(Trích từ trang mạng vanhoanghean.com.vn)
“Đổi tên cầu An Hội làm cầu Gia Hội, lập chợ Gia Hội, xây dựng phố dài.
Vua nghĩ một dải phố bờ phía đông sông tả hộ thành, dân cư xen lẫn nhà gianh, thường bị nạn cháy, bèn sai thự Thống chế Hữu dực quân Vũ lâm là Lê Văn Thảo coi đem biền binh làm nhà ở chợ Gia Hội lợp bằng ngói (89 gian), mặt trước chợ ra đến sông làm một cái đình gọi là đình Quy Giả, đình làm 2 tầng, lại từ phía bắc cầu Gia Hội đến chỗ ngang với góc đài Trấn Bình làm lên phố dài gọi là phố Gia Hội, Đông Ba, Đông Hội (Tất cả 399 gian, dài suốt 319 trượng, dân xin làm lại 147 gian, Nhà nước làm 252 gian, đều cột bằng gạch, xây bằng vôi, mặt trước làm cửa ngõ, cứ 3 gian ngăn bằng tường gạch, mặt sau xây gạch, vách mở cửa cuốn, sau vách để trống 5 thước làm đường nhỏ, từ phía bắc cầu Gia Hội đến phía nam cầu Đông Ba gọi là phố Gia Hội, từ phía bắc cầu Đông Ba đến phía nam cầu Thế Lại gọi là phố Đông Ba, từ phía bắc cầu Thế Lại đến chỗ ngang với góc đài Trấn Ninh gọi là phố Đông Hội, bờ sông xây kè đá, lan can xây bằng gạch để ngăn chấn).
Cho dân thường tự làm nhà thì không phải đóng thuế địa tô, nhà của Nhà nước làm mà dân muốn ở thì mỗi gian mỗi năm nộp tiền 20 quan, nhận đủ 120 quan thì được nhận làm của riêng, tiền ấy do phủ Thừa Thiên thu giữ, để phòng chẩn cấp cho dân nghèo và chi phí việc sửa sang cầu cống, đường sá. Quan phủ Thừa Thiên lại xin ở 2 tầng trên, dưới đình Quy Giả như gặp khi có xe vua di qua đều đặt hương án, treo cờ đỏ để đón và tiễn theo như lễ nghi. (Các phố Gia Hội, Đông Ba, Đông Hội cũng thế). Còn ngày thường ngồi từng hàng và lên đấy ngoạn cảnh thì không cấm. Các người bày hàng ở phố chợ thì chia ra từng hạng đánh thuế (hằng năm 1.286 quan tiền) cùng với tiền nhà ở phố phải nộp (30.240 quan tiền) sung cấp cho dinh vệ các quân để chi phí việc công nhu.
Vua nói rằng: làm ra phố chợ, cốt đề phòng hỏa hoạn, tiện cho dân ở, nguyên không thèm tính toán tiền thuê, duy nhân dân có lợi được ở, mà biền binh phải làm rất là khó nhọc.Vả lại dinh vệ các quan thường năm theo lệ có cấp tiền công nhu, nay các nhà ở phố chợ, số tiền phải nộp xem ra nhiều, nên lấy số tiền ấy cấp thêm cho một nửa, cho được cùng hưởng lợi ấy. Vậy cho bộ Hộ châm chước bàn định thi hành (Các đội Túc trực, Trường trực, Thường trực vệ Cẩm y; 10 vệ 2 dịch tả hữu quân Vũ lâm; các dinh Thần cơ, Tiền phong, Long võ, Hổ uy, Hùng nhuệ, mỗi dinh 10 vệ; 6 vệ trung bảo nhất nhị, Tiền bảo nhất nhị, Hậu bảo nhất nhị; 15 vệ 3 dinh Thủy sư; mỗi vệ mỗi năm cấp cho 200 quan tiền. Vệ Long Thuyền, 4 vệ Kỳ võ, mỗi vệ cấp cho 150 quan tiền, 3 vệ kinh tượng nhất nhị tam, 2 vệ Phi kỵ, Khinh kỵ viện Thượng tứ và vệ Võng thành, mỗi vệ đều 100 quan tiền, 5 đội vệ giám thành; 4 đội Dực võ ty kỳ cổ, 3 đội Trấn phủ; 3 đội thự Hòa thành; 7 đội ty Lý thiện; 2 đội Dực thắng; 5 đội Dực hòa; 2 đội Dực hùng, 3 đội Dực cường; 4 đội Dực vĩnh; 2 đội Dực oai; 4 đội Dực thịnh; 4 đội Dực chấn; 2 đội Dực tín; 4 đội Dực mỹ; mỗi đội ty đều 10 quan). Rồi cho 3 phố Gia Hội, Đông Ba, Đông Hội đều lấy tên hàng gọi là 3 hàng ở phía đông thành. Lại từ chợ Gia Hội thẳng đến hạ ấp chợ Doanh (Dinh) chia đặt làm 8 hàng, tên hiệu riêng biệt, gọi là 8 hàng dọc sông (Gia Thái hàng, Hòa Mỹ hàng, Phong Lạc hàng, Doanh Ninh hàng, Hội Hòa hàng, Mỹ Hưng hàng, Thụy Lạc hàng, Tam Đăng hàng, dài suốt hơn 452 trượng),các hàng đều có biển ngạch (viết rõ tên hàng như các chữ Gia Hội hàng v.v…) đặt một người hàng trưởng, để truyền bảo công việc cho nhanh”
(Đại Nam Thực Lục, tập 5, nhà xuất bản Giáo dục, 2007, trang 100-101)
Sở dĩ tôi chép hết nội dung nói về việc đổi tên cầu và xây dựng 3 phố, 8 hàng trên phần đất còn lại của tổng Phú Xuân sau khi hoàn tất công việc xây dựng Kinh thành Huế, bởi sự quan tâm đặc biệt của nhà vua Nguyễn Thánh Tổ vừa đổi tên cầu vừa xây dựng phố xá ở đây dường như được ưu đãi hơn. Vì sao lại có đặc ân như thế!
Tổng Phú Xuân vốn là làng Thụy Lôi trước năm 1558. Sau 30 năm xây dựng (1803-1832), một nửa Phú Xuân đã là Kinh đô nguy nga tráng lệ. Lẽ nào lại bỏ rơi nửa Phú Xuân còn lại. Bởi vậy An Hội mới nên Gia Hội cầu, Gia Hội phố, Gia Thái hàng.
Gia Hội có mối liên hệ gì với Gia Long, Gia Định, Gia Miêu, Gia Viễn hay không chỉ có nhà vua cho mở mang xây dựng Gia Hội mới biết. Nhưng Người đã về cõi vĩnh hằng ngót 2 thế kỷ không để lại một lời di huấn nào mà tư liệu lịch sử thì tuyệt nhiên không lưu ý. Thế nhưng với tôi, Gia Viễn, Gia Miêu, Gia Định, Gia Long, Gia Hội … như đã làm nên những cung đường để lại từng mốc quá khứ kiên nhẫn, bền bỉ, thủy chung, rất đỗi tự hào.
Năm Minh Mạng thứ 18 (1837) quả là một năm đáng ghi nhớ. Phải chăng sau 18 năm Gia Long với 18 năm đầu thời Minh Mạng, Vương triều Nguyễn từng bước xây dựng và cũng cố nền thống nhất quốc gia đã đạt được những thành tựu mong muốn. Bởi vậy, ngay từ tháng Giêng đầu năm, nhà vua thứ 2 Vương triều Nguyễn đã cho xây dựng điện và miếu Phụng Tiên mới với quy mô 9 gian như Thế Tổ miếu để thờ Thánh vị dòng họ mình đồng thời định vị Cửu đỉnh vừa hoàn công. Tháng 2 tiếp theo, cho tổ chức lễ mừng thọ “thất tuần đại khánh” Hoàng Thái Hậu. Tháng 5 đổi cầu An Hội thành Gia Hội đồng thời cho xây dựng phố xá nguy nga như đã trích dẫn. Với trình tự, nhịp nhàng vừa nêu cho ta nhận biết ý tưởng, chủ trương các công việc trên không ngẫu hứng mà thực sự thể hiện tư duy nhất quán trãi qua nhiều thế hệ.
Gia Hội được định danh cùng năm với điện Phụng Tiên, Cửu đỉnh như là một hình thức báo tiệp.
Gia Hội, Đông Ba, Đông Hội nay là đường Bạch Đằng. Gia Thái, Hòa Mỹ, Phong Lạc, Doanh Ninh, Hội Hòa, Mỹ Hưng, Thụy Lạc, Tam Đăng nay là đường Chi Lăng.
Đường Bạch Đằng nằm theo hướng bắc – nam. Đường Chi Lăng nằm theo hướng đông – tây. Hai con đường này giao nhau đầu cầu Gia Hội gợi nên trục tung và trục hoành của sự mãn nguyện hoàn thành công đức và cũng là phương hướng phát triển bền vững của non sông.
Hoàn tất công việc kiến thiết kinh đô, xây dựng thành quách các tỉnh xung yếu, lập pháo đài bảo vệ biên cương, biển đảo, cải cách hành chính và tổng điều tra lập sổ bộ và địa bạ các tỉnh Nam Kỳ và nam Trung Kỳ. Đến năm Minh Mạng thứ 18 (1637) đất nước thực sự đạt đến đỉnh cao của thời cực thịnh. Từ sự hưng phấn đó, sang năm Minh Mạng thứ 19 (1838) nhà vua Nguyễn Thánh Tổ đã cho đổi Quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam.
Năm 1992, sau một thời gian dài băn khoăn với những ô chữ khắc theo phong cách “nhất thi nhất họa” trên các dải liên ba, cổ diềm nội, ngoại thất các công trình kiến trúc chính ở Hiếu lăng, tôi mày mò và cuối cùng đã phát hiện ra phương pháp bố cục các ô chữ trên kiến trúc Nguyễn giống như cách treo câu đối ở nhà thờ họ của ông nội tôi nên đã ghép được trên 120 bài thơ thất ngôn và ngũ ngôn tứ tuyệt.Trong số đó có một bài nội dung nói về phố xá. Vì non kém nên khi ghép 4 ô thuộc loại ngũ ngôn trong 4 ô trong bốn bản liên ba tại tầng trên Minh Lâu cứ nghĩ là thơ hư cấu tưởng tượng nên cảm thấy băn khoăn ngỡ ngàng rồi tự hỏi: đầu thế kỷ XIX Kinh đô Huế đã có phố xá rồi ư? Đã có “Tỉ ốc vạn nhân gia” rồi ư? Đọc kỹ mẫu ghi chép về “Đổi tên cầu An Hội…” trong Đại Nam Thực Lục mới biết là mình phạm tội khi quân. Một đường phố xây gạch lợp ngói dài 319 trượng bên bờ hữu ngạn sông Đông Gia (nay là Đông Ba) chính là linh hồn, là “nguyên liệu” thực sự của tứ thơ trên:
Thông cù bách hóa tập
Tỉ ốc vạn nhân gia.
Thủy ảnh chiếu song thượng,
Sơn quang nhập hạm tà.
Đường thông hàng hội tụ,
Nhà mọc mái đua chen.
Bóng nước soi song cửa,
Ánh núi lùa tận hiên.
(Nguyễn Trọng Tạo dịch)
Thế kỷ XIX cáo chung, văn minh phương tây tràn vào nước ta theo chế độ thuộc địa. Tư tưởng chống ngoại xâm bảo tồn nền độc lập tự chủ trong lòng con dân đất nước càng ngày càng chín. 3 phố Gia Hội, Đông Ba, Đông Hội được mang tên Bạch Đằng, 8 hàng nằm dọc đường Gia Hội – chợ Dinh được mang tên Chi lăng như nhắc nhở chiến công giữ nước vĩ đại của cha ông để cháu con ghi nhớ. Giữa hai con đường mà tôi tưởng tượng nên hai trục tung và hoành ấy là các đường Tô Hiến Thành, Nguyễn Du, Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát…
Ai đã có dụng tâm “thỉnh” các vị danh nhân văn hóa tiêu biểu về mảnh đất vốn là Thụy Lôi đã nên Phú Xuân để thành Gia Hội này?
Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của một con người mà tâm hồn chan chứa nhân văn đất Việt để muôn năm kính phục!
Nếu Gia Hội với nhà vua Nguyễn Thánh Tổ là sự hồi cố những cung đường mà họ Nguyễn đã đi trên dặm dài mở nước thì Bạch Đằng, Chi Lăng mãi mãi nhắc nhở mọi người hãy nuôi trong lòng mình tình yêu non sông nồng nàn quả cảm như cha ông mình đã từng trãi qua. Và, nhờ những chiến công lẫm liệt oai hùng như thế người Việt mới sánh vai với bè bạn 5 châu không chút tự ti. Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát là gì nếu không coi đó là niềm tự hào dân tộc.
Các thế hệ cầm quyền về sau “giá như biêt ý người xưa”, hiểu được tấm lòng người xưa dành cho Gia Hội trọn vẹn các con đường Danh nhân Văn hóa thì 3 phường Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Hậu mãi mãi là nơi hội tụ tao nhân mặc khách tiêu biểu nhất và sẽ là địa danh đặc sắc nhất của đất nước. Có lẽ đến một lúc nào đó, người ta biết sẻ chia để có sự sắp xếp lại thì sau Tô Hiến Thành có Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, bên cạnh Cao Bá Quát còn có Nguyễn Văn Siêu, Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thượng Hiền…
Gía như rồi sẽ thế, Gia Hội thành một vùng địa nhân văn với “Tao Đàn” với “Thi Xã” thì trên đất nước này, trên hành tinh này quả là “chẳng nơi nào có được”.
Mai Khắc Ứng
Hẹn với mai sau “Huế Đẹp, Huế Thơ”sẽ nên điều đó.
Montreal, ngày tuyết bắt đầu báo mùa đông trở lại.
16.11.2014
.
Thảo luận
Không có bình luận