//
you're reading...
Triệu Phong, Truyện Dịch

Nàng Eveline – James Joyce * Triệu Phong dịch

(1882-1941)

James Joyce ra đời năm 1882 trong một gia đình trung lưu ở Dublin, nước Ái Nhĩ Lan. Khi khôn lớn ông tỏ ra là một học sinh xuất sắc, rồi lên học đại học tại University College Dublin. Đến ngoài 20 tuổi, ông bắt đầu sang sống vĩnh viễn ở lục địa Âu Châu tại Trieste, Paris và Zurich. Mặc dù hầu hết tuổi trưởng thành ông sống ở hải ngoại nhưng hầu hết tác phẩm ông đều lấy bối cảnh và con người của Dublin.

Ông là một tiểu thuyết gia vừa là nhà thơ và được xem là một trong những nhà văn có nhiều ảnh hưởng nhất thuộc phái avant-garde của đầu thế kỷ thứ 20. Tác phẩm nổi tiếng và tiêu biểu nhất của ông là cuốn Ulysses, viết vào năm 1922. Ngoài ra ông còn sáng tác tuyển tập truyện ngắn Dubliners (1914), và hai cuốn tiểu thuyết, A Portrait of the Artist as a Young Man (1916), và Finnegan’s Wake (1939)(*).

Trọn bộ các tác phẩm của ông còn có ba tập thơ, một vở kịch, một số bài báo thỉnh thoảng ông viết với tính cách một ký giả, và những bức thư đã được xuất bản.

Ông mất năm 1941 sau khi trải qua một cuộc giải phẫu tại Zurich do chứng loét bao tử. Mộ ông hiện nằm tại nghĩa trang Fluntern, gần sở thú Zurich, Thụy Sĩ.

(*) Bản tin Associated Press hồi Tháng Giêng, 2013, có tường thuật việc tác phẩm “Finnegan’s Wake” lần đầu tiên được dịch sang tiếng Hoa, và bỗng nhiên trở thành cuốn sách bán chạy hàng thứ nhì ở Thượng Hải. Đợt in đầu tiên bán sạch trong năm tuần lễ. Tưởng cũng cần chú ý rằng, “Finnegan’s Wake” là tác phẩm thuộc loại khó hiểu nhất của James Joyce, ngay cả đối với độc giả mà Anh ngữ là tiếng mẹ đẻ. Không lạ gì, theo AP, một trong những lý do mà nó trở nên quá phổ thông là nhờ quảng cáo ở khắp Thượng Hải và các thành phố lớn khác. Murong Xuecun, nhà văn kiêm bình luận gia Trung Quốc nói: “Cuốn sách này có tiếng là khó hiểu nên thiên hạ tò mò muốn đọc thử cho biết.” Ông Xuecun thêm: “Nó bán chạy được không có nghĩa là độc giả Trung Quốc thông thái hơn độc giả ở các nước khác.”

LN_191

Tượng James Joyce trên vỉa hè của thành phố cảng Trieste ở miền Đông Bắc nước Ý. (Wikipedia)

*   *   *

Ngồi bên cửa sổ nhìn buổi chiều lan dần xuống đường phố, đầu tựa vào màn cửa, nàng thoáng cảm nhận mùi bụi bẩn của vải cretonne và thấy mệt mỏi.

Một vài người đi qua. Người đàn ông từ căn nhà cuối cùng cũng bước qua trên đường về nhà; nàng nghe tiếng chân ông ta lạo rạo trên vỉa hè xi măng, rồi sau đó nghiến lên lối đi rải bằng than cháy dở, trước những ngôi nhà mới màu đỏ. Có một thời đây là khoảng sân mà mỗi buổi chiều bọn nàng thường hay nô đùa với con cái của những người khác. Thế rồi một người đàn ông từ Belfast đến, mua lại cái sân này, xây lên những ngôi nhà bằng gạch rực rỡ với mái ngói sáng chói, khác với những căn nhà nhỏ bé của bọn nàng. Đám trẻ con hay nô đùa trên cái sân đó là bọn nhỏ nhà Devines, Walters, Dunns, con bé Keogh tàn tật, cùng với mấy anh chị em nó. Duy chỉ có Ernest là không bao giờ chịu chơi chung vì tự xem mình là người lớn. Cha nàng hay cầm gậy rượt tụi nàng chạy vào ra khoảng sân; tuy nhiên lần nào con bé Keogh cũng canh chừng và báo động mỗi khi cha nàng xuất hiện. Nhưng dù vậy bọn nàng cũng vẫn thấy thích thú. Dù sao cha nàng cũng không đến nỗi tệ; hơn nữa, thuở ấy mẹ nàng vẫn còn sống. Đó là chuyện hồi xa xưa. Nàng và các anh chị em nay đều khôn lớn; còn mẹ nàng thì đã mất rồi. Tizzie Dunn cũng không còn, và bọn Walters đã dọn về bên Anh. Mọi sự đều thay đổi. Giờ đây nàng sắp phải ra đi như những đứa khác, đó là từ giả ngôi nhà của nàng.

Căn nhà! Nàng đưa mắt nhìn quanh căn phòng, nhìn lại những đồ vật quen thuộc mà nàng phải phủi bụi mỗi tuần một lần trong suốt nhiều năm, lòng luôn tự hỏi những thứ bụi bặm đó từ đâu đến. Có lẽ nàng sẽ không bao giờ thấy lại những đồ vật quen thuộc mà nàng chưa bao giờ dám nghĩ có ngày nàng sẽ xa chúng. Lại nữa, trong những năm đó nàng vẫn chưa khám phá được tên của vị linh mục trong bức ảnh ố vàng treo trên tường, đặt trên chiếc đàn organ đạp bằng hơi đã hư. Ông ấy từng là bạn học của cha nàng. Mỗi khi chỉ tấm ảnh cho khách khứa xem, cha nàng thường khoe:

“Ông ấy hiện đang ở bên Melbourne.”

Nàng đã bằng lòng từ giã căn nhà để đi xa. Không biết quyết định như thế có khôn ngoan chăng? Nàng cố tìm cách cân nhắc điều hơn lẽ thiệt. Đằng nào thì ở nhà, nàng có nơi để dung thân và có cả thức ăn; kể luôn những người chung quanh mà nàng quen thuộc trong đời. Dĩ nhiên tại đây, cả ở nhà lẫn nơi làm việc, nàng đều phải đầu tắt mặt tối như nhau. Ở khu phố Stores này người ta sẽ nghĩ gì khi biết được nàng ra đi theo một gã đàn ông? Chắc họ sẽ cho là nàng điên rồ. Tuy vậy có lẽ nàng sẽ không khóc nhiều khi phải từ giả Stores mà đi.

Nhưng ở chỗ mới của nàng tại một xứ sở xa lạ xa xôi nào đó, cuộc sống chắc sẽ hoàn toàn khác. Rồi nàng, Eveline, sẽ kết hôn. Người ra sẽ trọng vọng nàng. Nàng sẽ không còn bị đối xử như mẹ nàng thường có đối với nàng. Dù bây giờ nàng đã trên mười chín nhưng đôi khi nàng cảm thấy bất an do sự hung bạo của cha nàng. Nàng biết đây là lý do khiến nàng phải canh cánh mãi với nỗi phập phồng. Khi bọn nàng lớn khôn, cha nàng thôi không còn đi kiếm nàng như ông thường làm đối với Harry và Ernest, vì nàng là con gái; nhưng gần sau này ổng bắt đầu hăm dọa nàng và nói, nếu ổng có hành động gì đối với nàng chẳng qua chỉ nhân danh vong linh của mẹ nàng. Giờ đây không còn ai để đứng ra bênh vực cho nàng nữa. Ernest đã chết rồi, Harry thì có công việc trang trí cho nhà thờ, gần như phải đi đó đây khắp trong xứ. Ngoài ra, những cuộc cãi vã không hề thay đổi về tiền bạc thường diễn ra vào những đêm Thứ Bảy đã bắt đầu gây cho nàng một nỗi mệt mõi khôn tả. Nàng luôn luôn giao đủ hết số lương bảy shilling của mình, còn Harry thì gửi cho cha tất cả những gì kiếm được, nhưng vấn đề là làm sao có thể yêu cầu cha nhường lại một ít để tiêu xài. Cha thường bảo nàng là kẻ hoang phí tiền bạc, không có đầu óc, và rằng ổng không thể đưa tiền bạc làm lụng khó khăn cho nàng đem đi phung phí ngoài đường, hơn thế nữa, vào những tối Thứ Bảy ông thường tỏ ra thật kinh khủng. Cuối cùng thì ông cũng đưa tiền cho nàng nhưng không quên yêu cầu nàng nhớ mua thức ăn cho buổi cơm tối Chủ Nhật. Vậy là nàng tức tốc chạy đi chợ. Tay ghì chặt chiếc bóp da đen, nàng luồn lách giữa đám đông và sau đó trở về nhà với mớ thức ăn. Nàng thường phải làm mọi cách để cả nhà được đứng vững, ngoài ra nàng còn phải trông chừng hai đứa nhỏ nàng được giao phải coi sóc cho chúng đi học và ăn uống đầy đủ. Thật là công việc vất vả, một đời sống nặng nhọc, mà giờ đây nàng sắp vứt bỏ hết, một cuộc sống mà nàng chưa hề cho là hoàn toàn bất cầu như ý.

Nàng sắp sửa cùng Frank phiêu lưu vào một cuộc đời khác. Frank là người tử tế, đầy nam tính và cởi mở. Nàng sẽ cùng chàng ra đi bằng chuyến tàu khởi hành lúc ban tối, để rồi trở thành vợ của chàng và sống với chàng ở Buenos Aires, nơi có một căn nhà đang chờ nàng dọn vào. Nhớ lần đầu tiên lúc mới gặp chàng, chàng trọ tại một căn nhà nằm trên con phố chính mà nàng thường đến chơi. Chuyện hình như chỉ mới xảy ra cách đây vài tuần. Bấy giờ chàng đứng ở ngưỡng cửa, chóp nón kéo ra đằng sau khiến tóc xỏa xuống che phủ khuôn mặt rám màu đồng. Thế là hai người quen nhau. Chàng thường hẹn gặp nàng bên ngoài khu phố Stores mỗi xế chiều rồi sau đó đưa nàng về. Chàng đưa nàng đi xem vở The Bohemian Girl và nàng thấy tự hào vì được ngồi với chàng ở một chỗ riêng biệt trong rạp hát. Chàng say mê âm nhạc kinh khủng và thường hay ngân nga chút đỉnh. Mọi người đều biết họ đang phải lòng nhau, nên khi chàng ca bài hát về một người con gái yêu một anh thủy thủ, nàng luôn cảm thấy đôi chút ngượng ngùng. Để trêu chọc, chàng thường gọi nàng là Poppens. Mới đầu nàng thấy cảm kích vì có một gã đàn ông đeo đuổi mình, và rồi nàng cũng bắt đầu ưa chàng. Chàng kể chuyện về những xứ sở xa xăm. Lúc đầu chàng được cho làm công việc kỳ cọ boong tàu với đồng lương một pound mỗi tháng trên chiếc thuyền của hãng Allen Line trực chỉ đi Canada. Chàng kể cho nàng nghe tên của những con tàu chàng từng đi theo và tên của đủ các thứ công việc khác nhau. Nào là chàng từng giong buồm đi qua mỏm Magellan và cũng không quên kể cho nàng nghe những câu chuyện về giống dân Patagonian kinh khủng. Chàng cho biết chàng từng vượt qua bao nỗi truân chuyên ở Buenos Aires để cuối cùng vẫn đứng vững được, và rằng lần này chàng ghé qua xứ sở của nàng trong một dịp nghỉ lễ. Dĩ nhiên là cha nàng khám phá ra được mối tình của họ và cấm nàng không được hé môi kể cho chàng nghe bất cứ một điều gì.

“Tao biết rành tụi thủy thủ quá mà.”

Một hôm ổng gây lộn với Frank và từ đó nàng phải lén lút hẹn hò với người yêu.

Buổi chiều xuống dày đặc hơn trên con phố. Màu trắng của hai lá thư đặt trên bắp đùi nàng trở nên khó phân biệt. Một lá nàng viết cho Harry; còn cái kia để gửi cho cha nàng. Hồi trước, nàng từng thích Ernest nhất nhưng nàng cũng thích Harry không kém. Nàng để ý thấy cha nàng đang già đi; nếu nàng bỏ đi chắc ổng sẽ nhớ nàng lắm. Thỉnh thoảng ổng tỏ ra thật dễ thương. Trước đây không lâu, có lần khi nàng nằm trên giường nghỉ, ông đọc cho nàng nghe một truyện ma và đứng bên bếp lửa làm thức ăn cho nàng. Một ngày khác khi mẹ nàng còn sống, cả nhà cùng đi chơi ăn uống ngoài trời tại đồi Hill of Howth. Nàng nhớ cha nàng lấy cái nón vải của mẹ nàng đội lên đầu cốt để làm cho đám con nít cười.

Đã gần đến giờ nhưng nàng vẫn tiếp tục ngồi bên cửa sổ, đầu tựa vào tấm màn vải cretonne, ngửi mùi bụi bẩn của nó. Mãi tuốt tận dưới phố, nàng có thể nghe vẳng lại tiếng đàn organ ai đó đang chơi. Nàng không xa lạ gì với điệu nhạc này. Có điều lạ là nó đến ngay vào đêm nay để nhắc nhở nàng lời hứa nàng từng hứa với mẹ. Nàng hứa sẽ làm hết sức mình, thế nào để mọi người mọi sự trong nhà được kết hợp bên nhau càng lâu chừng nào càng hay. Nàng nhớ cái đêm cuối cùng lúc mẹ nàng nằm trên giường bệnh; lúc ấy nàng đang ở trong một căn phòng khác tối om, cửa đóng kín, và từ bên ngoài nàng nghe văng vẳng một điệu nhạc Ý du dương. Người chơi đàn được cho sixpence và bảo hãy xéo đi nơi khác. Nàng nhớ sau đó cha nàng sồng sộc đi trở lại phòng, miệng làu bàu:

“Lũ người Ý chết tiệt!”

Trong khi mơ màng nghĩ đến hình ảnh tội nghiệp của cuộc sống của mẹ, nàng run rẩy khi nghe văng vẳng tiếng mẹ nói đều đều với cả sự quả quyết điên rồ:

“Derevaun Seraun! Derevaun Seraun!”

Nàng bất chợt đứng phắt dậy với nỗi kinh hoàng. Trốn đi! Nàng phải trốn đi ngay! Frank sẽ cứu nàng. Chàng sẽ mang lại cho nàng sự sống, có lẽ cả tình yêu nữa. Nàng muốn sống. Tại sao nàng phải chịu sống khốn khổ mãi? Nàng có quyền hưởng hạnh phúc chứ. Frank sẽ ôm nàng vào lòng. Chàng sẽ cứu nàng.

Nàng đứng lẫn trong đám đông người lố nhố ở trạm chờ bên phía North Wall. Chàng cầm chặt tay nàng và nàng biết mình đang nghe chàng nói, lập đi lập lại về cuộc ra đi. Trạm đầy cả lính tráng với những túi hành trang màu nâu. Qua cánh cửa lớn của trạm, nàng có thể thoáng thấy hình dáng đen xì của chiếc tàu, với những ô cửa chiếu sáng, đang nằm cạnh bên bờ tường của bến cảng. Nàng không nói điều gì. Nàng cảm thấy má mình tái nhợt và lạnh buốt, và lòng mang nỗi lo trăm mối. Nàng cầu xin Thượng Đế dẫn dắt nàng, chỉ cho nàng thấy bổn phận trách nhiệm của nàng nằm nơi đâu. Con tàu hú lên một hồi còi dài nghe não ruột, và xuyên suốt vào bầu trời mờ sương. Nếu chịu đi thì giờ này ngày mai, nàng và Frank chắc đang lênh đênh trên biển, tiến về hướng Buenos Aires. Họ đã đặt vé sẵn từ trước rồi. Dù chàng đã lo cho nàng xong xuôi hết mọi sự nhưng liệu nàng có thể rút lại quyết định của mình được không? Nỗi bồn chồn khiến trong người nàng dấy lên một cơn buồn nôn và môi nàng không ngừng mấp máy cầu nguyện.

Một tiếng còi tàu vang như xoáy đến tận trong tim. Nàng để ý thấy chàng nắm chặt tay nàng và giục:

“Chúng ta đi em!”

Nước từ tất cả đại dương trên thế giới như trút vào tim nàng. Chàng đang kéo nàng vào trong đó: chàng sẽ làm cho nàng chết đuối đi mất. Nàng đưa hai tay níu chặt lấy lan can sắt.

“Đi nào em!”

Không! Không! Không! Không thể được. Đôi tay nàng níu chặt lấy hàng rào sắt trong nỗi điên cuồng, miệng nàng gào lên tiếng kêu thống thiết.

“Eveline! Eveline Em!”

Bất kể mọi chướng ngại, chàng tìm đủ mọi cách thuyết phục nàng cùng đi. Mặc cho nhiều người chung quanh thúc chàng tiếp tục đi tới nhưng chàng vẫn không ngừng gọi tên nàng. Khuôn mặt trắng bệch của nàng dán chặt về phía chàng, hoàn toàn bất động, trông như một con vật đang trong cơn tuyệt vọng. Ánh mắt nàng không gửi đến chàng một dấu hiệu yêu thương nào hay một lời từ biệt hoặc không còn nhận ra cả chính chàng nữa.

Truyện khác của James Joyce đã đăng ở thân tri :

Cõi chết * https://thantrinhomhue.com/2017/11/11/coi-chet-james-joyce/

.

.

Advertisement

Thảo luận

12 bình luận về “Nàng Eveline – James Joyce * Triệu Phong dịch

  1. From: Tống Mai
    Jan 23, 2015

    Một truyện ngắn của James Joyce trong tập The Dubliner hồi còn ban C Mai rất thích. Bây giờ Lộc chọn câu chuyện Eveline để dịch, đúng câu truyện Mai thích. A psychological trap of obligation.

    Derevaun Seraun! Derevaun Seraun!

    Không biết khi dịch Lộc có thắt mắc về hai chữ đó không. Hồi xưa đọc hai chữ đó Mai không hiểu nghĩa của nó, đến bây giờ Mai vẫn chưa tìm ra câu giải. Điều gì trong hai chữ đó đã đưa đến cho Eveline sự chọn lựa cuối cùng. Nó có thể có hai nghĩa: buông tất cả và trốn chạy hay một nghĩa thứ hai là ở lại để tiếp tục cưu mang bổn phận, phải không?

    Thêm nữa, những truyện ngắn của James Joyce thường có khung cửa sổ và nhân vật chính thường ngồi trong đó nhìn ra bầu trời sẩm tối mỗi buổi chiều, truyện nào cũng có những u tối đọc thật buồn. Ireland là một đất nước buồn, con người thường mơ đến một nơi xa sáng sủa hơn, nhưng lại quyết định ở lại chỉ vì khái niệm “nhà” níu kéo.

    Cám ơn Lộc. Mai lôi truyện này ra cho Nhóm đọc nghe
    Mai

    Thích

    Posted by TongMai | Tháng Một 23, 2015, 11:39 chiều
    • From: Bui Xuan Khai
      Jan 24, 2015

      Lộc và T Mai ơi,
      Lộc Hà noái đừng cất công đi tìm nguyên nghĩa của “Derevaun Seraun”_ Người ta đã cất công đi tìm từ . . . đầu thế kỹ 20 đến nay đã quá nhiều và . . . không khẳng định được gì ngoài một điều được nhiều người đồng ý : cụm từ này là tiếng Gaelic bị . . . bóp méo” !

      Nhưng những nhận định, suy diễn vô vàn về cụm từ này từ trước đến nay đều rất hay và phong phú chẳng hạn như của. . . TMai và Lộc trích dẫn !.
      Còn Poppens cũng không có nguyên nghĩa mà hiện giờ chỉ được hiểu như từ goi yêu, như . . . “Cún cưng”, “tô nô”, . . . cưng của anh mà thôi !

      PS : Đây là 1 trong những short stories và tác giả (James Joyce) trong Cours Văn học Anh mà L. Hà dạy trước đây !

      Thích

      Posted by TongMai | Tháng Một 24, 2015, 1:39 chiều
      • From: Tống Mai
        Jan 24, 2015

        Cám ơn anh Khải và Hà.

        Mai nhớ năm ngóai trên xe đi cùng bạn bè về từ chuyến du hành Bạch Mã của Nhóm, Mai có một discussion về những tác giả xưa của tây phướng thật thú vị với Hà. Một tác giả khác viết giản dị nhưng ẩn chứa sâu sắc bên dưới tựa James Joyce là William Saroyan. Hồi xưa, Mai cũng thích William Saroyan với tập truyện ngắn “The Daring Young Man on the Flying Trapeze”, “My Name is Aram”, “The Human Comedy” của ông và Mai có nói với Hà điều này. Không biết đã có ai dịch “The Daring Young Man on the Flying Trapeze” chưa. Saroyan, một James Joyce của Mỹ, nhảy múa với ngôn ngữ rất tài tình.

        Thăm anh và Hà luôn yên khỏe
        Mai

        Đã thích bởi 1 người

        Posted by TongMai | Tháng Một 24, 2015, 1:40 chiều
  2. Tập truyện ngắn “The Daring Young Man on the Flying Trapeze” của William Saroyan đã được Huy Tưởng dịch sang tiếng Việt hồi năm 1973, với tên tựa tiếng Việt là “Chàng Tuổi Trẻ Gan Dạ trên Chiếc Đu Bay.”

    Thích

    Posted by seashelloc | Tháng Một 25, 2015, 2:59 sáng

Trackbacks/Pingbacks

  1. Pingback: 30 bài đọc nhiều nhất trong tháng 9.2019 | thân tri - Tháng Mười 1, 2019

  2. Pingback: 30 bài đọc nhiều nhất trong tháng 10.2019 | thân tri - Tháng Mười Một 1, 2019

  3. Pingback: 30 bài đọc nhiều nhất trong tháng 11.2019 | thân tri - Tháng Mười Hai 1, 2019

  4. Pingback: 100 bài đọc nhiều nhất năm 2019 | thân tri - Tháng Một 1, 2020

  5. Pingback: 30 bài đọc nhiều nhất trong tháng 3.2020 | thân tri - Tháng Tư 1, 2020

  6. Pingback: 30 bài đọc nhiều nhất trong tháng 4.2020 | thân tri - Tháng Năm 1, 2020

  7. Pingback: 30 bài đọc nhiều nhất trong tháng 7.2020 | thân tri - Tháng Tám 1, 2020

  8. Pingback: 30 bài đọc nhiều nhất trong tháng 8.2021 | thân tri - Tháng Chín 1, 2021

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: