//
you're reading...
Bút ký, Colnav Nguyen, Du Lịch, Photography

Năm ngày trên đất Nhật (4) KYOTO – Đền Thần Đạo Fushimi Inari Taisha

(Tiếp theo kỳ 3)

12:55 pm. Sau buổi lẩu trưa của ngày thứ hai của chuyến du lịch, chúng tôi đi viếng đền Thần đạo (shinto) Fushimi Inari, cách khoảng 13 km về hướng nam Kyoto.
1:04 pm. Hai cô tuổi teen mặc kimono đang đứng chờ xe buýt bên đường. Tôi đoán họ mới là dân bản địa chính gốc. Hồi nãy ở chỗ bán trà, những người mặc kimono đó, đi cả đoàn, nói tiếng Hoa, chụp hình cho nhau túi xụi, không là du khách mới là lạ. Hên đi Nhật vào dịp Tết mới có dịp tận mắt thấy được dân Nhật đủ mọi lứa tuổi mặc đồ truyền thống đi lễ đền hoặc chùa. Ngày xưa các cô tay cầm quạt thì nay cầm cellphone. Tấm biển đen chữ trắng phía trước họ ghi : “Cầu Kanjinbashi” là chỗ khách đang đứng chờ xe buýt, và hình một mũi tên chỉ đi về hướng “Thị trấn Shimogawara”.
1:20 pm. Xe đậu ở một nơi gần địa điểm đền, rồi từ đó mọi người bắt đầu đi bộ một quảng dài mới đến nơi. Đoàn chúng tôi vừa băng qua đường rầy thì vừa lúc cổng chắn hạ xuống và xe lửa chạy qua. Nói rõ hơn là có hai, ba người gì đó sợ đứt đuôi đã chạy tuôn qua cho kịp trong khi đèn đang chớp, còi báo đang kêu và cổng đang hạ từ từ. Vụ này làm trưởng đoàn la ơi ới. Một kỷ niệm vui!
Tiếp tục đi bộ xuyên qua một con phố hẹp, hai bên bán thức ăn và đồ lưu niệm. Lối đi dành cho bộ hành quá hẹp khiến nhiều người vẫn đi tràn ra khỏi vạch trắng, chỉ đến khi gặp xe lên xuống hai chiều đang né nhau thì người ta mới chịu tấp vô. Ở đâu cũng vậy thôi.
Một miếu nhỏ của nhà Phật nằm khiêm tốn ở bên đường đến giờ tôi vẫn chưa hiểu vì sao tôi chụp tấm này. Nay xem lại mới chú ý tấm màn che có hình chữ vạn và có luôn ở dưới chân bệ, hai bình hoa và trên hộp đá bên phải. Tấm màn bên trái có hàng chữ “Gia đình an toàn,” và tấm bên phải ghi : “Thị trấn an toàn.” Hộp gỗ nằm giữa ngay đằng trước ghi : “Cúng dường”. Điều lạ, từ chỗ này đến trước cổng chính dẫn vào đền shinto chỉ có 4 phút đi bộ, vì sao nó lại xuất hiện lẻ loi nơi đây để quyên tiền cho chùa. Đền thần đạo Fushimi Inari tiếng tăm lẫy lừng, du khách viếng thăm nườm nượp, mấy ai đi ngang cái miếu nhỏ này để mắt đến nó? Người ta đến đây để viếng ngôi đền quan trọng nhất của Thần đạo Nhật bản, dưới nó có đến khoảng 30 ngàn đền Inari khác nhỏ hơn rải rác trên khắp xứ anh đào. Nếu ngôi miếu của nhà Phật nằm ở bên vùng Kim Các Tự thì thắc mắc làm gì, làm kinh tế kiểu này lỗ chết.
Một đôi nam nữ trong bộ kimono cùng nhìn về phía trước, người nam đưa tay làm một động tác gì đó. Họ thề thốt gì chăng, điệu bộ coi trang nghiêm lắm? Ai xem hình này cũng sẽ nghĩ như vậy ngay. Nhưng không, họ đang tán thưởng một người hát rong, mà tôi cố tình loại khỏi hình bằng cách chụp từ phía sau hai người này. Cái mà tôi muốn chụp ở đây chính là những bộ kimono, càng ít thứ khác xen vào càng tốt.

ĐỀN THẦN ĐẠO FUSHIMI INARI TAISHA

1:33 pm. Đại môn chính (torii) dẫn vào đền.

Đã du lịch đến Nhật thì Fushimi Inari là một trong những thắng tích không thể bỏ sót. Ngôi đền thần đạo này là nơi thờ và cũng là nơi cư ngụ của các thần kami gồm năm vị. Người ta đến viếng đền để tỏ sự tôn kính, đồng thời cầu xin các vị ban cho họ được may mắn. Đền Thần đạo có mặt hầu như ở khắp nơi trên nước Nhật, tại trung tâm thành phố, trên các núi đồi, hoặc trong rừng, vì đền shinto là phần thiết yếu của Thần đạo Nhật Bản. Người ta xây đền ngay trong khuôn viên công ty, trên nóc nhà, và đôi khi ngay trên đất tư gia.

Trước đại môn thứ nhì. Bắt đầu từ đây trở vào đi đâu cũng thấy du khách. Dịp Tết còn đông hơn ngày thường vì thu hút thêm khách nội địa đến để cầu xin.
Cả đoàn chụp hình lưu niệm bằng cellphone của cô Diệu Lan trưởng đoàn, người đứng góc bên phải.
Cổng chính romon cao hai tầng.

Đền Fushimi Inari Taisha được xây để thờ thần kami về lúa gạo, sinh sản và kinh doanh, vị thần mang lại thu hoạch lúa tốt, kinh doanh phát đạt, phụ nữ được chồng và sinh con. Thần đạo gọi thần lúa gạo là Inari. Fushimi Inari Taisha cũng từng là ngôi đền của Triều đình mà các hoàng đế thời xưa thường đến đây dâng cúng.

Cáo (kitsune) đươc cho là sứ giả linh thiêng của thần Inari. Tượng cáo bằng đá có thể thấy hiện diện khắp trong khu đền. Con trong hình đang ngậm chìa khóa mở kho lúa gạo.
Tượng nhà quí tộc Hatanoigoru ngồi với bộ cung tên. Truyền thuyết kể rằng ngày xưa có nhà quí tộc tên Hatanoigoru một hôm tập bắn cung dùng bánh gạo hay mochi để bắn. Khi bắn ra mochi biến thành con thiên nga bay đi và đáp xuống trên đỉnh núi, nơi nó biến thành cây lúa và mọc lan thành ruộng. Nhà quí tộc tin đây là thông điệp của thần linh nên cho xây ngôi đền trên núi để thờ thần nông Inari. Người ta cho rằng cái tên Inari có từ câu chuyện kể trên vì từ gạo tiếng Nhật gọi là “ina” và động từ trồng là “naru,” kết hợp cả hai thành chữ Inari.
Xây từ năm 711 trước khi Kyoto trở thành kinh đô nước Nhật nên đền trở thành một trong những di tích cổ nhất nước và cũng là nơi quan trọng nhất.
Một cổng torii nhỏ dẫn vào khu vực cầu xin, cạnh cổng có cột đá trên đó khắc chữ Đền Tohoku, và tấm bảng trắng chữ đen dựa vào chân cổng viết : “Cải thiện việc học của bạn và chấp nhận những lời cầu nguyện để vượt qua các kỳ thi. Văn phòng đền Hirashimaru.” Như vậy ai học kém vào đây xin cho được sáng dạ hơn, sắp thi cử vào đây xin được đậu. Văn minh như Nhật mà cũng dị đoan ra phết!
Người có điều cầu xin ghi lên tấm thẻ ema mua với giá 500 yen, vốn rất phổ thông trên khắp nước Nhật, rồi treo chồng lên các thẻ khác ở đền nơi các thần kami có thể tiếp nhận lời cầu xin. Về mặt kinh tế, đền tha hồ thu tiền.
Hoặc viết lên giấy lời cầu xin rồi đem đốt tại đây.
Haiden, tòa nhà linh thiêng nhất trong khu đền, nơi khách hành hương có thể mua thẻ gỗ ema để viết xuống điều cầu ước, xin xăm, ..
Tượng cáo khác ở bậc thềm dẫn lên tòa nhà bán mọi thứ liên quan đến dịch vụ cầu xin, đuôi và miệng nó ngậm cái dải dát vàng, cột dựng bên cạnh có bảng ghi : “Lễ hội Tencho, 10 giờ sáng ngày 23 tháng 2.”
Hôm nay vẫn còn mồng 4 Tết nên dân bản xứ lũ lượt đến đền để viếng buổi đầu năm (hatsu-mōde) và cầu xin cho lúa được mùa, cho ăn nên làm ra, cho gia đạo an vui, …
Qua khỏi khu vực dịch vụ xin xăm, mua thẻ xăm.. du khách tấp nập xuống lên qua một cổng torii lớn khác, đi lên nhiều bậc cấp hơn lần trước. Và cạnh bên không thể thiếu tượng một con cáo. Từ đây trở đi, chỉ có đi lên và lên mà thôi, muốn xem thì phải kiên trì.
Các tượng cáo thấy khắp nơi trong khu đền mang đủ hình dáng và kích thước khác nhau, nhiều con ngậm, hay đè trên chân một vật biểu tượng, vật đó hoặc là chìa khóa mở kho thóc, hoặc hòn đá tượng trưng cho linh hồn của thần linh.
Jap Teens & Kimono. Các em vừa mới cầu xin xong, đang trên đường về. Không biết các em cầu điều gì cho năm mới ?
Kimono & cellphones. Em gái đứng bên trái của nhóm, tay phải cầm mặt nạ cáo, tay cầm phone, đang “tự sướng,” không quan tâm đến ba người kia. Mặt nạ cáo là vật lưu niệm thịnh hành vào các dịp lễ, làm bằng tay bằng bánh tráng washi kiểu Nhật, vốn thịnh hành cả trăm năm, không chỉ để mang mà còn để trang trí trong nhà.
Du khách từ phía dưới cổng torii đang đổ túa lên.
Tôi quành xuống để chụp lúc họ đi lên.
Một cặp nam nữ cúi gập mình trước tượng một con bạch mã sau khi khấn nguyện xong.
1:48 pm. Đến một đại môn trên có biển sơn son thếp vàng dựng theo chiều dọc, ghi Ogami Okami, trên cột bên trái biển viết chữ “Vận chuyển” và cột bên phải ghi là “Dịch vụ”. Vậy nghĩa là gì? Không lẽ Google của phone tôi dịch sai. Đây là chốn linh thiêng nhất của người Nhật, những từ có tính cách thương mại như vậy sao lại có thể hiện diện ở đây được. Đền Thần đạo và chùa Phật giáo khác nhau ở chi tiết này.
Cổng Senbodorii (Torii Gates). Đây là điểm khởi đầu của lối đi dẫn lên đỉnh núi Mt. Inari cao 233 m, một đường hầm quanh co tạo bởi 10 ngàn cổng torii màu vàng cam rực rỡ xếp liền nhau. Đây trở thành hình ảnh biểu tượng của Kyoto.
Vì tính chất linh thiêng đối với sự thịnh phát của công việc làm ăn. Các công ty và cá nhân từ khắp nước Nhật hiến tặng cổng torii cho các đền Thần đạo, trên đó có ghi khắc xuất xứ, tên của họ. Có khi sau khi cầu xin trở nên phát đạt, công ty trở lại đền, dâng tặng thêm torii để tạ ơn. Truyền thống này được tiếp nối qua nhiều thế kỷ, và kết quả là đền tích tụ được vô số cổng torii, khiến được gắn cho tên senbondorii tức một ngàn cột. Mặt sau mỗi cột có ghi tên của kẻ hiến tặng và ngày tháng tặng. Tùy theo kích thước mỗi torii tốn hết từ 4 ngàn đến 12 ngàn đô Mỹ. Việc đi hết các đường hầm torii trên khắp ngọn núi sẽ mất khá nhiều giờ leo bộ.
Mặc dù đền này còn được gọi là đền nghìn cột nhưng người ta tin rằng tổng cộng có thể đến 10 ngàn cổng torii trên khắp quả núi. Một số torii ở đây có từ thời đại Edo (1603-1867).
Cột đầu bên dãy trái có hàng chữ “Thực tập lái xe Osaka Miyako,” cột đầu bên phải ghi “Takeyuki Tháng 11 năm 2020” và cột kế tiếp ghi “Ngày tốt tháng 5 năm 2018.” Như vậy cột trái ghi tên công ty hoặc cá nhân và cột phải ghi ngày tháng.
Ở khoảng lưng chừng có chỗ bán bùa, thẻ xăm ..
Một địa điểm cầu xin khác, nơi bùa là những cột torii nhỏ, ghi lên đó điều ước muốn rồi dựng trên các bậc cấp làm bằng những khối đá tròn nhỏ.
Càng lên cao người càng thưa.
Fushimi Inari là một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất nước Nhật, và đối với ai đã từng xem phim “Memoirs of a Geisha,” đây là địa điểm trong danh sách những nơi bạn phải viếng khi đến Nhật.
Đi lên đến đỉnh núi cao hơn 230 m khách phải leo 12 ngàn bậc cấp, thời gian đi bộ trọn đường vòng dài 2,8 dặm tức 4,5 km, mất từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng rưỡi. Bạn có thể rẽ khỏi đường chính nhưng coi chừng có thể bị lạc, để ý bản chỉ dẫn. Không nhất thiết bạn phải leo hết các bậc, dọc đường luôn có chỗ nghỉ chân và đi quành trở xuống theo lối khác.
Đến đây thì chỉ còn mình tôi có lẽ do tôi đã rẽ khỏi lối đi chính sau khi ngồi nghỉ chân.
và .. tôi đã lạc thật sự do không có bản đồ, và do mải mê chụp hình.
Một nghĩa địa Thần đạo với các cổng torii lố nhố khắp nơi.
2:50 pm. Giã từ đền Fushimi Inari, giã từ luôn cố đô Kyoto, chúng tôi đi sang thành phố Nagoya để ăn tối và lấy khách sạn.
Từ Kyoto đến Nagoya khoảng cách gần 130 km, tức hơn 80 dặm về hướng đông, thời gian đi mất chừng 2 tiếng.
3:00 pm. Tại một ngã tư một cô gái đứng cầm bảng quảng cáo, cạnh cô một người cao niên tình nguyện đứng hướng dẫn bộ hành qua đường. Người già làm công việc nầy thì nhan nhản khắp nơi, do nước Nhật đang gặp cơn khủng hoảng dân số già cao kỷ lục.
Một bãi đậu xe trả tiền tí hon, giá cho nguyên ngày hoặc theo giờ. Hình ảnh này cũng khá quen thuộc trong suốt chuyến đi. Tôi đoán có thể gần các trạm tàu điện ngầm, người ta lái xe đến những chỗ tương tự gửi xe để đi làm.
4:30 pm. Một cảnh vùng quê.
4:50 pm. Học trò tan trường đi dọc theo lề đường về nhà một cách yên bình.
4:58 pm. Sau khi đến Nagoya, đoàn đứng trước quán tofu thịt bò all u can eat, đang chờ họ mời vào. Ai cũng phải đứng nép sát một phía, chừa đường cho xe đạp và bộ hành.
6:34 pm. Lại gặp thêm một tiệm 7-Eleven nằm trên một đường lớn khi xe chúng tôi đang chạy đến khách sạn.
Lối vào để đi xuống tàu điện ngầm, mặt tiền bề ngang còn bé hơn mấy hàng quán nằm chung quanh nên nếu không quen, khi đi tìm rất dễ bị bỏ sót.
7:58 pm. Nagoya by night. Trăng thượng tuần đang lặn ở cuối trời.
8:27 pm. Trước tháp truyền hình Mirai Tower cao 180 m. Tháp làm toàn bằng thép vào năm 1954, trước cả Tháp Tokyo (1958), và Sapporo TV Tower (1957).
Chưa đến 9 giờ tối mà một nơi như thế này lại vắng hoe. Thử tưởng tượng đây là VN thì sẽ thế nào, đông phải biết.
8:38 pm. Hồ nước cạn xây theo hình quả trám trên tầng thượng một khu mua sắm giải trí.
Quảng cáo phim trường Universal Studios Japan và trò chơi điện tử Super Nintendo bên hông một xe buýt chạy qua ngã tư gần khách sạn.

Vậy là chấm dứt ngày thứ hai của chuyến đi tours nước Nhật. Mời các bạn cùng du lịch Lễ hội hoa anh đào Kawazuzakura Matsuri ở thành phố Kawazu, trên bán đảo Izu Peninsula, trong bài bút ký du lịch tiếp theo kỳ sau.

Thảo luận

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện