(Góp nhặt của Minh Nguyệt và gửi đến các bạn)
Các bạn chắc đã ít nhiều biết đến Phạm Ngọc Lân như là một ca sĩ , nhạc sĩ không chuyên nghiệp nhưng ông có rất nhiều bài hát trên youtube và ông cũng được giới trẻ Việt Nam hâm mộ , quý mến. Hồi tháng hai năm nay( 2015 ) ông vừa ra mắt cuốn truyện của ông bằng Pháp ngữ ” De Père Inconnu ” truyện này ông viết trong vòng 8 năm ,nhà xuất bản L’ Harmattan khá nổi tiếng của Pháp ấn hành. Sách dày 522 trang. Người viết lời giới thiệu cho sách của ông là ký giả Pháp Patrick Poivre D’Arvor là một ký giả và là nhà văn rất nổi tiếng của Pháp từng là người nói tin tức chính cho đài truyền hình số 1 ở đây trong vòng 20 năm qua . Mấy tháng trở lại đây ông cũng vừa viết lại truyện này bằng tiếng Việt , hiện được đăng tải nhiều chương tiếp tục trong Blog của ông. Ng gửi đến các bạn bài viết của ” Nguyễn thị Cỏ May ” và các đoạn truyện của PNL trong Blog của ông để khi mô rảnh đọc cho biết thêm. MN.
ps :
Nguyệt gửi đây phần I của truyện ” Chạm trán với thực tế ” , trong blog của PNL có đang đến phần 10.
https://phamjngocjlaan.wordpress.com/2015/07/11/1-cham-tran-voi-thuc-te/
Phạm Ngọc Lân
Phạm Ngọc Lân xuất thân từ Việt Nam là một dược sĩ và một nhà giáo, năm 1980 qua Pháp chuyển nghề kỹ sư tin học. Qua Mỹ năm 1996, sinh sống tại San José, miền Bắc California, và trở về Pháp năm 2004.
Phạm Ngọc Lân học tây ban cầm cổ điển với nhạc sĩ Đỗ Đình Phương tại Sài Gòn từ 1970 đến 1974. Khi qua Paris, tiếp tục theo học bộ môn này từ 1980 đến 1986, trong đó có 4 năm theo học với nhạc sư Alberto Ponce, chủ nhiệm bộ môn tây ban cầm của Viện Quốc gia Âm nhạc Paris (Conservatoire National de Musique de Paris). Và từ 2005, theo học với nhạc sư René Bartoli chủ nhiệm bộ môn tây ban cầm của Viện Quốc gia Âm nhạc Marseille. Đã trình diễn độc tấu tây ban cầm tại Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang, Cần Thơ, và trên hệ thống truyền hình Sài Gòn trước năm 1975. Trở lại trình tấu năm 2004 tại San José và Quận Cam, California.
Phạm Ngọc Lân bắt đầu sáng tác ca khúc trong thời gian sinh sống tại Mỹ. Vài bài tiêu biểu: “Đà Lat sương mờ” tâm tình của người xa xứ, “Đôi Bạn” cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của Nhất Linh, “Cuối đông có nụ hoa đào nở”, lãng mạn hư ảo.
**********
(Bài viết dưới đây của Nguyễn thị Cỏ May đăng trên daihocsuphamsaigon.org)
Hôm nay, mình không biết phải nói với tác giả bao nhiêu lời xin lỗi cho đủ vì nhận được quyển De père inconnu – Cha Vô Danh của Anh ngay từ những ngày đầu sách vừa phát hành mà vẫn giữ im lặng, không một lời cảm ơn cho đúng lúc vì vẫn có ý định sẽ cố gắng viết vài lời về quyển sách sau khi đọc xong. Phải cố gắng vì mình không có khả năng nhận định giá trị quyển sách cho đúng mức, lại càng không có khả năng phê bình văn chương chữ nghĩa. Mà đã lỡ thật lòng có ý định với bạn như vậy…
Cách nay vài hôm, mình tình cờ đọc truyện ngắn «Nghé tìm trâu». Đó là một truyện kể về một Luật sư trẻ người Việt Nam ở Huê Kỳ đi tìm cha.
Một hôm, vào một tiệm tạp hóa gần văn phòng làm việc, bất chợt trông thấy một cái lon để gần «két» để quyên góp chút ít giúp thương phế binh ở Việt Nam, anh hỏi về cái lon và việc quyên góp có kết quả khả quan hay không. Người chủ tìệm cảm thấy hơi khó chịu vì nghĩ phải chăng anh luật sư trẻ này có ý nghĩ về việc quyên góp như vầy là không hợp pháp?
Thấy thái độ của chủ tiệm, anh vội giải thích là cha của anh là một quân nhơn mất tích trong chiến tranh Việt Nam mà từ khi sanh ra, anh chưa hề thấy mặt. Anh chỉ nghe mẹ kể lại là cha của anh là một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến, đi đánh trận ở Miền Trung và từ đó không trở về. Đơn vị cho biết có nhiều người mất tích vì chết không lấy được xác. Ngày nay, anh chỉ còn tấm hình mờ nhạt của người cha. Anh vội đưa ra cho người chủ tiệm coi và nói “Lúc nào, khi có cơ hội, cháu cũng hỏi thăm các chú, các bác, bạn của cha cháu, về tin tức của cha cháu. Cháu biết là không phải sẽ tìm được cha. Cháu chỉ muốn thu thập được nhiều chuyện về cha của cháu để cháu có thể hình dung được rõ nét về người cha mà cháu chưa hề biết mặt”.
Sau vài trao đổi, người chủ tiệm cho biết chính ông là bạn cùng khóa với cha của cậu thanh niên. Sau đó, ông liên lạc được nhiều bạn Thủy Quân Lục Chiến khác để một hôm tổ chức một bữa hội ngộ. Cậu thanh niên và bà mẹ tới tham dự. Mọi người đều vui mừng gặp lại gia đình người bạn mất tích. Riêng cậu thanh niên và bà mẹ vừa cảm động, vừa mãn nguyện như hôm nay tìm lại được người thân mất tích từ mấy chục năm qua.
Đọc xong chuyện «Nghé tìm trâu», mình thấy không thể nào tự «hẹn» thêm được nữa mà không viết vài lời về quyển sách «Cha vô danh» hay, đúng hơn «Tôi đi tìm cha» của tác giả Phạm Ngọc Lân.
«Cha vô danh» hay «Cha không biết»
Về cái tựa, nhiều tác giả giới thiệu quyển sách cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Họ đề nghị dịch ra tiếng Việt cho phù hợp với hoàn cảnh của tác giả hơn, hay nói cho đúng hơn, rõ nghĩa hơn. Anh Lân, trong phần trả lời Đài phát Thanh RFI, có nói tại sao anh viết «Cha vô danh» vì trong khai sanh lúc đó, ở cột dành cho người cha, một khi không khai được tên người cha thì theo thủ tục hộ tịch, phải ghi «Cha vô danh – De père inconnu». Đây là đúng theo văn tự hành chánh Pháp-Việt lúc trước 1954.
Nhưng nếu để ý, lắng đọng lại một chút, người ta sẽ cảm thấy «De père inconnu» như có một sức mạnh, tuy không mãnh liệt lắm, nhưng đủ làm cho người đọc như bỗng bị «giựt mình» phải để tâm vào quyển sách nhiều hơn. Không phải gợi cảm mà như níu kéo người đọc phải dành nhiều chú ý hơn vào tác phẩm.
Cũng không nhứt thiết người cầm quyển sách phải cùng trường hợp với tác giả.
Phải chăng vì người ta không thể thiếu vắng cha? Cha là người xác định sự hiện hữu của mình giờ đây và ở đây.
Một nhà tâm lý học người Nhựt – rất tiếc mình quên tên vì tên Nhựt cũng khó nhớ – đã quả quyết «Người ta, ai cũng có nhu cầu phải có cha. Nếu không có cha thì phải đi tìm cha. Cha ghẻ, cha nuôi cũng được». Tìm cha, phải chăng để cho tâm thức được quân bình trở lại?
Đọc «De père inconnu» để thấy thương anh Phạm Ngọc Lân. Anh dành nhiều thì giờ đi lục tìm tông tích của cha từ các trung tâm tài liệu dân sự và quân sự của thời Pháp ở Đông Dương. Sau đó, anh lần về Việt Nam, từ Sài Gòn, Đà Lạt, Cam Ranh, ra Bắc, hi vọng thu thập được chút thông tin nào về người cha mà anh chưa từng bìết mặt. Thật ra, về Vìệt Nam là để sống lại những kỷ niệm cũ. Với thời trẻ của anh, với gia đình gồm 9 người em trai gái, với người mẹ và người cha kế. Một thời trẻ có vất vả vì chiến tranh nhưng vẫn được đầm ấm về mặt tình cảm. Chính nhờ mái ấm gia đình là chỗ dựa vững chắc đã giúp anh tiến thân vượt bực, và tiến xa, trên nhiều địa hạt. Và cũng chính nền tảng tình cảm quí báu này đã xây dựng ở anh những tình cảm đẹp, chơn thật với bạn bè, và nhứt là đem lại cho anh một mái ấm gia đình hạnh phúc như anh hiện sống .
Đọc «De père inconnu» sẽ thấy anh Lân là người đa tình – nghĩa là tình đối với gia đình và cả tình đối với «bạn bè» – nhưng anh lại tự giới hạn ở một chừng mực nào đó. Trong sách, ở nhiều chỗ, người đọc bắt gặp anh rất giàu tình cảm, giàu cảm xúc, nhưng anh lại diễn tả tình cảm của anh như có một qui ước phải tôn trọng. Chính điều này lắm khi làm cho người đọc bị hụt hẫng.
Yêu nhau là định mệnh
Xưa nay, người ta nói vợ chồng là do «định mệnh» an bài. Ông bà Lân và Mỹ Lan, trái lại, yêu nhau là hoàn toàn do định mệnh điểm đúng tên họ, rồi sau đó mới dẫn tới tình vợ chồng cho tới ngày nay.
Tác giả sanh ra trong Sài Gòn nhưng đã ra Hà Nội, vỉ «nửa kia» của anh vừa chào đời ! Hai người từ nhiều năm là láng giềng gần vì cùng ở trên đường Graffeuil, Đà Lạt. Trong nhiều năm dài nhà người nọ gần trường người kia! Họ đi học chung con đường mỗi ngày vậy mà họ chưa hề quen biết nhau. Chưa từng gặp nhau, cả trông thấy nhau lúc đi ngang qua đường. Có lạ không? Trừ phi Cụ Lân lúc đó đã nhiều lần lấp ló ngang qua nhà nàng mà không dám ra mặt vì bản tánh không can đảm lắm. Như nhiều lần thân thiện với bạn gái trước đó để rồi:
«Đưa người, ta không đưa qua sông,
(mà) sao có tiếng sóng ở trong lòng!» (Thâm Tâm)
Nhưng khi đã yêu, anh Lân bỗng trở thành con người phi thường. Con đường Sài Gòn-Đà Lạt dài 300 km, anh coi như pha. Vìệt Cộng phục kích, gài mìn, đắp mô, thú dữ ở hai bên rừng, anh không chút ngần ngại, một mình lái Vespa lướt gió thâu ngắn đoạn đường mà xe đò phải mất 8 giờ. Để thăm nàng!
Từ đó, gần như mỗi ngày, đôi khi nhiều lần trong ngày, anh viết cho người yêu một bức thư. Bức đầu tiên được trích dẫn đề ngày 11/11/1968. Bức cuối cùng trong sách vào tháng 7/1969. Nếu đem tất cả những bức thư tình của anh xếp theo chiều dài không biết có phủ kín đoạn đường Vespa của anh không? Còn nếu đem đo chiều sâu của tình yêu thì phải nói tình yêu của anh chị Lân quả thật là sâu thăm thẳm như lòng Đại dương.
Còn gì bằng!
Lính «Babylac»
Đọc «De père inconnu» để có dịp thoải mái sống lại những kỷ niệm thân yêu của Sài Gòn một thời. Đây là những kỷ niệm đẹp vô cùng. Nó có hồn vì Sài Gòn lúc bấy giờ là nơi có nhiều biến cố thu hút cả thế giới nhìn vào và bất cứ ai xa Sài Gòn cũng mang theo hình ảnh, kỷ niệm của thành phố đã từng là thủ đô cũa nước Việt Nam Cộng Hòa.
Tết Mậu thân, Việt Cộng tràn vào Sài Gòn nhưng người dân Sài Gòn vẫn ăn Tết tỉnh rụi. Dân đốt pháo. VC bắn AK. Cho tới khi biết VC tấn công thì VC ở yên trong chỗ ẩn núp vì ngơ ngác không biết đường xá. Như chuột chù (la taupe) ra khỏi hang. Một số khác đành tháo lui trước đà phản công của quân đội Quốc gia. Dân Sài Gòn còn đi ra đường tìm VC coi cho bìết vì xưa nay chỉ nghe nói VC là những người răng đen mã tấu, cả năm người đeo cọng đu đủ không gãy!!!
Nay đọc Phạm Ngọc Lân bắt gặp «Lính Babylac», tức hiệu sữa bột nuôi trẻ nít, để chỉ sinh viên Sài Gòn – sau biến cố Mậu Thân1968 – được kêu gọi mặc đồng phục màu vàng đất nhạt, đầu đội calot, lãnh súng carabine nhưng không được phát đạn, với ba-lô, lên đường ra chìến trường tận… Chợ Lớn, leo lên nóc mấy chung cư, canh chừng VC !
Những người «lính sữa» đó về sau đã trở thành những người phục vụ đắc lực cho Chánh phủ Sài gòn để rồi sau biến cố 1975 đã đồng loạt vào tù Cộng Sản. Ông Dược sĩ Việt lai Pháp Phạm Ngọc Lân đang dạy ở Đại Học DK cũng trở thành người «có tội với nhân dân» theo cái nhìn của chính quyền mới và cũng cùng anh em bè bạn đi vào trại tập trung! Nghĩa là chuyện đời mặn ngọt, chua cay, món gì anh cũng trải qua nhưng chỉ kịp vừa đủ thắm!
Nét đặc biệt
Đọc «De père inconnu», phải đọc mới được, để sống lại, không phải riêng Sài Gòn, mà cả Miền Nam, cả nước Vìệt Nam, với lịch sử đất nước, với nhiều nét văn hóa đặc thù, ở thành phố, ở thôn quê, nếp sanh hoạt của người dân đầy ắp tình người với tấm lòng đôn hậu, …Về những biến cố chánh trị, người đọc có thể có cả kho tài liệu trải dài trong hậu bán thế kỷ XX. Về phần này, tác giả, vì với dự tính làm luận án Tiến sĩ Sử học ở Đại học Paris VII, nên cung cấp cho độc giả những ghi chú về nguồn tài liệu có giá trị và rất chi tiết.
Một chút nhận xét riêng của người đọc:
Đọc qua «De père inconnu», ai cũng sẽ đồng ý tác giả Phạm Ngọc Lân là một người «Vìệt Nam hơn Việt Nam» !
Anh Việt Nam từ trong cách suy nghĩ, cách diễn tả tuy anh viết bằng tiếng Pháp. Không lúc nào có thể bắt gặp anh mất cái hơi hướng Việt Nam. Có lẽ nhờ cái «bệ việt nam» vững chắc này mà anh như hỏa tiễn được phóng bay xa.
Phần nhiều người Pháp-Việt/Việt-Pháp mang nặng mặc cảm mình không phải người Việt Nam mà cũng không phải người Pháp, bên nội không nhìn, bên ngoại chối bỏ, thường phải sống một đời sống không được như ý. Hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược nhau chỉ vì thiếu một bệ đỡ vững chắc.
Cái bệ đỡ đó, nó vô hình và thiêng liêng lắm.
Tác giả Phạm Ngọc Lân có thể nói đã sống một cuộc đời viên mãn vì có cái bệ đỡ đó. Khi gấp quyển sách lại thì độc giả thấy cái bệ đỡ đó đến từ bà ngoại, từ người mẹ và từ người vợ của anh, những người đã giữ được cái «chất Việt Nam» chảy mạnh mẽ trong huyết quản của một người mang hai dòng máu đã vượt qua số phận của mình để đạt được những gì anh mong muốn ngay cả về âm nhạc mà anh từng ấp ủ từ tuổi thơ.
Nguyễn thị Cỏ May
Pierre Brocheux
Điểm sách
« De Père Inconnu, Récits sur le Viêt Nam de la deuxième moitié du XXème siècle » « Cha Vô Danh, chuyện kể về Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20 »
Phạm Ngọc Lân phỏng dịch từ bản Pháp ngữ
.
Lời người dịch : Pierre Brocheux nguyên là giáo sư Sử học Đại học Paris 7 Denis Diderot, nay đã về hưu. Ông là một nhà nghiên cứu sử nổi tiếng về Đông Dương và Việt Nam, tác giả nhiều công trình biên khảo hàn lâm về bộ môn này.
Nhiều cuốn sách có tính cách tự truyện và liên quan đến Việt Nam hiện đại đã được xuất bản tại Pháp trong ba năm qua. Độc giả đón nhận những tác phẩm này với cảm hứng không đồng đều, tùy theo tác giả nói về mình là chính, hay tác giả lồng chuyện của mình vào khung cảnh lịch sử từ nửa thế kỷ qua.
Cuốn sách của Phạm Ngọc Lân thuộc loại thứ hai. Đó là chuyện kể cuộc tìm kiếm người cha Pháp đã khuất bóng, chuyện kể đứa con lai không cha, sống bấp bênh trong một xã hội thời thuộc địa còn đầy rẫy những thành kiến không tốt đẹp về trẻ con lai Pháp. Nhưng Phạm Ngọc Lân đã được người cha nuôi Việt Nam nhận làm con, được nuôi nấng dạy dỗ như mọi đứa trẻ Việt Nam dù vẫn theo học trường Pháp. Về phương diện này, Phạm Ngọc Lân là tiêu biểu cho nhiều thế hệ người Việt đã sống trong thời kỳ thuộc địa.
Từ đó, cuộc sống của Phạm Ngọc Lân hòa nhập vào vận mệnh của miền Nam Việt Nam. Nhờ những bằng cấp đại học, ông đã đạt tới một vị trí xã hội xứng đáng (Dược sĩ và dạy đại học). Chiến tranh kéo dài từ 1960 đến 1975 đã đẩy ông vào quân đội theo lệnh tổng động viên (« Trong cơn lốc của lịch sử », trang 139-265). Sự bại trận của miền Nam làm ông bị nhốt trong trại cải tạo bốn tháng, chỉ bốn tháng thôi nhưng trong những điều kiện sống rất khắc nghiệt (trang 281-318). Nhưng ông cũng gặp nhiều may mắn. Vì ông dạy thêm trường trung học Pháp ở Sài Gòn nên được nhập cảnh chính thức vào Pháp cùng với vợ con, tránh được cảnh « thuyền nhân » rất nguy hiểm. Hiện nay ông sống bên Pháp, nhưng vẫn không quên quê hương mình. Cuối cuốn sách, ông tỏ ý không còn hy vọng tìm ra cha mình vì cơ quan lưu trữ của quân đội Pháp không tìm ra hồ sơ của người sĩ quan này.
Phạm Ngọc Lân là một người Việt lai Pháp đã thoát được cảnh khổ tâm của những người mang hai dòng máu vì ông đã hoàn toàn hội nhập vào xã hội Việt Nam. Mẹ ông, cha nuôi ông, gia đình ông đã là những yếu tố quyết định trong sự hội nhập này. Cuốn sách có những trang sống động và hấp dẫn về các tập tục (cách gói bánh chưng ngày Tết), tập quán (quan hệ giữa mẹ và con, giữa trai và gái). Đọc những trang này, độc giả cảm được sức bật (résilience = khả năng trỗi dậy được sau khi trải qua những biến cố quật ngã mình) của con người Việt Nam đã làm nhiều người ngoại quốc kinh ngạc và thán phục, cái mà nhà báo Jean-Claude Pomonti gọi là « không thể chìm được ».
Tác giả đã hòa trộn một cách vững chắc và khả tín ba đề mục : một mô tả về phương diện dân tộc học (ethnographique) của một xã hội không xơ cứng, không thể bị thu nhỏ lại trong những hình ảnh sáo mòn của dân tộc tâm lý học phương tây (ethno-psychologie occidentale), một sử biên niên (chronique) kể lại những gì xảy ra từ 1950 đến 1980, và một suy nghĩ về bản sắc (identité). Ở thời điểm người ta nói nhiều đến sử học không thống nhất (histoire partagée), sử học nối kết (histoire connectée), những hồi ức của Phạm Ngọc Lân xác nhận một lần nữa cho những nhà sử học, nhất là sử học hiện đại (histoire contemporaine) rằng không còn có thể chỉ nghiên cứu lịch sử của một quốc gia.
Pierre Brocheux
14-6-2015
Cám ơn các bạn Thân Tri Nhóm Huế giới thiệu cuốn sách De Père Inconnu của tôi và bài viết của Nguyễn Thi Cỏ May về cuốn sách đó.
Thân mến,
Phạm Ngọc Lân
ThíchThích
Cám ơn anh Phạm Ngọc Lân, cuốn sách đầy nhân bản.
Tống Mai
ThíchThích
Cám ơn bạn Tống Mai.
ThíchThích
From:NguyenMinhNguyet
Sep 20, 2015
Kính anh Lân ,
Nguyệt ở Bourges , biết là có thể ra các tiệm sách quen để commander sách ” De Père Inconnu ” của anh nhưng Ng muốn một cuốn có chữ ký của tác giả thì Ng sẽ hỏi mua ở đâu để có.Mong anh chỉ dẫn.
Ah , Ng cũng là ” fan ” của anh về âm nhạc và có abonner chaine youtube của anh , ngày hôm qua anh mới post lên ” Tà áo cưới ” nhưng Ng không thích bài này lắm , Ng rât’ thích nghe anh hát nhạc của anh TCS và Ngô Thụy Miên .
Chúc anh và gia đình luôn an vui.
MN.
ThíchThích
Cám ơn Nguyệt muốn mua sách. Cho tôi địa chỉ tôi gửi sách với chữ ký (cho biết muốn tôi viết tên như thế nào). Khi nhận được sách thì gửi chèque 35 euros (30 + 5 frais de port).
Liên lạc qua email tiện hơn : lan_phamngoc@yahoo.com
Thân mến,
PN Lân
ThíchThích