Có lẽ không có ngôi chợ nào trên đất nước này mà lại đi vào những ca khúc
trữ tình nổi tiếng một thời như chợ Đông Ba của Huế. Những biến thiên lịch
sử, số phận cuộc đời, duyên phận nổi trôi của ngôi chợ bên dòng Hương
Giang chìm nổi đã tạo thêm những nỗi niềm cho Huế.

Chính diện chợ Đông Ba nhìn chếch về bên phải, hình do lính Mỹ chụp trước ’75. (*)
Trong Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương ta như nghe được nỗi
niềm đó : “Phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ. Bến Văn Lâu thuyền vó
đơm sầu”. Hay nỗi sầu của lòng người giữa một buổi chiều Mưa trên
phố Huế trong thơ Tôn Nữ Hỷ Khương được Minh Kỳ phổ nhạc “
Chợ Đông Ba khi mình qua. Lá me bay bay là đà. Chiều thiết tha
có anh bên mình mà ngỡ hôm qua. Hò ơi! Ơi hò! Chiều mưa. Phố buồn…”.
Chợ Đông Ba là hồn của phố Huế.
Người Huế ở vùng nông thôn xa khi lên thành phố thường gọi là
đi Dinh, lên Dinh, vùng nông thôn gần hơn gọi là đi Huế, vùng ngoại ô
gọi là đi phố và ngay ở trong thành phố cũng gọi là qua phố, lên phố,
xuống phố.
Mà ở Huế nơi được gọi là phố chỉ có chợ Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo,
đường Phan Bội Châu (bây giờ là Phan Đăng Lưu). Đường Huỳnh Thúc Kháng
tấp nập, đường Chi Lăng nhộn nhịp cũng không được gọi là phố.
Trục đường Hùng Vương, Lê Lợi phát triển sầm uất sau này không
gọi là phố. Ngay cả đường Trần Hưng Đạo, chỉ có đoạn từ ngoài cửa
Thượng Tứ trở xuống mới gọi là phố. Phố của Huế gắn với quá trình
dịch chuyển của ngôi chợ trung tâm là chợ Đông Ba và hai dãy phố ra
đời từ cuối thế kỷ XIX.
Năm 1899, chợ Đông Ba được chuyển từ nơi bây giờ được gọi là
Ngả Giữa ra vùng đất ven bờ sông Hương, thường được gọi là Giại.
Nơi đó trước đây có các dãy trại và địa danh Giại là do một sự đồng
hóa ngữ âm mà ra.
Chợ Đông Ba dưới thời Gia Long có tên là Qui Giả, nghĩa là trở về,
chợ của những người trở về sau chiến tranh triền miên. Sau chợ có
tên là Đông Hoa do ở gần cửa Chánh Đông của Kinh thành Huế.
Kiêng huý tên bà Hồ Thị Hoa, mẹ vua Thiệu Trị nên Đông Hoa đổi
tên thành một âm có cùng chữ viết là Đông Ba (cửa Đông Ba, sông Đông Ba,
cầu Đông Ba).
Khi chợ chuyển ra từ năm 1899 thì đó cũng là thời điểm hoàn thành
xây dựng cầu Trường Tiền, ra đời dãy phố buôn bán trên trục đường
Trần Hưng Đạo ngày nay theo một đạo dụ của vua Thành Thái.
Bộ Hộ và bộ Công làm nhiệm vụ phân lô, ai muốn xây thì nhận một lô
để xây nhà hướng về chợ Đông Ba. Dãy phố hình thành nối vuông góc
với dãy phố bên ngoài cửa Đông Ba có từ thời Đồng Khánh để trở
thành là phố của Huế sau này.
Như máu chảy về tim, trong một thời gian dài, chợ Đông Ba là trung tâm
của thành phố Huế, mọi con đường, mọi chuyến xe đều đổ về nơi ấy từ
những chiếc xe Lam ba bánh giản dị tuyến gần ven phố, những chiếc
xe đò xanh đỏ vàng lục lam lũ đi các huyện, những chiếc tắc-xông sang
trọng vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng.
Trên bến dưới thuyền. Thuyền về Đại Lược, Thuận An, Tư Hiền, thuyền
ngược bến Tuần, Tân Ba, Dương Hòa và cả đò chèo tay đưa khách qua
về Đập Đá – Đông Ba.
Đò từ Đông Ba Đò qua Đập Đá
Đò từ Vĩ Dạ Thẳng Ngã Ba Sình
Lờ đờ bóng ngả trăng chênh
Tiếng hò xa vọng thắm tình nước non
(Hò mái nhì)
Mỗi người có những kỷ niệm riêng về ngôi chợ như trái tim Huế
không bao giờ ngưng nhịp đập ngay trong những lúc phong ba,
giặc giã, cũng như những kỷ niệm trên các tuyến đường xuôi về phố chợ.
Những người sống ở thành phố này trước năm 1975 có lẽ không bao giờ
quên được hình ảnh những chiếc xe đò màu xanh nước biển, những chiếc
xe không thôi chạy trong tiềm thức của những người Huế xa quê, của ký ức
những người Huế hôm nay nhớ về những năm tháng cũ.

Đường Trần Hưng Đạo hướng chạy qua cầu Gia Hội, mé bên phải là bến xe đò, sát bên chợ Đông Ba. (*)
Xe đò được đánh số chẵn là các tuyến xe nằm ở bờ Bắc, số lẻ là các tuyến
xe nằm ở bờ Nam sông Hương rất khoa học và thuận lợi cho giao thông
thành phố. Mỗi tuyến có từ dăm xe đến cả mười mấy xe chờ khách ở
bến hay lưu thông trên tuyến. Số 1 An Cựu, số 2 Bao Vinh, số 3 Bến Ngự,
số 4 Chợ Dinh, số 5 Từ Đàm, số 6 Cầu Kho, số 7 Long Thọ, số 8 Kim Long,
số 9 Thuận An, số 10 Văn Thánh, số 11 Dạ Lê, số 12 An Hòa, số 13 An Lăng,
số 14 Tây Lộc.
Chỉ đợi từ 10 đến 20 phút là có chiếc xe đò qua. Đứng bên đường, chỉ cần
một cái vẫy tay là xe dừng lại đón dù là một cụ già tóc bạc hay cậu học trò
nhỏ học chưa xong bậc tiểu học. Xe đò đưa quang gánh mẹ xuôi về phố,
đưa ba về công sở, đưa em hai buổi đến trường. Lên xe đò bất kể trước sau,
người nhỏ tuổi nhường chỗ ngồi cho người lớn tuổi, nam nhường chỗ ngồi
cho nữ dù không có một chút tình ý nào của lần đầu tiên gặp mặt. Người ta
thường nói các chuyến xe chở đầy phức tạp cuộc đời nhưng tôi thấy xe đò
Huế dạo ấy sao mà sạch sẽ, đáng yêu đến thế dù trên xe vẫn chứa những
gánh rau vùng ngoại ô, những hàng cá vùng sông biển, gánh dưa mắm dưới
làng quê lên.
Từ o hàng xén đến gánh bánh canh Nam Phổ, bún bò An Cựu, cơm hến
bên Cồn … đều nhẹ nhàng trong chiếc áo dài bình dị. Trên xe đò, người
ăn mặc tươm tất cũng gần gũi với người hành khất vật vưởng trên xe.
Lên chiếc xe đò đi phố là cảm thấy thú vị khi xe bon bon đi tới, nhìn thấy
cây cối chạy ngược bên đường, nhà cửa đi lại đằng sau, đi qua những con
đường toà ngang dãy dọc. Xuống xe đò là được vô các rạp Hưng Đạo,
Tân Tân, Châu Tinh, Z 96 coi xi nê võ lâm kiếm hiệp, hay tần ngần trước
cảnh phim có những hình ảnh mùi mẫn của các minh tinh điện ảnh nước
ngoài với dòng chữ “cấm trẻ em dưới 16 tuổi”. Xuống xe đò đi phố là
được ngắm nhìn những cuốn sách đẹp bày trong các hiệu sách Gia Long,
Ưng Hạ, những loại hàng hóa xa hoa ở các hiệu buôn Vĩnh Thái, Bảo Thạnh…
Ấn tượng nhất vẫn là cái oi nồng cuốn hút của chợ Đông Ba lao xao người
mua kẻ bán. Cái gì cũng đẹp, cũng mới, cũng ngon từ những ly nước é,
nước sáo, nước xi rô nhiều màu bên bến xe đò ven sông, những gánh bún
nóng hổi nằm sau góc chợ, những cây súng pháo bắn nổ đoành đoành,
những con búp bê dễ thương biết mở, nhắm mắt, những hàng vải lụa, vải xoa,
hàng xa tanh Mỹ Á mời gọi dưới lầu chuông đến cả những vựa mắm và cá
tươi đủ loại trên chợ cá cũng nhiều điều mới lạ. Thấy thích, thấy lạ cả lời mệ bán
hàng mời mọc, o bán hàng cao giọng nói thách, người khách mần đày,
đến cả tiếng chửi cũng lạ lẫm, bùi tai… Nhiều nhất là tiếng cười có mặt
mọi nơi làm cho khuôn mặt chợ Đông Ba luôn rạng rỡ, sống động, những
mặt tiền đường phố rực rỡ muôn màu mặc cho chiến sự rất gần, bom đạn
đêm ngày dội về thành phố, hàng kẽm gai bố ráp quanh chợ, góc phố khi
thế sự nóng lên trên thành phố này.
Chợ Đông Ba là hậu phương vững chãi của các cuộc bãi khóa, biểu tình
của học sinh, sinh viên Huế đòi hòa bình, thống nhất đất nước, sẵn sàng
tiếp tế lương thực, nước uống, che chở sinh viên, học sinh những lần bị
đàn áp và khi cần cũng xuống đường bãi thị hòa cùng nhịp đập trái tim
tranh đấu của con em mình. Đông Ba là bà mẹ Huế nghiêm khắc nhưng
cũng nhân hậu, bao dung, thơm thảo.
Năm 1967 chợ Đông Ba được xây dựng mới nhưng chiến tranh Mậu Thân
năm 1968 đã làm cho công trình dang dở và năm 1972 chợ lại bị đám tàn
quân thất trận trong chiến dịch Mùa Hè 1972 đốt cháy
Chợ Đông Ba những năm cuối của cuộc chiến tranh và những năm mới
giải phóng lộn xộn, u ám, dở dang vì loạn lạc và nghèo khó. Kiến trúc
chợ là một khối bê tông nặng nề không phù hợp với dòng sông Hương
và cầu Trường Tiền duyên dáng. Đến năm 1987, chợ mới được sửa
chữa theo hướng thông thoáng và mềm mại hơn với bản thiết kế của
kiến trúc sư Lê Văn Rọt ở một đơn vị thiết kế thuộc Bộ Thương mại.
Kiến trúc chợ mới bố trí cho 1500 hộ kinh doanh nhưng xếp đặt, cơi nới
qua từng năm để hiện nay chợ có hơn 2500 hộ buôn bán cố định, hơn
200 lô bạ và gần 1000 người buôn bán rong đón mỗi ngày gần 10000
người ra vào mua sắm, tham quan. Không gian chật chội ấy cũng như
sự bất cẩn của các hàng hương đèn, vàng mã trong một đêm hè đã nhen
nhóm và làm bùng lên ngọn lửa thiêu cháy một phần ngôi chợ trong
một ngày giữa năm 1998 mới qua Tết Đoan Ngọ.
Ngoài khu chợ chính trong và ngoài Lầu Chuông, chợ Đông Ba còn
có các chợ cá ven sông, các khu tự sản, tự tiêu, nơi giữ xe và bãi đỗ ô tô.
Ở đầu đường Chương Dương còn có một khu chợ gọi là “Chợ Xanh” đông
vào lúc quá nửa đêm cho đến lúc trời chưa rạng sáng. Đó là chợ đầu
mối của các loại rau xanh, hoa quả từ nông thôn lên, từ Đà Lạt về và từ
đây những chiếc xích lô, xe máy mang hàng toả đi các chợ trong thành phố,
các vùng ngoại ô, phụ cận xa gần. Một trung tâm thương mại khá qui mô
cũng được xây dựng trên vùng đất này.
Thời buổi bây giờ, dù siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ được xây
dựng khắp nơi nhưng Đông Ba vẫn có vị trí riêng trong lòng người Huế.
Những ngày Tết đến hay những dịp cúng giỗ trong gia đình, người
phụ nữ Huế nào cũng muốn đi chợ Đông Ba, vừa để mua hàng cho có
vẻ trang trọng hơn, vừa để coi ngó có gì khác lạ nơi ngôi chợ tần tảo
chở đầy ký ức đời người. Du khách gần xa cũng vậy, sau những buổi
thăm hoàng cung, lăng tẩm u hoài, mọi người đều muốn đến chợ
Đông Ba nhộn nhịp để xem ngôi chợ thường được cả nước nhắc đến
với tình cảm yêu thương, trân trọng, để được nghe tiếng Huế giữa
đời thường, để có món quà lưu niệm một ngày đến với cố đô xưa.
Trả lời câu hỏi lúc chưa rời xa “cõi tạm” rằng vì sao có một thời gian
dài sống ở Huế nhưng trong các sáng tác không nhắc đến một địa danh
nào của Huế, nhạc sĩ họ Trịnh cho biết dù không nhắc đến nhưng Huế
luôn hiện hữu trong các ca khúc của anh, nhất là các ca khúc sáng tác
trước năm 1975. Tôi không sành âm nhạc, không hiểu lắm về ca từ
nhưng tôi tin chắc rằng trong ca khúc Chiều một mình qua phố những
câu như “Chiều một mình qua phố. Âm thầm nhớ nhớ thương thương”
thì không gian, thời gian và tình cảm đó là ở xứ Huế này. Và sau năm
1975, trước lúc rời Huế anh đã để lại một ca khúc không có từ nào là
Đông Ba nhưng vẫn bàng bạc không gian Huế và ngôi chợ của một chiều
qua phố dù sau này ít ai nhắc đến. Đó là ca khúc Gánh rau về chợ.
(Theo TRT)
(*) thân tri sưu tầm
Trong cuộc đời thời son trẻ của tôi, làm tôi nhớ nhất khó quên :-Tôi mồ côi mẹ lúc 8 tháng tuổi và không cha lúc 9 tuổi-bơ vơ đi học …chiều chiều đi trên phố PBC&THĐ , thấy nhửng đứa trẻ như tôi, được cha mẹ dẩn đi phố- tôi gen ghét ganh tỵ…
Rồi, khi lớn lên đi học,chiều chiều cả nhóm tà tà đi phố ” NGHỂ” các cô gái …rồi uống cafe LAC SƠN, ngồi bên chợ ĐÔNG BA …đúng là chợ này ai ai dân HUẾ ,củng nhớ mãi hình ảnh chợ ĐÔNG BA …Nhớ ghê..
ThíchThích