//
you're reading...
góp nhặt cát đá, Trinh Thám, Truyện Dịch

chuyện ma – Guillaume Musso

 

 

1

Một trong những tiểu thuyết ăn khách, bản tiếng Pháp, của Guillaume Musso. (Facebook của tác giả)

 

 

Trần Thị NgH

Dịch từ nguyên tác tiếng Pháp

FANTÔME của Guillaume Musso

 

Guillaume Musso, tiểu thuyết gia người Pháp, sinh năm 1974 tại Antibes – Pháp, tốt nghiệp Kinh Tế Học, hiện là nhà giáo, tác giả của hàng tá tác phẩm được dịch sang 34 thứ tiếng, với 11 triệu bản bán ra trên khắp thế giới. Từ 2008, Musso là một trong ba tác giả có sách bán chạy nhất nước Pháp, chỉ đứng sau Stephenie Meyer. Riêng ở Việt Nam, đã có hơn 10 đầu sách của Guillaume Musso được dịch ra tiếng Việt.

Sau một tai nạn giao thông Guillaume Musso đặc biệt quan tâm đến trải nghiệm cận kề cái chết và chọn đó làm chủ đề cho quyển tiểu thuyết Et Après/Afterwards/Rồi Sau Đó (2004) chuyện kể về một người đàn ông tìm lại sự sống sau khi đã chạm vào cõi vĩnh hằng. Et Après được chuyển thành phim (2009) do Gilles Bourdos đạo diễn với diễn xuất của Romain Duris, John Malkovich và Evangeline Lilly.

Fantôme nằm trong tuyển tập truyện ngắn 13 à table! do Pocket xuất bản năm 2014.

 

2

 

************

 

1.

Lennox
Các khu vực thuộc Seattle
Thứ bảy 13 tháng 12

Tôi tên Constance Lagrange, 37 tuổi. Cách đây 5 tháng vào đúng sinh nhật của mình tôi nhận được 3 tin, hai tin tốt và một tin xấu.

Tin tốt trước đã. Vừa đến sở Cảnh sát, sáng ngày 25 tháng 7, xếp tôi, sĩ quan chỉ huy Sorbier, thông báo tôi được thăng cấp đại úy cảnh sát trong đội truy nã tội phạm quốc gia.

Vào buổi trưa tôi nhận được một cú điện thoại từ nhân viên ngân hàng cho biết đơn xin vay tiền của tôi đã được chấp thuận, điều này cho phép tôi thực hiện ước mơ sở hữu một căn nhà nhỏ thuộc khu Mouzaia, Paris. Tôi nhớ rõ cái ngày may mắn đó của mình và cứ lâng lâng bay bổng cho đến hết buổi chiều. Cho đến khi bác sĩ gia đình thông báo kết quả cắt lớp sinh thiết hồi tuần trước cho thấy tôi có một khối u trong não.

Gió thổi làm rung rinh cửa kính phòng. Tôi tự hỏi mình đang làm cái quái gì ở đây, đơn thân độc mã, cách nhà 8.000 cây số, trong một bệnh viện Mỹ có tuổi đời bằng ông Bành Tổ, vây quanh là rừng rậm ngột ngạt. Trong một phút yếu lòng, tôi đã bị hai người bạn vốn là dân New York thuyết phục, khuyên tôi nên đến tư vấn một bác sĩ chuyên khoa ung thư danh tiếng đang làm việc trong bệnh viện này.

Cứ như thể làm theo lời họ thì thay đổi được cục diện…

Tôi bị một khối u thần kinh cấp IV. Thứ tồi tệ nhất trong các loại ung bướu. Hung hãn, thâm nhập, không thể giải phẫu.

Hồi tháng tám, người ta cho tôi 4 tháng hi vọng. Giờ đang giữa tháng 12, tôi đã lố qua được vài tuần. Không có quyền ca cẩm chi nữa.

Đến nơi từ tối hôm qua. Chuyến bay làm mệt đuối. Tôi khó nhọc lết đến cửa sổ và đẩy khung trượt để hít thở một tí không khí mát mẻ. Từ nơi này, tầng thứ tư, tôi gần như có thể nhìn rõ cấu trúc toàn thể của tòa nhà: đồ sộ kiểu gô-tích bằng gạch nung đỏ, sừng sững những mái nhà hình mũi tên nhọn. Theo tài liệu thông tin, bệnh viện được xây năm 1870. Vây quanh là những bãi cỏ mênh mông, trông giống một khách sạn cũ với hai cánh ốp hai bên khu trung tâm hành chính.

Tôi nhắm mắt lại. Tôi sợ. Tôi không muốn chết.

– Bữa ăn trưa của cô đây, cô nương!

Cô y tá có giọng nói thân thiện. Một phụ nữ tròn trịa, mặt mày vui vẻ, hông to bành, chỉ cao bằng 3 trái táo chồng lên – trông hệt búp-bê Nga.

– Tôi là Molly Battagliola, y tá trực, cô ta vừa tự giới thiệu vừa nâng hai cánh tay phốp pháp lên, bê đặt trước mặt tôi một mâm thức ăn.

– Constance Lagrange.

– Bon appétit! Chúc ngon miệng, cô ta văng cho tôi mấy từ tiếng Pháp. Chút xíu nữa tôi trở lại.

Tôi nhìn bữa ăn của mình một cách tởm lợm: một khứa cá lềnh bềnh trong nước dùng, một mớ rau khó định danh ngập trong dầu trộn màu xam xám, vài cái bánh xốp mềm nhũn, một miếng phó-mát trắng có dính trên đó một sợi lông đen.

Đành vậy thôi, đâu có phải Alain Passard đứng bếp đâu…

Tôi lại nhắm mắt nữa, thấy hụt cả hơi. Tôi nghĩ đến cái bướu đang ăn tươi nuốt sống não của mình, nghĩ đến vùng tăng sinh vi khuẩn đang xâm lược phần bên trái của não thùy. Cái chết đang lảng vảng đến gần, còn tôi thì không có chọn lựa nào khác.

– Đừng có rớ tới mấy thứ đó, cô gái tội nghiệp kia ơi. Coi chừng bị ngộ độc đó!

Tôi quay đầu về phía giọng nói đang hướng vào tôi. Nó phát ra từ một thanh niên miệng cười tươi tắn, mặc áo choàng trắng hở nút cho thấy chiếc áo thun hiệu Pearl Jam bên trong. Anh ta mang giày thể thao hiệu Nike Air đã mòn cũ và một cái quần jean bạc màu lủng lỗ, giống thứ tôi đã nhố nhăng mặc thời trung học.

– Bác sĩ Montgomery, vừa tự giới thiệu anh ta vừa nhìn mớ thuốc chất đống hằng hà sa số trong cái tủ cạnh giường.

Tôi quan sát cận cảnh. Những đường nét thanh tú đến khó tin, đôi mắt màu xanh ve chai sáng quắc, râu quai hàm lún phún và mái tóc cắt theo kiểu Kurt Cobain.

– Bác sĩ gì trẻ vậy?

– Tôi 28 tuổi! Cùng tuổi với cô, đúng không?

Tôi lắc đầu.

– Thôi đi, giỡn hoài…

– Tôi không phải người chăm sóc cô, bác sĩ Goodrich phụ trách ca này, nhưng mãi đến thứ hai ông ta mới có mặt.

– Thì tôi cũng lấy làm đau khổ biết vậy.

– Trong khi chờ đợi, liệu tôi có thể giúp được gì…

– Anh làm cho tôi một miếng sườn bò tái với khoai tây nghiền được không?

– Nếu cô muốn, nhưng nó sẽ không ngon hơn so với căng-tin bệnh viện đâu.

Anh ta nhìn đồng hồ treo tường, do dự một lát rồi nói:

– Vụ sườn bò thì hơi phức tạp, nhưng tôi có thể mang về cho cô bánh mì kẹp thịt băm. Cũng là giờ nghỉ giải lao của tôi, vả lại có một quán thức ăn nhanh chỉ cách đây chưa đầy 15 phút. Nếu cô thấy hấp dẫn…

– Còn hơn là ba cái thứ gớm ghiếc này, vừa nói tôi vừa đẩy chiếc bàn có bánh xe ra xa. Xin lấy cho tôi một Big Mac kẹp phó-mát.

– Được thôi!

– Thêm một lon Coca dành cho người ăn kiêng. Với một phần khoai tây chiên khủng. Với một hộp thịt gà chiên nữa!!!

– Rồi. Xong ngay.

Mặt anh ta rạng rỡ, cười khoe cả răng. Tay này làm tôi vui ghê. Lần đầu tiên kể từ khi nhận tin báo cho biết mình mắc bệnh, tôi mới tìm lại được người đàn bà trong tôi.

– Tôi sẽ mang các thứ về cho cô trong nửa tiếng nữa, anh ta hứa hẹn. Mình sẽ ăn trưa chung.

Khi anh ta đã rời phòng, tôi chạy rượt theo ngoài hành lang:

– Á, đừng quên sốt cà chua nhe!

Với vài sải chân, tôi quay trở lại giường nằm thuỗn ra. Bề nào cũng tiêu đời, nhưng tôi chợt cảm thấy vui như một con chim sẻ. Tôi muốn làm vừa lòng anh chàng này. Muốn sống. Sống thêm một tẹo nữa.

Tôi ngoác mồm ra ngáp, khép mắt vài giây và thả người cho liu riu trong khi chờ đợi người bạn mới đi săn về.

2.

Tôi choàng dậy từ giấc ngủ chập chờn. Căn phòng chìm trong bóng tối. Trời đang lạnh giá. Ai đó đã tắt hết đèn, và mưa trộn với tuyết đang bám càng lúc càng dầy trên cửa kính. Tôi ngồi dậy, nhìn đồng hồ treo tường. Đã quá 2 giờ chiều. Mình vừa đánh một giấc 2 tiếng đồng hồ!!!

Chết thật….

Tôi nhấn chuông gọi cô y tá trực.

– Công nương ngủ trưa dậy rồi à? Molly Battagliola vừa hỏi vừa bật lại các ngọn đèn quỳnh quang.

Tấm thân tròn trịa di chuyển tới lui quanh giường. Cô ta giúp tôi dựng mấy cái gối lên và rầy rà như mắng trẻ:

– Công nương không thèm rớ tới cái mâm. Làm sao mà lấy lại sức được nếu cứ…

– Cô thấy bác sĩ Montgomery có ghé qua chỗ tôi không?

– Bác sĩ Montgomery?

Ngớ người ra đến vài giây cô ta mới nói:

– Không có bác sĩ Montgomery nào trong bệnh viện này cả, cô em xinh đẹp ơi. Có bác sĩ Blackwell trực hôm nay thôi. Ông ta có ghé qua thăm bệnh, nhưng cô nương đang ngủ.

Tôi ngoan cố:

– Tôi đang nói với cô về một anh chàng điển trai mặc quần jean, áo thun và mang giày thể thao. Một bộ râu 3 ngày chưa cạo, với đôi mắt xanh làm rụng rời…

Cô y tá sững người. Đến lớp mỡ trên mặt cũng trở nên bất động. Một tia hốt hoảng lóe lên trong mắt.

– Cô nương đang nói về… về Damian…

– Damian nào?

Cô ta nuốt nước miếng:

– Damian Montgomery. Một bác sĩ trẻ đã từng làm việc ở đây, nhưng anh ta…anh ta chết rồi.

– Chết rồi? Khi nào?

– Hơn hai mươi năm trước!

– Thôi đi Molly, cô giỡn hoài! Tôi vừa gặp anh ta đây, mới 2 tiếng trước.

Thất kinh, cô ta giơ hai cánh tay lên trời:

– Công chúa mất trí rồi. Để tôi đi gọi bác sĩ Blackwell và…

– Cô không phải gọi ai cả! Thay vì thế, chuyển giùm tôi cái máy tính. Đàng kia kìa, trong túi xách đó.

Cô ta thở dài nhưng ngoan ngoãn đưa cho tôi máy tính. Tôi mở máy và nối kết với hệ thống wifi của bệnh viện. Tôi cũng tiếp tục đặt câu hỏi với cô y tá về ngày tháng của sự việc, tên của nhật báo địa phương…Tay tôi chạy băng băng trên phím, cuối cùng với vài cái nhấp chuột một bản tin hiện ra trên màn hình:

Một bác sĩ của Bệnh Viện Quốc Gia qua đời vì sử dụng ma túy quá liều.

(Thời báo Lennox – thứ ba 18 tháng năm 1993)

 

Damian Montgomery, bác sĩ trẻ chuyên khoa ung thư của bệnh viện Quốc Gia Lennox, sáng hôm qua được phát hiện đã chết tại tư gia với một ống tiêm trên cánh tay.

Qua nhận xét sơ bộ, đương sự đã về nhà đêm hôm trước. Chắc chắn đã sử dụng quá liều thức uống có chất cồn và ma túy. Cảnh sát lục soát căn hộ tìm thấy một số lượng lớn dược liệu có thể đã bị lấy cắp từ nơi làm việc.

Tại bệnh viện Lennox, mọi người đều sửng sốt. “Đồng nghiệp của chúng tôi luôn gương mẫu trong công việc”, Mark Hoggart, giám đốc bệnh viện phát biểu. […]

Tôi đưa mắt từ bài viết sang bức ảnh minh họa mẩu tin. Không còn nghi ngờ gì nữa. Chính anh chàng: cũng cái nhìn mãnh liệt, cũng những nét thanh tú, cũng nụ cười rạng rỡ.

Tôi cảm thấy nghẹn ở cổ họng, bụng cồn cào, tim đập thình thịch.

Quỷ thần ơi, chuyện gì vậy? Tôi đâu có nằm mơ!

Tôi dụi mắt. Bệnh đã bắt đầu bằng các đợt nôn mửa, những cơn đau đầu dữ dội, mất tập trung, chóng mặt, quên trước quên sau, nhưng chưa bao giờ mê sảng. Chưa bao giờ tôi bị hoang tưởng.

Tôi lau mồ hôi lấm tấm trên trán, rồi phóc một cái nhảy ra khỏi giường, cởi áo bệnh viện và khoác vào bộ “đồng phục” cớm: quần jean cũ sờn, áo thun, áo khoác da lưu niên, giày cao cổ. Cô y tá cố can ngăn không cho tôi manh động.

– Đừng vô lý thế, công chúa, cô nương không thể…

– Đây là bệnh viện, có phải nhà tù đâu! Tôi vừa ném trả vừa rời phòng.

3.

Tôi theo cầu thang lát đá cẩm thạch men xuống tầng trệt. Cởi bỏ được cái áo bệnh viện, tôi cảm thấy khá hơn. Lại được tự do, lại sinh động, lại tích cực. Giữa hai tầng lầu, tôi dừng lại chỗ lõm trong tường nơi có máng một bình chữa cháy cỡ lớn. Ghim trên tường là bảng hướng dẫn sơ tán bệnh viện trong trường hợp hỏa hoạn và một sơ đồ chi tiết về tòa nhà. Tôi lột toẹt tờ giấy nhựa, cho vào túi.

Tôi lang thang trong khu hành chính. Cảm tưởng như đang ở Pháp: có vẻ như cuối tuần phần lớn các bộ phận đều đóng cửa. Tôi đẩy cửa văn phòng giám đốc nhưng rồi đổi ý.

Gây chú ý mà chi, chỉ tổ làm cho người ta coi mình như một con điên…

Tôi bước ra công viên, cài kín dây kéo áo khoác, Vài bông tuyết bay vòng vèo trong gió. Không có ai xung quanh ngoại trừ hai ông làm vườn đang đốt một đống lá khô đàng xa. Họ vẫn để chìa khóa cắm vào ổ chiếc xe van đậu ở lối ra vào. Tôi lẻn tới, mở hé cửa hông. Chiếc xe chở đầy dụng cụ làm vườn. Tôi nhón lấy một cái xẻng bằng thép cán dài có cạnh vuông.

Sẽ đắc dụng khi cần.

Tôi nhẹ nhàng đóng cửa xe lại. Để hỗ trợ cho kế hoạch, tôi đánh một vòng tòa nhà, dò theo tấm sơ đồ mò đến tận cánh tây nơi có phòng lưu trữ hồ sơ bệnh lý. Có một cửa sổ thấp hơn những cái khác. Tôi cài lưỡi xẻng nhọn và sắc vào giữa hai cánh cửa, nạy thật mạnh cho đến khi nó bật ra đoạn chui tọt vào trong.

Đó là một gian mênh mông trông giống một thư viện cũ sì đã nhiều năm không ai đặt chân đến. Hàng trăm tài liệu bám bụi chất đống trên những dãy kệ bằng kim loại. Tôi dùng đèn pin từ điện thoại di động len lỏi trong mê đạo chen chúc những kệ là kệ và cố tìm hiểu hệ thống sắp xếp hồ sơ. Phải mất 10 phút mới có thể chạm tay đến hồ sơ liên quan đến Damian Montgomery. Tôi mở ra, lật lật, lướt mắt nhanh qua các tài liệu khác nhau ghi lại quá trình bản thân tay bác sĩ trẻ tuổi: Đại học y khoa Washington, thường trú Seattle, thực tập trong các bệnh viện ở Portland và Vancouver… Ở mỗi giai đoạn đều có thư giới thiệu, đúng ra là thư khen ngợi, biểu dương “tinh thần xốc vác” của chàng tuổi trẻ, “tận tụy với bệnh nhân”, “bén nhậy trong chẩn đoán”. Damian đã làm việc 2 năm ở bệnh viện Lennox, khoa ung thư. Vẫn những đánh giá tích cực: “bác sĩ xuất sắc”, “có năng lực”, “có trực giác tốt”…

Trên một phiếu hành chính bằng giấy bìa cứng, các thành viên trong bệnh viện đuợc yêu cầu ghi tên người thân để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Damian đã ghi số điện thoại và địa chỉ của cha mẹ cũng như của một cô nào đó tên Esther Kovacs.

Bạn gái?

Tôi gấp cái phiếu lại, đút vào túi. Tờ giấy sau cùng là đơn xin nghỉ phép, ghi tháng tư 1993 với xác nhận của giám đốc bệnh viện cho phép Damian Montgomery nghỉ 2 tuần tính từ 17 đến 31 tháng 5. Kể từ Giáng sinh năm ngoái anh chàng chưa xin nghỉ phép ngày nào.

Tôi đóng tập hồ sơ trên bìa có ảnh Damian: vẫn khuôn mặt khôi ngô thân thiện, vẫn đôi mắt tinh nghịch.

Kết tay này quá chừng.

Cảnh sát như tôi thì đến đây coi như không cần gì thêm để bắt đầu cuộc điều tra. Tôi nhớ bài báo có đề cập đến ngày đương sự qua đời: ma túy quá liều, tối chủ nhật 16 tháng 5. Đúng 2 tuần trước kỳ nghỉ. Tôi cố gắng tái dựng chuỗi dữ kiện: kiệt sức do áp lực công việc, buông thả, khoái chí trước viễn cảnh rốt cuộc được nghỉ phép; để ăn mừng, bèn làm một chầu nhậu nhẹt hút chích. Tôi đã làm việc 4 năm ở Stups, gặp nhiều ca lạm dụng ma túy, biết rõ tác dụng chết người của nó: nghẹt đường hô hấp, hôn mê, tắc thở toàn diện. Damian hẳn đã cai nghiện được một thời gian. Trong trường hợp tái nghiện, thậm chí một liều lượng nhỏ cũng có thể dẫn đến tử vong.

Tôi đặt tập hồ sơ lại chỗ cũ và tiếp tục đi lang thang qua các lối quanh co giữa những dãy kệ có dán nhãn: năm 1995, 1994, 1993…

Tôi dừng lại trước một ngăn kệ.

Cái này đâu có làm cho mình trẻ lại đâu ta…

Vào năm 1993 tôi 19 tuổi, học năm đầu tiên khoa luật ở Nice. Ký ức về cái năm ấy được hồi sinh. Giải Nobel hòa bình trao cho Mandela, Bill Clinton nhậm chức tổng thống, cái bắt tay lịch sử giữa Arafat và Rabin, bản gốc quyển tiểu thuyết Buổi Chiều Xanh Biếc của William Boyd mà Sébastien đã tặng làm quà, phim Bài Học Dương CầmUnplugged của ban nhạc Nirvana, ca khúc Everybody hurts của R.E.M mà tôi thưởng thức qua tai nghe của cái Discman.

Đã 20 năm, tưởng chừng như mới hôm qua.

Tôi chớp mắt. Không được xao lãng. Phải tập trung vào cuộc điều tra. Giữa mớ hồ sơ, tôi phát hiện một tập sách được cột lại đẹp đẽ. Tưởng quyển sách hóa ra lại là sổ ghi chép của giám đốc bệnh viện thời bấy giờ, một ông Mark Hoggart nào đó. Bên trong, cô thư ký, bằng nét chữ học trò nắn nót đã ghi lại những cuộc hẹn của ông ấy cùng những buổi khám bệnh ngoại trú. Khi lật quyển sổ đến thời điểm Damian qua đời, có một chi tiết ghi ngày 17 tháng 5 khiến tôi chú ý:

7.30 – hẹn với bác sĩ Montgomery

Có gì đó không ổn ở điểm này: vì lý do gì Damian đã xin một cái hẹn vào đúng ngày đầu tiên của kỳ nghỉ phép? Giờ hẹn rõ ràng là khác thường. Từ trước đến nay tôi chưa thấy có một cuộc hẹn nào sáng sớm tưng bửng như vậy. Mark Hoggart luôn bắt đầu ngày vào lúc 8 giờ sáng. Cái hẹn này hẳn đã được quyết định trong lúc khẩn cấp. Nhưng theo ý của ai? Chính Hoggart triệu tập hay Damian xin được gặp mặt xếp?

Điểm khởi đầu cho một hướng điều tra?

Tôi rời phòng lưu trữ bằng lối đã vào khi nãy. Trời lạnh hơn. Tuyết tiếp tục rơi, bay vòng vèo và bắt đầu đóng dầy trên mặt đất. Khi trở lại cổng, tôi băng ngang qua chỗ đậu xe dành cho nhân sự bệnh viện, một bãi đất trải sỏi màu be. May quá, tôi thấy Molly Battagliola, cô y tá ưa thích của tôi, đang đứng dựa vào ca-pô một chiếc Volvo cũ, miệng phì phèo thuốc lá.

– Xe của cô hả?

– Phải, cục cưng của tôi đó: chạy được 500.000 cây số rồi mà vẫn còn ngon.

Tôi chỉ điếu thuốc lá:

– Cho tôi một điếu được không?

– Có mà mơ, cô nương ơi…

– Đi mà, Molly. Tôi có phải con nít đâu.

Cô ta ngước mắt lên trời rồi đưa cho tôi gói thuốc lá cùng một tập giấy vấn.

– Battagliola, nghe như gốc Ý?

Cô ta gật đầu:

– Sicile, họ của ông xã, tập hai.

– Cô làm việc ở đây lâu chưa?

Cô ta nhả ra một cuộn khói, hơi lạnh làm cho nó sựng lại vài giây trước khi tan nhòa đi.

– Tôi loanh quanh qua nhiều bệnh viện trong vùng từ 1980 đến 1990 sau đó theo chồng sang Châu Âu. Chỉ mới quay lại Lennox hai năm nay thôi.

– Cô biết nhiều về bác sĩ Montgomery không?

– Cô nương cứng đầu thật đó. Tôi nói đúng không?

Nói vậy nhưng cô ta lục lọi trí nhớ.

– Có nhiều chuyện để nói, nhưng tôi nhớ anh ta là một thanh niên dễ thương. Một bác sĩ được đánh giá cao trong chuyên môn, rất đáng kính đối với tập thể y tá chúng tôi.

Tôi thè lưỡi liếm rìa giấy vấn để dán điếu thuốc lại.

– Cô có nghi ngờ anh ta nghiện ma túy không?

– Không hề, cô ta vừa nói vừa đưa cho tôi cái bật lửa. Đôi khi anh ta còn khiến tôi liên tưởng đến một tay choai choai: chơi đàn trong mấy quán rượu với một ban nhạc rock, hay hờn dỗi, nhưng luôn luôn nghiêm chỉnh trong công việc.

Tôi châm điếu thuốc xong rút ra từ trong túi cái phiếu bằng bìa cứng mà tôi đã chôm trong hồ sơ Damian ở phòng lưu trữ:

– Esther Kovacs là bạn gái của anh ấy phải không?

– Ủa mà cô nương moi được thứ này ở đâu ra vậy?

Tôi né trả lời câu hỏi:

– Phải bạn gái của anh ấy không?

Molly gật đầu:

– Phải. Tôi cho là hai người đã chung sống với nhau. Esther là con gái duy nhất của Victor Kovacs, giám đốc Cửa Hàng Tổng Hợp trên đường Quatre-Vents. Dạo ấy cô nàng hát cho ban nhạc rock nổi tiếng: Broken Coffee Machine.

Cô ta rít một hơi thuốc cuối trước khi dí nát đuôi thuốc dưới mũi giày.

– Vào đầu thập niên 1990, trong khu vực người ta theo phong trào grunge – kiểu lôi thôi có phong cách ấy mà. Đứa con trai nào cũng làm như thể mình là Kurt Cobain còn con gái thì Courtney Love.

– Esther sống trong vùng này?

– Cô ấy quán xuyến lại công việc kinh doanh của cha mẹ.

– Molly, tôi muốn nhờ cô một việc: cô cho tôi mượn cái xe của cô vài tiếng đồng hồ được không?

– Không được, không có chuyện đó đâu cô nương!

– Đi mà. Tôi lạy cô!

– Không! Tôi không muốn gặp rắc rối. Tôi cần có công ăn việc làm. Với lại làm vậy là tắc trách. Tôi đã đọc hồ sơ bệnh lý của cô nương rồi: không được lái xe khi bị u não. Cô thừa biết là rất nguy hiểm.

Tôi tiến đến cạnh Molly, đặt tay lên vai cô ta:

– Molly, hôm nay tôi khỏe mà. Nhìn tôi xem: mạnh như thần! Mãi đến thứ hai mới có xét nghiệm này nọ. Tôi sẽ mang xe về cho cô sau 2 tiếng đồng hồ, đổ xăng đầy bình luôn.

Lại lắc đầu. Tôi phải mất công thương lượng thêm 5 phút nữa để cô ấy đồng ý đưa cho tôi chìa khóa chiếc xe.

– Hứa với tôi là cô nương sẽ gọi cho tôi khi có bất cứ thứ chi trục trặc dù nhỏ. Có hứa không? Cô ta vừa nhì nhằng vừa khăng khăng buộc tôi phải lưu số của cô vào điện thoại di động.

– Rồi. Hứa mà!

– Mang theo cái xẻng này phòng khi tuyết đóng quá dày.

4.

Tôi nhìn cái bệnh viện teo nhỏ dần trong kính chiếu hậu. Càng đi xa ra, tôi càng thấy tòa nhà với hai cánh kiểu gô-tích trông hệt một con dơi. Ý nghĩ này khiến tôi lạnh cả xương sống. Để giữ ấm, tôi bật hệ thống sưởi, bật cả radio và rà tìm đài cho đến khi rơi trúng chương trình nhạc soul.

Tôi đã không nói dối Molly. Thậm chí nếu tôi biết mạng tôi chẳng còn bao lâu, tôi vẫn cứ vui vẻ, được chừng nào hay chừng nấy. Bệnh của tôi tiến triển theo cái cách khiến tôi nhiều khi chưng hửng. Có những buổi sáng tôi thức dậy tê dại cả nửa người, thị lực mù mờ, vô phương phối hợp các động tác. Một cơn như vậy kéo dài đến mấy ngày. Rồi sự tê co bớt căng cứng và lui dần đi, cho tôi một ngày thoải mái nhẹ nhõm như hôm nay.

Trong xe không có thiết bị định vị. Tôi bật điện thoại di động và gõ địa chỉ mà cô ý tá đã cho. Chẳng bao lâu sau tôi ra khỏi khu rừng và gặp đường cao tốc 900 dẫn về thành phố.

Chưa đầy 20 phút sau, tôi cho xe vào bãi đậu của Cửa Hàng Tổng Hợp trên đường Quatre-Vents. Một thiếu niên đang đứng chống cùi chỏ vào một cột bơm xăng chờ khách. Tôi đưa cậu ta chìa khóa xe và yêu cầu đổ đầy bình, sau đó đẩy cửa vào cửa hàng. Nếu bề ngoài tòa nhà trông giống một nhà gỗ nghỉ mát được thiết kế xoay theo chiều dọc, bên trong lại là một tiệm thực phẩm hiện đại. Bụng tôi sôi lục bục. Đói như chó sói. Ở một trong những tủ giữ lạnh tôi sục tìm một miếng bánh mì kẹp thịt hun khói pastrami và một chai bia Budweizer. Tôi trả tiền ở quầy thu ngân rồi ngồi xuống một chiếc ghế đẩu. Sau cái quầy bằng gỗ thô sần sùi, tôi thấy ngay nhân vật mình đang tìm. Nếu đánh giá qua bộ quần áo trên người, Esther Kovacs thuộc loại bảo thủ còn mắc cứng đâu đó giữa thập niên 1990: áo sơ-mi sọc ca-rô xanh đỏ, quần sọt vải jean rách te tua, vớ dài loại lưới mờ màu tím hiệu Dr Martens.

Tôi hỏi mua một gói thuốc lá. Lúc trả tiền, tôi đưa ra thẻ cảnh sát và đánh liều một ăn một thua:

– Bà Kovacs, tôi là Constance Lagrange, cảnh sát Pháp. Tôi đang điều tra về cái chết của Damian Montgomery.

Người phụ nữ nhìn tôi không chút gây hấn:

– Ba mẹ anh ấy yêu cầu cô làm chuyện này phải không?

Đoán cô ta nghĩ mình là thám tử tư, tôi chụp lấy kẽ hở:

– Đúng vậy.

– Sam và Lilly không bao giờ thừa nhận cái chết của đứa con trai duy nhất. Họ không tin Damian chết vì sử dụng ma túy quá liều.

– Thế còn bà? Bà có tin không?

Bà ta lắc đầu.

– Tôi cũng không tin. Damian không phải thánh. Anh ấy rượu chè, hút xách, nhưng không bao giờ rớ tới ma túy. Nhất là heroin.

– Dạo đó bà chung sống với ông ấy?

– Đúng ra thì anh ấy ở nhà tôi, nhưng mỗi cuối tuần đều về Portland để được ba mẹ cưng chiều.

– Cái đêm ông ấy qua đời bà không có mặt ở đó?

Bà ta nheo mắt lại và dụi dụi hai mí.

– Sau khi trải qua ngày chủ nhật ở nhà ba mẹ, anh ấy quay lại Seattle bằng chuyến xe lửa đêm. Còn tôi thì cuối tuần đó ở Sacramento. Một trong những cô bạn thời đại học mở tiệc giã từ thời con gái để đi lấy chồng. Mãi đến sáng hôm sau tôi mới về tới căn hộ và chính tôi đã phát giác ra cái xác của anh ấy.

– Lúc bà tìm thấy ông ta, cái xác trông ra sao?

– Nằm dài trên sàn nhà với một ống tiêm ghim nơi cánh tay.

– Có giải phẫu tử thi không?

– Không. Cảnh sát tịch thu được một ít heroin trong phòng ngủ, với một số dược liệu mà họ cho là lấy cắp ở bệnh viện: thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co mạch hệ giao cảm, thuốc an thần… Từng đó đủ để họ đi đến kết luận. Họ thậm chí còn không thèm nghe tôi nói về vụ trộm.

– Vụ trộm nào?

– Ổ cứng trong máy tính của Damian và tất cả những đĩa mềm đều mất sạch.

– Ông ấy dùng loại máy gì vậy?

– Một cái Atari 1940 ST. Anh ấy chủ yếu dùng nó như thiết bị ghi âm tại nhà, cắm vô ghi-ta và thu những ca khúc do mình sáng tác.

Atari… Mình cũng có một cái Atari. Quà Giáng sinh 1989 của ba mẹ tặng cho hai anh em. Cả hai đã trải qua hàng trăm tiếng đồng hồ chơi Captain Blood, Buggy Boy, Dungein Master, Le Manoir de Mortevielle, Barbarians, Arkanoid…

– Tôi không hiểu, tôi nói. Trong trường hợp có trộm, cảnh sát hẳn phải điều tra. Và tại sao người ta không giải phẫu tử thi?

Bà ta nhìn né tránh, thở dài rồi cúi đầu.

– Là tại vì có một dạo chính tôi chơi heroin và ai cũng biết. Cảnh sát hiếm khi tin lời mấy kẻ nghiện ngập…

– Đúng như thế, cái này thì tôi có thể xác nhận. Số ma túy mà cảnh sát tìm thấy là của bà?

– Không phải! Nhờ Damian tôi đã cai được hơn một năm! Nhưng mọi người cứ nghĩ là tôi vẫn còn dây dưa với thói cũ.

Tôi tợp một ngụm bia.

– Có gì trên ổ đĩa cứng?

– Các ca khúc sáng tác, giáo trình y khoa, khóa luận nội trú….

– Bà vẫn còn giữ cái máy tính đó chứ?

– Có điên không? Tôi đã bán cái Avari ở chợ đồ cũ ít nhất là 15 năm rồi.


5.

Trở ra xe. Liếc nhìn giờ trên bảng điều khiển trong xe thấy gần 4 giờ chiều. Tôi đã hứa trả xe cho Molly, nhưng tôi là cớm mà, cớm thì đâu có giữ lời hứa. Cớm thì phải đi đến cùng cuộc điều tra. Tôi khởi động xe và phóng nhanh. Tuyết đã ngớt và nhiệt độ chưa đủ thấp để làm cho đường sá váng băng. Tôi phải chụp lấy tình thế thuận lợi này để dọt đến Portland.

Tôi kiểm tra pin của điện thoại di động: sắp tiêu tùng. Phải vớt vát chút pin ít ỏi còn lại để nhập vào ứng dụng định vị địa chỉ nhà ba mẹ của Damian, hi vọng trong thời gian qua họ chưa dọn đi mất. Tôi tính toán lộ trình rồi cắm cái di động vào đế giữ điện thoại cho rảnh tay lái. Tôi gọi Molly để trấn an cô ấy và giải thích mình cần chiếc xe thêm một ít thời gian nữa. Sau khi càm ràm một hơi, cô chúc lành cho tôi và cho biết một trong các đồng nghiệp sẽ đưa cô ấy về giùm sau giờ làm việc. Bằng tin nhắn, cô ấy cho tôi địa chỉ chỗ ở của mình đồng thời van nài tôi mang chiếc Volvo về trong buổi tối.

Hai tiếng rưỡi đồng hồ lái xe đến Portland bay vèo như gió. Bệnh tình của tôi có vẻ như chỉ còn là một kỷ niệm xấu. Tôi nghe nhạc, vừa hát inh ỏi vừa rít thuốc lá, lại vừa vắt óc suy nghĩ.

Tôi cố gắng gắn kết những mảnh rời của cuộc điều tra. Trong sâu thẳm tôi hoàn toàn không tin có chuyện mất mấy cái đĩa mềm. Con người ta thường mang trong người một phần tối ám bị giấu nhẹm đi vì không dám để lộ ra cái xấu xa. Dù gì đi nữa, với vẻ ngoài thánh thiện, Damian có lẽ thường xuyên lén hít vài hơi ma túy dắm dắm dúi dúi nơi làm việc. Có lẽ giám đốc bệnh viện đã rõ thủ đoạn của anh chàng và đang chuẩn bị tố giác. Tại vậy nên mới có cái hẹn vào lúc sáng sớm hôm ấy. Viễn cảnh về một vụ bê bối chắc hẳn đã làm Damian suy sụp đến mức tự tiêm cho mình một liều thuốc quá tay.

Hồ Lane. Con đường hai bên ken san sát những ngôi nhà giống nhau có bãi cỏ xung quanh với cơ man là hoa. Trời đã sụp tối. Tôi đậu xe sát lề, nhìn tên ghi trên thùng thư trước căn nhà số 18 và thở phào nhẹ nhõm. Đúng là cơ ngơi của gia đình Montgomery, nhưng đèn tắt tối thui. Tôi nhấn chuông. Một lần rồi hai lần. Không thấy ai ra mở cửa. Không nghe chó sủa. Không một bóng láng giềng. Trước khi để cho bị phát hiện, tôi đánh một vòng căn nhà rồi leo qua rào.

Không phải loại nhà có hệ thống báo động.

Như để tạo điều kiện dễ dàng cho cuộc điều tra, tự nhiên có sẵn một cái thang kê dựa vào tường. Tôi dựng nó lại ngay ngắn xong leo lên từng nấc cho đến ngang tầm cửa sổ cánh sập của tầng một. Một cú thúc cùi chỏ làm kính bể văng tá lả. Tôi đẩy khung trượt, chuồi người vào trong. Ánh trắng nhợt nhạt từ ngọn đèn ngoài đường vừa đủ sáng cho tôi quan sát địa hình. Tôi đang đứng trong phòng của hai cụ thân sinh. Gần như mò mẫm, tôi lần ra được hành lang, rồi như thể đã từng đến đây, hai chân đưa dẫn tôi vào một căn phòng…

Chẳng khác chi một viện bảo tàng.

Cách sắp xếp và trang trí căn phòng trước đây của Damian vẫn còn được giữ lại nguyên si. Một cách thành kính, trân trọng. Đúng là thế giới của một thanh niên mới lớn đầu thập niên 1990. Trong góc, một cây ghi-ta điện, một giàn loa siêu trầm chuyên trị bùm-bùm-bùm, một hệ thống âm thanh hi-fi. Trên kệ hàng trăm cái CD chồng chất lên nhau. Trên tường áp-phích các ban nhạc rock (Sound Garden, Alice in Chain…), bích chương quảng cáo phim Sự Im Lặng Của Bầy Cừu, một bức hình chụp cú úp rổ ngoạn mục của Michael Jordan, một bức khác chụp nàng Pamela Anderson gợi cảm.

Đã có một thời…

Bà mẹ của Damian chắc hẳn vẫn còn sống trong ảo tưởng đứa con trai yêu dấu của mình chỉ đi đâu đó vài ngày và cuối tuần sẽ lại bê quần áo dơ về giặt thôi.

Tôi ngồi xuống một chiếc ghế có gắn bánh xe. Trước mặt tôi là một bảng công tác lớn, một máy tính và một màn hình. Tôi đánh liều bật đại ngọn đèn trên bàn viết và cố gắng tìm hiểu. Tại sao lại có một máy tính thứ hai? Cùng hiệu, nhưng không cùng kiểu dáng. Esther có đề cập đến một cái 1040 ST. Còn cái này thuộc đời 520 ST, một phiên bản có công năng yếu hơn và xưa hơn.

Rõ ràng Damian có 2 máy: một để ở nhà ba mẹ và một chắc mới mua đây. Trên bàn có hộp đựng các đĩa mềm. Tôi thử khởi động máy. Có tiếng rung nhè nhẹ, tiếng kêu rè rè, rồi…cạch, đứt bóng.

Khỉ thật…

Tôi nhắm mắt lại, cố gắng phân định cái lô-gic trong tất cả những điều này. Damian có hai máy tính, một để dùng ở nhà anh ấy, và cái ở nhà ba mẹ là để lưu các sáng tác vào đĩa mềm. Vào đúng ngày mình qua đời, Damian đã đến đây, trong căn phòng này. Hãy hình dung anh bắt đầu làm một cái gì đó. Một bản thảo tài liệu mà sau đó anh đã mang về Seattle, thí dụ thế.

Tôi mở ngăn kéo trên cùng. Nếu là mình, tôi sẽ cất trong ngăn kéo này những thứ dính líu đến công việc đang làm. Thật là một đống lộn xộn những bút viết, kéo, đồ kẹp giấy, tạp chí, nhưng chủ yếu là hàng tá trang rời: các bản sao ghi chú chi chít bằng bút Stabilo.

Tôi biết mình vừa tìm được thứ gì đó, cảm thấy adrenaline trào lên. Một loại heroin rất phê của chính tôi.

Tôi tom góp các tài liệu. Tiếng Anh của tôi cũng kha khá, nhưng vẫn phải đánh vật với các thuật ngữ y học. Một lát sau thì tôi hiểu đó là bản sao hồ sơ bệnh lý của hai bệnh nhân ở State Hospital. Người thứ nhất, Charles Snow, 68 tuổi, qua đời tháng tư 1993 do viêm phổi. Người thứ nhì, Allan Lewis, 71 tuổi, qua đời do đột quỵ tháng giêng 1992. Các bệnh nhân này rơi vào ngày trực của Damian nhưng không trực tiếp nhập viện vào bộ phận anh phụ trách.

Mỗi trang giấy đều được ghi chú bằng bút mực. Tôi cố gắng giải mã nét chữ lít nhít như chân ruồi của Damian, dừng lại ở những cụm từ gạch dưới trong ca bệnh thứ nhất: “chết có nghi vấn”, “tiêm Digoxine liều cao gây ngưng tim”. Với ca thứ nhì: “tiêm Épinéphrine liều cao, bệnh nhân chết không bình thường”. Trong cả 2 trường hợp, có một cái tên lặp đi lặp lại, được gạch dưới một cách giận dữ:

“Y tá Katherine KOELER”


6.

– Katherine Koeler hả? Có, tôi có biết cô này. Đó là một trong những y tá thâm niên nhất của bệnh viện.

22 giờ 30. Quấn người trong cái chăn bông, tôi ngồi trên ghế dài trong phòng khách căn hộ của Molly Battagliola. Toàn thân tê cóng. Trên đường về lại Seattle, tuyết rơi dày đặc, máy sưởi của chiếc xe cũ bị hỏng nhả ra một luồng khí lạnh buốt. May quá, người bạn mới của tôi không trách cứ gì nhiều. Cô ta thậm chí còn pha cho tôi một ly chocolat nóng kèm theo mấy viên kẹo dẻo mini-marshmallow thả lềnh bềnh trên mặt.

Tôi bày các bản sao ra mặt bàn thấp và giải thích với Molly:

– Tôi biết tại sao Damian Montgomery bị đầu độc. Anh ấy đã lật mặt “thần chết”: Katherine Koeler, y tá của bệnh viện, người đã tiêm thuốc quá liều cho các bệnh nhân để gây ngưng tim!

Molly chăm chú nhìn các dòng chữ ghi chú.

– Cô nương có chắc chắn về điều mình vừa khẳng định không?

– Tôi thậm chí còn chắc cú là, nếu tiếp tục lục lọi sẽ còn moi ra thêm nhiều cái chết đáng ngờ khác. Và nếu cô nói với tôi bà này vẫn còn đang làm việc ở đây, y thị sẽ bị trừng trị đích đáng. Phải báo cảnh sát ngay thôi.

– Có thể cô nương có lý. Tôi phải ra chỉnh cái máy sưởi trong xe, sau đó mình cùng đến cảnh sát trưởng.

Cô ta xỏ tay vào cái áo khoác lông tơ rồi bước ra ngoài trời tuyết.

Tôi nhổm dậy, cột lại dây giày cao cổ và tợp một ngụm cacao. Ly sữa cầm tay, tôi đứng hơ ấm trước ngọn lửa đang nổ lách tách trong lò sưởi.

Trên bệ lò sưởi có một bức ảnh cưới của Molly. Những bức khác dường như mới được chụp gần đây, khoảng bốn năm năm.

Bối cảnh có vẻ như ở Hi Lạp hay là cực Nam nước Ý gì đó.

Một câu nói chợt hiện lên trong trí. Cái câu mà tôi đã không lấy gì làm chú ý: “Battagliola là họ gốc Sicile; họ của ông chồng thứ nhì của tôi.”

Đã hai mươi năm Molly không còn mang họ cũ nữa. Thế rồi một thứ thật rõ nét hiện lên trong trí. Bảng tên gắn vào áo blouse của cô ta lúc tôi mới gặp:

K.M. Battagliola

Mắt tôi khựng lại nơi một khung kính treo gần đó, bằng cấp y tá khiến tôi kinh hoàng vỡ lẽ:

Trường đào tạo y tá trực thuộc Đại Học Washington

trao bằng cấp và danh hiệu y tá quốc gia cho cô

Katherine Molly Koeler

Tôi chết đứng.

Có tiếng mở cửa sau lưng.

Tôi quay người lại. Molly chỉ cách tôi chưa đầy một mét. Không thể nào nhận ra được nữa những đường nét trên mặt cô ta, chúng bị biến dạng vì điên tiết, vì giận dữ, vì thù hận.

Cô ta cầm trên tay cái xẻng làm vườn lấy từ trong cốp xe Volvo, thẳng cánh giơ lên cao cái vật bằng thép cạnh vuông có cán dài. Phần sắc nhọn đầu xẻng bổ xuống sọ tôi một cú trời giáng.

 

(Nguồn: damau.org)

 

 

Thảo luận

1 bình luận về “chuyện ma – Guillaume Musso

  1. Chỉ biết Musso qua ngôn tình, không ngờ ông viết truyện giật gân, tuy ngắn, cũng được. Đọc cứ tưởng mình đang xem phim Hollywood. Cảm ơn admin đã chia sẻ.

    Thích

    Posted by norah | Tháng Mười 25, 2017, 9:40 chiều

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện