Câu Chuyện về Những Nàng Apsara
(Bài thứ sáu và cũng là phần cuối trong loạt bài Quần Thể Khu Đền Angkor)
Triệu Phong
*********
(12 Dec 2007)
Vào khoảng thời gian năm năm sau khi Henri Mouhot khám phá ra Angkor, Anna Leonowens một mình cỡi voi đi suốt 200 dặm đường từ Bangkok, đến viếng di tích của kinh đô cổ xưa này. Bà ta là người không xa lạ gì đối với chúng ta vì bà ta chính là nhân vật trong câu chuyện về sau trở thành cuốn phim nổi tiếng Anna and the King of Siam (từng chiếu ở Việt Nam trong khoảng thập niên 50 & 60 dưới tựa đề Vua Xiêm và Thiếp, với nam tài tử Yul Brynner). Ở cái thời kỳ mà tất cả phụ nữ đều phải ở trong nhà làm công việc tề gia nội trợ thì bà không những đến sống ở Bangkok để dạy học cho hoàng tử của hoàng gia Thái, mà sau đó còn trở nên một phóng viên chiến trường.

Vua Thái Mongkut và bà Anna Leonowens, hai người trở thành nhân vật trong truyện ‘The King and I’ và cuốn phim ‘Vua Xiêm và Thiếp’. (Wikipedia)
Sau khi trở về bà viết một bài tường thuật mô tả về cái “công trình tuyệt mỹ từ bàn tay một chủng tộc mà các nước Tây Phương hoàn toàn mù tịt chưa hề nghe nhắc nhở đến; một chủng tộc không có tên trong lịch sử nhân loại nhưng đã làm nên một loạt những kiến trúc vô cùng diệu kỳ, tuyệt mỹ và trường tồn mãi với thời gian, vượt xa mọi công trình hiện đại của cả thế giới.”
Thoạt đầu, các nhà nghiên cứu khoa học không tìm ra được lời giải thích về nguồn gốc của kinh đô bị lãng quên này. Họ cho rằng người Khmer là một chủng tộc đã bị tuyệt diệt vì họ tin chắc dân Căm Bốt sơ khai ngày nay không thể nào là hậu duệ của một giống dân làm nên kỳ công rực rỡ ấy được. Nhưng rồi thời gian cũng chứng tỏ được rằng họ là sai. Nhà khảo cổ học người Pháp George Coedés, từng làm việc lâu năm ở Angkor, đã so sánh các ảnh chụp của người Căm Bốt ngày nay với các khuôn mặt khắc trên tường ở Angkor Thom; ông xác nhận họ đều cùng một chủng tộc.
Malcolm MacDonald, tác giả cuốn Angkor xuất bản năm 1958, hỏi quốc vương Sihanouk về lối phục sức của các nàng apsaras, vua Sihanouk đáp rằng các vũ công cung đình thời Angkor ăn mặc rất giản dị mà nửa phần thân thể phía trên không có y phục, hệt như thấy ở các tượng khắc ở Angkor. Hỏi vì sao ngày nay họ mặc kín từ đầu đến chân thì quốc vương Căm Bốt trả lời rằng, hơn năm thế kỷ trước đây Angkor bị quân Thái xâm chiếm, hoàng gia Khmer trong khi lo hối hả chạy nạn đã lỡ lầm bỏ quên không dẫn theo đoàn vũ công cung đình, để họ ở lại bơ vơ nơi một khu riêng biệt. Tất cả bọn họ đều rơi vào tay quân xâm lược và bị mang về kinh đô Ayuthia cùng với vô số đồ quí giá khác. Ở đây họ du nhập vào đất nước này điệu múa truyền thống Khmer và trở nên vũ công cung đình cho bao triều đại về sau. Apsaras trở thành điệu múa của Thái từ đó.
Anna Leonowens trong thời gian lưu lại ở hoàng gia Thái vào thế kỷ thứ 19 đã từng nhiều lần được xem những điệu vũ apsaras mà bà miêu tả các vũ công với những động tác uốn cong cánh tay, bàn tay mềm như cành liễu, một động tác tưởng chừng như con người bình thường như chúng ta không thể nào làm được. Thân hình họ lắc lư mềm mại như những chiếc lá lay động nhè nhẹ trong cơn gió thoảng. Bà còn thêm rằng “Mắt họ lung linh sáng như tỏa ra từ bên trong…” Anna cho đây là một phép lạ của nghệ thuật.
Trong các đền, những apsaras được tạc ở các hốc tường, bên cửa sổ, với trang trí khung viền tuyệt mỹ bằng các hoa văn hình cánh hoa. Apsaras biểu tượng cho sự tuyệt đỉnh của nền nghệ thuật Khmer về vẻ đẹp lý tưởng của người phụ nữ, chúng mang hình ảnh quyến rũ có tính cách tôn giáo cung đình mà phần quan trọng nhất của nét duyên dáng ấy là những đường nét tinh vi nơi y phục, đồ trang sức, lẫn cách bới chải mái tóc. Đường nét thật phong phú nếu không muốn nói là khác biệt nhau nữa. Tuồng như nét lịch lãm cao tuyệt nhất của nghệ thuật Khmer được biểu hiện nơi các đường cong đi xuống, lượn hẳn ra ngoài thân thể. Váy dài, khăn choàng cổ, cho đến những lọn tóc bới dài kiểu dáng tỉ mỉ, thảy đều tuân theo qui ước ấy. Một số apsaras mang đồ trang sức, những vương miện chóp cao mà tóc của các nàng được đánh lên đến cả chục lọn tạo thành một vòng quanh đầu.

Nàng apsara ngày nay y phục trùm kín từ đầu đến chân, không để ngực trần như thời Angkor. (Hình: Colnav Nguyen)
Từ trên những bức tường bằng sa thạch nơi các ngôi đền ở khắp Angkor, các nàng apsaras vẫn đứng đó mĩm cười như mãi mãi mua vui các đấng thần linh. Các nàng bị hư hại nhiều bởi thời gian, bởi chiến tranh và bởi những hành động phá hoại do những kẻ thiếu ý thức. Tại Angkor Wat có đến 1700 phù điêu tạc hình các nàng apsaras, và hằng ngàn bức nữa ở các đền khác ở Angkor. Mong sao nhân loại có được một phương cách hữu hiệu để giữ cho các tượng apsaras ấy khỏi bị thất thoát thêm, và làm sao để bảo tồn vẽ đẹp của các nàng nói riêng cũng như của Angkor, một kỳ quan của nhân loại nói chung được tồn tại dài lâu, không bị ảnh hưởng bởi những xáo động chính trị, thời cuộc của toàn cầu.
**********
Tất cả những bài viết trong loạt bài Quần Thể Đền Angkor đều tham khảo từ những sách vở, tài liệu ghi rõ dưới đây:
- Ancient Angkor by Michael Freeman & Claude Jacques
- Angkor by Malcolm MacDonald
- The Khmers of Cambodia, the Story of a Mysterious People by I. G. Edmonds
- A Short History of Cambodia by Martin F. Herz
- A Guide to the Angkor Monuments by Maurice Glaize
- Angkor, an Introduction by George Coedès
- The Art of Southeast Asia by Philip Rawson
- National Geographic of May 1982, Aug 2000, Oct 1964.
- .
- .
Bản nhạc Shall we dance cũng gợi ý cho 1 nhà làm phim Nhật, dựng lên 1 cuốn film nói về 1 người thư ký Nhật, với cuộc sống tẻ nhạc, anh ta đã để quên rằng mình có một đam mê về khiêu vũ. Đây là một thể loại film về bi hài mà sau nầy Mỹ cũng có 1 phiên bản do Richard Geere vaf Jennifer Lopez thủ diễn.
Cám ơn Lộc về bài biên khảo công phu.
ThíchThích