đến gần để bầu bạn với ta.
Những nhân vật giải gút khác:
1. Vô tâm: Phương Chứng Đại Sư (Thiếu Lâm), Xung Hư Đạo Trưởng (Võ Đang) và Mạc Đại Nhất (Hoành Sơn)
2. Vô Cầu: Ninh Trung Tắc ( vợ của Nhạc Bất Quần phái Hoa Sơn), Định Tĩnh, Định Nhàn, Định Dật (Hằng Sơn tam tiên), Doanh Doanh.
3. Vô Chiêu: Phong Thanh Dương (Thái Sư Thúc phái Hoa Sơn)
Qua những nhân vật giải gút trên, Kim Dung muốn đưa ra một số những thái độ, triết lý và hành động của ba vô (vô tâm, vô cầu và vô chiêu) như sau để giải tỏa hay giải nghiệp những chướng ngại do Nhạc Bất Quần và những nhân vật thắt gút với ba hữu (hữu tâm, hữu cầu và hữu chiêu) gây ra:
– Phương Chứng: Chứng tức là đạt tới, Phương là chỗ tâm lượng rộng rãi không bờ bến, vô lượng vô biên, nhà Phật gọi là bất nhị.
– Xung Hư: nghĩa là muốn tâm vượt thoát (xung) ra ngoài thái hư, vượt lên trên tất thảy mọi tình cảm và suy tư, nhà Phật gọi là vô ngã.
– Mạc Đại Nhất: mạc nghĩa là đừng, đại nhất là lớn số một hay lớn nhất, cho nên cả tên có nghĩa “đừng là số một”, đừng làm lớn, trở nên không là ai cả, để cái bản ngã hay cái tôi nhỏ thôi, tức là chỉ nghĩ đến người, nhà Phật gọi là vị tha.
– Ninh Trung Tắc: Ninh là an ninh yên ổn, Trung là ở giữa, trung đạo, và Tắc là tức thời, cả tên Ninh Trung Tắc có nghĩa là tức thời ngay bây giờ ta ở trong trung đạo một cách an ổn tĩnh lặng.
– Định Tĩnh: nghĩa là lắng tâm cho tĩnh lặng, không cho bất cứ cái gì sôi nổi lên trong cuộc sống hằng ngày.
– Định Nhàn: là lắng tâm tới chỗ hoàn toàn thư giãn, vô vi, không làm hay can thiệp chuyện thiên hạ
– Định Dật: là lắng bặt mọi sự náo động lăng xăng
– Doanh Doanh: nghĩa là tràn đầy, dư thừa, còn có ý diễn tả dáng vẻ yêu kiều, dễ thương của phụ nữ. Do đó học để trở thành ‘doanh doanh’ là học sao cho dễ thương, tràn đầy tình thương, chớ không thiếu thốn tình cảm.
– Phong Thanh Dương: Phong nghĩa là gió, Thanh là mát và thanh tịnh, Dương là khởi dậy. Do đó tên này gợi lên sự vô hình vô tướng, không chấp trước, như làn gió thoảng, mát mẻ, thoáng, không hề vị kẹt, bị ngăn trở, hoàn toàn vô ngại. Đó cũng là cảnh giới của tâm thức Vô Ngã. Do vậy Phong Thanh Dương là nhân vật tối cao và tối huyền bí trong truyện TNGH.
Sự tác hợp của Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh
Tại sao Kim Dung lại giải gút thắt của TNGH bằng sự tác hợp của LHX với Doanh Doanh, mà không với Nghi Lâm?
Như ta đã biết, Hồ Xung nghĩa là vượt thoát mọi nghi ngờ trở nên rõ ràng. Cũng ví như vượt thoát lòng vị ngã, thoát sự mê muội của lòng ích kỷ. Trong khi Doanh Doanh nghĩa là tràn đầy, dễ thương. Cũng ví như thành tựu tình thương, tràn đầy tình thương, một thứ tình mà bất chấp danh vọng, địa vị, quyền lợi. Trong truyện, trước khi Doanh Doanh gặp Hồ Xung thì cô ta ác đức cực kỳ, giết người không chớp mắt. Thế rồi chỉ sau khi sống với Hồ Xung thì cô mới bắt đầu đổi tính trở thành nhu thuận, khôn ngoan và dễ thương. Do vậy, Hồ Xung cần Doanh Doanh, là một bước tiến hóa tất yếu. Luận cá tánh thì Doanh Doanh là người rất rộng rãi, dám nói dám làm, chẳng sợ gì cả. Cô ta lúc đầu sợ người ta cười là mình yêu Lệnh Hồ Xung, nhưng sau thì công khai dong ruỗi giang hồ với Hồ Xung. Luận về khả năng thì Doanh Doanh suy nghĩ tinh tế, có óc chỉ huy và tổ chức, có thể làm lãnh đạo. Luận về văn hóa, thì cô ta đờn hay, múa giỏi, võ công cao cường, rành về mọi việc mà một nữ nhi thời đó không sao làm được. Cho nên LHX và DD phải trở nên một cặp lý tưởng để giải hết các gút thắt éo le tàn bạo của câu chuyện TNGH.
Vì sao Lệnh Hồ Xung không thể tác hợp với Nghi Lâm ?
Đặt câu hỏi thì ta cũng hiểu một phần là không nên có sự tác hợp giữa LHX và Nghi Lâm. Một lần nữa, Lệnh Hồ Xung nghĩa là vượt thoát mọi nghi ngờ trở nên rõ ràng. Cũng có nghĩa là vượt ra, vượt lên, không bị buộc ràng, để đạt tới tự tại, ra khỏi vòng vị ngã. Trong khi Nghi Lâm: Nghi nghĩa là nghi thức lề lối, luật nghi, Lâm nghĩa là ngọc. Do đó Nghi Lâm là ý nói luật lệ, nghi thức đã giữ tới chỗ thuần khiết, không còn nhiễm ô, nhưng cũng cứng cỏi như ngọc vậy. Đây tức là nói tới giới luật kỷ cương, một phương thức để kiểm soát, khống chế sự cuồng loạn của bản ngã.
Nếu Hồ Xung muốn vượt thoát sống thoải mái mà lại kẹt vào trong sự cứng cỏi của nề nếp kỷ cương thì sao gọi là vượt thoát. Kỷ cương hay giới luật chỉ là công cụ để giúp ta vượt thoát, nhưng bản thân nó không phải là sự vượt thoát ra khỏi tâm thức vị ngã. Do đó giải pháp tác hợp giữa LHX và NL sẽ bị bế tắc không dùng được để giải gút thắt nghiệp chướng trong câu chuyện TNGH.
Một vài bài học nhỏ khác từ nhân vật Lệnh Hồ Xung:
Trong cuộc đời ai cũng bị ảnh hưởng từ những người hay hoàn cảnh chung quanh. Trong TNGH, ta thấy Lệnh Hồ Xung chịu ảnh hưởng rõ rệt qua ba nguồn chính:
1. Ảnh hưởng dưỡng dục về đạo đức, nhân sinh quan, vũ trụ quan… từ Nhạc Bất Quần và Ninh Trung Tắc của phái Hoa Sơn. Đây là nền tảng lúc đầu, nhưng sau đó nhờ tình tình phóng khoáng, LHX đã vượt thoát khỏi sự cứng cỏi ngộp thở của nếp xưa thói cũ. Trong khi đó các sư huynh đệ muội khác của chàng thì không tiến bộ gì mà còn lu mờ biến mất.
2. Ảnh hưởng giáo dục võ thuật qua Phong Thanh Dương và Phương Chứng. Mới đầu là đại đệ tử phái Hoa Sơn, võ nghệ của LHX cũng xoàng xĩnh. Nhưng sau đó được học hỏi thay đổi sang “vô chiêu” (Độc Cô Cửu Kiếm), trở nên hướng thượng (Dịch Cân Kinh của Thiếu Lâm) và thay đổi vũ trụ quan, LHX trở nên thông triệt lẽ biến dịch của trời đất vũ trụ, quan sát đường kiếm, nhìn ngay ra sự khiếm khuyết dù nhỏ, để chọc thủng phá tan đường kiếm của địch thủ. Giáo dục con người cũng vậy, phải vô chiêu, đi vào con đường vị tha, vô ngã khiến tâm thức luôn tiến hóa hướng thượng thì hơn.
3. Ảnh hưởng khí lực: LHX bị xáo trộn nội lực qua việc truyền nội lực của Điền Bá Quang, Bất Giới Hòa Thượng, Đào Cốc Lục Tiên và các tay ma giáo giang hồ, do đó phải điều trị mãi về sau học được Dich Cân Kinh mới khỏi. Mấy nhân vật nầy tượng trưng cho những bạn bè lăng nhăng trong cuộc đời, thích ăn càn nói bậy, nhậu nhẹt say sưa, tham dâm, hướng ngoại, bất kể thuần phong mỹ tục, sống bừa bãi khiến sức khỏe suy mòn, không hội tụ được. Khi ta “gần mực thì đen” như vậy, bản thân ta phải quyết tâm từ từ dứt bỏ, đồng thời hãy giúp những bạn bè lôi thôi đó biết cải tà qui chánh. Có như vậy, sức lực của ta mới phục hồi khỏe mạnh, tâm lý và tâm linh mới ngay thẳng vươn cao.
Đến đây bài viết dựa theo những bài thuyết giảng trình bày của Thầy Hằng Trường đã dài. Tuy còn rất nhiều nét tinh túy trong câu chuyện Tiếu Ngạo Giang Hồ. Thầy HT xin hẹn có thể có những dịp khác vào lần sau để nghiên cứu và suy gẫm thêm về những tiểu thuyết nổi tiếng khác như Thiên Long Bát Bộ, Anh Hùng Xạ Điêu, Tây Du Ký v.v.
Thầy Hằng Trường thuyết giảng
Trường Anh ghi lại
From: Thu Huong
Aug 7, 2011
Anh Tùng có mê Kim Dung không ? Không , A Tùng không mê KD mà chỉ mê cái đầu ỗng thôi hơ , Th
ThíchThích
8 năm sau mới đọc cái comment ni của TH. Hahaha…
Xin giới thiệu Lão Cổ Tùng (LCT) ni là đại cao thủ truyện kiếm hiệp đó TH ơi. Vì răng mà dám xưng là đct ? Vì LCT ni là người đầu tiên (ở Huế) được đọc mỗi khi có truyện mới từ SG bay ra Huế. Cơ duyên ni có được nhờ nhà sách KQ tin tưởng giao nhiệm vụ đạp xe ra nhà sách BM lấy truyện mỗi khi có truyện mới về (bằng Air VN). Có lẽ bắt đầu từ khoảng năm 62 hay 63 chi đó.
ThíchThích
From: Tong Mai
Aug 11, 2011
Hay lắm Thu Hương oi. Bây giờ Mai mới có thì giờ để đọc bài bình Tieu Ngao Giang Ho này. Mới biết cái thâm thúy của tên của từng nhân vật.
Cám ơn Thu Huơng!
Mai
p.s. Mối tình đẹp nhất trong truyện Kim Dung thì Mai cho là của Dương Qua và Tiểu Long Nữ trong Thần Điêu Đại Hiệp, không để ý đến Lenh Ho Xung và Doanh Doanh chi lắm.
ThíchThích
From: Thu Huong
Mai ơi , Mai không thấy Điền Bá Quang , người bị dân chúng xỉ vả nhiều nhất mà vẫn có 1 tình yêu trong sáng với
Ni Co Nghi Lâm hơ . Th
ThíchThích
From: Nguyen Dang Hoang
Cám ơn TMai đã post lại đoạn TNGH này. Tôi đọc TNGH nhiều lần nhưng không để ý đến đoạn này, mà hay đọc đoạn LHX học đàn ở Lạc Dương, hoặc LHX uống rượu với quần hùng ở Ngũ Bá Cương và sau bị thương cùng Doanh Doanh bên bờ suối.
LHX một bậc tay lảng tử lang bạc, Nhạc Linh San một tiểu thơ lảng mạng. Đến lúc xem phim bộ TNGH thì thật thất vọng vì người trong trí đẹp hơn người trong phim quá xa.
HN
ThíchThích
From: Tong Mai
Mai chưa hề xem phim bộ kiếm hiệp vì nghĩ có cái gì đó không ổn trong cách người Tàu làm phim. Nhạc Linh San xinh đẹp quá, làm sao kiếm được người đóng vai cô trên đời này.
Phim Đại Hàn có những phim rất đẹp và gần như ngang hàng với Western standards, tiếc rằng họ không làm phim kiếm hiệp của Kim Dung, hay có mà không biết.
Có một phim vẫn thích xem mãi, Painters in the Wind, câu chuyện của một cô gái đội lốt con trai đễ được học hội họa nhưng vương khổ vì thuơng người họa sĩ thầy dạy của mình. Mai giới thiệu phim đó.
Mai
ThíchThích